Wednesday, December 19, 2012

"Trảm", ai "trảm"



Võ Thị Hảo - Để “trảm” một nhà văn họăc một nhà báo, chỉ cần giết chết các tác phẩm và bài viết của người đó ngay ở khâu không cấp phép xuất bản. Nếu không có giấy phép mà xuất bản, đương nhiên sẽ bị phạt tiền, tịch thu tác phẩm, thậm chí tù tội và phải chịu nhiều hệ lụy về sau.

… Muốn yên thân, muốn vinh thân phì gia, hãy vờ vịt, hãy tiếp tay và ca tụng cái ác và cái dối trá. Hãy học nghề ăn không nói có, bợ đỡ và nịnh hót. Kìa  xem có bao nhiêu là người đang làm như thế mà không biết thế nào là nhục nhã. Ngươi là đàn bà, tốt nhất hãy dùng “vốn tự có”,  làm cho vài quan lớn xiêu lòng và cùng họ tận hưởng phú quý. Cả đời ngươi sẽ ngồi trên đống vàng. Nào ngươi hãy quên người nghèo, quên bất công, tham nhũng, quên nước mắt, quên những vết thương lịch sử đớn đau làm bao nhiêu triệu người chết không nhắm mắt… Quên đi quên đi. (VTH)
Đường tới biển - Tranh: Võ Thị Hảo
Nhân danh những người khóc
Vì ta vốn là người
vothihao2-237x300.jpg
Tôi không thích kể lể. Câu chuyện sau đây tôi đã nuốt vào lòng chỉ vì nó liên quan trực tiếp đến mình. Nhưng vì ngày Nhân quyền thế giới đã thôi thúc tôi thêm một lần khẳng định rằng mình và nhân dân VN vốn và đang là con người, lại nhân dịp tôi buộc lòng phải đăng tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ lên mạng internet vì trong nước Việt Nam chằng cho phép tôi xuất bản tác phẩm này, nên đành kể ra.
Cuối năm 2006 tôi hoàn thành tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ (từ tháng 3/2005, tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu 3 chương trong cuốn tiểu thuyết này). Tôi đưa bản thảo (chừng 400 trang in) đến một nhà xuất bản chuyên về văn chương  ở Hà Nội. Phụ trách và biên tập viên đều là người trong giới văn chương cả. Nhiều người trong số họ hào hứng đón nhận bản thảo, hứa sẽ đọc nhanh, sách có thể sớm ra mắt vì… “ báo chí và dư luận rất quan tâm sau khi đọc ba chương của Dạ tiệc quỷ… Bạn đọc đang chờ đợi tiểu thuyết này …”.
* Lại “nhạy cảm” – hãy “nạo thai”
Thời gian bản thảo lưu ở NXB này khoảng hơn nửa năm. Tôi không sốt ruột, bởi biết rằng như thực tế đã xẩy ra, bản thảo của mình có thể nhiều người để ý tới, nhiều cấp muốn “kiểm duyệt”. Trong khi đó, nhiều công ty xuất bản tư nhân và nhiều nhà xuất bản cũng muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh tiểu thuyết này, vấn đề chỉ là đợi Giấy phép xuất bản từ phía nhà nước mà thôi… Biên tập viên rất tích cực. Nhưng rồi buổi làm việc cuối cùng cũng đến. Biên tập viên trả lời bất mãn: Dạ tiệc quỷ rất hay nhưng không được cấp giấy phép vì lý do “nhậy cảm”! Chị biết đấy. Ở VN ta không có sự giải thích nào khác cho những tác phẩm tôn trọng sự thật và được gọi là “động chạm” như của chị.Tôi chẳng biết nói gì. Ừ, ở Việt Nam mấy chục năm nay, người viết như chúng tôi làm gì có quyền công bố tác phẩm của mình. Phải đợi rất nhiều cấp xét duyệt.
Và các cấp xét duyệt ấy, sinh ra rất nhiều khi không để làm việc bảo vệ và phát triển văn hóa, văn học theo quy định của pháp luật như chức năng mỹ miều của nó đã được đăng ký với công chúng.Hệ thống đó, ai cũng biết, sinh ra chủ yếu là để kiểm duyệt, để “khai tử”, để “bóp chết các tác phẩm “nhậy cảm” từ trong trứng”. Nếu họ không bóp chết các tác phẩm đó từ trong trứng- nghĩa là ở khâu kiểm duyệt, thì chính họ sẽ bị “xử trảm”: bị kỷ luật, cách chức, cắt mất niêu cơm và đi vất vưởng tìm việc ngoài đời…
Để “trảm” một nhà văn họăc một nhà báo, chỉ cần giết chết các tác phẩm và bài viết của người đó ngay ở khâu không cấp phép xuất bản. Nếu không có giấy phép mà xuất bản, đương nhiên sẽ bị phạt tiền, tịch thu tác phẩm, thậm chí tù tội và phải chịu nhiều hệ lụy về sau.Những tác phẩm thiếu chất lượng, nhảm nhí, hại đến thẩm mỹ của công chúng, làm thô tục và tầm thường hóa nền văn học thì cứ cấp phép thoải mái, nhưng những tác phẩm được gọi là “nhậy cảm”- nghĩa là không đi theo lề phải, không “phải đạo” theo quan niệm của nhiều người có quyền lực, thì phải tuyệt đối “trảm” ngay từ đầu!
Tôi thở dài. Vâng, tôi còn lạ gì hệ thống này. Ngay từ sau khi giành được chính quyền, nhân dân VN, trong đó có tôi, đã được hưởng quyền bị “xử trảm” tác phẩm từ trong trứng. Vụ án Nhân văn giai phẩm và đày đọa văn nghệ sĩ còn tày liếp đó…Muốn yên thân, muốn vinh thân phì gia, hãy vờ vịt, hãy tiếp tay và ca tụng cái ác và cái dối trá. Hãy học nghề ăn không nói có, bợ đỡ và nịnh hót. Kìa  xem có bao nhiêu là người đang làm như thế mà không biết thế nào là nhục nhã. Ngươi là đàn bà, tốt nhất hãy dùng “vốn tự có”,  làm cho vài quan lớn xiêu lòng và cùng họ tận hưởng phú quý. Cả đời ngươi sẽ ngồi trên đống vàng. Nào ngươi hãy quên người nghèo, quên bất công, tham nhũng, quên nước mắt, quên những vết thương lịch sử đớn đau làm bao nhiêu triệu người chết không nhắm mắt…Quên đi quên đi.
Thà ngươi cúi xuống, chăm chắm nhìn vào cái bộ phận sinh dục đàn bà của ngươi mà mô tả trần trụi theo kiều học sinh lớp 4, thì sách của ngươi sẽ lập tức được cấp phép và thậm chí còn được tổ chức những đợt tuyên truyền quy mô và rầm rộ.Cả một chủ trương ngầm để giải thiêng, dung tục hóa văn chương, để nhà văn thực sự có tài và có lương tâm thì mất chỗ công bố tác phẩm và văn học tự đánh mất chức năng đánh thức lương tri và chức năng khai sáng…Phải thừa nhận rằng đó là một chuỗi cử chỉ tinh vi, kéo dài đã hơn nửa thế kỷ, và đã rất thành công. Diến biến và những tai tiếng trong các Đại hội nhà văn, Đại hội các ngành văn nghệ khác là một thí dụ mà  ngoài những lời bình luận của người trong cuộc và công chúng thì chẳng cần phải nói gì thêm.Những câu trả lời ‘vì lý do nhậy cảm” cũng được lặp đi lặp lại ở những nhà xuất bản mà tôi đưa tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ  đến  đến xin cấp phép xuất bản. Rồi tôi lại đưa tập truyện ngắn “Ngồi hong váy ướt” đi xin cấp phép xuất bản tiếp, dù tiên liệu trước rằng rồi lại bị từ chối thôi.Chính xác. Ngồi hong váy ướt cũng thế, cũng bị từ chối cấp phép. Vâng, tôi đã từng biết và đã được biết nay càng thêm biết.Ngày lại ngày, nhiều người làm báo ngậm ngùi cắt xẻo, “trảm quyết” từ trong trứng những đứa con tinh thần được họ hoặc người viết hoài thai với bao đớn đau về sự thật. Những cuộc “nạo thai” phi lý  như vậy diễn ra ngày ngày giờ giờ phút phút trên đất nước này. Và thế là khiến cho cả nước thành một biển người câm lặng. Khiến cho khoảng bảy trăm tờ báo và tạp chí, chưa kể các tập san nội bộ và các nhà xuất bản lớn nhỏ, nói ngược xuôi gì rồi cũng phải về cùng một giọng. Cái giọng đó được chỉ định bởi một “Tổng biên tập” nhẩy lò cò bằng một chân phải, còn chân kia cất vào ngăn kéo để tính lập trường và tính công đã bảo vệ nền chuyên chính vô sản bằng cách giết chết các tác phẩm “nhạy cảm’ từ trong trứng, mặc dù trong thâm tâm họ biết rằng làm thế là vi phạm pháp luật và đã làm cho nền chuyên chính vô sản trở nên èo uột do đã hoàn toàn chối bỏ kháng sinh!Tôi không nản chí. Là một người viết, tôi hiểu rõ mức độ chất lượng và giá trị của tác phẩm mình viết. Tôi hiểu quá rõ chế độ “một tổng biên tập” và mức độ quyền tự do ngôn luận được thực thi thế nào ở VN.Trước đây, trong tiểu thuyết “Giàn thiêu” và nhiều tác phẩm khác, tôi đã phải gửi gắm những tư tưởng của mình vào các câu chuyện lấy bối cảnh và những nhân vật từ quá khứ cách đây có thể cả tới ngàn năm để “lọt” qua hệ thống kiểm duyệt. Thời chính quyền hô hào “cởi trói’ cho văn nghệ sĩ,  xuất hiện những Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài với  bà đỡ mát tay tri kỷ là nhà văn Nguyên Ngọc với báo Văn nghệ cho phép đăng những cuộc tranh luận văn học nghiêm túc dài kỳ, được công chúng ủng hộ rầm rộ vì nói đúng nguyện vọng của họ đã qua lâu quá rồi.Ngay sau đó, nhà cầm quyền đã hối hả thít dây trói lại và tiếp tục một đêm dài chủ nghĩa “phải đạo” và chủ nghĩa dung tục dối trá được vô tình cổ vũ… Tôi đã tiên liệu.
Tôi không ngạc nhiên. Tôi vẫn đều đặn ngồi trước trang giấy trắng mỗi ngày, và còn thu xếp, từ chối một số quyền lợi, gạt bỏ một số công việc, để viết nhiều hơn. Tôi viết cho chính tôi, cho bạn đọc yêu quý của tôi. Những người mà lâu lâu họ gọi điện không thấy tôi cầm máy thì liền lo lắng “có thể tôi đã bị bắt”.Tôi viết cho cả những người chẳng biết chữ, cho những người sắp chết đuối họăc đã chết vì tai nạn giao thông. Tôi viết cho cả những người chỉ lăm le hại tôi, thậm chí sẽ ném đá tôi. Tôi viết vì muốn dọn sẵn một khoảng trời sáng sủa hơn cho người VN trong đó có tôi.Để chúng ta được hưởng quyền làm người thực sự, trong đó không ai được cấm đoán tự do ngôn luận. Trong đó mọi chính phủ, mọi nhà cầm quyền được sinh ra, được dân  trả lương là để bảo vệ các quyền của con người, chứ không phải để tước đoạt, bắt bớ giết chóc khi có ai đó nói trái ý mình họăc chỉ là để ban phát.
* Rồi “trảm quyết” văn chương.Và tôi làm một việc đương nhiên: đưa bản thảo Dạ tiệc quỷ và Ngồi hong váy ướt đến đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch VN. Ngoài việc để bảo hộ tác quyền chính đáng của mình- mà trong quá khứ tôi đã từng bị người khác ăn cắp trắng trợn (Truyện ngắn “Máu của lá”…), tôi còn thể hiện việc công khai chịu trách nhiệm trước pháp luật về mỗi dòng tôi đã viết ra trên giấy trắng, cho dù chúng vẫn bị nhốt trong bóng tối với dụng tâm “bóp chết từ trong trứng” vì không được phép xuất bản.Đầu tiên, cán bộ Cục Bản quyền tác giả đã đón tiếp tôi nhiệt tình. Họ còn tỏ ý hoan nghênh một nhà văn như tôi đã luôn biết tìm đến nơi bảo vệ quyền tác giả chính đáng của mình.Một tháng sau, đúng ngay trước dịp Tết Độc lập (2/9/2010) của người dân thuộc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, tôi khấp khởi đến Cục. Lần này các nhân viên không trả lời, chỉ cho tôi đến gặp trưởng phòng. Thọat nhìn bốn bản thảo (phải nộp mỗi tác phẩm 2 bản coppy) của mình trong những ngón tay lập cập của người trưởng phòng và sự bối rối, không thể nhìn thẳng vào mắt người đối thoại của anh khi giải thích, tôi mới linh cảm rằng có chuyện gì đó bất ngờ.Quả vậy, ngoài sức tưởng tượng của tôi, Trưởng phòng trả lời: chị thông cảm, hiện nay chúng tôi không thể đăng ký quyền tác giả cho các tác phẩm này”.
Tôi bị sốc. Hỏi vì sao, có văn bản nào quy định không, thì anh khổ sở trả lời: “bất thành văn chị ạ. Chị biết đấy, vì lý do “nhạy cảm”… Chị thông cảm cho chúng tôi…”.
Cục bản quyền tác giả là một cơ quan tồn tại bằng tiền thuế của nhân dân, làm công việc xác nhận, bảo hộ quyền đương nhiên, quyền tối thiểu là quyền sở hữu tác phẩm của tác giả. Tôi mang tác phẩm đến đăng ký, là tôi công khai, đàng hoàng chịu trách nhiệm về mỗi chữ mỗi dòng trong tác phẩm của mình dù đã công bố hay chưa công bố. Luật pháp VN cũng quy định như vậy.Cục bảo hộ quyền tác giả không phải là nơi có quyền và trách nhiệm xem xét nội dung, chất lượng nghệ thuật của bản thảo để  quyết định cho công bố hay không công bố. Cục chỉ cần xác nhận hay không xác nhận: Quả trứng này là của con gà này đẻ, không phải của con gà kia, thế thôi.
Ai đã  tước đọat của tôi quyền đương nhiên sở hữu tác phẩm mình viết ra?Nếu tước đọat của tôi quyền đó, phải chăng, Cục và bàn tay vô hình bí mật nào đó muốn khuyến khích cho những kẻ trộm cắp bỉ ổi cướp đọat quyền sở hữu tác phẩm của tôi?Ngoài việc đồng hành cùng nỗi đau của con người, tôi đã làm gì để họ đối xử như vậy?Ngoài tôi ra, có bao nhiêu tác giả bị tước đọat quyền xuất bản và quyền sở hữu tác phẩm như thế trên đất VN ở thế kỷ 21 này – ở năm thứ 795 sau khi người Anh công bố Hiến chương Magna Carta trong đó  có có những điều khoản về  Đạo luật nhằm bảo vệ quyền Con người; ở năm thứ 62 sau Tuyên ngôn  quốc tế về nhân quyền, và cũng đã ở năm thứ 33 sau khi VN ký cam kết tuân thủ Công ước Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, trong đó đương nhiên có quyền tự do ngôn luận!
Bao nhiêu tác phẩm có lương tri và đồng hành cùng sự thật, tôn trọng những quy định của pháp luật VN nhưng đã bị những bàn tay không lộ diện “xử trảm” từ trong trứng?!Lúc đó tôi thực sự muốn nổi điên, muốn to tiếng với anh trưởng phòng của Cục BHQTG. Nhưng rồi, tôi im lặng. Tôi nhìn vẻ mặt bối rối không biết nói thế nào cho phải của anh và thấy ái ngại. Ái ngại và sợ hãi. Sợ một lần nữa phải nghe câu trả lời quen thuộc: “lý do nhậy cảm…”.
Hôm đó là ngày 30/8/2010. Hà Nội và cả nước VN đang đỏ rực cờ hoa và khẩu hiệu đón Tết Độc lập lần thứ 65 và đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.“Xử trảm” một lúc hai tác phẩm – đó là món quà đặc biệt dành cho tôi nhân kỷ niệm 65 năm VN được gọi là “giành được độc lập tự do” đấy chăng?!Tôi mệt mỏi trên con dốc nhỏ từ Cục bản quyền tác giả lên đường Hoàng Hoa Thám tấp nập xe cộ.Đỉnh dốc trước mặt nổi rõ một băng vải đỏ dài rộng căng cao, hàng chữ nhựa màu vàng sáng lóa: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!*
Bây giờ thì nhân danh những người khóc
Tôi có thể đưa bản thảo tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ và Ngồi hong váy ướt  lên mạng Internet hoặc gửi in ở nước ngoài từ lâu.Nhưng tôi muốn chờ đợi để bạn đọc của tôi ở trong nước được chia sẻ nó trước.Đến nay thì đã vô vọng. Bốn năm chờ đợi, tôi nghĩ đã quá đủ.
Tôi cần chia sẻ nó với bạn đọc. Ngay bây giờ.Vì những vấn đề của cuộc sống và thời đại hiện tại đang được phản ánh mãnh liệt, da diết trong đó. Và tôi phải đẩy chúng ra đời, bởi tôi lại đang viết cuốn tiểu thuyết khác: “Rừng đoạn đầu” – về một giai đọan đầy tàn bạo và đau thương, luôn vì thủ cựu, tham lam và dốt nát mà làm lỡ thời cơ cả trăm năm của đất nước Việt Nam. Tôi phải viết chúng ra. Ôi tôi mắc nợ quá nhiều những ám ảnh đau thương và các oan hồn.
Tại sao họ cứ tìm tôi để kể và để khóc? Trong khi cũng như ai, tôi muốn được yên thân.Nhân danh những người khóc, nhân danh tự do và quyền con người cho tôi và cho người dân Việt Nam, hôm nay, ngày Nhân quyền thế giới – cái ngày tuyệt vời nhất mà con người có thể nghĩ ra, tôi chia sẻ cùng bạn đọc tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ trên mạng Internet qua DCV online, mong cho người VN dù ở bất cứ đâu cũng đều có thể đọc.
Tôi kể cùng bạn đọc câu chuyện trên.Để góp phần thúc đẩy cho một ngày, người VN được thực sự làm con người đang sống với đầy đủ quyền tự do ngôn luận. Không ai có quyền ban phát hay tước đoạt quyền đó của chúng ta./.
Võ Thị Hảo
Nguồn Blog Hồng Giang 180

No comments:

Post a Comment