Friday, August 24, 2012

Không phải Thủ Tướng nói gì cũng đúng



Nam Nguyên/RFA - Hai ngày sau khi “Bầu Kiên” bị bắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “biểu dương Bộ công an đã khởi tố điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.”

Hệ lụy vụ “Bầu Kiên”
Báo điện tử Chính phủ đưa tin này và được hầu hết báo chí trong nước chạy tít lớn. Được biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố như vậy tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng diễn ra ngày 22/8 tại Hà Nội. Tuy bản tin không đề cập trực tiếp tới “Bầu” Kiên, nhưng người đọc báo dễ dàng hiểu những gì ẩn chứa phía sau mấy dòng trích dẫn lời Thủ tướng.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, Luật sư Bùi Quang Nghiêm phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định:
Không phải Thủ tướng nói cái gì cũng đúng. Tôi cho rằng Bộ Luật hình sự của Việt Nam không qui định hành vi thâu tóm ngân hàng là tội hình sự. Tức là tôi có nhiều tiền, tôi mua cổ phiếu của ngân hàng hoặc nhiều ngân hàng, luật Việt Nam không cấm…Và hành vi mà tôi có nhiều tiền tôi mua cổ phiếu ngân hàng hoặc tham gia vào nhiều ngân hàng với tỷ lệ sở hữu cao đấy không phải là tội hình sự. Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định của Thủ tướng cho rằng thâu tóm ngân hàng là một tội hình sự…hoàn toàn không phải như vậy.”
Tuy vậy, Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhấn mạnh tới khía cạnh vi phạm pháp luật liên quan tới nguồn gốc đồng tiền sử dụng để thâu tóm ngân hàng, nhưng lại là những tội danh khác. Ông nói:
“Nếu một người thâu tóm ngân hàng, một người kinh doanh giàu có mà nguồn tiền ấy bất hợp pháp, nguồn tiền ấy từ việc rửa tiền, nguồn tiền ấy từ việc buôn lậu, nguồn tiền ấy do tham nhũng mà có thì phải trừng trị đến nơi đến chốn vì đấy là tội phạm. Còn việc người ta có nhiều tiền một cách chính đáng, dùng tiền sạch để mua cổ phiếu ngân hàng, người ta sở hữu với tỷ lệ cao ở nhiều ngân hàng thì đấy không phải là tội phạm theo luật hình sự của Việt Nam.”
Nhà tài phiệt 48 tuổi Nguyễn Đức Kiên được xem là một đại gia ngành ngân hàng, cựu Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB và hiện chỉ là thành viên Hội đồng sáng lập của ngân hàng này, một cơ chế không đúng luật. Ngoài ra “Bầu” Kiên cũng được xác định không phải là cổ đông lớn của Ngân hàng Á Châu ACB cũng như một loạt các ngân hàng khác. Thế nhưng ACB đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải được Ngân hàng Nhà nước bơm tiền bảo đảm thanh khoản.
Hoảng hốt trước tin ông Kiên bị bắt và Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu Lý Xuân Hải cũng bị mời hợp tác điều tra, khách hàng của ACB đã kéo tới rút 5.000 tỉ đồng chỉ trong một buổi làm việc. Ông Lý Xuân Hải đã chính thức từ chức, tư gia bị khám xét và Ngân hàng ACB đã bổ nhiệm TGĐ mới vào sáng 23/8. Những thông tin này sẽ giúp ổn định tình hình hay gây thêm nhiều lo lắng thì chưa thể đánh giá. Chúng tôi ghi nhận các báo điện tử trong đó có tờ Người Lao Động Online ngay từ hôm 21/8 đã đưa tin TGĐ Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam tiếp sau “Bầu” Kiên nhưng sau đó thông tin này đã bị gỡ xuống. Việc TGĐ một ngân hàng bị bắt giữ tất nhiên sẽ làm người gởi tiền vội vã rút tiền và trên lý thuyết khi tất cả khách hàng cùng rút tiền thì ngân hàng sẽ sụp đổ và kéo theo sự sụp đổ dây chuyền vì thị trường tài chính liên quan với nhau.
Tiền đầu tư của ‘Bầu” Kiên phủ trùm khắp nơi một cách kín đáo, ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, ông Kiên gần như là chủ nhân của hàng chục công ty đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, xây dựng, du lịch, dệt may, thực phẩm và đặc biệt là ông chủ của hai câu lạc bộ bóng đá, do vậy báo giới quen gọi ông là “bầu” Kiên.
Nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên được rất nhiều trang mạng xã hội mô tả là có quan hệ cận kề với gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. “Bầu”kiên được cho là trong thời gian dài tạo được ảnh hưởng nhóm về một mặt nào đó đối với chính sách tiền tệ ngân hàng của Việt Nam. Qua liên kết với một số tài phiệt khác, nhóm của ông Kiên được lợi lớn nhờ chính phủ thắt chặt tiền tệ, tái cơ cấu sáp nhập ngân hàng, qua sáp nhập đã có sự chuyển đổi những cổ đông lớn và khuynh loát thị trường ngân hàng. Về mặt chuyên môn tài chính ngân hàng những người có quyền lực có thể thực hiện được việc này hay không, TS Lê Đăng Doanh một nhà kinh tế ở Hà Nội đưa ra nhận định:
“Vừa qua việc thâu tóm Sacombank đã có những hiện tượng rất không bình thường. Sau đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam cũng đã phạt một số công ty vì đã không có báo cáo kịp thời. Còn những dư luận hoặc thông tin trên mạng điện tử thì có nói rất nhiều và vẽ ra một bức tranh khá phức tạp. Tuy vậy, hiện nay tôi không có đủ căn cứ để có thể xác nhận hay là bác bỏ các thông tin đó, bởi vì những thông tin về hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung là ít được công bố so với tiêu chuẩn quốc tế.”
Chỉ vì kinh doanh trái phép?
Vụ bê bối tài chính dẫn tới việc bắt giam “Bầu” Kiên được giới thạo tin mô tả là không chỉ đơn thuần là kinh doanh trái phép tại ba công ty mà “Bầu” Kiên giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, gồm Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Báo Tuổi trẻ Online đưa tin ông Kiên đã sử dụng pháp nhân của các công ty vừa nêu để tham gia phát hành trái phiếu, đầu tư tài chính đặc biệt là mua cổ phiếu ngân hàng mà cơ quan điều tra cho là sai qui định. Về mặt chính thức nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên bị bắt giam và khởi tố theo điều 159 Bộ Luật hình sự. Theo lời LS Bùi Quang Nghiêm nói với chúng tôi thì đây là loại tội hình sự ít nghiêm trọng. Nếu bị tòa án xác định có tội, ông Nguyễn Đức Kiên chỉ có thể bị án tù giam tối đa 2 năm và bị phạt 30 triệu đồng.
Ông “Bầu” Kiên là nhà tài phiệt giàu thứ 14 trên sàn chứng khoán Việt Nam theo xếp hạng năm 2011, cổ phiếu, chứng khoán tài sản của ông rất lớn và được dư luận cho là đứng sau các hoạt động thâu tóm ngân hàng vừa qua. Liệu pháp luật có chạm tay được vào khối tài sản khổng lồ của ông Nguyễn Đức Kiên hay không. Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận định:
“Theo tôi nếu ông Kiên phạm tội kinh doanh trái phép thì không đến mức phải phong tỏa toàn bộ tài sản của ông ấy hiện có. Nhưng trong trường hợp từ tội kinh doanh trái phép mà người ta phát hiện ra là nguồn tiền của ông ấy không sạch, thí dụ trốn thuế hay nguồn gốc nguồn tiền không hợp pháp thì có thể cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tức là phong tỏa tài sản của ông ấy.”
Ngân hàng Nhà nước cố gắng giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường tài chính, nhưng báo Người Lao Động bản tin trên mạng ngày 23/8 đưa tin giới đầu tư chứng khoán tiếp tục “hoảng loạn”, cả hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM đều bị ảnh hượng nặng. Thậm chí có đề nghị Ủy ban Chứng khoán nên tạm thời đóng cửa thị trường chứng khoán để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Trước đó, theo Tuổi Trẻ Online, chỉ trong một ngày 21/8 trị giá vốn hóa thị trường trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thiệt hại 14.000 tỷ đồng còn sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng bốc hơi hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong diễn biến liên quan, Ủy ban chứng khoán Nhà nước ngày 23/8 đã kêu gọi các nhà đầu tư ngừng bán tháo cổ phiếu gây tác động xấu đến thị trường.
Việc bắt giữ một nhà tài phiệt 48 tuổi lại có thể gây tác động lớn lao như vậy là điều khó hiểu so với những gì mà Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước giải thích với công luận. Nếu theo dõi họat động tài chính sẽ thấy trong vòng hai ngày 21-22/8, nghĩa là chỉ trong vòng 48 giờ ngay sau khi “Bầu” Kiên bị bắt Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ra thị trường mở hơn 18.000 tỷ đồng để cứu thị trường tài chính ngân hàng có thể sụp đổ dây chuyền thì sẽ thấy mọi việc không hề đơn giản.
Nguồn: RFA

No comments:

Post a Comment