Sunday, January 6, 2013

Hiến pháp của ai và ai nên bàn?



Hà Đình Sơn - Hiến pháp của một nhà nước pháp quyền là một bản khế ước xã hội. Nó là kết quả phản ảnh mối tương quan thế lực giữa các lực lượng trong xã hội. Hiến pháp là kết quả của quá trình đấu tranh chính trị – xã hội chứ không phải là nguyên nhân hay cội nguồn sinh ra đấu tranh xã hội. Trong xã hội quyền lực nhà nước thuộc về ai thì kẻ đó là người làm ra luật chơi hay làm ra Hiến pháp.

Nếu quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì nhà nước là công cụ của nhân dân, Hiến pháp – ý chí nhân dân là tối thượng, tổ chức nhà nước và hoạt động nhà nước phải tuân theo hiến pháp và chỉ có nhân dân là người có quyền làm ra Hiến pháp và là người có quyền thay đổi Hiến pháp. Ngược lại khi nhà nước là công cụ của tầng lớp thống trị xã hội thì Hiến pháp chỉ là phương tiện của nhà nước.
1277712861_luat-020Hiện nay, ở Việt Nam Hiến pháp là gì? Hiến pháp là của ai? Như quan điểm tôi nêu ở trên thì về mặt thực tế khách quan là khác với thừa nhận chủ quan. Lấy thước đo nào để đánh giá thì trong xã hội hiện nay không có một phương tiện khách quan nào được mọi người thừa nhận. Ở các nước trên thế giới việc xác định ý kiến đa số của người dân thì cũng ít khi người dân thực hiện được quyền biểu quyết trực tiếp mà thông thường biểu quyết gián tiếp thông qua cơ chế đại diện là các đại biểu nhân dân (nghị sĩ) hoặc thông qua các tổ chức chính trị, đảng phái. Ở Việt Nam chỉ có một đảng và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội chịu sự lãnh đạo của Đảng. Đảng cộng sản Việt Nam không phải là không biết ý nguyện của nhân dân.
Ai muốn thay đổi Hiến pháp hiện nay? Hiến pháp hiện nay là Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, đã có hơn hai mươi năm nhưng nhiều quyền cơ bản của công dân chưa được luật hóa, nói cách khác là nhiều quyền cơ bản của công dân còn bị treo. Có những quyền cơ bản của công dân đã được luật hóa nhưng nhà nước lại không bảo đảm những quyền đó trong thực tế. Vì vậy, chỉ khi nào Hiến pháp, pháp luật là tối thượng thì người dân mới hy vọng ở Hiến pháp và mong muốn nó hoàn thiện. Thực tế lịch sử từ năm 1946, khi có bản Hiến pháp đầu tiên cho đến nay, Hiến pháp chưa bao giờ đóng vai trò đúng nghĩa của nó. Vậy cả xã hội đi tìm kiếm một bản Hiến pháp hoàn thiện để làm gì? Hơn nữa, từ khi Nhà nước có chủ trương thay đổi Hiến pháp đã không ít người đã bị đi tù về “tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cũng chỉ vì đề nghị bỏ điều này, thêm điều kia… của Hiến pháp hiện hành.
Các lần thay đổi Hiến pháp từ trước cho đến nay đều có chứng cứ là từ phía Đảng và Nhà nước vì nói từ phía nhân dân là không có chứng cứ vì nhân dân chưa bao giờ được biểu quyết về vấn đề này.
Nhưng dù Hiến pháp là phương tiện của nhà nước hay là ý chí của nhân dân thì xã hội vẫn cần đến nó chứ không thể tiếp tục khước từ vai trò vốn có của nó như đã từng xảy ra trong lịch sử. Việc mà nhà nước cần thay đổi hiện nay là phải để cho Hiến pháp được tôn trọng và thực thi đầy đủ trong xã hội; còn vấn đề nội dung của nó tiến bộ hay lạc hậu nên để sau. Nếu sửa đổi Hiến pháp lần này thì chỉ nên ghi những điều gì nhà nước có thể thực hiện, còn điều gì chưa thực hiện được thì hãy loại bỏ khỏi Hiến pháp mặc dù có là bước lùi so với Hiến pháp trước đây. Vì những điều tiến bộ ghi vào Hiến pháp mà nhà nước không thực hiện thì còn tai hại hơn là không có nó và làm cho bản Hiến pháp trở thành không còn giá trị. Theo nguyên tắc thực tiễn ai nắm quyền lực nhà nước thì Hiến pháp thể hiện ý chí của người đó và chỉ nên hỏi người đó là đủ.
Hà Nội, 06/01/2013
H.Đ.S.

No comments:

Post a Comment