Nòng Nọc - Khổng Tử dạy rằng, người quân tử là người có ba đức tính lớn: Nhân, Trí, Dũng. Thế nhưng sau này, Mạnh Tử - một nhà nho mang nặng tư tưởng của tôn giáo và sự ảnh hưởng của những lễ giáo Phong Kiến - sợ rằng có nếu quá ca ngợi cái “Dũng”, kẻ dưới, kẻ yếu có thể dám chống lại cả bề trên, khi nhận thấy bề trên là kẻ vô đạo. Vì vậy, để phục vụ cho tự tưởng “Quân, Sư, Phụ” mà Mạnh Tử chỉ nêu những đức tính mà người quân tử cần có bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đức tính “Dũng” đã bị xem nhẹ vì sự áp đặt và quyền lợi của giai cấp phong kiến muốn thống trị người dân bằng đặc quyền lâu dài.
Có lẽ sẽ là rất buồn cười nếu có bác nào đó nói với tôi rằng, phụ nữ biết gì mà bàn về quân tử? thời Phong Kiến, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Tôi xin mở một dấu ngoặc cho bài viết này của mình là “bây giờ là thế kỷ 21 rồi”, bao nhiêu nước đang rơi vào tình trạng “dương thịnh, âm suy”; và trong tương lai gần Việt Nam cũng trở nên khan hiếm phụ nữ. Chẳng có một bằng chứng nào về di truyền học, về giải phẫu học, về nhân chủng học nói rằng phụ nữ kém cỏi hơn nam giới về trí tuệ, về sự nhanh nhẹn sắc sảo trong việc ra quyết định về cái uy dũng, thần thái của một người quân tử cả. Vì vậy, khái niệm này tôi xin bàn đến chung cho cả hai giới, nam cũng như nữ.
Như thế, khái niệm người quân tử cũng không phải là đặc quyền chỉ tồn tại ở nam giới mà thôi.
Khái niệm của Khổng Tử về ba đức tính cơ bản của con người, “Nhân thì không lo, Trí thì không nghi ngờ, Dũng thì không sợ” (Quân tử đạo hữu tam: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ).
“Nhân” là lòng thương yêu giúp đỡ người; có “nhân”
“Trí” là hiểu biết, phân biệt rõ đúng, sai, hay, dở; có trí sẽ không bị nhầm lẫn, không đi sai đường khiến lầm lẫn cuộc đời.
“Dũng” là gan dạ, dám vượt mọi khó khăn, gian nguy; có dũng sẽ không biết sợ: không sợ gian lao, không sợ cường quyền, bạo lực cho dù phải hi sinh cả tính mạng cũng vẫn ngang nhiên và kiên trì đi theo con đường mà mình lựa chọn.
Thế nhưng trong ba phạm trù trên, cái nào quan trọng hơn và cần thiết hơn hay có giá trị tương đương? Ở đây rõ ràng, thiếu một trong ba đặc tính Nhân, Trí, Dũng chúng ta đều phải thừa nhận rằng đó không phải là một người quân tử. Cả ba đặc tính đó là điều kiện cần và đủ của một một đấng trượng phu đúng cách.
Nhân - nếu đòi hỏi triệt để phải có trí, sự có mặt cả hai đặc tính này giúp người đó tìm ra được cách giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu, thiết thực nhất. Nếu có thêm có dũng (gan dạ, kiên trì thực hiện ý định giúp người) thì họ sẽ giúp người đó đến cùng. Nếu chỉ có Nhân thì thường con người dễ bị ủy mị, bị tình cảm chi phối mà thiếu sự phán xét của lý trí.
Nếu một cá nhân nào có chỉ có Dũng, gần như mọi thứ cao đẹp đều bị dẹp bỏ. Dũng khi đó trở thành thứ tính cách ngang tàng, liều mạng, đôi khi là một kẻ gàn bướng, cố chấp, nó trái ngược hoàn toàn với phong thái của người nho nhã, trượng phu. Nói không ngoa, Dũng chỉ có giá trị đạo đức khi phục tùng Trí và Nhân. Dũng là cái nền để Nhân và Trí được bộc lộ, là điểm tựa cho Nhân và Trí toả sáng.
Tuy nhiên, nếu có cả hai phẩm chất Nhân và Trí mà không có Dũng thì sao? Chỉ có Nhân mà không có Dũng là kẻ nhu nhược yếu hèn, ủy mị, chỉ có Trí mà không Dũng là kẻ khôn lỏi, lọc lừa, dùng trí khôn và kiến thức của mình chỉ nhằm mục đích vụ lợi, luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, kẻ chỉ có trí mà vô dũng giống như một loại tắc lè hoa, a dua theo kẻ mạnh, dù biết kẻ mạnh sai trái; khiếp sợ, bạc nhược trước cường quyền bạo lực, dễ đánh mất mình. Nếu kẻ đó lại thiếu thêm chữ Nhân thì đây thực sự là mối nguy hiểm, là thảm họa cho nhiều người.
Sẽ có nhiều người nghĩ rằng, đàn ông thường có lợi thế hơn hẳn phụ nữ ở hình thể, hay có võ nghệ nên họ mới cam đảm, mới có Dũng. Nghĩ vậy là lầm! Cơ bắp hay võ nghệ chỉ yểm trợ phần nào cho sự can đảm mà không thể sánh với lòng can đảm, với cái Dũng được. Biết bao người sức trói gà không chặt mà thừa lòng can đảm, đến nỗi những kẻ đầy võ nghệ, đầy uy quyền cũng vẫn bị khuất phục.
Một tích xưa kể rằng Tần Thủy Hoàng muốn chiếm Anh Lăng nhưng không muốn đánh mà dùng kế, sai người đến bảo An Lăng quân:
- Vua ta muốn đem 500 dặm đất để đổi lấy đất An Lăng là 50 dặm, mong ngài hãy bằng lòng.
An Lăng quân không chịu và nói:
- Cảm ơn nhà vua đã gia ân. Đất tôi dù có 50 dặm nhưng vẫn là đất của tổ tiên để lại, không thể vâng mệnh.
Vua Tần nổi giận, sửa soạn cất quân đi đánh. Bấy giờ có một người áo vải già nua tên là Đường Thư vào xin An Lăng quân để đi sứ sang thuyết vua Tần. Vua Tần nói:
- An Lăng quân khinh ta chăng mà không chịu đổi 50 dặm để lấy mảnh đất rộng gấp mười? Cỡ như Hàn, Ngụy ta còn diệt huống gì đất An Lăng?
Đường Thư nói:
- Không phải! An Lăng quân nhận đất của Tiên vương nên phải giữ, dẫu nhà vua đem ngàn dặm cũng không đổi chứ đừng nói 500 dặm.
Vua Tần nổi giận trợn mắt hỏi Đường Thư:
- Tên già ngu ngốc kia, ngươi có biết thiên tử giận thì sao không?
- Thì sao?
- Thiên tử mà giận một cái thì thây phơi trăm vạn, máu loang ngàn dặm.
Đường Thư ôn hòa hỏi lại:
- Đại vương có biết hạng áo vải nổi giận thì sao không?
Vua Tần lồng lộn lên đáp:
- Tụi áo vải mà giận thì chỉ lột mão, cởi dép, dập đầu mà lạy!
Đường Thư nhếch mép cười:
- Cũng có thật! Nhưng đó chỉ là bọn thất phu. Chứ kẻ sĩ giận thì khác. Lúc Chuyên Chư đâm Vương Liễu thì sao chổi lấn át mặt trăng; lúc Nhiếp Chính đâm Hiệp Lũy thì cầu vồng trắng vắt ngang qua mặt trời; lúc Yếu Ly đâm Khánh Kỵ thì chim ưng xanh đá nhau trên điện. Ba vị đó đều kẻ sĩ áo vải, lòng nén uất nên trời mới hiện lộ những điềm như vậy. Nay sắp có thêm tôi nữa là bốn. Kẻ sĩ mà nổi giận thì thây nằm hai cái, máu loang năm bước, thiên hạ để tang, tức như hôm nay.
Nói rồi tuốt gươm đứng lên. Vua Tần sợ quá nhũn người quỳ xuống tạ lỗi:
- Thôi, thôi! Mời tiên sinh ngồi! Làm gì đến nỗi như vậy! Quả nhân hiểu rồi. Hàn, Ngụy bị diệt mà An Lăng quân chỉ có 50 dặm đất mà vẫn giữ được chính là nhờ có tiên sinh đó!
Hôm qua, xem ti vi, nhìn thấy cái cách cười, cái thần thái, cái uy dũng của bác cựu bộ trưởng bộ tư pháp nhà ta, Ts. Nguyễn Đình Lộc, một trong 72 vị trí thức khởi xướng “kiến nghị 72” mà tôi chạnh lòng. Tự hỏi, thế lực nào khiến ông, một người ngồi ở chức phẩm tương đương hàng Thượng Thư ở triều đình phong kiến, thừa tri thức để phán đoán việc đúng việc sai, thừa kinh nghiệm để hiểu được hành động trả đũa của đối phương nếu có, thừa tuổi tác để hiểu được câu danh ngôn “ngựa chết để da, người chết để tiếng” lại co dúm tội nghiệp đến thế, cười cười nói nói ngập ngừng:
“…nhưng thật ra thì đến đấy mới được lên trưởng đoàn, đến lúc trao thì mới được lên trưởng đoàn. Còn trước đó thì thật ra những cái bản ấy tôi không tham gia. Tôi không tham gia”.
một cách khiên cưỡng? điều gì đã khiến ông rụt rè, khiếp nhược chỉ trong một thời gian quá ngắn mới có 2 tháng 4 ngày khi thời hạn góp ý vẫn chưa kết thúc?
Ngẫm ra, cái “Dũng” của một cô Phạm Thanh Nghiên yếu đuối, của một Lê Thị Công Nhân nhỏ nhắn, của một Nguyễn Thị Minh Hạnh mỏng manh,… nó mới quý giá và cao đẹp làm sao? Cái Dũng đó hóa ra chẳng phải là “đặc sản” chỉ gắn cho những người mang danh là nam nhi chi chí, trí tuệ hơn người, quyền cao chức trọng, bằng cấp tột bực, quyền uy lẫy lừng. Phải chăng ông Lộc thiếu nó vì chữ “Nhân - tình yêu thương đồng bào mình” của ông vẫn còn chưa đủ lớn?
No comments:
Post a Comment