Trần Văn Minh - Muốn bảo vệ Biển Đông nói riêng và đất nước nói chung thì phải hiểu rõ tham vọng và chiến lược xâm lăng của Trung cộng (TC), hiểu rõ lập trường của các thế lực ngoại quốc mà VN có thể nhờ cậy và nhất là sự điều hành bảo vệ đất nước của ĐCSVN. Tìm hiểu ba yếu tố này thì toàn cảnh mối nguy bị xâm lăng mà dân tộc VN đang phải đối diện sẽ hiện rõ ra, đồng thời lối thoát cũng sẽ dễ thấy hơn.
I. Âm mưu xâm lược của Trung cộng
1. Tham vọng đường lưỡi bò
1. Tham vọng đường lưỡi bò
Trong vài năm trở lại đây, Biển Đông bỗng trở nên quan trọng vì giàu tài nguyên hải sản, dầu khí và là hải lộ vận chuyển thiết yếu cho các nước trong vùng. Đối với Trung cộng, Biển Đông đặc biệt góp phần vào sự phát triển và còn trở nên không thể thiếu trên con đường đi tới ngôi vị cường quốc thế giới. Vì thế TC đã cả quyết tuyên bố tất cả vùng biển bên trong đường lưỡi bò, bao gồm các hải đảo, là lợi ích cốt lõi của họ, với tổng diện tích bao trùm 80% Biển Đông.
Thoạt đầu khi TC trưng ra đường lưỡi bò thì tưởng chừng như chỉ là “tham vọng” và TC hoàn toàn không có khả năng đạt được mục tiêu. Nhưng nếu suy xét kỹ lưỡng thì có thể nhận ra âm mưu độc chiếm Biển Đông ẩn hiện trong mọi lãnh vực địa lý, ngoại giao, quân sự của họ và được tiến hành chậm rãi từng bước. Từ năm 1956 khi TC chiếm đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) tới nay, họ đã lợi dụng thời cơ từng bước lấn chiếm các hòn đảo ở Biển Đông mà kết quả là đã chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và tới nay, đã kiểm soát ¾ khu vực Trường Sa! (theo nguồn tin của Philippines). Ngày nay TC càng tỏ ra quyết đoán trong mọi lãnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao để xác định chủ quyền không thể chối cãi của họ vùng lưỡi bò. Điều này chứng tỏ họ đang thực hiện kế hoạch bá quyền khu vực: họ muốn là cường quốc duy nhất trong vùng Biển Đông và biển Hoa Đông.
Vấn đề chủ quyền hay sở hữu các đảo nhỏ, bãi đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được phân định rõ ràng trên bản đồ các quốc gia lân cận trên bình diện quốc tế. Có lẽ vì các đảo quá nhỏ, không có nước ngọt, quá xa bờ hay dân cư không thể sinh sống nên không có mấy nước để ý chiếm đóng. Nhưng kể từ khi kinh tế TC và các nước trong vùng phát triển mạnh thì nhu cầu dầu khí trở nên yếu tố sống còn, mà Biển Đông lại có khối dự trữ lớn. Bỗng nhiên các hòn đảo nhỏ xíu ở Biển Đông trở nên quan trọng. Tuy nhiên đối với TC, Biển Đông còn mang 2 ý nghĩa quan trọng hơn: là con đường hàng hải vận chuyển đa số nguyên liệu sản xuất và hàng hóa cho nền kinh tế TC và bàn đạp đầu tiên cần phải chinh phục để trở thành một cường quốc biển. Về quân sự, ý nghĩa chiến lược của việc chiếm hữu các hòn đảo ở Biển Đông là để đẩy lực lượng hải quân Mỹ ra khỏi khu vực, vì một khi TC xây dựng hàng loạt các cơ sở quân sự với các dàn hỏa tiễn chống hạm trên nhiều hòn đảo ở Biển Đông, thì hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ không dám mạo hiểm đi vào. Như thế là đã đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và hải quân TC sẽ làm chủ tình hình.
Do cần thiết phải chinh phục Biển Đông nên TC đã bất chấp luật lệ quốc tế (UNCLOS), ngang nhiên vẽ ra vùng lưỡi bò bao trùm toàn khu vực và dựa vào sức mạnh để lấn chiếm, hay nói cách khác TC chỉ dùng luật rừng. Đó là lý do tại sao TC luôn luôn tránh né các cuộc thảo luận quốc tế đa phương về Biển Đông để phân chia chủ quyền, thay vào đó họ khăng khăng lập trường đối thoại song phương; viện dẫn sự tranh chấp lãnh thổ là giữa TC với nước nào thì chỉ cần giải quyết riêng rẽ với nước đó. Bằng cách này, TC có thể dùng sức mạnh vượt trội của họ để lấn át đối phương. Từ nhiều năm qua, ASEAN và Mỹ đã cố gắng lôi kéo TC vào bàn hội nghị đa phương để giải quyết vấn đề Biển Đông nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả. Chủ đích của TC là mua thời gian để thực hiện công việc lấn chiếm từng bước, để đến khi, giả sử, nếu bị áp lực quốc tế tới mức bắt buộc phải ngồi vào bàn hội nghị đa phương thì quân đội TC đã có mặt trên hầu hết các hòn đảo, bãi đá ở Hoàng Sa, Trường Sa và hàng chục tàu hải giám TC ngang nhiên đi lại trên khắp vùng Biển Đông như vùng biển của họ, tới lúc này, thì dù có thương thảo cũng đã muộn, cuộc chiến cũng đã chấm dứt với toàn thể Biển Đông nằm gọn trong vòng kiểm soát của TC!
Khi đẩy được tàu chiến của Mỹ ra khỏi khu vực chưa hẳn là công việc đã hoàn tất vì Mỹ còn các mối liên minh quân sự, kinh tế với các nước trong vùng. Để loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi mọi lãnh vực, nếu đương đầu trực tiếp với Mỹ thì sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan, TC chọn phương pháp gián tiếp là nhắm vào các nước nhỏ lân bang, để dễ đè bẹp hơn. Vì khi đã làm chủ về lãnh hải, kinh tế vùng Biển Đông thì TC sẽ lợi dụng sức mạnh và ảnh hưởng của mình để áp lực những nước nhỏ phải từ bỏ liên minh với Mỹ. Khi Mỹ không thể liên minh với các nước trong khu vực thì coi như là sẽ mất dần ảnh hưởng và bị loại khỏi khu vực. Chiến thuật này cũng khá khả thi vì điển hình Úc hiện đang có giao thương kinh tế lớn lao với TC và do áp lực của TC, Mỹ đã không thể đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Úc được (chỉ được mượn tạm căn cứ quân sự của Úc thôi), cho dù Úc là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Á Châu.
2. Chiến lược tiến chiếm Biển Đông của TC
Từ khi kinh tế TC đạt được vị thế thứ nhì thế giới sau Mỹ vào năm 2010, phong cách và lời ăn tiếng nói của lãnh đạo TC đã thay đổi dần sang thế đàn anh nước lớn, răn đe các nước nhỏ trong khu vực và không còn che dấu tham vọng trở thành cường quốc đứng đầu thế giới. Đối với khu vực Đông Nam Á, mưu đồ bá quyền được thực hiện dưới hình thức thực dân kinh tế với sự phụ họa của lực lượng hải quân đóng vai trò hăm dọa. Đầu tư ngoại quốc của TC chú trọng vào vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên như: ở Miến Điện với các loại quặng mỏ và đập thủy điện, hay Việt Nam với dự án Bauxite do Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn. Cách thức TC thực hiện các công trình khai thác tại ngoại quốc thường là dùng công nhân người Hoa (di dân sang) là chính. Phương cách này nhằm thỏa mãn hai mục tiêu là giải tỏa áp lực nạn nhân mãn trong nước và cấy người để gây ảnh hưởng ở nước sở tại cho các nhu cầu về sau. Mặt khác, TC còn tìm cách đạt được những thỏa thuận thương mại có lợi để tiêu thụ hàng hóa thành phẩm từ TC bán sang. Đây là chính sách thực dân với chiếc áo mới nhưng cũng cùng mục đích cũ của chính sách thực dân là khai thác nguyên liệu sản xuất và bán lại thành phẩm. Những bước này là chính sách chung mà ta thấy TC áp dụng đối với tất cả các nước trên thế giới, ngay cả Mỹ! Riêng đối với VN thì, ngoài chuyện bị TC khai thác tài nguyên mọi mặt này, VN còn phải đối đầu với tham vọng chiếm hữu toàn vùng Biển Đông của TC.
Chiếm hữu Biển Đông là một chuyện không phải dễ dàng vì có sự hiện diện của Mỹ. Vì vậy TC đã phải ẩn mình một thời gian dài chuẩn bị để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân, không quân và thành lập đội tàu tuần duyên hùng hậu cho kế hoạch lấn chiếm Biển Đông. Ngày nay, hải quân TC là đội hải quân mạnh nhất Châu Á và đang trên đường cạnh tranh với Mỹ. Cho dù với quân lực hùng mạnh nhưng giải pháp quân sự là giải pháp nguy hiểm, tốn kém và còn có thể gây hại cho nền kinh tế đang trên đường đi lên. Bằng một cách “giảo hoạt” hơn, chưa có tiền lệ, TC sử dụng lực lượng hải giám bán quân sự. Với phương cách này, TC tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với hải quân Mỹ mà vẫn có thể đạt mục tiêu. Bắt nguồn từ chủ trương của Mỹ là chỉ quan tâm vấn đề an ninh hàng hải, miễn là không có xung đột quân sự thì Mỹ sẽ không nhúng tay vào. Hay nói cách khác, dùng phương pháp bán dân sự sẽ dễ dàng gạt Mỹ ra khỏi các cuộc tranh chấp biển đảo, như trường hợp bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân vừa qua.
Âm mưu độc chiếm Biển Đông của TC qua chính sách biển bằng đường lối bán quân sự được thực hiện bằng chiến lược mà giới ngoại giao quốc tế thường gọi dưới tựa đề chín con rồng khuấy động Biển Đông. Chín con rồng là những lực lượng bán dân sự như bộ hải giám, bộ tuần duyên, biên giới, hải quan (kiểm soát tàu bè ra vào cảng), ngư chính hay các cơ phận tuần tiễu bờ biển của các tỉnh ven biển như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam. Các bộ phận riêng lẻ này tự cho mình (hay có chỉ thị ngầm) quyền bảo vệ chủ quyền biển đảo mà không thông qua bộ ngoại giao trung ương. Mục đích của TC trong ý đồ này là để tránh bị quốc tế lên án về một kế hoạch có tính toán trong tham vọng bá quyền. Mặt khác, việc đối đầu với các nước yếu kém như Việt Nam hay Phi Luật Tân thì không cần đến tàu chiến quân sự mà chỉ với đội tàu hải giám hay lực lượng tuần duyên của một tỉnh là cũng dư sức lấn át.
Chiến lược sử dụng các loại tàu dân sự trong vấn đề tranh chấp còn được lồng với chiến thuật được đặt tên là tằm ăn dâu (salami slicing); bằng cách giới hạn tầm mức tranh chấp ở phạm vi nhỏ và lấn chiếm từng miếng nhỏ một, với từng nước một. Cách này sẽ cho phép TC chủ động về địa điểm cũng như thời điểm gây hấn và tầm mức va chạm cũng có thể kiểm soát được để không lớn đến mức phải làm thế giới phải báo động. Chiến lược này chỉ có một khuyết điểm là phải mất thời gian dài mới chiếm trọn Biển Đông.
Thử điểm lại tiến trình xâm chiếm trong quá khứ để hiểu rõ chiến thuật này. Về vấn đề Hoàng Sa, TC đã chiếm Hoàng Sa từ năm 1974 từ VNCH; sau đó tiến hành bắt bớ và xua đuổi tàu ngư dân VN lai vãng gần vùng Hoàng Sa, từ dấu diếm (với sự đồng lõa của CSVN không dám nêu tên mà gọi là “tàu lạ”) tới công khai ra lệnh cấm như hiện nay; tới việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đặt bản doanh quân sự và xây dựng cơ sở hành chính trên đảo Phú Lâm, và tới ngày nay quần đảo Hoàng Sa đã trở thành trung tâm hành chánh của huyện Tam Sa với hàng ngàn quân lính (khoảng 6,000 binh lính) có mặt trên khắp các đảo. Một ví dụ khác với Phi Luật Tân, trong xung đột ở bãi cạn Scarborough năm 2012, TC đã chỉ điều tàu hải giám và tàu cá tới khu vực theo kiểu lấy thịt đè người để xác lập chủ quyền, sau vài tuần lễ căng thẳng giữa hai bên, lực lượng Phi Luật Tân yếu thế không thể đuổi tàu hải giám và tàu cá TC ra khỏi khu vực nên đành phải rút lui, trong khi đó thì Mỹ không muốn can thiệp vào vì tầm mức xung đột chỉ ở hạng thấp, cho dù Phi có hiệp ước an ninh với Mỹ.
Về ngoại giao, TC cho in hình lưỡi bò vào thẻ thông hành, cho đấu thầu 9 lô dầu khí trong thềm lục địa của VN, nộp lên LHQ bản đồ lãnh hải tuyên bố chủ quyền toàn vùng lưỡi bò ở Biển Đông bao gồm các hải đảo, cho phép nhà cầm quyền đảo Hải Nam chặn và lục soát tàu nước ngoài vùng Biển Đông.
Về kinh tế, TC còn dùng mãnh lực kinh tế mua chuộc vài nước trong khối ASEAN để tạo mối chia rẽ giữa các nước, ngăn cản sự kết hợp thành khối đoàn kết để đối đầu với họ, như thái độ thân TC của Cam Bốt và Thái Lan hiện nay.
Về quân sự, TC tiến hành các cuộc tập trận dưới nhiều hình thức để đe dọa các nước trong vùng, gia tăng ngân sách quốc phòng, sản xuất các loại tàu chiến và máy bay mới, gia tăng xây dựng hạm đội tàu hải giám, hoàn chỉnh chiến lược chống tiếp cận (anti-access) với mục đích đe dọa hạm đội Mỹ cũng như hải quân các nước lân cận.
TC đã và đang thành công với chiến lược lấn chiếm dưới hình thức bán quân sự này và một điều nguy hiểm hơn nữa là TC muốn biến vùng Biển Đông thành vùng tranh chấp, có nghĩa là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN biến thành vùng tranh chấp với TC! Điển hình trên các báo chí quốc tế và dư luận Mỹ hiện nay cũng đang bắt đầu xem vùng Biển Đông thuộc loại vùng tranh chấp chứ không phải vùng đặc quyền kinh thế của VN hay Phi Luật Tân theo tiêu chuẩn UNCLOS. Vì xem là vùng tranh chấp nên sự đòi hỏi chủ quyền toàn Biển Đông của TC cũng tự nhiên được chấp nhận và TC đi từ chỗ không có gì trở nên có phần chủ quyền phải được giải quyết. Cụ thể là: dư luận quốc tế đang đề nghị giải pháp cho Biển Đông là cùng khai thác (joint management) khu vực tranh chấp, dĩ nhiên TC cũng có phần!
3. Tìm cách chia rẽ ASEAN
Chiến lược tằm ăn dâu còn kèm theo một chi tiết khác là nguyên tắc song phương mà TC luôn nhấn mạnh và cương quyết theo đuổi thay vì đa phương. Nhưng làm thế nào chủ động trong chủ trương song phương? Về tổ chức ASEAN, TC đã lợi dụng sự khác biệt quyền lợi giữa 10 nước thành viên để lôi kéo đồng minh. Trong chuyện Biển Đông, chỉ có 4 nước liên hệ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei; trong đó hai nước có phần bờ biển dài nhất là Việt Nam và Phi Luật Tân. VN và Phi là hai nước muốn đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra bàn thảo ở hội nghị ASEAN hàng năm, nhưng TC đã dùng món mồi kinh tế để gây chia rẽ; như đã diễn ra vào năm 2012 ở Nam Vang dưới sự chủ tọa của Cam Bốt. Kết quả là quy tắc ứng xử COC vẫn chưa đạt tới và TC thoát khỏi việc phải đàm phán đa phương (với các nước ASEAN) về chuyện Biển Đông. Trong khi đó ở Biển Đông, TC thực hiện tấn công từng nước một để cô lập hóa sự kháng cự, như khi TC lấn chiếm Scarborough của Phi, chẳng nước nào trong ASEAN lên tiếng bênh vực vì không ai muốn bị rắc rối với TC trong giao thương kinh tế. Trường hợp tương tự cũng sẽ xảy nếu TC xâm lấn biển đảo của VN, sẽ chỉ có một mình VN phải tự phòng thủ. TC đã lợi dụng từng khe hở giữa các nước ASEAN để gây chia rẽ dưới mọi hình thức.
II. Lập trường của ASEAN
Để tạo thế cân bằng với TC khổng lồ bên cạnh, các nước ASEAN đã ý thức được sự cần thiết phải hợp lực để tạo thế đối trọng với TC, nhất là trong vấn đề an ninh Biển Đông. Nhưng do sự khác biệt văn hóa, chính trị giữa các nước nên, tới nay, ASEAN chưa thể là một khối thống nhất như EU (Âu Châu). Các nước ASEAN thường chỉ hợp tác với nhau khi có cùng quyền lợi, nhưng khi khác quyền lợi thì mỗi nước đi mỗi hướng, và đây chính là điểm yếu mà TC nhảy vào để thao túng và gây chia rẽ. Điều này đã chứng minh qua thất bại tại hội nghị ASEAN năm 2012 do Cam Bốt làm chủ tịch khi đã không thể đem vấn đề Biển Đông ra bàn thảo.
Tuy nhiên, trong vấn đề Biển Đông, các hội nghị ASEAN vẫn là diễn đàn duy nhất cho các nước như VN hay Phi để có thể ép buộc TC hành xử theo luật lệ quốc tế, và cuộc giằng co vẫn tiếp diễn. Về phần TC, dĩ nhiên họ chẳng dại gì mà tuân thủ quy luật quốc tế khi họ có thể dùng luật rừng mà không bị cản trở. Sự cố gắng của Phi khi dùng diễn đàn ASEAN để tố cáo sự hung hăng luật rừng của TC ở Biển Đông, cùng với Indonesia vận động thông qua COC là những cố gắng không phải là vô ích, ít ra cũng tố cáo sự xâm lấn và không muốn hợp tác của TC, với hy vọng giành được cảm tình quốc tế góp phần ngăn cản TC tiến xa hơn. Trong vấn đề này, rất tiếc VN vẫn chưa có can đảm làm như Phi Luật Tân mà chỉ phản đối trong im lặng.
Nói chung, vận động ngoại giao qua tổ chức ASEAN để buộc TC phải đàm phán đa phương vẫn là chuyện phải làm nhưng VN không nên xem là chỗ dựa chính dùng để lấy lại chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa hay bảo vệ vùng biển đặc quyền kinh tế.
III. Quan điểm, lập trường của Mỹ về Biển Đông
Năm 2012 là năm tấp nập các chuyến đi Á Châu, đặc biệt vùng Đông Nam Á, của giới chức cao cấp Mỹ như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và ngay cả Tổng thống Mỹ ngay sau khi thắng cử nhiệm 2, đã nói lên sự quyết tâm của chính sách trở lại Châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, sự trở lại này đã gây ra nhiều lầm tưởng quá mức về sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Để hiểu rõ giới hạn của mục tiêu chuyển hướng Châu Á của Mỹ thì cần phải minh định hai điều: (1) Mỹ trở lại không phải để ngăn chặn hay bao vây TC, (2) Mỹ trở lại không phải để làm trọng tài trong tranh chấp Biển Đông hay đi xa hơn là bảo vệ biển đảo cho các quốc gia đồng minh.
1. Mỹ trở lại Châu Á không phải để bao vây TC
Chính sách bao vây (containment) TC là chính sách từ thời chiến tranh lạnh cho tới khi Mỹ bắt lại liên lạc (năm 1972) với TC để cô lập Liên Xô. Từ đó chính sách ngoại giao của Mỹ đối với TC đã chuyển từ bao vây sang hội nhập (engagement), tức là khuyến khích TC hội nhập vào các sinh hoạt của thế giới tự do với hy vọng chuyển hóa suy nghĩ của giới lãnh đạo TC và tạo sự thay đổi dần dần theo chiều hướng dân chủ. Với chủ trương này, Mỹ đã giúp TC canh tân đất nước với những kỹ thuật tân tiến và đầu tư; kết quả là sự tiến bộ vượt bực của TC suốt hơn 30 qua (từ 1979 sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ).
Sau một thời gian dài áp dụng, chủ trương hội nhập vẫn không thay đổi được bản chất độc tài của csTC, mà ngược lại còn tạo nên một đối thủ mới cho Mỹ trong vị thế cường quốc thế giới. Sau đó, Mỹ đã phải kiểm tra lại chính sách hội nhập để tìm ra cách thức đương đầu với tình thế mới. Giải pháp bao vây không sử dụng lại được vì sự toàn cầu hóa đã ràng buộc chặt chẽ nền kinh tế hai nước với nhau; giải pháp hội nhập thì chỉ giúp nuôi dưỡng một đối thủ đáng gờm; còn lại là con đường ở giữa: vừa giao thương buôn bán nhưng cũng phải có cách kiềm giữ sự bành trướng của TC. Chính sách này được đặt tên là congagement, vừa hội nhập vừa bao vây. Để thực hiện chính sách này trên khía cạnh bao vây, Mỹ đã chuyển sức mạnh quân sự thiên về khu vực Á Châu (hơn Âu Châu) và tìm cách liên kết với các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trên bình diện quân sự cũng như kinh tế. Về mặt hội nhập thì Mỹ vẫn tiếp tục giao thương kinh tế với TC như thường lệ. Hội nhập trên phương diện quân sự thì khuyến khích sự minh bạch trong các hoạt động quân sự như cùng với TC tập trận hay tạo mối giao tiếp giữa giới lãnh đạo quân sự hai bên để học hỏi kinh nghiệm; mục đích là để giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể bắt nguồn từ sự hiểu lầm; nếu hai bên hiểu biết tiềm lực của nhau thì sẽ giúp ngăn cản chiến tranh xảy ra. Ngoài ra, một cuộc chiến quân sự giữa TC và Mỹ là điều cả hai bên đều không muốn xảy ra vì hại nhiều hơn lợi; thực tế cho thấy ngay cả TC cũng không nghĩ họ có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến cục bộ. Do đó trận chiến giữa Mỹ và TC để kiểm soát khu vực Châu Á TBD đa phần sẽ nặng về ngoại giao và kinh tế. Một Châu Á hòa bình sẽ có lợi cho kinh tế Mỹ và chuyện này hoàn toàn không liên hệ tới vấn đề nước nào làm chủ Biển Đông.
Nếu Mỹ bị loại ra và TC trở thành đối tác chủ yếu trong khu vực thì vị thế cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ bị đe dọa. Đây là tình thế Mỹ không muốn bị rơi vào vì khu vực Châu Á TBD sẽ là khu thương mại lớn nhất thế giới trong tương lai. Muốn đạt được nhiều lợi ích nhất thì Mỹ phải có chân trong vùng Châu Á TBD và đồng thời cũng phải tìm mọi cách để ngăn chặn ảnh hưởng của TC lên toàn vùng hay ít nhất là, nếu TC trở thành cường quốc thứ nhì thế giới thì phải tuân theo luật chơi quốc tế.
2. Mỹ xem Biển Đông là vùng tranh chấp
Đối với Mỹ thì sự xung đột ở Biển Đông chỉ được xem là một cuộc tranh chấp giữa TC và 4 quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Quan điểm này thể hiện qua các tài liệu nghiên cứu thế giới về lời đề nghị phương cách giải quyết cùng quản lý (joint management), và cho rằng TC cũng có quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Brunei (dĩ nhiên sẽ không có chuyện ngược lại như Việt Nam có quyền khai thác vùng Hoàng Sa do TC chiếm giữ). Sự thể hiện này trong các tài liệu của các cơ quan nghiên cứu Mỹ như ICG (Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Thế giới) là một tia sáng hé lộ về lập trường của Mỹ: quan tâm của Mỹ chỉ giới hạn trong vấn đề an toàn hàng hải mà không muốn liên hệ đến chuyện chủ quyền. Vì thế, Mỹ sẽ không nhảy vào cuộc tranh cãi phân chia lãnh hải hay các hải đảo, nhất là nước gây chuyện lại là nước có giao thương lớn, quan trọng và có khả năng trả thù Mỹ bằng con đường kinh tế như TC.
Mỹ sẽ có lợi nhất khi tránh xa vấn đề tranh chấp Biển Đông, miễn là cuộc tranh chấp không gây ra cản trở giao thông hàng hải. Điều này có nghĩa là nếu không xảy ra chiến tranh quân sự làm cản trở giao thông hàng hải thì Mỹ sẽ đứng bên lề. Lợi thế này có 2 mặt: một mặt là vẫn giữ được quan hệ kinh tế tốt đẹp với TC, mặt kia là lôi kéo thêm các nước trong vùng ngả vào bàn tay Mỹ để tìm sự che chở trước tham vọng bá quyền khu vực của TC. Còn đối với TC thì cũng có nhiều lợi: thứ nhất, TC đã loại trừ được một đối thủ duy nhất có khả năng cản đường họ lấn chiếm biển đảo và vùng biển lưỡi bò, miễn là họ hạn chế cuộc tranh chấp trong giới hạn dân sự. Thứ hai, không phải tốn kém nhiều tiền cũng như nhân mạng để chiếm được lãnh thổ vì chỉ dùng lực lượng bán quân sự (như lực lượng hải giám); thực ra chỉ với lực lượng hải giám và đội tàu cá ngư dân của họ là đủ sức đối phó với Việt Nam hay Phi Luật Tân vì các tàu hải giám này là tàu quân sự được biến cải; lực lượng tàu chiến hải quân chỉ đứng ngoài làm nhiệm vụ đe dọa. Thứ ba, xâm lăng với hình thức dân sự thì dù sao cũng mang vẻ yêu chuộng hòa bình hơn và vì thế sẽ giảm bớt sự phản đối của thế giới; nhất là khi họ luôn luôn che đậy hành động xâm lược dưới cái vỏ bảo vệ chủ quyền (mà họ tuyên bố Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của họ và VN hay Phi Luật Tân là những kẻ xâm lăng).
IV. Tình thế của Việt Nam
1. VN đã bỏ phí nhiều thời gian
1. VN đã bỏ phí nhiều thời gian
Chủ quyền biển và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề lớn, đáng lẽ ra chính quyền VN đã phải lưu tâm đến kế hoạch bảo vệ từ rất lâu, ít nhất cũng phải từ năm 1975 khi đất nước thống nhất. Thế nhưng nhà cầm quyền csVN đã không hề để ý và còn né tránh vấn đề khi báo chí đề cập tới. Tới nay thì ai cũng đều thấy là mọi chuyện đã quá muộn. Làm sao có thể lấy lại Hoàng Sa hay các đảo vùng Trường Sa? Làm sao có thể bảo vệ ngư dân VN đánh cá trong vùng lân cận 2 quần đảo này? Làm sao có thể bảo vệ quyền lợi dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mình? Sự lảng tránh công việc bảo vệ lãnh hải trong một thời gian dài đã lấy đi biết bao cơ hội và ngày nay đã đặt VN vào tình thế thập phần nguy hiểm trước tình trạng mất chủ quyền trong vùng Biển Đông.
2. CSVN vẫn coi trọng vấn đề ý thức hệ cộng sản
Lý do mà CSVN đã không dứt khoát trong ý hướng chống lại TC chính là ý thức hệ cộng sản, như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN, Nguyễn Chí Vịnh khẳng định mới đây: “Di sản quý báu hàng đầu mà Việt Nam và Trung Quốc có được chính là sự tương đồng ý thức hệ”. VN cần phải làm bạn với TC để đcsVN giữ vững ngôi vị. Nếu đcsVN cắt đứt liên hệ với đcsTC thì số phận của đcsVN cũng sẽ chấm dứt. Việc đặt quyền lợi bè phái mình lên trên cả dân tộc là chọn lựa rất tự nhiên của bất cứ chế độ độc tài nào vì đây là bản chất con người; bất cứ quyền lực nào mà không bị kiểm soát cũng sẽ trở thành thứ quyền lực thối nát, ích kỷ. CSVN chọn con đường ôm chân TC cũng chỉ là điều tất yếu.
Cho tới ngày nay, ảnh hưởng của TC đã áp đảo lên mọi lãnh vực sinh hoạt của VN: kinh tế, văn hóa, năng lượng, chính trị… và sẽ phải mất thời gian dài mới có thể gỡ bỏ; ngay cả trong trường hợp nếu VN trở thành một nước dân chủ. Những ảnh hưởng này là những bước giày xâm lăng và ngày càng hiện rõ nhưng trước khi TC có thể nắm chắc vận mệnh VN trong lòng bàn tay thì đám tay sai csVN rất sợ âm mưu bị bại lộ, và họ phải tìm cách che dấu, bằng phương cách công an trị và tuyên truyền lý thuyết trục xoay.
3. CSVN bày ra giả thuyết trục xoay để mua thời gian cho TC thực hiện tiến trình xâm lược
Thế trục xoay là thế cân bằng đứng ở giữa các thế lực chi phối nhưng không bị nghiêng về phía nào như một cái trục bánh xe. Ở thế này thì sẽ không bị lôi kéo về bất cứ phe nào (để có thể trở thành nạn nhân trong các tranh chấp giữa các thế lực lớn), từ đó bảo vệ được vị trí độc lập của mình và hưởng lợi (mà không bị hại) từ sự tranh chấp. Trong phạm vi Biển Đông, thế trục xoay giả định cuộc tranh chấp ở Biển Đông là tranh chấp giữa Mỹ và TC; chứ không phải giữa VN và TC. Lối giải thích thế trục xoay này của csVN để đối đầu với TC rõ ràng là một hình thức ngụy biện. Thực tế là VN đối đầu với nguy cơ xâm lăng của TC chứ không phải VN bị lôi cuốn vào tranh chấp giữa Mỹ và TC ở Biển Đông. CSVN thường bào chữa cho thái độ yếu hèn trước TC bằng sách lược hòa bình để không chọc giận TC, đồng thời kêu mời các cường quốc khác vào các hiệp ước kinh tế để làm đối trọng với TC. Điểm mỵ dân xảy ra ở đây, điều vô lý là trong giới hạn thương mại, tại sao các nước lớn có hiệp ước thương mại với VN phải điều động quân đội tới bảo vệ biển đảo cho VN?
4. Chính sách quốc phòng 3 không của VN
Việt Nam không những làm bạn với TC trên phương diện ý thức hệ, kinh tế, ngoại giao mà còn ở lãnh vực quốc phòng với chính sách 3 không. Việt Nam hứa với TC sẽ (1) không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Với những điều hứa này, Bộ Quốc phòng VN còn có thể làm gì khi đội quân xâm lăng TC xuất hiện trước cửa nhà?
V. Lối thoát cho đất nước và dân tộc Việt Nam
ĐCSVN đang đưa đất nước vào vòng nô lệ phương Bắc. Đây là điều mà không một người dân VN nào có thể chấp nhận được. Nhưng vấn đề khó phát giác ở đây là tiến trình lệ thuộc xảy ra từng bước một và âm thầm dưới các hình thức ngoại giao, kinh tế, chính trị và nhất là được xúc tiến bằng vai trò tay sai ngấm ngầm của đcsVN. Bởi âm thầm nên cho tới ngày nay đcsVN vẫn còn che dấu được sự việc và nhiều người dân VN vẫn chưa nhìn thấy sự thật. Vì thế sự thật về nguy cơ mất nước cần phải được phô bày ra ánh sáng để mọi người dân VN đều biết.
1. Âm mưu bán nước của đcsVN cần phải bị lật tẩy
Ai cũng có thể nhận ra lý lẽ muốn chống giặc ngoại xâm hữu hiệu thì phải loại trừ giặc nội xâm. Nhưng trước khi muốn diệt trừ giặc nội xâm thì phải xác định thế lực nào là giặc nội xâm. ĐcsVN đã bao nhiêu năm núp bóng chiêu bài chống ngoại xâm để tồn tại cho tới ngày nay và họ vẫn sẽ tiếp tục dùng chiêu bài này. Câu chuyện vạch mặt, tố cáo đcsVN chính là giặc nội xâm tưởng như đã thành sự thật nhưng thực tế vẫn cần phải tiếp tục phổ biến nhiều. Điển hình là mới đây có câu chuyện từ phía CSVN đề nghị đối thoại với người Việt hải ngoại đã làm nhiều đảng phái và tổ chức đấu tranh hải ngoại nao nức hy vọng và lập tức ứng đáp, với chiều hướng sẵn sàng cùng với CSVN giải quyết chuyện đất nước. Điều này chứng tỏ rằng ngay trong giới đảng phái đấu tranh vẫn chưa nhìn ra bộ mặt tay sai bán nước của đcsVN (huống hồ người dân không theo dõi chính trị thường xuyên), vì nếu xem đcsVN chính là giặc nội xâm thì làm sao có thể đối thoại với giặc được?
2. Chế độ csVN cần phải bị loại trừ
Mục tiêu loại trừ chế độ cs xem ra có được sự đồng lòng của đa số người dân VN nhưng vấn đề loại trừ bằng cách nào thì vẫn chưa được sáng tỏ. Có kẻ khẩn cầu người cs nên cải tà quy chánh và ban phát dân chủ cho dân VN, có kẻ mong ước người cs yêu nước đứng lên lật đổ cs bán nước… để sau khi giành quyền lãnh đạo đcs thì … giải tán đcs, có kẻ nghĩ rằng đcs không biết điều hành đất nước hay chống ngoại xâm và yêu cầu được đối thoại để chỉ dẫn cho đcs cách thực hiện… Những ý kiến để giải quyết vấn đề đất nước này đều đặt trên căn bản giống nhau là công việc xây dựng và bảo vệ đất nước là của đcsVN, phải do chính đcsVN thực hiện, tất cả những gì ngoài đảng chỉ giữ vai trò đóng góp ý kiến. Đây là một quan điểm rất sai lầm và còn mắc hơi hướng bị nhồi sọ của tư tưởng đcsVN là lãnh đạo duy nhất. Tại sao người dân VN không tự mình xây dựng một thể chế dân chủ mà phải nhờ bàn tay đảng viên đcsVN? Ngoài ra tư tưởng khẩn cầu còn tiếp tay ru ngủ người dân VN rằng, trách nhiệm bảo vệ đất nước là của người cs, người dân ngoài đảng chỉ cần chờ đợi và cầu nguyện.
Giải pháp cho VN hiển nhiên là một thể chế dân chủ, nhưng muốn có dân chủ thì chế độ cs phải ra đi, không có giải đáp nào khác. Muốn đcs ra đi thì không thể yêu cầu đcs tự sửa chính mình được, như một câu nói Tây phương: một người không thể tự giải phẫu chính mình. Vì thế quan điểm đấu tranh bằng cách khẩn cầu csVN tự vẫn là vô tưởng. ĐcsVN có thể thay đổi, biến đổi, tự diễn biến để trở thành một đảng độc tài khác chứ không bao giờ trở nên dân chủ. Chỉ với trường hợp đcsVN bị loại trừ và loại trừ từ nguyện vọng của toàn dân thì dân chủ mới thực sự đến với dân tộc Việt Nam.
3. Việt Nam phải là một quốc gia hùng mạnh mới có thể chống lại TC
Công cuộc chống ngoại xâm, nhất là với kẻ hung hăng và tham vọng như TC thì phải đặt trọng tâm vào khả năng, sức lực của mình, không thể dựa vào thế lực ngoại lai (như quan điểm thế trục xoay của CSVN). Dựa vào chính mình là công cuộc xây dựng đất nước; một quốc gia hùng mạnh mới có thể giữ được độc lập. Nhưng đất nước VN ngày nay vẫn còn là một nhược tiểu đã chứng tỏ sự thiếu khả năng điều hành đất nước của đcsVN. Nếu bỏ đi giai đoạn chiến tranh mà chỉ tính từ 1975 thì đã 38 năm, đcsVN đã có quá đủ thì giờ để thi thố tài năng và không thể cho thêm thời gian. Vì thế, sự nắm quyền của đcs phải chấm dứt để dọn đường cho đất nước phát triển nhanh chóng trong thể chế dân chủ. Chỉ với thể chế dân chủ mới tạo nên một quốc gia VN vững mạnh trên mọi mặt và có đủ khả năng bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ.
Liên minh với Mỹ
Sự thay đổi bất thường trong chính sách ngoại giao của Mỹ đã làm nhiều người nghi ngờ khi đặt vấn đề liên minh với Mỹ, nhưng trong tình trạng yếu kém mọi mặt như VN mà đương đầu với TC hùng mạnh thì bắt buộc phải cần một thế lực mạnh yểm trợ, ít nhất cho tới khi VN trở thành một quốc gia hùng mạnh trên mọi mặt. Thế lực đó không còn ai ngoài Mỹ. Người láng giềng Phi Luật Tân đã làm một quyết định rất khôn ngoan khi mời Mỹ trở lại và phục hồi hiệp ước an ninh chung với Mỹ. VN cũng phải làm như thế và có lẽ đây là con đường duy nhất để chống lại sự bành trướng của TC. Còn nếu đứng một độc lập mình hay trong tư thế làm bạn vàng với TC thì chỉ là miếng mồi ngon cho Bắc phương.
VI. Kết luận
Nguy cơ mất nước của VN rất gần và cánh cửa cơ hội để thoát khỏi móng vuốt TC càng khép nhỏ từng ngày nếu người dân Việt Nam không bắt tay vào sự nghiệp bảo vệ đất nước. Nếu chúng ta tiếp tục cho đcsVN thêm thời gian để hoàn thành nhiệm vụ bán nước cho TC. Nếu chúng ta ngồi yên chờ đợi một vị cứu tinh đến từ nội bộ đcsVN. Nếu chúng ta trông chờ sự quay đầu trở lại với quê hương của các thành viên đcsVN. Nếu chúng ta mãi vô cảm xem chuyện đất nước không phải là trách nhiệm của mình mà là của đcsVN, và nhiều cái nếu để không phải làm gì thì VN sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới trong một ngày không xa.
Vận mệnh đất nước không phải do ý Trời mà nằm trong bàn tay người dân VN. Chỉ cần tỉnh giấc để nhận diện mặt giặc nội xâm và hạ quyết tâm. May ra VN sẽ được thoát khỏi họa nô lệ phương Bắc một lần nữa.
Trần Văn Minh
Tưởng nhớ anh linh 74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa ngày 19-01-1974
19-01-2013
19-01-2013
No comments:
Post a Comment