Anthony Thiên Ân - VRNs (06.12.2012) - Sáng nay, ngày 5/12/2012, luật sư Hà Huy Sơn, người đã nhận biện hộ cho 3 trong số 17 thanh niên Công Giáo gồm: Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đình Cương và Trần Minh Nhật đã đến trại tạm giam B14 Bộ công an tại Hà Nội để gặp thân chủ của mình. Đây là lần thứ hai luật sư Sơn được tiếp xúc với thân chủ của mình. Và như tin chúng tôi đã đưa tin, một trong ba thanh niên mà luật sư Sơn đã nhận biện hộ, thì sinh viên Trần Minh Nhật đã từ chối luật sư bào chữa cho mình [1].
Sau khi thăm gặp, luật sư Hà Huy Sơn cho chúng tôi biết, mặc dù điều kiện trại giam không được tốt, nhưng nhìn bề ngoài thì sắc diện của hai thanh niên Hồ Văn Oanh và Nguyễn Đình Cương có phần tốt hơn lần gặp trước. Đặc biệt, tinh thần của hai thanh niên này rất vững vàng. Oanh và Cương đều tuyên bố mình vô tội và yêu cầu luật sư biện hộ và làm rõ điều đó trước tòa cũng như trước công luận. Riêng thanh niên Hồ Văn Oanh còn nhờ luật sư Sơn nhắn với với gia đình là hãy yên tâm, không phải lo lắng gì hết vì Oanh vẫn còn rất vững vàng!
Xin cũng được nhắc lại, việc nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện một loạt bắt bớ các thanh niên Công Giáo và Tin Lành theo lối bắt cóc và đã biệt giam trong hơn 1 năm qua đã bị dư luận trong và ngoài nước lên án mạnh mẽ. Không những thế, các thanh niên đang bị giam giữ và sắp bị đem ra xét xử cũng rất kiên quyết khi liên tục tuyên bố mình vô tội. Và việc cáo buộc tội danh vô lí đã thể hiện rất rõ qua bản cáo trạng [2] của nhà cầm quyền Việt Nam khi công an và viện kiểm sát không đưa ra được bất kì hành động nào để gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế cũng như Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng đã lên tiếng chỉ trích sự vi phạm nghiêm trọng chính luật lệ của chính quyền Việt Nam, trong đó có 12 tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã cùng ký tên chung vào một lá thư hôm 27/8/2012 kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các thanh niên này.
Anthony Thiên Ân
[1]: Hai thanh niên Công giáo từ chối luật sư cho phiên tòa sắp diễn ra
[2]: Công Bố Bản Cáo Trạng Vụ Án Xét Xử Các Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành của Viện Kiểm Sát Nhà Nước cộng sản Việt Nam
Theo một bài viết đã công bố trên các phương tiện truyền thông của Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hài Nội:
1. Nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bạn không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Cơ quan điều tra. Bạn có quyền giữ im lặng cho đến khi bạn bị đưa ra Tòa án để xét xử. Bạn có quyền yêu cầu luật sư của bạn có mặt trong buổi hỏi cung của Cơ quan điều tra, bạn có quyền tham khảo ý kiến luật sư của bạn về câu trả lời của bạn cho Cơ quan điều tra (Điều 63 BL TTHS).
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.” (Điều 10 BL TTHS). Theo qui định này có nghĩa là bất kỳ công dân nào khi bị tạm giữ, tạm giam, bị đưa ra xét xử không cần thiết phải đưa ra những chứng cứ, lý lẽ để chứng minh là mình vô tội. Người bị tạm giữ, tạm giam không có nghĩa vụ chứng minh là mình không liên quan đến thời gian, địa điểm hay nghi can của một vụ án nào đó. Tức là không có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra như: Ngày hôm đó anh, chị ở đâu và làm gì? Hôm đó anh, chị đi đâu và gặp ai hay có biết người này, người kia không?… Và những câu hỏi tương tự như vậy. Đó là việc của cơ quan điều tra phải đưa ra chứng cứ để chứng minh rằng ngày đó, vào thời điểm đó người đang bị điều tra có mặt hay có liên quan đến địa điểm và thời gian sảy ra một vụ án nào đó, có liên quan đến một nghi can nào đó.
Qui định này còn có nghĩa là người đang bị tạm giữ, tạm giam để điều tra có quyền im lặng trước các câu hỏi của cơ quan điều tra hoặc có quyền bác bỏ các chứng cứ cáo buộc đó mà không có nghĩa vụ phải chứng minh ngược lại.
2. Việc bị can thực hiện quyền im lặng của mình, cương quyết không chịu hợp tác với cơ quan điều tra không thể bị xử lý nặng hơn các trường hợp thông thường khác khi bị đưa ra tòa xét xử. Bởi vì: Thứ nhất, điều 48, 49 Bộ luật TTHS qui định người bị tạm giữ, tạm giam được quyền trình bày lời khai. Đó không phải là nghĩa vụ. Tức là bị can có quyền im lặng trong suốt quá trinh tố tụng.
Thứ hai, trong điều 48 Bộ luật hình sự không qui định hành vi “ngoan cố”, “im lặng không khai báo” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
No comments:
Post a Comment