Saturday, May 4, 2013

Đâu rồi thành quả của Cách mạng tháng tám?



Đoàn Vương Thanh - Tôi viết bài này giữa ngày 30-4, kỷ niệm 38 năm ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng tôi chưa dám đề cập đến những vấn đề “nóng hổi” trong sự nghiệp thiêng liêng ấy, chỉ dám nói về một khía cạnh mà chính Đảng lãnh đạo nhiều năm đã thi hành, có ưu có khuyết, thậm chí phải đổi bằng cái chết của hàng nghìn đảng viên và cán bộ, quần chúng ưu tú. Đó là việc thi hành một cách giáo điều, tả khuynh, chủ quan, độc đoán lý thuyết của “ai đó” không phải người nước mình, tiến hành cuộc “đấu tranh giai cấp” rất khốc liệt, để lại những hậu quả cũng rất năng nề, mà trong lịch sử phát triển của dân tộc, các nhà sử học và nhân dân ta không thể quên !

Cuộc đấu tranh giai cấp dai dẳng, khốc liệt ấy kéo dài từ khi Đảng có Luận cương chính trị đầu tiên, dưới ngọn cờ “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại !” và “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”. Nhiều tác phẩm lý luận về đấu tranh giai cấp được in, phát hành và làm tài liệu hướng dẫn trong các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đảng viên, cán bộ, nhất là nó được áp dụng vào thực té cuộc sống, vào nhiều cuộc vận động “long trời lở đất” làm điêu đứng không biết bao nhiêu gia đình, bao nhiêu tầng lớp, bao nhiêu đảng viên cán bộ, trung kiên và làm thui chột bao nhiêu nhân tài của đất nước, như những người đứng tuổi và các lão ông lão bà còn nhớ rõ, chứ đối với lớp trẻ còn đi học hiện nay thì phải có sự giáo dục phân tích kỹ lưỡng thấu tình đạt lý thì các cháu mới có thể hiểu được.
Đã gần 40 năm (từ 30/4/1975), nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong khi bản chất của Đảng ngày càng thoái hóa, như có người đã nói “đảng viên nhan nhản, cộng sản thì không”, xây dựng “chế độ mới” không mới chút nào, lại còn có thể là độc tài toàn trị, điều mà Đảng vô cùng căm ghét chống lại. Bốn mươi năm qua, thực tế đất nước ta, cứ nói thật nhiều, nói thật to, tốn kém tiền của nhân dân để tuyên truyền, song kết quả thường được ít, rất ít hoặc ngược lại không được gì.
Ví dụ, ta “khuếch trương” ghê gớm kết quả “xóa đói giảm nghèo”, nhưng nhiều vùng, nhiều đối tượng nhân dân, và các cụ già em bé nhiều  chưa được ăn no, chưa được mặc ấm, học hành nhếch nhác khổ sở. Nhiều vị lãnh đạo cao của ta khi nghe và thấy tình cảnh ấy đã cảm động rơi nước mắt, nhưng sau khi các vị ấy lên xe về nhiệm sở thì mọi việc lại đâu đóng đấy. Người ta có thể bỏ ra (lấy được ở đâu mà bỏ ra ?”) hàng chục, hàng trăm tỷ xây biệt thự riêng, xây nhà thờ tổ này nọ, những lại không dám ký duyệt kinh phí xây dựng một cái cầu nhỏ bắc qua sông cho trẻ em đi học. Bên trên có quyết trợ cấp hàng tháng cho các cháu nội trú ở vùng này vùng khác, những mãi 6 tháng một năm, tiền chưa được rót về. Đói thì nhịn một bữa còn khó đằng này cứ phải chờ “ơn mưa móc” từ phương trời xã xôi nào ấy.
Còn một tầng lớp “đặc quyền đặc lơi” không mất mấy chất xám, không cần đầu tư trí tuệ và kết quả học vấn, chỉ là đầu tư luồn lọt, dựa thế, vây cánh, “lợi ích nhóm”, miệng thì luôn “cách mạng” luôn “liêm khiết”, luôn “chí công vô tư” nhưng trong hành động thì không từ một thủ đoạn nào, từ bản thân, từ con cháu, từ anh em, từ vây cánh…tìm mọi cách vơ vét, bòn rút ngân sách, của cải của nhân dân, tham nhũng vô vàn để giầu lên, được đứng trong đội ngũ những người giầu có ở Việt Nam. “Đảng cho phép làm giầu, tôi là đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng, có chút xíu dành lại cho con cháu…” Họ còn giầu lên từ cơ chế, chính sách, từ cho phép trả lương ngất ngưởng, cho phép “buôn lậu” vàng, buôn lậu xăng dầu, cho phảy phết nâng cao không ngừng giá bán điện…Tất cả giá cả các mặt hàng thiết yếu chỉ có tăng mà ít khi có giảm hoặc tăng tiền nghìn, giảm
tiền đồng…
Độ mười năm qua, tầng lớp cán bộ xã, thôn ở quê tôi được quy hoạch vào “Khu công nghiệp” dựa vào chuyển nhượng đất đại cho doanh nghiệp công nghiệp dịch vụ nhằm tiến lên công nghiệp hóa, ai cũng có một vài xuất đất mua giá 50 triệu bán 750 triệu, 800 triệu thậm chí một tỷ đồng/100-150 mét vuông tùy theo địa hình, địa mạo. Trong khi đó, lương phần cứng của nhiều “sếp” hàng mấy trăm triệu một tháng, còn công nhân “giai cấp lãnh đạo” làm việc tại các công ty nhà máy hầu hết do tư nhân đầu tư xây dựng chỉ từ 3 triệu đến 4 triệu đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ có “khoán” đến hộ nông dân và cởi trói nhiều mặt nên sản xuất thường là đủ ăn, nhưng bây giờ lại bị thu hồi hết đất, họ loay hoay kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi. Một trăm thứ nghề được phát triển, kể cả làm cái nghề “bán trôn nuôi miệng” hoặc là xin đi lấy chồng hoặc làm ô-xin ở Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nơi khác. Dân Việt Nam bây giờ được tham gia xây dựng “chủ nghĩa xã hội” mà nhiều người còn khổ như  trâu, ngựa…
Tự nhiên đời sống giầu nghèo sinh ra những tầng lớp, những giai cấp khác nhau, có giai cấp quý tộc mới, địa chủ mới, tư bản đỏ thì tất nhiên có giai cấp công nhân làm thuê, có tầng lớp cán bộ đè nén ức hiếp dân, có người giầu khinh người nghèo, thậm chí cậy có của áp bức người nghèo. Nghèo sinh ra trộm cướp, vào “xã hội đen”,  phạm tội không có tiền chạy chọt thì cứ việc ngồi bóc lịch. Thế cho nên, biết là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nhưng có người hết hạn tù được tha lại xin ở lại trại vì về nhà vợ đã bỏ, con đi bụi đời, nhà cửa không có, nghề nghiệp không, lấy gì mà sống- “cứ cho em ở lại trại làm chân quét dọn cũng được miễn là có ngày hai miếng cớm ăn!” Chao ôi thật cám cảnh !
Ngày xưa, ta có tiêu chuẩn quy định thế nào là giầu, thế nào là nghèo. Ngày nay, ta có nên khôi phục lại cái tiêu chuẩn ấy không ? Giầu nghèo sinh ra giai cấp. Ở ta đa phần giầu có do tham ô, tham nhũng, buôn lậu, lừa lọc mà có; Đa phần nghèo không do lười biếng, không biết làm ăn mà bị bóc lột bị trấn lột bị ăn cướp. Cuộc Cách mạng tháng tám là để giành lại công bằng bác ái cho nhân dân, xóa bỏ bóc lột và người cày có ruộng… 65 năm qua thành quả cuộc Cách mạng ấy đã biến mất không còn dấu tích. Đó là một sự thật.
Đề thực hiện khẩu hiệu “công bằng, dân chủ văn minh”, hãy khoan nói đến : “dân chủ”, “văn minh” mà chỉ nói đến “công bằng” thôi, liệu chúng ta có nên tiến hành một cuộc “đấu tranh gia cấp” trong tình hình mới nữa hay không?
© Đoàn Vương Thanh
Tác giả gửi cho Quê Choa

No comments:

Post a Comment