Wednesday, July 11, 2012

Vì sao bà Clinton gặp Tổng Bí thư VN?



Có tin nói Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chủ động xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tìm hiểu sự dè dặt bên trong Đảng về quan hệ với Mỹ.

Tại Hà Nội hôm 10/7, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gặp Thủ tướng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, bên cạnh cuộc họp với người tương nhiệm Phạm Bình Minh.
Ít ai ngạc nhiên việc bà Clinton gặp người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cuộc hội kiến của bà với người đứng đầu Đảng Cộng sản được xem là điều đặc biệt.
Bản tin của Reuters từ Hà Nội cho biết chính bà Clinton đã yêu cầu, và được chấp thuận, một cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Hillary Clinton gặp ông Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội ngày 10/7/2012 
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói Ngoại trưởng Mỹ muốn gặp ông Trọng “một phần vì sự chống đối tự do chính trị và chống quan hệ gần hơn với Mỹ tỏ ra mạnh nhất bên trong đảng, quân đội và bộ máy an ninh Việt Nam”.
‘Không thoải mái’
Quan chức này nói ông Trọng “có vẻ không thoải mái vì bà Clinton nêu chi tiết những lo ngại nhân quyền của Mỹ, dẫn cả từng trường hợp cụ thể mà Washington đã đặt ra nhiều năm qua”.
“Ông ấy không thoải mái trong buổi gặp,” người Mỹ này nói, và tin rằng “ngày càng nhiều nhân vật cấp cao đến gần hơn nhận thức rằng việc cải thiện nhân quyền là cần thiết cho họ”.
Chuyến thăm Hà Nội của bà Hillary Clinton được cho là nhấn mạnh đến quan hệ giao thương và chủ đề an ninh ở Biển Đông.
Bà Ngoại trưởng loan báo Việt Nam và Hoa Kỳ có thể sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm.
Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10/7, bà Clinton nói Washington ủng hộ nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Hoa Kỳ đánh giá rất cao sự đóng góp của Việt Nam để có giải pháp ngoại giao hợp tác cho các tranh chấp và giảm căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa.”
“Chúng tôi hy vọng Asean sẽ có tiến bộ nhanh chóng với Trung Quốc hướng đến bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm bảo đảm khi xảy ra thách thức, chúng được điều chỉnh và giải quyết hòa bình thông qua quá trình thống nhất phù hợp với tiêu chuẩn luật quốc tế,” bà Clinton tuyên bố.
Chủ đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc sẽ lại được bà Clinton đề cập khi dự cuộc họp của Asean tuần này ở Campuchia.
Sức ép
Tuy vậy, khi đến Việt Nam, bà mang theo rất nhiều sức ép từ trong nước muốn bà phải lên tiếng mạnh mẽ về thành tích nhân quyền của nước này.
Hạ nghị sỹ Frank Wolf thuộc Đảng Cộng hòa vốn có tiếng là mạnh miệng hôm thứ Hai 9/7 đã kêu gọi cách chức Đại sứ David Shear ở Việt Nam ngay trước thềm chuyến thăm của bà Clinton và cáo buộc ông này không gây sức ép đủ về nhân quyền.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức phản bác, khẳng định vị Đại sứ “được Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton hoàn toàn tin tưởng”.
Tại Hà Nội, trong khi nhấn mạnh quan hệ song phương đang tiến triển, bà Clinton cũng nói bà lo ngại về thiếu tự do trên mạng, cùng với việc bắt giam các phóng viên, blogger, luật sư và bất đồng chính kiến.
Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ trong cuộc gặp với người tương nhiệm Phạm Bình Minh, bà đã nêu vụ xử sắp diễn ra với các blogger thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
Ông Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) và Tạ Phong Tần, sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ án này.
“Chúng tôi lo ngại về hạn chế tự do ngôn luận trên mạng và phiên xử sắp tới với những người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do,” bà Clinton cho biết.
Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định chỉ những ai vi phạm pháp luật mới bị bắt giam.
Trao đổi với BBC, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason ở Hoa Kỳ cho rằng Mỹ đang quan tâm tới Việt Nam và khu vực châu Á Thái Bình Dương.
“Nhân quyền tuy không quan trọng về chiến lược nhưng luôn tồn tại bởi vì bất kỳ trao đổi tăng cường hợp tác chiến lược như bán vũ khí cho Việt Nam hay những cam kết lớn hơn thì đều phải được sự hậu thuẫn của Quốc Hội mà Quốc Hội thì luôn quan tâm tới vấn đề nhân quyền,” ông Hùng cho biết.
Nguồn: BBC

No comments:

Post a Comment