Sunday, September 30, 2012

Ðánh đấm Trung Quốc để tranh cử



Ngô nhân Dụng - Muốn biết một quốc gia có được người Mỹ nể sợ hay không, có thể coi các nhà chính trị Mỹ nói gì về nước này khi tranh cử. Thái độ của các ứng cử viên tổng thống Mỹ là thước đo rất đáng tin.

Hồi còn Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, các ứng cử viên tổng thống Mỹ luôn luôn coi chừng xem Nga Xô giở trò gì để gây ảnh hưởng trên các cuộc tranh cử hay không. Vì các người lãnh đạo ở Moscow có thể tạo ra một biến cố, gây khó dễ vị tổng thống đương nhiệm. Họ cũng có thể bày tỏ thái độ hòa hoãn, hợp tác, để tăng uy tín người đang ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Báo chí Mỹ thời 1960, 1970 hay đặt câu hỏi, “Không biết năm nay các ông trùm điện Cẩm Linh bỏ phiếu cho ai?”
Câu chuyện đáng nhớ nhất là cuộc bầu cử năm 1968, được cựu đại sứ Nga ở Washington kể lại trong hồi ký của ông. Ông Anatoly Dobrynin làm đại sứ ở Mỹ trong sáu đời tổng thống, từ Kennedy đến Reagan, cho nên có kinh nghiệm rất nhiều về vụ này. Ông kể trong năm 1968, ứng cử viên Richard Nixon đã cử một sứ giả đến viếng thăm không chính thức, gặp ông Dobrynin chỉ để yêu cầu một điều: Xin ông trình về giới lãnh đạo quý quốc là hãy đứng trung lập trong cuộc bỏ phiếu ở Mỹ năm nay. Xin quý ngài đừng làm gì để ảnh hưởng đến tâm lý dân Mỹ cả, dù thiệt hay lợi cho ứng cử viên của chúng tôi.
Trong cuộc thăm viếng xã giao đó, người đại diện cho ông Nixon là ông Henry Kissinger còn báo trước là nếu đắc cử, ông Nixon sẽ nhất quyết rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Ðể cho lời hứa đáng tin hơn, ông Kissinger còn chú thích thêm: Sau đó, chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam ra sao cũng được, dù là sẽ có một chính phủ cộng sản. Trong hồi ký, ông Dobrynin còn kể sau khi ông Nixon thắng cử, ông Kissinger lại tới thăm lần nữa, và nhắc lại lập trường rút quân bất cứ giá nào của ông Nixon. Nhưng đối với ông Anatoly Dobrynin thì chuyện Việt Nam lúc đó là chuyện nhỏ; ông chỉ quan tâm đến Châu Âu cùng các vấn đề vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn mà thôi.
Ðó là chuyện hồi Chiến Tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo nước Mỹ coi Nga Xô là đối thủ đáng nể. Họ vẫn luôn miệng đả kích Nga, nhưng chỉ đấu khẩu với Nga về những vấn đề lớn như tài giảm vũ khí; hỏa tiễn liên lục địa, vũ khí nguyên tử, vân vân. Bên trong họ vẫn đi đường ngầm, ngay trong mùa tranh cử.
Thái độ của các ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đối với Trung Quốc khác hẳn. Cả ông Obama và ông Romney đang lấy Trung Quốc làm cái bị treo lên để đấm như người tập võ. Trong mùa tranh cử năm nay, những quốc gia được hai ứng cử viên chiếu cố nhiều nhất là Iran và Trung Quốc. Về Iran thì dễ hiểu, vì chính phủ nước này vẫn coi nước Mỹ là “ác quỷ” từ thời các giáo sĩ lên cầm quyền. Và cả hai ứng cử viên ở Mỹ năm nay đều lên tiếng chống vụ Iran luyện năng lượng nguyên tử, tố cáo âm mưu làm bom. Ông Romney có lợi điểm là tha hồ chỉ trích chính quyền Obama mềm yếu với Iran. Còn ông Obama thì chỉ gia tăng cường độ những lời đả kích Iran chứ không thể ra tay hành động gì hơn trong khi vẫn theo đuổi chính sách chung với các nước Châu Âu, là phong tỏa kinh tế để gây áp lực.
Nhưng đối với Trung Quốc thì khác. Hai ứng cử viên và cả hai đảng đều lớn tiếng đả kích Trung Quốc. Những lời đả kích đã được lập đi lập lại trong 10 năm qua, thực ra không có gì mới. Thí dụ, vi phạm nhân quyền, trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước, giữ đồng nguyên với giá quá thấp để cạnh tranh với hàng Mỹ, vân vân. Nhưng chưa bao giờ Bắc Kinh bị đả nặng và nhiều như năm nay. Thái độ đối với Trung Quốc được thể hiện ngay trong cả những bản chương trình tranh cử của hai đảng. Ðảng nào cũng chủ trương chính phủ Mỹ phải cứng rắn buộc Bắc Kinh phải chấp nhận cạnh tranh tự do theo quy tắc thị trường; và đe dọa sẽ có biện pháp mạnh hơn.
Ông Obama được lợi thế so với ông Romney vì đang nắm quyền trong tay; cho nên không những nói mà ông còn làm nữa. Ngày hôm qua, ông Obama lấy quyền của một vị tổng thống đã ra lệnh công ty Ralls Corp, một công ty do người Trung Quốc làm chủ, không được mua bốn khu nhà máy điện chạy bằng gió ở tiểu bang Oregon. Lý do được nêu ra là khu điện gió (người Mỹ gọi là wind farm, trại gió) mà Ralls làm chủ nằm cách một khu quân sự chỉ có gần 8 cây số (3 đến 5 dặm). Vụ này khiến Người Việt Nam lại nhớ đến những cái bè nuôi tôm của người Trung Quốc ở gần căn cứ quân sự Cam Ranh!
Một tổng thống Mỹ thường không quyết định về việc người ngoại quốc đầu tư vào nước Mỹ. Lần sau cùng một vị tổng thống dùng quyền phủ quyết này là ông George H. W. Bush (ông bố), vào năm 1990, khi ông cấm không cho một công ty kỹ thuật hàng không của Trung Quốc mua Mamco Manufacturing ở Mỹ. Bình thường, khi có người khiếu nại vì lý do cạnh tranh thương mại, chỉ có một ủy ban đầu tư ngoại quốc liên bộ tên là “Committee on Foreign Investments in the United States” (CFIUS) nghiên cứu và quyết định. Ðầu Tháng Chín, một công ty Trung Quốc là Huawei cũng bị CFIUS bác bỏ không được mua công ty 3LeafSystem về điện toán của Mỹ, và công ty này đã ngoan ngoãn rút lui. Lần này, CFIUS đã hỏi ý kiến của giám đốc an ninh quốc gia, và họ cho biết việc một công ty Trung Quốc làm chủ bốn khu chong chóng quay điện gió ở gần căn cứ quân sự có thể ảnh hưởng tới an ninh nước Mỹ.
Khu quân sự trong vụ này là một căn cứ thí nghiệm máy bay nhỏ không người lái, gọi là “drone,” cùng các vũ khí điện tử của Hải Quân Mỹ. Trong mấy năm qua chính quyền Obama đã gia tăng việc sử dụng “drone” trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và chống khủng bố. Các máy bay nhỏ (từ dưới một mét đến vài ba mét) được điều khiển bằng máy vi tính và vệ tinh nhân tạo, có thể đi chụp hình, bắn súng, thả bom, với độ chính xác rất cao. Nước Mỹ hiện đứng đầu thế giới về kỹ thuật chiến tranh mới này. Nếu Trung Quốc có thể do thám được việc thí nghiệm các vũ khí mới nhất của Mỹ, thì quả là một thiệt hại lớn.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với quyết định của ông Obama. Các luật sư Mỹ biện hộ cho công ty Ralls nói rằng không có lý do an ninh nào trong vụ cấm đoán này cả. Luật Sư Paul Clement, từng làm việc trong chính quyền cựu Tổng Thống George W. Bush (ông con), và đã biện hộ cho các tiểu bang kiện đòi hủy bỏ đạo luật cải tổ y tế Obamacare; cho là quyết định này vô lý!
Cách đây hai tuần, Tổng Thống Obama cũng đánh một đòn thương mại khác đối với Trung Quốc. Ngày 17 Tháng Chín, ông đã ký đơn kiện ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các nhà sản xuất bộ phận xe hơi, khiến họ có thể cạnh tranh bán giá rẻ hơn các nhà sản xuất Mỹ. Con số trợ cấp được kể tới $1 tỉ trong hai năm, dưới hình thức miễn thuế, cho vay lãi nhẹ, vân vân, bị tố cáo là cạnh tranh bất chính.
Ông Obama đưa ra quyết định đó ngay trước ngày ông đến thăm tiểu bang Ohio là nơi tập trung rất nhiều nhà sản xuất bộ phận xe hơi ở Mỹ! Nhiều tiểu bang khác mà hai ứng cử viên đang giành phiếu gay gắt cũng là nơi hàng triệu công nhân sống nhờ các xí nghiệp sản xuất bộ phận xe hơi, từ ghế ngồi đến trục máy, bộ phận điện tử, đèn, quạt, vân vân. Từ năm 2007 đến 2009, kỹ nghệ này đã phải sa thải 200,000 công nhân, gần một phần ba tổng số. Trong năm 2010, nước Mỹ xuất cảng được phụ tùng xe hơi trị giá $60 tỉ. Nếu thắng vụ kiện trước WTO này thì chính phủ Mỹ sẽ có quyền tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc để bù vào số trợ cấp của Bắc Kinh. Có nhiều hy vọng là WTO sẽ phán quyết theo chiều hướng mà chính phủ Mỹ đòi hỏi. Nhưng trong cùng ngày mà Mỹ kiện thì Bắc Kinh cũng đưa đơn kiện với WTO là Mỹ đánh thuế quá cao trên những hàng nhập cảng từ Trung Quốc như thép, giấy, bánh xe hơi, đồ hóa học.
Trong cuộc tranh cử năm nay, ông Obama được lợi vì đang làm tổng thống, tha hồ đấm vào cái bị cát là Trung Quốc. Ông Romney chỉ có thể phản công bằng cách chỉ trích chính quyền Obama phản ứng quá yếu và quá chậm trước hành động cạnh tranh bất chính của Trung Cộng. Ðể chứng tỏ mình chống Trung Cộng mạnh hơn, ông Romney tuyên bố nếu lên làm tổng thống ông sẽ ra lệnh Bộ Ngoại Giao liệt Trung Quốc vào loại quốc gia ghìm giá đồng tiền để cạnh tranh bất chính! Với tố giác này, chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế nhập cảng trên hàng hóa Trung Quốc. Ðây là một điều mà chính quyền Bush và Obama đều chưa làm; vì biết sẽ bị phản pháo.
Những hành động và lời tuyên bố của ông Obama và ông Romey nhằm chiều theo khuynh hướng cử tri Mỹ là chống Trung Quốc; đặc biệt là cán cân thương mại giữa hai nước luôn luôn nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Ðảng Cộng Hòa thường chú trọng đến quy tắc tự do thương mại nhiều hơn đảng Dân Chủ, nhưng đối với Trung Quốc thì lại tỏ ra cứng rắn hơn.
Hiện tượng hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cùng lấy Trung Quốc làm cái đích để “nhắm bắn” trong cuộc tranh cử năm nay cho thấy là, nói chung, không ai coi Trung Quốc là một lực lượng đáng nể sợ. Ðể đáp lại, chính quyền Bắc Kinh chỉ phản ứng rất nhẹ nhàng, bằng những biện pháp trả đũa có chừng mực, với những đơn kiện trước WTO. Tình trạng này khác hẳn thời chiến tranh lạnh, khi Nga Xô là đối thủ số một nhưng lại đóng vai trò có thể gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bỏ phiếu của dân Mỹ. Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay cho thấy không nên nghĩ là Trung Cộng đang mạnh, đang làm cho Mỹ phải nể sợ!

No comments:

Post a Comment