Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 154 (01-09-2012)
Khi Hội nghị trung ương lần 4 khóa 11 kết thúc hôm 31-12-2011 tại Hà Nội, đảng CSVN đã rổn rảng công bố trước quốc dân sẽ “quyết tâm thực hiện cho bằng được việc chỉnh đốn các thành viên” của mình, nghĩa là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên và cán bộ qua việc “phê và tự phê” theo truyền thống của đảng, hầu khôi phục lòng tin của nhân dân.
Như kiểu một lãnh đạo tinh thần, Nguyễn Phú Trọng lúc ấy đã lên giọng dạy dỗ đồng đảng bài học như sau: “Ở đây, sự gương mẫu của trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định… Các Ủy viên trung ương và ủy viên Bộ chính trị tự giác, gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm nhìn lại mình để phát huy mặt tốt và gột rửa mặt xấu. Tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại… Đây là công việc không đơn giản, dễ dàng; trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go trong mỗi cá nhân và mỗi tổ chức… Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình….” (BBC 1-1-2012)
Thành thử Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đảng CSVN đã tiến hành thực hiện “cuộc kiểm điểm tự phê bình và phê bình” kéo dài 16 ngày, từ 12-7 đến 7-8-2012, với Tổng Bí thư như đạo diễn cho màn kịch 18 người “xưng tội” với nhau. Đợt phê và tự phê này tiếp đó sẽ được thực hiện trong toàn đảng, ở mọi cấp, mọi địa phương cả nước. Và y như trong Hội nghị trung ương 4, lần này “giáo chủ” Nguyễn Phú Trọng cũng ngoác miệng phán dạy: phải “kiểm điểm chu đáo, chặt chẽ, khoa học; tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó; bảo đảm kết quả thực chất, không làm lướt, làm hình thức, chiếu lệ; tránh tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng kiểm điểm để nói xấu, thổi phồng khuyết điểm, hạ uy tín người khác với động cơ không trong sáng… Từng đồng chí nghiêm túc tự kiểm điểm và cầu thị tiếp thu những ý kiến góp ý đúng đắn, xác đáng của các tổ chức và cá nhân; tự giác, trung thực xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, thấy rõ khuyết điểm và tự sửa chữa; phải thực sự khách quan, chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến cho các đồng chí khác và cho tập thể… Tự phê bình và phê bình phải giữ đúng nguyên tắc, có tình đoàn kết thương yêu đồng chí; vừa có lý, có tình, vừa phải xử lý nghiêm minh những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng, nhất là những trường hợp không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm” (TTXVN 13-08-2012).
Đọc những “lời giáo huấn” trên đây, không ai không khỏi bật cười. Phê và tự phê, hay nói cách khác, xét mình sửa đổi và giúp kẻ khác xét mình sửa đổi chỉ có thể thực hiện khi con người có một niềm tin vào sự phán xử và thưởng phạt đời sau, có một lương tâm ngay chính thường xuyên nhắc nhở, có một ý thức về sự tủi hổ của vong linh ông bà, có một sự giám sát của cộng đồng ở quanh mình và sự xử lý của pháp luật ở trên mình… Nhưng con người Cộng sản duy vật, vô thần, chẳng hề tin có cuộc sống mai hậu, không thấy mình chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự coi mình như ở trên pháp luật của quốc gia xã hội thì làm gì có những cái đó để mà chân thành tự phê và chân thực sửa đổi, để mà “tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại” nổi! Trong lịch sử đảng CSVN, đã từng có những cuộc “sửa sai” nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy, thậm chí còn tệ hơn nữa. Hồ Chí Minh từng nhỏ nước mắt sau vụ Cải cách ruộng đất và các tay chủ chốt trong vụ này như Trường Chinh, Hồ Viết Thắng, Hoàng Quốc Việt cũng từng bị kỷ luật, nhưng rồi những tên ác ôn này đã sớm phục hồi chức vụ, còn Hồ Chí Minh thì ra lệnh đọa đày người phê phán mạnh mẽ cuộc Cải cách là luật sư Nguyễn Mạnh Tường cho đến chết và tước ruộng đã giao cho nông dân để bỏ vào hợp tác xã… Nghe nói sau cuộc tàn sát dân lành tết Mậu Thân mà tiếng oan đã dậy cả đất trời, Việt cộng trung ương và địa phương cũng có tiến hành kiểm điểm (Ví dụ lời của tên đồ tể Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế: “Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng”). Thế nhưng sau cuộc chiến thắng 1975, Hà Nội đã trả thù cách khốc liệt quân cán chính và nhân dân miền Nam với cái chết của gần trăm ngàn tù nhân “trại cải tạo”…
Thật ra, “phê và tự phê” lần này cũng như mọi lần trong quá khứ chỉ là cách để đảng CS tự đặt mình đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Nghĩa là chỉ có đảng mới có quyền xử đảng; còn pháp luật chỉ dùng cho nhân dân và những kẻ đã bị khai trừ khỏi đảng. Chính vì thế mà trong một lần trả lời phỏng vấn của BBC về việc này, ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành Hồ và là người tham gia nhiều cuộc sinh hoạt phê bình trong đảng, cho biết việc ‘phê và tự phê’ mang tính hình thức hơn chân thực. Ông nói: “Ai dám phê bình thủ trưởng? Trong chi bộ chính phủ thì ai dám phê bình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Trong cơ quan tôi cũng vậy, bao nhiêu đảng viên im như thóc không ai vạch trần sai sót của lãnh đạo”. Ông đưa ra dẫn chứng là nhiều chi bộ đảng được đánh giá là ‘trong sạch vững mạnh’ mà cuối cùng ‘té ra vi phạm rất nhiều’ như Vinashin để chứng minh rằng việc phê và tự phê ‘chỉ là hình thức’. Rồi ông kết luận: “Phải dùng pháp luật để giám sát hoạt động của các vị trong Đảng và Nhà nước”. Nhưng đây chỉ là ước mơ không tưởng. Bằng chứng là các buổi phê và tự phê ở bộ Chính trị và ban Bí thư trung ương đã xảy ra hoàn toàn trong vòng bí mật, báo chí bị cấm cửa và kết quả chẳng hề được công bố cho nhân dân. Các cuộc “kiểm điểm phê và tự phê” cấp địa phương rồi đây cũng sẽ vậy. Bởi lẽ sau bức màn bí mật ấy, các bên chỉ làm một việc là thương lượng với nhau để ai “hạ cánh an toàn” và ai leo lên ngồi thế chỗ, thế thôi! Báo chí có nói đến thì chỉ tâng bốc lãnh đạo có thiện chí để lừa người dân thêm nữa.
Đây là điều hết sức phi lý và ngạo mạn, bởi lẽ việc phê và tự phê của những con người ở trong guồng máy cai trị thì phải nhắm mục đích ích quốc lợi dân. Đằng này chỉ là một kiểu thanh trừng nội bộ không đổ máu, một cuộc mặc cả đổi chác về quyền lực và quyền lợi. Nên người dân thực sự chẳng ai quan tâm cái trò hề và trò bịp này. Dù vậy, vẫn có những con người tuy mang tiếng thông minh rất mực nhưng lại xét đoán kém cỏi. Đó là trường hợp của một cựu đại biểu quốc hội (3 khóa) kiêm ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Ông ta khẳng định chắc nịch: Đảng “lần này làm kỹ lắm. Kiểm điểm cả tập thể. Nói rất thẳng thắn, mạnh mẽ”!?! Ông có chui được vào cung cấm Ba Đình không mà bảo vậy? Và khi được hỏi tại sao kết quả phê và tự phê lãnh đạo Đảng chỉ nên công bố cho Ban chấp hành trung ương Đảng chứ không nên cho toàn dân, ông ta bèn gân cổ nói bừa: “Chả nước nào công bố khuyết điểm của lãnh đạo cho nhân dân” và “Ban chấp hành Trung ương đã đại diện cho toàn dân rồi”!?! (BBC 15-08-2012). Hóa ra ông cựu đại biểu Quốc hội và thành viên Mặt trận này một đàng nhắm mắt trước thực tế phũ phàng, một đàng ngây thơ về chân tướng lãnh đạo Cộng sản và lãng quên vai trò của cái Quốc hội và cái Mặt trận mà ông từng là thành viên.
Tại sao phải “phê và tự phê” cho nhiêu khê và thành trò đểu? Giới lãnh đạo các quốc gia dân chủ văn minh có bao giờ làm thế và cần phải làm thế? Cứ theo khoa học chính trị mà hành xử: tam quyền phân lập, cạnh tranh đảng phái; ngôn luận báo chí tự do, bầu cử ứng cử công bằng; làm hay thì lá phiếu nhiệt tình cho giữ ghế, làm dở thì lá phiếu nhẹ nhàng cho về vườn; làm sai có pháp luật trừng trị, làm xấu có công luận la ó. Thật sòng phẳng, không ngó trước nhìn sau, mắt la mày lét, chẳng dùng quyền lực cấm đoán, uốn ba tấc lưỡi chọn lời.
Thật ra, bản chất của đợt “phê và tự phê” lần này vẫn như xưa, vẫn là công cụ và cơ hội để phe này đánh nhau với phe kia trong Đảng và trong Bộ chính trị. Như người ta từng chứng kiến nhiều lần trong đảng Cộng sản Trung Quốc theo dòng lịch sử. Lần này, ở thượng tầng lãnh đạo đảng, phần lớn các ủy viên Bộ Chính trị (đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) có đối thủ chung là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Họ ghen và ghét ông từ nhiều năm qua vì ông nắm gần như độc quyền mọi nguồn lợi béo bở nhất (tổng công ty và đại tập đoàn) cũng như các lực lượng mạnh mẽ nhất (công an và quân đội). Họ muốn đánh Nguyễn Tấn Dũng từ lâu nhưng không dám hay chưa làm được, vì số tay chân chung quanh ông ta còn quá đông và quá mạnh. Tiền sinh ra quyền. Quyền lại đẻ ra tiền. Đội ngũ những quan chức được hưởng thu nhập từ các “quả đấm thép” (các công ty điện lực, dầu lửa, gang thép, hàng hải, địa ốc, xây dựng, xuất nhập khẩu…) càng lúc càng đông và “chỉ biết còn Dũng còn mình”. Nhưng nay sự sập tiệm và chao đảo của hàng loạt các tập đoàn kinh tế và tổng công ty mang nhãn hiệu Vina (Vinashin, Vinalines, Vinaconex…) đang làm cho Nguyễn Tấn Dũng choáng váng kinh hoảng. Mới nhất là Tổng công ty Vinaconex (Xuất nhập khẩu và Xây dựng) báo cáo lỗ 757 tỷ đồng, tương đương 38 triệu USD và nợ ngân hàng trong lẫn ngoài nước 1.112 tỷ đồng. Các tay chân cỡ lớn của Dũng thì người ra tòa như Phạm Thanh Bình, kẻ bỏ trốn như Dương Chí Dũng. Mới đây, phe Sang Trọng còn ra tay tóm lấy Nguyễn Đức Kiên, tay chân và tài trợ đặc biệt của viên Thủ tướng, một trong những tài chủ ngân hàng vốn đã phất lên rất nhanh với một gia tài rất khủng!
Ngay cả trong trường hợp trung ương đảng Cộng sản muốn có một cuộc kiểm điểm thật để sửa sai vì đất nước và “khôi phục lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng” như Nguyễn Phú Trọng tuyên bố thì kết quả vẫn là số không. Bởi lẽ đây không phải là vấn đề “yếu nhân sự” mà là “lỗi hệ thống”, nghĩa là hệ thống cai trị Cộng sản liên tục sản sinh ra loại cán bộ như vầy. Mỗi cán bộ xấu đang nắm quyền ở mọi cấp hiện nay có hàng trăm cán bộ khác ước ao được ngồi vào ghế đó mà tận hưởng quyền lực và quyền lợi. Đặc biệt nhất là ở thượng tầng, nơi có những cái ghế đầy quyền lực tuyệt đối và quyền lợi ngất ngưởng (theo Phạm Nhật Bình).
Thành ra nhân dân chỉ có một việc làm là phải xóa sổ vĩnh viễn cái cơ chế chuyên đẻ ra những bất công lẫn đàn áp đó và chuyên bày những trò khôi hài và lừa bịp đó.
BAN BIÊN TẬP
No comments:
Post a Comment