Liên minh báo chí Đông Nam Á - Đan Thanh chuyển ngữ
Chú thích của người dịch: Đây là một trong tập hợp các bài viết của Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Southeast Asian Press Alliance, SEAPA) nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Chấm dứt tình trạng tội ác không bị trừng phạt (Global Day to End Impunity), 23-11, năm nay.
SEAPA kỷ niệm ngày này bằng cách tập hợp bài viết/ báo cáo của công dân các nước Đông Nam Á về một trường hợp điển hình xâm phạm tự do ngôn luận ở mỗi nước, như là kết quả của tình trạng tội ác và sai phạm của chính quyền không bị trừng phạt. Trường hợp ở Việt Nam được chọn để báo cáo là vụ án Điếu Cày.
Buổi sáng ngày 24-9 hẳn phải là không thể nào quên đối với Binh Nhì, một người 29 tuổi, vừa bí mật vượt hàng nghìn kilomet bằng tàu hỏa từ Hà Nội vào TP.HCM. Binh Nhì bị công an bắt và bị đánh rất đau trong lúc bị tạm giữ. Sai phạm của anh là anh đã muốn đi đến Tòa án Nhân dân TP.HCM, nơi mà trong buổi sáng hôm đó, diễn ra phiên tòa xét xử một blogger rất nổi tiếng. Hàng trăm công an, cả cảnh phục và thường phục, có mặt ở khắp nơi trong khu vực để ngăn mọi người đến gần tòa án, cho dù trên danh nghĩa đó là một phiên xét xử “công khai”.
Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình Youtube từ Trandaiquang video.
Điếu Cày là bút danh của blogger bị xử. Trong khi ông đứng trước tòa buổi sáng hôm ấy, vợ cũ và con trai của ông bị giữ bên ngoài và bị ngăn trở, không cho tham dự phiên điều trần, bất chấp sự phản đối tuyệt vọng và phẫn nộ của họ. Công an thậm chí còn lột bỏ chiếc áo phông “Trả tự do cho Điếu Cày” của cậu con trai. Một viên công an trẻ tuổi hét vào mặt họ, chế giễu: “(Mày thích) Tự do à? Tự do cái con c.” (dịch sát nghĩa từ tiếng Anh: “Tự do của mày là con c. của tao đây” – ND)
Sau phiên xử chỉ kéo dài có ba tiếng, Điếu Cày bị kết án 12 năm tù, trong khi Tạ Phong Tần, một blogger nữ, lĩnh án 10 năm, và Phan Thanh Hải, tức AnhbaSG, 4 năm. Các nhà phân tích cho rằng AnhbaSG bị án nhẹ hơn là do đã thừa nhận trước tòa là anh sai, anh ăn năn hối cải và sẽ chấm dứt mọi quan hệ với “các thành phần phản động”. Bản án cho AnhbaSG là cái mà tất cả gia đình và bạn bè anh đều đã biết từ trước phiên xét xử.
Cả ba blogger đều bị buộc tội theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, trừng phạt một tội mơ hồ là “tuyên truyền chống nhà nước”.
Sự hấp dẫn của một blogger
“Điếu Cày”, có nghĩa là “ống điếu của nông dân”, là một nickname rất bình thường ở Việt Nam mà bất cứ một blogger Việt Nam nào cũng có thể sử dụng. Và đó là cái nick được chọn bởi ông Nguyễn Văn Hải, một người cởi mở, đáng mến, nhiệt tình và thu hút, theo lời bạn bè ông đánh giá.
Sinh ngày 23-9-1952 tại thành phố Hải Phòng ở miền Bắc, Điếu Cày sống tuổi thanh xuân trong hàng ngũ của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở mặt trận biên giới Tây Nam vào cuối những năm 1970. Sau chiến tranh, Điếu Cày bắt đầu làm kinh doanh riêng – mở quán café, bán máy ảnh và các thiết bị ảnh, cho thuê căn hộ – thay vì gia nhập bộ máy quan liêu, vốn là con đường chung của nhiều người.
Khi Yahoo! 360° xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2005 sau khi được công bố ở Mỹ, lần đầu tiên 22 triệu người dùng Internet của Việt Nam, phần lớn là thanh niên, được trải nghiệm một hình thức mới để đọc, viết, và thể hiện quan điểm, ý kiến. Mặc dù chính trị vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm với phần lớn blogger Việt Nam, nhưng kể từ năm 2007, đất nước bắt đầu chứng kiến mối quan tâm ngày càng lớn đến các vấn đề chính trị, đặc biệt với sự leo thang căng thẳng trong các yêu sách chủ quyền mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điếu Cày, khi ấy ngoài 50 tuổi, tỏ ra là một người thành thạo Internet, thích ứng rất nhanh với phương tiện truyền thông mới này. Giữa năm 2007, ông mở trang Yahoo! 360° blog riêng, post lên đó các bài viết và bức ảnh về cuộc sống của người dân ở nước Việt Nam đương đại. Ví dụ, ông kể chuyện ông đã gặp rắc rối như thế nào khi Ủy ban Nhân dân địa phương buộc tội nhà hàng của ông dùng tên tiếng nước ngoài, “Mitau”, mà tên đó chỉ có nghĩa là “mi và tau” trong thổ ngữ của người miền Trung. Các bài viết của ông – với một chút hài hước và chế giễu, phản ánh những khía cạnh khác nhau của một nền pháp quyền què quặt – đã khiến ông được biết đến với tư cách blogger chính trị nổi tiếng đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 2007, Điếu Cày và một vài người bạn thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do mà không được cấp phép. (Mặc dù Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền tự do lập hội, nhưng quyền ấy không được thực thi bởi lẽ có rất nhiều trở ngại khiến cho các nhóm không thể tự tổ chức được). Ông cũng mở blog của câu lạc bộ, và cũng tương tự như blog cá nhân của ông, blog (của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do) trở thành một vũ khí hùng mạnh trong cuộc chiến đấu vì công lý và tự do của công dân Việt Nam. Với một laptop, một chiếc máy ảnh, ông đi đến nhiều nơi ở Việt Nam để viết nên những câu chuyện, về các cộng đồng thiệt thòi, bao gồm cả những nông dân mất đất và những công nhân bị bóc lột. Chẳng hạn, Điếu Cày đã vạch trần tham nhũng trong dự án xây cầu Cần Thơ – cây cầu bị sập vào tháng 9-2007 và là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam.
Mạng lưới khủng bố
Một ví dụ về sự ngược đãi mà chính quyền nhằm vào Điếu Cày là chuyện xảy ra vào khoảng tháng 11-2006. Ông dính líu vào một vụ cãi cọ với hàng xóm, vốn là một cán bộ trong chi bộ đảng ở địa phương, người đã chiếm một căn hộ của ông. Điếu Cày post ảnh căn hộ bị chiếm lên blog cá nhân và phân phát tờ photo vụ án cho láng giềng, bè bạn. Điều này thu hút sự chú ý của dân chúng địa phương, cũng đều là những người không hài lòng với ông cán bộ cộng sản kia. Điếu Cày còn báo cáo vụ việc với công an địa phương – song thay vì trả lại tài sản cho ông, công an lại phạt Điếu Cày tội “kích động gây rối”. Ông phản đối và đệ đơn kiện lên một tòa hành chính cấp địa phương, và thua kiện vào tháng 6-2007. Tuy nhiên, trong quá trình theo kiện, ông đã đăng tải trên blog ảnh, các đoạn ghi âm, ghi chép về thủ tục tố tụng xét xử, mô tả một “nhà nước pháp quyền” giả dối, lố bịch, và khiến cho ông càng được công luận chú ý hơn.
Tháng 12-2007, các blogger biểu tình lần đầu tiên ở Hà Nội và TP.HCM, phản đối kế hoạch của Trung Quốc xây dựng “thành phố Tam Sa” nhằm quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông. Điếu Cày – khi đó đã nổi tiếng rồi – thu hút được sự tham gia của hàng chục sinh viên. Sau đấy ông đã bị công an bắt một cách tàn nhẫn trên đường về nhà.
Mặc dù vào cuối ngày, Điếu Cày cũng được thả, nhưng kể từ đó, ông bị công an theo dõi chặt chẽ. Ông thường xuyên bị quấy nhiễu, công việc kinh doanh bị những người lạ phá hoại theo nhiều cách khác nhau. Nghiêm trọng nhất, Điếu Cày thường xuyên bị triệu lên đồn công an để trả lời thẩm vấn. Bạn bè ông kể lại rằng nhiều cuộc thẩm vấn kéo dài từ 8h sáng đến 10h đêm, với rất nhiều câu hỏi về các hoạt động của ông và của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Vì chuyện đó, Điếu Cày gần như bị giam trong nhà. Khi áp lực trở nên tồi tệ hơn, ông quyết định bỏ đi.
Ngay sau đó đã có cả một chiến dịch của công an nhằm truy bắt Điếu Cày. Vào ngày 19-4-2008, ông bị “bắt khẩn cấp” theo cách nói của công an, tại một quán café Internet ở Đà Lạt, thành phố miền Nam Việt Nam. Không có ai chứng kiến vụ bắt bớ, do đó không có thông tin gì về lý do buộc tội nêu trong lệnh bắt. Tổ chức quốc tế Phóng viên Không Biên giới nói rằng không phải là tình cờ khi mà vụ bắt giữ Điếu Cày diễn ra chỉ vài ngày sau lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua TP.HCM, mà vì buổi lễ đó, chính quyền đã khẳng định sẽ đảm bảo “an ninh tuyệt đối” và trừng phạt bất cứ “kẻ gây rối” nào.
Điếu Cày bị còng tay và bị bí mật đưa về TP.HCM, cho vào trại giam mà không được tiếp xúc với luật sư hoặc có sự trợ giúp pháp lý nào. Vị luật sư mà gia đình ông thuê sau đó, Lê Công Định, phàn nàn rằng ông không được phép gặp Điếu Cày trong suốt quá trình công an thẩm vấn, và thậm chí còn chẳng được thông báo về ngày giờ xét xử.
Luật sư Định cho biết, vài ngày sau khi Điếu Cày bị bắt, cuộc khám nhà mới diễn ra. Tất cả bạn bè và gia đình Điếu Cày cho rằng hành động khám xét đó chỉ nhằm mục đích tìm kiếm bằng chứng về các “hoạt động chống phá nhà nước” của ông. Không tìm thấy gì, chính quyền bèn buộc ông vào tội trốn thuế. Ngay cả khi đó thì họ cũng không làm đúng thủ tục tố tụng.
Do công an chỉ bắt đầu thu thập giấy tờ vài ngày sau vụ bắt Điếu Cày, cho nên Viện Kiểm sát Nhân dân không thể buộc Điếu Cày vào tội trốn thuế “dựa trên một số tài liệu”, như họ đã nói trước khi khám nhà. Trước lúc bị bắt, Điếu Cày cũng không nhận được bất kỳ một thông báo nào từ cơ quan thuế địa phương, liên quan đến việc buộc tội trốn thuế. Tất cả các câu hỏi đặt ra cho ông trong hàng giờ thẩm vấn trước đó chỉ tập trung vào hoạt động viết blog, đặc biệt là vào Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
Lê Công Định cũng phát hiện ra rằng trên thực tế, Điếu Cày không hề phạm tội trốn thuế. Thay vì thế, chính công an đã yêu cầu cơ quan thuế địa phương không nhận khoản tiền thuế quá hạn nộp cả từ Điếu Cày lẫn bên thuê nhà của ông, nếu không được phép của công an. Yêu cầu đó của phía công an được đưa ra từ ngày 25-2-2008. Nói cách khác, “trốn thuế” là môt cái bẫy được giăng ra cho Điếu Cày từ mấy tháng trước khi ông bị bắt.
Bản thân Lê Công Định cũng bị bắt một năm sau đó và bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Một luật sư khác, ông Lê Trần Luật, từng đề nghị hỗ trợ pháp lý miễn phí cho Điếu Cày, thì bị công an quấy nhiễu và cũng bị triệu tập để thẩm vấn. Công an hỏi Lê Trần Luật về quan hệ của ông với Điếu Cày, động cơ đằng sau việc đề nghị cãi miễn phí cho Điếu Cày, và hỏi ông biết những gì về “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do bất hợp pháp” kia.
Ngày 10-9-2008, Điếu Cày bị Tòa án Nhân dân TP.HCM kết án 30 tháng tù giam. Thật trớ trêu, vào ngày 18-10-2010, chỉ một ngày trước khi Điếu Cày kết thúc thời gian thụ án, blogger AnhbaSG, cũng là thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, bị bắt.
Điếu Cày tiếp tục bị giam theo tội danh mới, “tuyên truyền chống nhà nước”. Gia đình ông cũng bị chính quyền quấy nhiễu.
Một lời cảnh cáo gửi đến các blogger
Trong thời gian trước phiên xử Điếu Cày vào tháng 9-2012, một cuộc vận động kiến nghị trên mạng đã thu hút hàng nghìn người ký tên vào một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, kêu gọi trả tự do cho Điếu Cày. Nhiều blogger may áo phông có in khẩu hiệu “Tự do cho Điếu Cày, tự do cho người yêu nước”. Không khí căng thẳng đến nỗi cái Viện Kiểm sát Nhân dân do công an chi phối kia phải cố giữ bí mật ngày giờ xét xử.
Phiên tòa ngày 24-9 thu hút sự chú ý chưa từng có trong cộng đồng blog và mạng xã hội ở Việt Nam (chủ yếu là trên Facebook). Hàng chục blogger từ nhiều địa phương khác đến TP.HCM và đi tới Tòa án Nhân dân, cố gắng tham dự phiên tòa được coi là công khai, bất chấp sự phong tỏa của công an. Công an phá sóng điện thoại di động; nhiều người bị đe dọa, bị quấy phá, và bị đánh, điện thoại cùng máy ảnh bị giật. Báo chí quốc doanh mở một chiến dịch tấn công cá nhân Điếu Cày cùng với các blogger “chống nhà nước” nói chung.
Giới bình luận trên mạng nói rằng bằng việc gán cho Điếu Cày một mức án nặng như thế, chính quyền muốn gửi thông điệp rằng họ sẽ rất cứng rắn với những kẻ dám chỉ trích nhà nước.
Tuy nhiên, bản án nặng nề không tạo ra được sự sợ hãi mà chính quyền mong đợi từ phía các công dân. Thay vào đó, cơn phẫn nộ lan tràn trên khắp mạng Internet tiếng Việt. Ngay cả một số thành viên của cộng đồng blogger, vốn dĩ ủng hộ nhà nước, cũng phải thừa nhận rằng bản án là bất công đối với những blogger chỉ lên tiếng một cách ôn hòa, sử dụng một laptop có nối mạng.
Nhiều người so sánh vụ xử Điếu Cày với vụ việc một viên công an lạm quyền, đánh chết một công dân không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, viên công an này chỉ bị kết án 4 năm tù. Nhiều người nữa than rằng ở Việt Nam, “công lý chỉ là trò hề”, “viết blog bây giờ cũng là nghề nguy hiểm”, “nếu ghét thằng nào thì thà giết nó đi, còn hơn là viết blog nói xấu nó, vì phát biểu ý kiến ở đây còn bị trừng trị nặng hơn tội giết người”.
No comments:
Post a Comment