Ngô Nhân Dụng - Sau này lịch sử Việt Nam sẽ ghi nhận trong thế kỷ 20 diễn ra một vụ cướp đất khổng lồ do đảng Cộng sản Việt Nam chủ động, bắt đầu từ năm 1952, được điều chỉnh năm 1980, và cho tới đầu thế kỷ 21 vẫn còn gây ra cảnh tượng đầy máu và nước mắt. Việc thi hành vụ cướp đoạt đất đai này dựa theo mô thức của cộng sản Liên xô, Trung Quốc, sử dụng đủ các khẩu hiệu, thủ đoạn, và luật lệ của nước đàn anh. Công cuộc cướp đất kéo dài hơn nửa thế kỷ, đã tạo ra những cảnh đớn đau oan khuất, như sắp diễn ra trong phiên xử ông Đoàn Văn Vươn tại Hải Phòng.
Bà Trần Thị Mạp mới gửi một thư nhỏ tới “Toàn thể mọi công dân Việt nam,” và gửi tới cả “Những người có lương tâm trong hệ thống công quyền,” để, “Xin hãy cứu lấy các con, cháu tôi.” Bà là người mẹ già 85 tuổi của các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, sắp bị truy tố ra tòa án Hải Phòng về tội “giết người,” sẽ bị xử với các đứa cháu Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ. Tội giết người có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Mọi người Việt Nam có lương tâm đều nhớ câu chuyện xẩy ra 15 tháng trước đây. Gia đình Đoàn Văn Vươn, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã nghe theo chính sách của nhà nước cộng sản; trong mấy chục năm dùng sức lao động ngăn nước mặn, tạo nên một khu đầm nuôi tôm tại khu bãi bồi ngoài đê biển. Có người con nhỏ trong gia đình đã chết, như bà Trần Thị Mạp viết: “Ở đó đã thấm máu và tính mạng của các con và cháu tôi.” Tháng Giêng năm ngoái, chính quyền đã đưa công an, bộ đội tới “cưỡng chế” lấy lại gần 20 mẫu (ha) đất đầm nuôi thủy sản của họ. Các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã dùng chất nổ và súng nhỏ chống cự nhưng không gây thưng tích nặng cho ai cả. Vụ cưỡng chiếm này đã làm chấn động dư luận trong nước; ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải họp báo ngay và tuyên bố thẳng rằng hành động chiếm đất này “là việc làm trái cả pháp lý và đạo lý.”
Nhưng bây giờ cả gia đình họ Đoàn bị đem ra xét xử về tội “giết người” và hai người con dâu, Phạm Thị Báu (ông Quý), Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) sắp bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ.” Nhóm cán bộ từ huyện đến xã sau đó sẽ bị đem ra xử về tội “Hủy hoại tài sản và Thiếu trách nhiệm hây hậu quả nghiêm trọng.” Nếu bị kết tội thì họ chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ nhiều nhất là 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Pháp lý và đạo lý đâu không thấy, chỉ thấy hành động côn đồ cướp đất.
Bà Trần Thị Mạp còn kêu gọi “Toàn thể giáo dân, các tín hữu và các chức sắc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam” hãy cứu các con, các cháu bà. Hai Linh mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi ở Huế đã lên tiếng: “Đây là sự thóa mạ công lý, thách thức công luận, chà đạp nhân quyền và vi phạm luật pháp quốc gia … một cách ngang nhiên trắng trợn. Đây cũng là sự bao che lấp liếm, cho hành vi đàn áp nhân dân và cướp bóc tư sản, của nhà cầm quyền địa phương.”
Từ hơn một năm qua, dư luận cả nước Việt Nam đều đồng ý là hành động của gia đình Đoàn Văn Vươn chỉ là phản ứng nóng nẩy của những người dân bị cưỡng chiếm đất đai một cách phi pháp, của một guống máy nhà nước độc quyền, vô đạo. Họ cũng gây phẫn uất cho nông dân khắp nơi, gần đây nhất là hàng ngàn nông dân ở Phước Long, Thủ Thiêm, Văn Giang, Vụ Bản, Dương Nội, vân vân, đã biểu tình, bạo động. Riêng gia đình Đoàn Văn Vươn vì thế cô, sức yếu, bị chính quyền từ huyện xuống xã đe dọa, đàn áp, kêu oan tới đâu cũng không hiệu quả, cho nên phải sử dụng vũ khí để bảo vệ thành quả bao nhiêu công lao động của họ trong hơn 20 năm trời. Khi người dân thấy việc tranh đấu “từ bên trong hệ thống” không có kết quả, nỗi uất ức không thể nào giải tỏa, họ phải tranh đấu ở “bên ngoài hệ thống.”
Việc đưa gia đình Đoàn Văn Vươn ra tòa sẽ khiến mọi người dân Việt Nam phải thấy rõ một sự thật. Sự thật là, sau cùng, chỉ còn cách phải “tranh đấu đòi thay đổi tất cả hệ thống.” Vì cả hệ thống luật lệ hiện nay được đặt ra để bảo vệ quyền hành và lợi lộc của đám quan chức, cán bộ trong Đảng Cướp Đất, bất chấp liêm sỉ và đạo lý.
Điều này càng thấy rõ qua màn kịch “Sửa đổi hiến pháp” đang được một cơ quan của đảng cộng sản là “quốc hội bù nhìn” đem ra trình diễn. Một điều trong bản hiến pháp ra đời năm 1980 đã tước bỏ quyền sở hữu đất đai của dân Việt Nam. Như bản kiến nghị của 72 nhân sĩ và trí thức trong nước nhận xét: “Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam 1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội.”
Việc sao chép hiến pháp Liên Xô chỉ là một bước trong quá trình cướp đất của đảng Cộng sản. Trở về từ năm 1930, một khẩu hiệu đầu tiên của đảng Cộng sản là “Lấy ruộng đất trả về tay dân cầy.” Năm 1952, họ tiến bước đầu tiên trong quá trình cướp đất. Hồ Chí Minh đã viết thư riêng hai lần, nộp trình bản dự thảo Luật Cải cách Ruộng đất” cho Stalin xin ý kiến, trước khi thi hành. Cuộc cải cách “long trời lở đất” này, duới sự chỉ đạo của các cố vấn do Mao Trạch Đông cử sang, đã cướp hết ruộng đất từ tay các địa chủ. Nhưng họ không hề trả ruộng cho dân cầy làm chủ. Bước thứ hai là họ “tập thể hóa” ruộng đất, theo chương trình mà Stalin đã thi hành trong thập niên 1930 khiến hàng chục triệu nông dân Liên Xô chết đói. Chương trình này khiến nông dân miền Nam cũng đói, dân Thanh Nghệ đã nhiều người chết đói. Tóm lại, đảng Cộng sản đã cướp đất của các địa chủ, nhưng không có khả năng sử dụng hiệu quả cho nên làm dân chết đói. Hiến pháp 1980 mô phỏng Liên Xô là bước thứ ba trong công cuộc cướp đất trường kỳ của đảng. Đoàn Văn Vươn, và các nông dân ở Dương Nội, Phước Long, Văn Giang, đều là nạn nhân của vụ cướp đất vĩ đãi này.
Như 72 nhà trí thức trong nước mới nhận định, dự thảo sửa đổi hiến pháp của đảng cộng sản không những giữ nguyên quy định kiểu Liên Xô mà còn trao thêm vũ khí cho các quan chức để kéo dài cuộc cướp đất cho phù hợp với tình thế mới. Các nhân sĩ vạch ra là điều 57 trong dự thảo hiến pháp mới ghi rõ hơn: “Đất đai tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu toàn dân cho Nhà nước đại diện chủ sở hữu.”
Nhà nước đóng vai đại diện cho chủ sở hữu, cho toàn dân. Nhưng “Chủ sở hữu” nghĩa là gì? Người chỉ biết một chút về luật pháp cũng hiểu rằng trong quyền sở hữu có hai điều quan trọng nhất dành cho người chủ. Một là quyền sử dụng, hai là quyền chuyển nhượng, mua bán. Khi nói “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thì guồng máy nhà nước, do đảng Cộng sản giữ trong tay, sẽ nắm cả hai quyền đó. Họ nắm quyền cho phép ai được sử dụng. Họ nắm quyền thu hồi quyền sử dụng của người này, chuyển cho người khác, dù đất đai, ruộng nương đã được người dân đổ mồ hôi khai phá, cải thiện, nâng cao giá trị.
Nắm quyền “đại diện chủ sở hữu” nghĩa là tất cả đất đai, tài nguyên của quốc gia đều thuộc vào tay ông chủ mới, đó là guống máy nhà nước do đảng Cộng sản dựng lên. Ông địa chủ vĩ đại này nắm toàn quyền trên ruộng đất, rừng biển của toàn dân. Ông địa chủ vĩ đại có quyền cho người Trung Quốc vào thuê rừng trồng cây theo nhu cầu và kế hoạch của họ. Ông nắm quyền đòi lại đất người này đang dùng để trao cho người kia khai thác. Ông địa chủ vĩ đại đó, cụ thể là ai? Đó là tất cả các cán bộ quan chức đang nắm quyền. Vì vậy, các quan chức huyện Tiên Lãng đã nhân danh “Ông địa chủ vĩ đại” đòi trục xuất gia đình Đoàn Văn Vươn ra khỏi 20 mẫu đầm nước mà họ đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt khai phá trong mấy chục năm.
Hiến pháp của đảng Cộng sản đã trao toàn quyền sử dụng và quyền chuyển nhượng đất đai vào tay các cán bộ. Họ thu hồi đất của nông dân, trao cho các nhà tư bản trong nước và nước ngoài sử dụng. Họ nhân danh cái gì mà làm như vậy? Họ có sẵn trong tay cả một hệ thống luật lệ và dùng một đám tay sai kể cả bọn côn đồ để thực hiện chính sách cướp đất.
Bản kiến nghị của 72 nhân sĩ và trí thức viết rằng bản Dự thảo Hiến pháp mới còn “hợp hiến hóa” công cuộc cướp đất, bằng cách mở rộng phạm vi áp dụng cho phép thu hồi đất để làm các “dự án phát triển kinh tế - xã hội.” Dự án nào thì đáng gọi là ““dự án phát triển kinh tế - xã hội?” Ai quyết định điều đó? Chỉ có đám quan quyền toàn quyền quyết định. Nghĩa là họ có thể cướp đất của dân rồi trao cho ai cũng được, nhân danh những “dự án phát triển kinh tế - xã hội!” Họ đã từng cho biến ruộng đất thành sân goff, xây cất các cư xá, nhà nghỉ mát đắt tiền, cho giới quý tộc mới hưởng thụ. Mỗi một công trường xây cất là cơ hội cho các quan chức từ trên xuống dưới chia nhau tham nhũng. Với mỗi chữ ký các cán bộ, quan chức đều được đánh giá bằng đô la! Nắm trong tay quyền cấp phát đất là nắm chìa khóa mở cửa kho vàng! Cho nên, khi Ngân Hàng Thế Giới nghiên cứu dư luận đã thấy dân Việt Nam nhìn bọn quan chức quản lý ruộng đất là bọn tham nhũng nhất, không kém gì đám cảnh sát giao thông. Nhưng các cảnh sát lưu thông còn phải cực nhọc đi đứng đường, rình rập, có ăn tiền cũng chỉ chấm mút được từng trăm ngàn đồng. Còn bọn quan chức ruộng đất chỉ cần ngồi trong phòng máy lạnh ký một chữ là kiếm hàng trăm ngàn đô la như không! Cho nên cụ bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi, đã nhận được các lá thư kêu oan vì bị cướp đất đến từ 57 tỉnh trong số 63 tỉnh ở Việt Nam. Cụ không ngần ngại tố cáo: “Họ nhân danh các dự án phát triển kinh tế - xã hội; nhưng tôi gọi đó chỉ ăn cướp!”
Vụ xét xử Đoàn Văn Vươn là một cơ hội để người Việt Nam đòi tái lập quyền sở hữu ruộng đất. Năm 2013 này là cơ hội phát động phong trào đòi quyền làm chủ đất. Vì đến năm nay, thời hạn cấp phát quyền sử dụng đất năm 1993 dang chấm dứt. Quốc hội bù nhìn tay sai của đảng Cộng sản sẽ làm một đạo luật triển hạn thời gian thêm 20 năm nữa, hoặc sẽ nới rộng ra thành 30 hay 50 năm. Nhưng dù có nới rộng, người dân được cấp quyền sử dụng cũng không biết bao giờ sẽ bị cướp mất, như Đoàn Văn Vươn đã phải gánh chịu. Đây là nguồn gốc của nỗi đau khổ mà hàng chục triệu nông dân đang gánh. Một nhóm người đã tước đoạt quyền làm chủ ruộng đất của nông dân từ hơn nửa thế kỷ. Đảng Cướp Đất đã cướp mất nguồn sống của bao nhiêu triệu người Việt Nam. Phải chấm dứt tình trạng bất công đó.
No comments:
Post a Comment