Người Buôn Gió
Khi ai đó đụng chạm đến một vị chức sắc Công Giáo, thế nào cũng có giáo dân nổi giận. Dù có trưng ra bằng chứng dấu đỏ, chữ ký không thể bác bỏ đó là văn bản giả mạo, thì những người Công Giáo sẽ vẫn bênh vực cho chức sắc của mình rằng – Các Đấng có đường lối riêng, không thể đem suy luận thấp hèn mà đánh giá các Đấng được.
Lê Quốc Quân cũng là một giáo dân như vậy. Lần trước khi ĐC Nguyễn Văn Nhơn còn trong Đà Lạt, mình nói với Quân đợt tới ĐC Nhơn sẽ ra Hà Nội là phó tổng Giám Mục Hà Nội quyền kế vị. Quân bảo mình nói láo,châm chọc chuyện Giáo Hội, biết gì mà xen vào. Lúc ĐC Nguyễn Văn Nhơn ra một thời gian, mình lại nói 15 ngày nữa ĐC Nhơn sẽ thay thế Đức Cha Ngô Quang Kiệt, không chỉ có thế mà ở trong Vinh Giám Mục Cao Đình Thuyên sẽ nghỉ hưu để Linh Mục Nguyễn Thái Hợp ra Vinh làm Giám Mục Lần nầy thì Quân nổi nóng thực sự, đến mức chửi thề và doạ giết mình vì phao tin đồn nhảm.
Nhưng 15 ngày sau, mãi đến 6 giờ chiều, tin chính thức từ toá thánh Vatican thông báo. Hôm sau Quân gặp mình, bắt tay và khóc.
Rút kinh nghiệm từ Quân,cho nên bài viết này, mình sẽ không đưa nhận xét của mình về các Đấng Bậc chức sắc Công Giáo, mà chỉ kể lại một số sự việc. Qua đó bạn đọc tự đánh giá.
Từ khi ĐC Phao Lô Nguyễn Thái Hợp về nắm quyền Giám Mục ở giáo phận Vinh, lúc đó ngọn lửa Tam Toà vẫn còn hừng hực bỗng dịu dần xuống. Một số Linh Mục kiên quyết được điều chuyển đi xứ khác xa xôi hơn, đặc biệt những Linh Mục này vốn trông coi những giáo xứ gần nhau thường qua lại xứ của nhau, nay người vào Hà Tĩnh, người lên giáp Lào cách xa nhau hàng trăm cây số.
Đức Cha Phao Lô Cao Đình Thuyên về hưu bởi đã quá tuổi, đó là việc bình thường. Việc điều chuyển Linh Mục đi các xứ cũng là chuyện bình thường trong giáo hội Công Giáo. Khách quan thì việc thay thế, điều chuyển là vẫn xẩy ra. Cho nên nhìn nhận việc ĐC Hợp về thay và thực hiện việc điều chuyển Linh Mục không có gì là lạ.
Một người phụ nữ nấu bếp ở toà Giám Mục Xã Đoài thời Đức Cha Cao Đình Thuyên bị bắt tù vì tội trải truyền đơn cho cha Tadeo Nguyễn Văn Lý mở màn cho một loạt các cuộc bắt bớ giáo dân khác xẩy ra trên giáo phận Vinh hồi năm ngoái. Người phụ nữ này từng có mặt ở Tam Toà và chịu đánh đập bởi một đám đông ” quần chúng tự phát ”, sau đó công an Quảng Bình bắt vài ngày vì tội ” gây rối trật tự công cộng ”. Người phụ nữ này bị bắt sau khi ĐC Nguyễn Thái Hợp về quản Xã Đoài, bà ta không còn ở trong nhà bếp nữa. Hình như tên chị là Thuỷ, phó chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Tam Toà.?
Một điều tối kỵ của cơ quan an ninh là hạn chế bắt người Công Giáo tại khu vực đông giáo dân, trong ngày lễ Trọng. Thế nhưng tại Vinh, một giáo phận có hàng nửa triệu giáo dân, trong những giáo xứ toàn tòng thì những cuộc bắt bớ diễn ra không cần phải né tránh điều tối kỵ ấy. Ngay chiều ngày 24 tháng 12 năm 2011, Phero Nguyễn Đình Cương , một thanh niên Công Giáo bị bắt ngay tại giáo xứ Yên Đại của mình, trong một nhà người bạn hàng xóm.
Tới đây cuộc xét xử của mười mấy thanh niên Công Giáo sẽ diễn ra tại thành phố Vinh, như đã nói, nơi có hàng trăm người Công Giáo sinh sống. Phiên toà này do tính chất thụ lý vụ án, không nhất thiết phải xử ở Vinh. Nó có thể được xử ở Hà Nội nơi mà các bị cáo đang bị giam giữ suốt từ khi bắt đến giờ. Nhưng nhà cầm quyền không hề e ngại sức nóng của các vụ Tam Toà, Con Cuông ( xảy ra khi ĐC Nguyễn Thái Hợp ở nước ngoài ) khiến phiên toà căng thẳng.? Một điều thật lạ. !!! khi chọn Vinh làm nơi mở phiên toà, lý do đa số bị cáo là người Vinh chỉ là một phần.
Trở lại vụ Con Cuông, khi tình hình rất căng thẳng thì ĐC Nguyễn Thái Hợp về nước. Nguyên văn trong một bản báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An gửi Thủ Tướng Chính Phủ có đoạn.
- Từ khi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp về nước ( 3h sáng ngày 14/7/2012 ) thì giáo hội có sự thay đổi về phương thức. Bớt trực diện, cực đoan, từ bỏ ý định diễu hành tại thành phố Vinh, bao vây trụ sở tỉnh uỷ, UBND tỉnh, phong toả đường quốc lộ 1A.
Nhìn nhận dưới quan điểm một người kính Chúa yêu nước, sống Phúc Âm trong lòng dân tộc, tốt Đời đẹp Đạo… thì hẳn nhiên phải thấy ĐC Phaolo Nguyễn Thái Hợp Giám Mục giáo phận Vinh, chủ tịch Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình của HĐGM Việt Nam là một người có tâm nguyện muốn một giáo phận Vinh yên bình dưới những tiêu chí ấy.
ĐC Nguyễn Thái Hợp có một quá khứ phi thường, thân phụ bị sát hại, lúc 9 tuổi ĐC Hợp vác di hài thân phụ băng sông vào Nam. Sau này làm Linh Mục, ĐC theo một trường phái gọi là thần học giải phóng, sau này theo dòng Đa Minh. Khi ĐC đi sang Nam Mỹ ngài mang hộ chiếu VNDCCH, sau ngày 30/4 vì nặng lòng với quê hương, ngài đổi hộ chiếu CHXHCNVN với mong muốn sau này về nước mục vụ cho giáo hội Việt Nam. ĐC từng đi nhiều nơi trên thế giới như Thuỵ Sĩ , Liên Xô để học hỏi nghiên cứu về triết học.Sau nhiều khó khăn, cuối cùng ĐC cũng được về nước cho đến ngày nhận mũ, gậy làm Giám Mục tai quê hương ngài là giáo phận Vinh.
ĐC là người uyên thâm, viết nhiều sách. ĐC có cái nhìn xéo rất nhanh nhẹn mà hiếm có Linh Mục nào có, đừng nói là Giám Mục.
Giuse Lê Quốc Quân, người con của giáo dân của giáo phận Vinh, sinh sống tại Hà Nội. Giuse Lê Quốc Quân là thành viên trong Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình mà ĐC Nguyễn Thái Hợp làm chủ tịch. Một người như Quân thì không ai lạ gì quan điểm của anh ta, và cũng không ai lạ gì quan điểm của nhà cầm quyền đối với anh ta. Thế nhưng ĐC Nguyễn Thái Hợp vẫn nhận anh ta vào làm thành viên UBCLHB của Giáo Hội. Lạ lùng, nhiều người cho rằng ĐC Nguyễn Thái Hợp có những quan điểm đổi mới, là ” ẩn số ”, là Đấng có những bước đi ” rất riêng ”….
Uỷ ban Công Lý Hoà Bình và Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo đều là những tổ chức tôn giáo hoạt động được Đảng và Nhà Nước, Chính Phủ CHXHCN VN đồng ý. Một thời gian sau, ĐC Nguyễn Thái Hợp gợi ý cho Quân nên ra khỏi UBCLHB. Có lẽ ĐC thấy Quân không thể gò mình đi theo con đường của UBCLHB mà ngài đang hướng tới. Giuse Lê Quốc Quân âm thầm từ giã UBCLHB không hề có một lời phân bua, tính nó là vậy ( sở dĩ tôi gọi Quân là ”nó” bởi tình cảm thân thiết giữa chúng tôi với nhau ) Quân có thể chết chứ không bao giờ nói một lời không hay về Giáo Hội hay các Đấng Bậc. Một Đạo mà có tín đồ như thế, thật đáng kính trọng nền tảng luân lý của Đạo ấy.
Trong khoảng thời gian đó, Giuse Lê Quốc Quân cũng thôi làm thành viên ban liên lạc nhóm Doanh Trí Công Giáo tại Hà Nội, cũng bởi một lý do rất riêng.Giá như Lê Quốc Quân đi theo con đường của ĐC Nguyễn Thái Hợp có lẽ số phận không như ngày hôm nay. Nhưng nói ” giá như” như thế thì còn gì để mà nói, vì đó đâu phải Lê Quốc Quân nữa.?
Mình nói với Quân về sự vô hiệu hoá, cô lập, phân hoá, biện pháp ngăn chặn, cơ sở, đặc tình, đấu tranh đối tượng..về LLBM, về MLBM, về những nhân tố tích cực trong giáo hội, những linh mục tu sĩ tiến bộ..diễn giải từng thứ theo cách mà mình hiểu, nêu ví dụ điển hình cho Quân nghe. Tất cả để muốn nói với nó rằng – Mày chuẩn bị tinh thần đi.
Có lẽ Quân cũng có chuẩn bị tinh thần cho ngày bị bắt, nhưng tính nó mình biết, ít nhiều vẫn có chút hồn nhiên, ngây thơ và hy vọng vào điều gì đó, nên chắc còn nhiều thứ không kỹ, không làm xong, chẳng hạn như vấn đề về con cái học hành, người trông nom uỷ thác công việc dở dang…
Quân nói.
- Tôi không sợ tù, tôi biết nếu tôi có tù vì bất cứ lý do gì, đó đều là sự trả giá cho lý tưởng mà tôi theo đuổi.
Đó là câu chuyện của tuần trước, còn của tháng trước là Quân hỏi mình về làm với nó để có ít tiền tiêu Tết, mình nói.
- Đm tôi làm thế nào được cho ông, tính tôi hay văng tục chửi bậy, nhìn như thằng xe ôm. Ông thì kính trắng thư sinh. Làm cho ông, lúc nào ngứa mắt tôi chửi ông thì ra đ gì, nhân viên lại chửi sếp. Lúc đó Quân lái xe ô tô, mình quần đùi, đầu trọc ngồi khoanh chân trên ghế. Đến đoạn tắc đường, người đi đường cứ nhìn vào xe với ánh mắt ngạc nhiên. Chắc họ không hiểu một thằng thư sinh, kính trắng, hiền lành sơ mi, cà vạt cầm vô lăng và thằng đen đúa, mặt mùi sần sùi, quần đùi ngồi khệnh khạng bên cạnh sao lại đi với nhau.?
Biết đâu tới đây, chúng tôi lại đi cùng nhau trong đoạn đường phía trước. Chuyện thường mà, như tôi đã nói rồi – tất cả chúng ta đều trong rọ.
Thôi có bài hát yêu thích này, tặng bạn Lê Quốc Quân, tôi biết ông có thể khác tôi nhiều điều, nhưng chúng ta đều là những đứa con luôn nghĩ về Mẹ mình và nhiều người thân khác nữa.
(28/12/2012)
Người Buôn Gió Blog
No comments:
Post a Comment