A. Bốn Kịch Bản Dân Chủ:
Dân chủ hóa là con đường tất yếu của Việt Nam, nhưng sẽ xẩy ra theo kịch bản nào? Bài viết này tóm lược 4 kịch bản có thể xẩy ra và Kịch Bản tối ưu mà chúng tôi đề nghị mọi người quan tâm đến tương lai Việt Nam nên chọn lựa và tích cực cùng nhau thực hiện để sớm gỡ bỏ được cơ chế độc tài đảng trị và đưa đất nứơc vào thời kỳ thịnh vượng và dân chủ một cách ôn hòa bất bạo động.
I. Kịch Bản I: Đổi Mới Chính Trị (Đổi Mới II)
Ban lãnh đạo đảng CSVN là tác nhân chính và duy nhất, đưa ra kế họach cải cách chính trị-xã hội nhằm mở rộng dân chủ và dân chủ hóa từng bước dưới sự lãnh đạo của đảng CS, qua việc thực hiện một số hay toàn bộ các công việc cải cách sau đây:
- sửa Hiến Pháp: luật pháp hóa vai trò lãnh đạo của đảng CS, hợp nhất hoặc tách biệt hẳn quyền lực của các cơ cấu đảng và chính quyền từ trung ương xuống địa phương (không song hành và trùng lấp như hiện nay), tăng cường quyền lực cho chính quyền trung ương;
- mở rộng QH và chính phủ cho các thành phần ngoài đảng CS;
- tăng cường vai trò kiểm sóat của QH, và mở rộng vai trò phản biện của các tổ chức xã hội và của truyền thông;
- ra luật hội đoàn dân sự cho phép công dân được thành lập các tổ chức dân sự (phi chính trị) độc lập với đảng và nhà nước;
- canh cải hệ thống luật pháp theo hướng pháp trị hơn dù vẫn độc đảng (rule of law); ban hành một số đạo luật mới hoặc sửa đổi một số đạo luật quan trọng liên quan đến sở hữu đất đai, biểu tình, đình công, hội đoàn dân sự…
- cho phép công dân được thực hiện các công cuộc nghiên cứu, thảo luận, phản biện về các vấn đề chính trị-xã hội, văn hóa tư tưởng, về các mô hình và tiến trình dân chủ, có thể hoạt động chính trị, nhưng không được thành lập các tổ chức chính trị, các chính đảng.
- mở cửa cho các hội đoàn nhân quyền quốc tế vào Việt Nam.
II. Kịch bản II: “Chế Độ Sụp Đổ”
- Sự tranh chấp quyền lực và quyền lợi trong nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN làm cho họ bị tê liệt, không đưa ra được một chương trình cụ thể và hữu hiệu để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ngày càng trì trệ và suy thoái.
- Chính quyền trung ương bất lực không giải quyết được các vấn đề chính trị, xã hội, nhũng lạm quyền thế, công an lộng hành… do các chính quyền địa phương gây ra.
- Quốc tế ngưng hỗ trợ vô điều kiện hoặc với các điều kiện ưu đãi, ngược lại, ngày càng đòi hỏi các điều kiện cải thiện nhân quyền, dân quyền, mở rộng tự do dân chủ cho người dân.
- Áp lực, ảnh hưởng và xâm nhập của Trung quốc ngày càng mạnh, nhất là đối với vùng biên giới, và tại các chính quyền địa phương.
- Những vấn đề xã hội, giáo dục ngày càng trầm trọng chính quyền trung ương không giải quyết được: nông dân tiếp tục chống lại việc cưỡng chế ruộng đất cho tư bản đỏ, công nhân đình công lan rộng, đời sống thành thị ngày càng khó khăn, khủng hoảng giáo dục và đại học vì số học sinh các cấp và số sinh viên gia tăng quá nhanh…
- Các thành phần và nhóm dân chủ và tiến bộ xã hội tạo được hệ thống liên lạc và phối hợp hành động hữu hiệu, vượt qua được màng lưới ngăn chặn và phá vỡ của an ninh;
- Một biến cố kinh tế, xã hội xẩy ra tại một thành phố lớn làm bùng nổ những cuộc xuống đường, bạo động lan rộng, chế độ sụp đổ. Những gì sẽ xẩy ra sau đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thái độ (và can thiệp) của quốc tế, của Trung quốc, tiếng nói và hành động của các nhóm dân chủ và tiến bộ xã hội trong-ngoài nước, của các cán bộ đảng viên CS tiến bộ…
- Hai trường hợp có thể xẩy ra: (a) quân đội can thiệp và chấm dứt chế độ đảng trị, thiết lập chế độ quân phiệt một thời gian trứơc khi chuyển sang dân chủ với một chính quyền dân sự; (b) một ban lãnh đạo CS mới, cấp tiến, chấp nhận dân chủ, nắm quyền và thực hiện tiến trình chuyển sang dân chủ.
III. Kịch Bản III: “Chiến Tranh Hạn Chế”
1. Chiến tranh hạn chế xẩy ra tại Biển Đông:
- hạm đội TQ bất ngờ tấn công và chiếm đóng một số đảo tại Trường Sa hiện do Phillipins và Việt Nam giữ; hải quân Phi và Việt thua, không bảo vệ được các đảo này;
- hạm đội Mỹ, Úc, Nhật, Ấn lập tức được điều động đến vùng biển Đông với ký do để bảo vệ tuyến lưu thông hàng hải qua vùng biển này. Hải quân Việt, Phi, Singapore, Malaysia…tăng cường lực lượng và đặt trong tình trạng ứng chiến tại vùng biển Đông. Tình hình căng thẳng có nguy cơ bùng nổ chiến tranh khu vực;
- ASEAN và HĐBA LHQ họp khẩn cấp để tìm biện pháp ngăn chặn chiến tranh. TQ tăng cường hải lục không quân tại vùng biển đông và tuyên bố đã lấy lại các đảo bị chiếm giữa, sẽ không rút lui, và tự ngưng chiến.
2. Ban lãnh đạo đảng và chính quyền Việt Nam lúng túng và bất lực không dám có những quyết định cứng rắn với TQ, trong khi TQ tăng cường quân đội tại vùng biên giới đất liền và tại Hòang Sa. Tại các thành phố lớn trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên yêu nước liên tục biểu tình chống TQ xâm lược, bị lực lượng an ninh đàn áp.
3. Quân đội đứng lên, đóng vai trò lãnh đạo và chủ động tại trung ương và địa phương, quốc hội tạm thời ngưng hoạt động, chính phủ ban bố tình trạng thiết quân luật, ra lệnh tổng động viên… nhưng không chính thức tuyên chiến với TQ.
4. Hải quân Việt-Phi hợp tác nhằm bảo vệ các hải đảo chưa bị TQ chiếm giữ và liên minh họat động với hải quân Mỹ, Úc, Ấn Độ để bảo vệ thông thương hàng hải qua vùng biển đông. LHQ can thiệp để nhăn chặn chiến tranh và mở diễn đàn quốc tế nhằm bảo đảm hòa bình và thông thương hàng hải tại vùng biển Đông.
5. Tình trạng biển đông tạm lắng dịu nhưng Việt, Phi mất thêm một số đảo về tay TQ.
6. Việt Nam hậu chiến tranh hạn chế sẽ như thế nào tùy thuộc vào tình trạng mạnh hay yếu của đảng CSVN, của các lực lượng dân chủ, tiến bộ, và thái độ của quốc tế. Nhìn chung cuộc vận động dân chủ hóa chịu một bước lùi tạm thời.
IV. Kịch Bản IV: “Chuyển Hóa Dân Chủ”
- Các điều kiện chính trị-xã hội diễn ra như trong Kịch Bản II, cũng sẽ diễn ra trong Kịch Bản IV này, cụ thể là các điều 1,2,3,4,5,6 trong Kịch bản II. Nhưng điều 7 và 8 của Kịch bản II sẽ không xẩy ra được, do đó không dẫn đến sụp đổ chế độ bằng phong trào xuống đường của quần chúng;
- Ban lãnh đạo đảng CSVN, dù không thực hiện được kế hoạch Đổi Mới Chính trị như họ dự trù, nhưng vẫn thực hiện được một số các cải cách chính trị, cụ thể là các điều 2,3,4,5 trong Kịch Bản I dẫn đến kết quả:
- mở rộng QH và chính phủ cho các thành phần ngoài đảng CS;
- tăng cường vai trò kiểm sóat của QH, và mở rộng vai trò phản biện của các tổ chức xã hội và của truyền thông;
- ra luật hội đoàn dân sự cho phép công dân được thành lập các tổ chức dân sự (phi chính trị) độc lập với đảng và nhà nước;
- canh cải hệ thống luật pháp theo hướng pháp trị hơn (rule of law)
- Các điều kiện xã hội và quần chúng dự trù trong Kịch Bản II, (nêu ra ở điều 1 trong Kịch Bản IV này), cộng với một số cải cách chính trị-xã hội do ban lãnh đạo CS thực hiện như dụ trù trong Kịch Bản I (nêu ra trong điều 2 trên đây), và áp lực quốc tế thay đổi theo hướng ủng hộ tự do dân chủ –ba yếu tố này tổng hợp lại giúp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Kịch Bản IV.
- Trong Kịch bản IV, ngoài 3 yếu tố nêu tại điều 3 trên đây, còn một tác nhân quan trọng: đó là ba thành phần mới xuất hiện trong xã hội bao gồm: (1) các cá nhân, nhóm đòi công bằng và tiến bộ xã hội, (2) các nhóm đòi bảo vệ đất nước chống bành trướng Bắc kinh, (3) các nhóm đòi tự do dân chủ. Trong 5 năm trở lại đây 3 thành phần này xuất hiện ngày càng rõ nét, công khai, tuy chưa thể liên kết và có tổ chức vì nhiều lý do. Đây là 1 trong 4 tác nhân của Kịch bản IV
- Tóm lại Kịch bản 4 được triển khai nhờ 3 yếu tố (factors) và 4 tác nhân(actors):
5.1. Ba yếu tố là:
5.1.1. áp lực từ xã hội và quần chúng;
5.1.2. áp lực từ quốc tế và hải ngọai;
5.1.3. những cải cách của ban lãnh đạo CS.
5.2. Bốn tác nhân là:
5.2.1. ban lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản;
5.2.2. các thành phần họat động trong xã hội, vì công bằng xã hội, bảo vệ đât nước, đòi tự do dân chủ;
5.2.3. thanh niên trí thức trẻ thành thị, nông dân và công nhân muốn thay đổi;
5.2.4. tác nhân quốc tế, kể cả TQ và Tây phương: vừa giúp đỡ vùa áp lực.
6. Những diễn biến trong Kịch Bản IV:
6.1. Hiến Pháp được sửa đổi để mở đường cho việc thực hiện các cải cách chính trị, luật pháp như nêu ra trong điều 2 trên đây;
6.2. các thành phần dân tộc, tiến bộ và dân chủ nương vào những cải cách chính trị do ban lãnh đạo Cộng sản đưa ra, thành lập các tổ chức dân sự, đẩy mạnh và đa dạng hóa các họat động công khai mà các đạo luật mới cho phép;
6.3. các thành phần dân tộc, tiến bộ và dân chủ hỗ trợ quần chúng trong những cuộc vận động đòi hỏi các quyền hợp pháp của họ, chống lại cường hào ác bá, đòi công bằng xã hội…
6.4. các hình thức bất phục tùng dân sự, biểu tình, tập họp thảo luận, phản kháng và phản biện chính trị-xã hội xuất hiện ngày càng nhiều và công khai, vừa đòi hỏi vừa đối thọai với chính quyền để đòi mở rộng tự do và thực thi dân chủ;
6.5. xuất hiện công khai các tổ chức chính trị đòi tự do họat động chính trị, tự do ứng cử và bầu cử…Nhiều ứng cử viên độc lập tham gia vào các cuộc bầu cử địa phương và QH;
6.6. Đa nguyên xã hội trước đa đảng chính trị sau, trước sau lâu hay mau tùy tình hình chung và chuyển biến của hai bên dân chủ và chính quyền. Đây là tiến trình dân chủ hoá đặc thù của Việt Nam, khác Bắc Phi và Miến Điện. Với sự ủng hộ của quốc tế và lớn dậy của các tổ chức và hoạt động dân sự, kể cả chính trị không đảng phái, độc lập với đảng CS, có khả năng xuất hiện một hình thức đa nguyên văn hóa- xã hội, và đối lập chính trị, dù đảng CS vẫn lãnh đạo và chưa chính thức chấp nhận đa đảng chính trị. Tình hình hiện nay, trong nội bộ đảng CS cũng như ngoài xã hội, đang mở ra khả năng xuất hiện, bán công khai và công khai, những hình thức hoạt động và tổ chức dân sự, đa nguyên văn hóa, xã hội và chính trị, dù chưa đươc chính thức công nhận, và vẫn bị đàn áp, lúc mạnh, lúc nhẹ, tùy người, tùy nhóm, và dù các chính đảng chưa xuất hịện công khai được.
7. Những công việc mà thành phần dân tộc, dân chủ, tiến bộ cần thực hiện, dựa vào cơ hội do tình hình chung cho phép, và từ những cải cách chính trị mang lại (Kịch Bản I), để đẩy nhanh những diễn biến của Kịch Bản IV nêu ra trong điều 6 trên đây.
7.1. thành lập các tổ chức dân sự; kết nối mạng về tổ chức và phối hợp hành động qua các đề án hoạt động chung về văn hóa và chính trị-xã hội;
7.2. sáng tạo và tổ chức các hình thức đa dạng bầy tỏ nguyện vọng và đòi hỏi công bằng xã hội, minh bạch hóa và dân chủ hóa chính quyền, một cách ôn hòa bất bạo động: hội thảo (online, dưới đất), tụ họp không chính thức (quán café…sân trường…), biểu tình ngồi (sit-in), tụ tập đông người nơi công cộng…các hình thức phản kháng dân sự, bất phục tùng dân sự…
7.3. chất vấn và đối thọai với chính quyền về các vấn đề chính trị-xã hội; hỗ trợ dân oan, và kiến nghị giải quyết các yêu sách của họ…
7.4. kết hợp với truyền thông và thành phần họat động hải ngọai trong việc vận động quốc tế ủng hộ dân chủ…
7.5. ứng cử với tư cách độc lập trong các cuộc bầu cử địa phương và QH.
B. Nhận Định Và Chọn Lựa Kịch Bản
I. Nhận Định : Kịch bản I có khả năng xẩy ra cao nhất, Kịch bản II khó xẩy ra được, Kịch bản III, khả năng xẩy ra thấp nhất, và nếu xẩy ra, cuộc vận động dân chủ phải đình trệ.
1. Kịch bản I:
1.1. Tình hình trong nước trong thời gian gần đây cho thấy trong 4 kịch bản, Kịch bản I (Đổi Mới Chính Trị) có khả năng xẩy ra cao nhất và trong thực tế ban lãnh đạo đảng CSVN đang chủ động thực hiện.
1.2. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng ban lãnh đạo CS sẽ không thực hiện trọn vẹn Kịch bản này, mà chỉ thực hiện một số điều dự trù trong KB I vì nhiều lý do, trong đó có lý do dễ hiểu là họ luôn lo sợ mất độc quyền chính trị và đặc lợi kinh tế tài chánh, do đó không đủ tầm nhìn và bãn lãnh để thực hiện trọn vẹn KB I. Và nếu có thực hiện họ cũng không nhằm mục đích dân chủ hóa đất nước mà nhằn duy trì quyền lực. Do đó những người dân chủ, tiến bộ và dân tộc –nhất là HMDC, không thể thụ động ngồi chờ KB I.
1.3. Việc ban lãnh đạo CS thực hiện một số cải cách chính trị và một phần của KB I không đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, mà tạo thêm điều kiện và nhu cầu thúc đẩy tự do hóa và dân chủ hóa mạnh hơn. Đồng thời những cải cách này lại tạo thêm môi trường và điều kiện thuận lợi cho chúng ta thúc đẩy Kịch Bản IV xẩy ra.
2. Kịch bản II (Chế độ sụp đổ vì quần chúng nổi dậy), khó xẩy ra được vì:
2.1. An ninh CS vẫn đủ mạnh để kềm chế và phá vỡ mọi kế họach nổi dậycủa quần chúng, có tổ chức và đạt số lượng hàng trăm ngàn người.
2.2. Bản thân quần chúng, nhất là thành phần họat động, khó có đủ lực lượng cán bộ có khả năng vượt qua ngăn chặn của hệ thống an ninh, vô hiệu hóa hệ thống này, gây dựng và lãnh đạo được phong trào, và tồ chức được các cuộc xuống đường qui mô hàng chục ngàn, trăm ngàn người tham gia.
2.3. Những biến động vừa qua của nông dân tại nông thôn, công nhân tại các nhà máy, và thanh niên trí thức tại các thành phố lớn cho thấy tiềm năng của một phong trào quần chúng. Tuy nhiên, việc nối kết ba thành phần này thành phong trào nổi dậy tại các thành phố lớn, với hàng chục, hàng trăm ngàn người tham gia, đủ sức làm sụp đổ chế độ, thì khó thực hiện được, ít nhất trong vòng 5 năm tới.
2.4. Dù sao, thời gian vài năm vừa qua cho thấy ba thành phần này có tiềm năng to lớn trong cuộc vận động thay đồi chính trị-xã hôi nếu được phát huy theo một Kịch bản bất bạo động, phi-nổi dậy, không tỏ ra đe dọa đến sự tồn tại của ban lãnh đạo cộng sản và tránh thách đố và đụng độ trực diện với lực lượng an ninh bảo vệ chế độ, ít nhất cho đến những ngày tháng cuối cùng của chế độ. Khi đó, vào ngày giờ chin muồi đó, mới có thể phát động một cuộc nổi dậy của quấn chúng, nếu cần thiết. Kịch bản IV có dự trù việc này nhưng không hoàn toàn tùy thuộc vào việc nổi dậy của quần chúng.
3. Kịch bản III (“Chiến tranh hạn chế và Quân phiệt mạnh lên”):
3.1. Kịch bản này có thể xẩy ra tại những nước không do đảng CS cai trị, nhưng tại Việt nam, đảng CS cầm quyền suốt từ 54 đến nay, kiểm sóat chặt chẽ lực lượng an ninh gồm cả quân đội và công an, nên khả năng xẩy ra việc quân phiệt cầm quyền thấp nhất.
3.2. Ngay cả khi có chiến tranh cục bộ, hạn chế tại biển đông, bộ phận chính trị trong đảng vẫn chủ động lãnh đạo được thành phần tướng lãnh quân đội và công an, dù vai trò và trách nhiệm của họ lúc đó có mạnh hơn.
3.3. Kịch bản III, nếu xẩy ra, chỉ cản trở và làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa.
II. Kịch Bản Chọn Lựa: Kịch bản IV (“Chuyển hóa dân chủ”):
Chúng tôi đề nghị chúng ta chọn Kịch bản IV vì khả năng xẩy ra chỉ đứng sau Kịch bản I và là kịch bảnthật sự dẫn đến dân chủ trong đó phe dân chủ và dân tộc tiến bộ trong-ngoài nước cần và có thể đóng một vai trò tích cực. Chúng tôi cũng tin rằng đây là kịch bản dân chủ hóa tối ưu, vừa đưa đến dân chủ chân chính, vừa giữ được sự ổn định cần thiết, trong tình hình nguy hiểm hiện nay của đất nước, trước âm mưu của bành trướng Bắc kinh chờ cơ hội can thiệp và xâm lăng nước ta, nếu nước ta xẩy ra nội loạn.
1. Đây là kịch bản có điều kiện xẩy ra cao thứ 2 sau Kịch bản I. Trong thực tế kịch bản này cũng đã và đang xẩy ra, như KB I, nhất là từ 5 năm trở lại đây, khi yếu tố quần chúng (nông dân, công nhân) và nhất là thành phần tích cực họat động trong quần chúng (trí thức thành thị) công khai xuất hiện và trở thành một trong những tác nhân của tiến trình chuyển hóa Việt Nam –dù ban lãnh đạo CS vẫn chưa chịu công nhận sự hiện hữu cần thiết của tác nhân này cho tiến trình dân chủ hóa ôn hòa bất bạo động.
2. Một số cải cách chính trị (của KB I) mà ban lãnh đạo CS bắt buộc phải thưc hiện như các “giải pháp tình thế”, “không thể không” thực hiện, giúp tạo thêm môi trường và điều kiện cởi mở hơn cho kịch bản IV phát triển. Những cuộc đấu tranh của nông dân, công nhân, hành động bành trướng thô bạo của TQ, tạo thêm kích thích cho tuổi trẻ và trí thức thành thị, tăng cuờng ý chí dấn thân vào cuộc vận động ôn hòa bất bạo động nhằm thay đổi Việt Nam. Quần chúng chưa hay không tổng nổi dậy được (như Kịch bản II), và quân đội không thể tự do hành động được trước thái độ ngang ngược của TQ (như KB III), càng giúp mở rộng thêm không gian nhân xã cho cuộc vận động theo Kịch bản IV –chuyển hóa dân chủ ôn hòa, toàn diện và toàn dân. Kịch bản IV do đó là sự vận dụng sáng tạo kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố đang xẩy ra bên trong đảng CS (KB I) và bên ngoài xã hội (KB II –bao gồm cả các yếu tố bên ngoài Việt Nam, quốc tế và hải ngọai).
3. Chuyển hóa toàn diện: từ trong đảng, chính quyền (không thể không thay đổi), ra đến xã hội, mọi tầng lớp dân chúng, nhất là tầng lớp trẻ trí thức thành thị; từ kinh tế đến văn hóa tư tưởng, giáo dục, truyền thông (cổ điển và điện tử), đến xã hội, chính trị;
4. Chuyển hóa toàn dân: từ đảng viên CS tiến bộ chống tham nhũng lạm quyền, đến những người ngoài đảng yêu nước, đòi dân chủ, đòi công bằng xã hội; từ trong nước đến cộng đồng người Việt hải ngoại; từ lằn ranh quốc-cộng mở rộng thêm lằn ranh dân chủ-độc tài, yêu nước-phản quốc, vì dân-phản dân, tiến bộ-lạc hậu – tạo môi trường cho mọi thành phần dân tộc cùng tham gia.
5. Chuyển hóa dân chủ tạo ra một trận tuyến mới, trong đó ban lãnh đạo đảng và nhà nước CS bị đẩy sang bờ bên kia (phía đen và xám) của trận tuyến, với hầu hết các tính chất tiêu cực: độc tài, lạc hậu, phản quốc, nhũng lạm quyền thế, đặt quyền lực và quyền lợi bè nhóm lên trên tổ quốc và nhân dân…Bên này (phía xanh và trắng, phía ánh sáng) của trận tuyến đang xuất hiện tiếng nói của đại đa số quần chúng, và các thành phần xã hội quan tâm đến tiền đồ đất nước, cả trong và ngoài nước. Trong cuộc đọ sức giữa hai trận tuyến mới này, kiên trì, tỉnh táo, ôn hòa và sáng kiến là chìa khóa thành công.
6. Giai đọan tới đây sẽ có điều kiện để xuất hiện một phong trào chính trị-xã hội toàn dân và toàn diện,rộng lớn, công khai, trực diện với ban lãnh đạo CS, lên tiếng đòi hỏi dân chủ, ôn hòa nhưng quyết liệt, trong tinh thần trách nhiệm, thách đố nhưng thiện chí, vừa đấu tranh vừa sẵn sàng đối thoại với ban lãnh đạo CS để tìm ra lộ trình dân chủ và phát triển êm đẹp nhất và an toàn nhất cho đất nước, trước hiểm họa Đại Hán mới. Những người quốc gia dân chủ, dân tộc và tiến bộ cần chuẩn bị hành trang dấn thân vào phong trào này để sớm hoàn tất tiến trình chuyển hóa Việt Nam từ độc tài đảng trị sang dân chủ pháp trị.
© Đoàn Viết Hoạt
(thuyết trình tại Họp Mặt Dân Chủ, Nam California, 15/6/2012)
Nguồn:
No comments:
Post a Comment