Charlie Nguyễn - Thiếu vắng nền giáo dục theo phương pháp dân chủ ở môi trường gia đình, chúng ta vô tình tiếp tay với đảng CSVN tạo dựng những thế hệ ù-lì chỉ biết ngậm miệng vâng lời. Đó là mô hình đảng CSVN mong muốn - toàn dân 90 triệu con người câm lặng vâng lời cho dù đảng làm những việc sai trái. Giáo dục dân chủ là điều cần thiết cho sự phát triển xã hội lành mạnh, nó là nền tảng sáng tạo đưa đất nước tiến lên về lâu về dài. Để đem dân chủ đến xã hội, chúng ta cần đem dân chủ đến môi trường gia đình trước đã. Chúng ta có trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn con cái về dân chủ, không chỉ qua lời nói nhưng bằng sự thể hiện dân chủ trong phương cách sống và những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày...
*
Chúng ta đã được học từ bé truyền thống nho giáo "tiên học lễ hậu học văn." Điều này đã trở thành nếp sống của hầu hết mọi người, nó nói lên sự tôn ti trật tự trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chúng ta phải trân trọng những lời dậy của Thánh Hiền và các bậc tiền bối, nhưng nhiều người đã không hiểu những lời dậy này đúng theo ý nghĩa của nó. Tiên học lễ hậu học văn nói lên sự tôn trọng lẫn nhau vì lễ đi trước. Trong cách hành sử hằng ngày, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, tôn trọng lẫn nhau là điều mọi người cần phải thực hành trong mọi tình huống. Tôn trọng đòi hỏi từ cả hai phía, điều này chưa được thể hiện đúng mức ở nhiều gia đình cũng như ngoài xã hội - thường thì người lớn nói, nhỏ phải nghe; cấp trên nói, nhân viên phải nghe; chính phủ nói, dân phải nghe... và không được cãi cho dù những điều nói ra là sai, không đúng sự thật, thiếu trung thực, không có cơ sở lý luận. Vì sự tôn trọng chỉ được thể hiện ở một phía - phía của kẻ yếu, chúng ta chưa thực hiện đúng lời dậy của Thánh-Hiền. Khi sự tôn trọng không được thể hiện đúng mức, chúng ta sẽ thấy những hiện tượng "làm lớn thường hay làm láo" lan tràn trong xã hội ở mọi tầng lớp; điển hình cụ thể mới đây là TBT của đảng CS, đồng thời là GS Tiến sĩ đã phê phán nhân dân thiếu đạo đức trên TV. Đấy, lãnh đạo đất nước với học hàm Ts mà vẫn chưa hiểu những điều dậy cơ bản trong cách hành sử - không khiếm nhã; không phân biệt tuổi tác, trình độ văn hóa, chính kiến, Tôn giáo, sắc tộc, địa vị...
Trong nhiều gia đình Việt Nam, ông bố to như ông vua - bố phán điều gì con cái phải nghe theo, dù bố sai bét con cái vẫn phải câm miệng không được nói lại. Chính môi trường gia đình như thế cho chúng ta thấy vấn đề dân chủ nơi xã hội còn là ý tưởng khá xa vời. Mỗi gia đình là một thành phần của cấu trúc xã hội, nó là một xã hội thu nhỏ; do đó nếu dân chủ chưa được bắt đầu từ gia đình, chúng ta khó có thể cậy trông vào sự phát triển dân chủ nơi xã hội, đất nước.
Dân chủ được hình thành qua giáo dục không chỉ ở nhà trường nhưng quan trọng hơn là ngay từ môi trường gia đình. Theo những nghiên cứu về phát triển tâm lý, trẻ em hình thành phần lớn tư duy của chúng khi còn rất bé. Đây là khám phá đã gây nhiều ngạc nhiên, trẻ em vì chưa đủ khả năng ngôn ngữ để trình bày suy nghĩ của chúng, nhưng không có nghĩa là chúng chưa có tư duy. Nhà tâm lý gia Carl Jung đã khẳng định rằng: "Trẻ em học hỏi qua chính cuộc sống và hành động cụ thể của người lớn chứ không phải qua lời nói của họ." Vì thế mối quan hệ của con trẻ với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà là nền tảng giáo dục, và là cơ cấu cho sự phát triển tư duy dân chủ của trẻ em. Theo nhà giáo dục Paul Wellstone thì giáo dục và dân chủ có cùng một mục đích, đó là kiến tạo nên những con người toàn diện; do đó chúng ta không thể tách rời giáo dục với dân chủ. Chúng ta cần hiểu thế nào về dân chủ trong môi trường giáo dục gia đình?
Khalil Gibran, một thi sĩ và đồng thời cũng là nhà văn nhiều tên tuổi của Thế giới. Ông sanh ra ở Lebanon nhưng được ăn học và lớn lên ở Mỹ, thấm nhuần giáo dục của cả hai nền văn hóa Ả-Rập và Âu-Mỹ. Ông chết ở tuổi còn trẻ - 48, nhưng đã để lại một kho tàng sáng tác lớn cho nhân loại. Trong tác phẩm nhà Tiên Tri (The Prophet), có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, có đoạn nói về con trẻ (xin phỏng dịch):
Và người đàn bà ôm đứa con nhỏ trong lòng hỏi, "Này Tiên Tri hãy nói cho chúng tôi về con trẻ." Và Tiên Tri trả lời:
Con cái của bà không phải là của bà
Chúng là con trai con gái của Đời (Tạo Hóa) đã sắp đặt.
Chúng đến thế gian này qua bà nhưng không phải từ bà,
Và mặc dù chúng ở với bà, thế nhưng chúng không thuộc về bà.
Bà có thể cho chúng tình yêu, nhưng bà không thể cho chúng suy tư của bà.
Vì chúng có suy nghĩ của riêng chúng.
Bà che chở thân xác chúng, nhưng bà không thể chở che tâm hồn chúng,
Vì tâm hồn chúng ngự ở tương lai, nơi bà sẽ không thể đến, ngay cả trong giấc mơ của bà.
Bà có thể cố gắng để giống như chúng, nhưng đừng mong chúng sẽ giống như bà.
Vì cuộc đời không bao giờ chảy ngược, và ngày hôm qua không bao giờ trở lại.
Bà là cánh cung, cho con trẻ như những mũi tên sống bay về phía trước.
Đấng Tạo Hóa nhìn xa muôn dặm, và Ngài dương cung với sức mạnh thần kỳ, cho mũi tên bay lẹ bay xa.
Hãy đặt niềm tin phó thác nơi Tạo Hóa;
Ngài yêu mũi tên bay xa thế nào thì Ngài cũng yêu cánh cung vững chãi như thế.
Qua bài thơ này, Gibran đã chia sẻ với chúng ta cái nhìn rất dân chủ của ông về môi trường gia đình, và chúng ta phải nhận rằng đây là sự thật xé lòng. Càng ngẫm nghĩ chúng ta càng cảm nhận sự thâm thúy của ông - cả một triết lý giáo dục gia đình được trình bày ngắn gọn trong một bài thơ như thế. Triết lý giáo dục này là tinh hoa mà ông đã lãnh hội và khai triển từ hai nền văn hóa rất khác nhau - Ả-Rập và Âu-Mỹ.
Vấn nạn của nhiều gia đình ở mọi nơi là do thiếu sự tôn trọng hài hòa trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ thường vấp phải lầm lỗi là đã không nhìn nhận con cái của mình như những con người độc lập. Hầu hết cha mẹ luôn nghĩ con mình thuộc về mình - chúng phải nghe lời mình; chúng phải kết hôn với người mình chọn; chúng phải học chuyên ngành mình muốn; chúng ta muốn con cái làm điều ta muốn. Chúng ta quên rằng mỗi con người là một nhân vật sống động không thuộc về ai cả, nhưng thuộc về Đời - Đấng Tạo Hóa. Triết lý sống trong bài thơ này bộc lộ một tình yêu thương trưởng thành - can đảm chấp nhận con mình không thuộc về mình. Chỉ có tình yêu thương trưởng thành như thế chúng ta mới có thể tạo nên môi trường sống tự do và dân chủ trong gia đình.
Nếu chúng ta coi con cái như là của riêng của mình và mình là chủ, chúng ta vô tình biến con cái thành vật sở hữu, như thế có khác gì nhà nước CS đang coi người dân? Đảng CS đã và đang coi người dân như những vật sở hữu mà họ làm chủ, chính vì thế họ mới có những lời tuyên bố rất ngạo mạn như "sự lãnh đạo của đảng là tất yếu lịch sử." Trong thực tế, ai cho đảng lãnh đạo nếu không phải nhân dân? Đảng từ đâu ra nếu không phải từ nhân dân, chẳng lẽ ở trên trời rớt xuống? Đảng không đối xử với nhân dân như những con người độc lập với quyền sống dân chủ căn bản. Đảng coi dân như những cỗ máy kinh tế theo lời dạy của chủ thuyết duy vật. Ngược hẳn với Marx, người đã kết luận Tôn giáo là thuốc phiện; Alexis de Tocqueville, nhà tư tưởng chính trị đã nhận định rằng: "Tự do đích thực sẽ không thể có nếu xã hội vắng bóng luân lý, và luân lý sẽ không thể có nếu con người không có niềm tin nơi Tạo Hóa." Chính vì thế khi một thể chế loại trừ Đấng Tạo Hóa ra khỏi đời sống của nhân dân, chính thể đó cũng tước bỏ luôn quyền sống tự do dân chủ của nhân dân. Đây là sự thật của xã hội Việt Nam từ nhiều thập niên qua.
Thiếu vắng nền giáo dục theo phương pháp dân chủ ở môi trường gia đình, chúng ta vô tình tiếp tay với đảng CSVN tạo dựng những thế hệ ù-lì chỉ biết ngậm miệng vâng lời. Đó là mô hình đảng CSVN mong muốn - toàn dân 90 triệu con người câm lặng vâng lời cho dù đảng làm những việc sai trái. Giáo dục dân chủ là điều cần thiết cho sự phát triển xã hội lành mạnh, nó là nền tảng sáng tạo đưa đất nước tiến lên về lâu về dài. Để đem dân chủ đến xã hội, chúng ta cần đem dân chủ đến môi trường gia đình trước đã. Chúng ta có trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn con cái về dân chủ, không chỉ qua lời nói nhưng bằng sự thể hiện dân chủ trong phương cách sống và những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày.
No comments:
Post a Comment