Sunday, July 29, 2012

TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG: NGÀY CÀNG TRỞ NÊN TỒI TỆ?



Joshua Kurlantzick, Council on Foreign Relations
Trần Ngọc Cư dịch Việt Ngữ.
Những căng thẳng trên Biển Đông đã lên tới đỉnh cao tiếp theo sau sự thất bại thảm hại của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Phnom Penh – ít ra so với tình hình trong hai năm nay. 

Tổng thư ký Surin Pitsuwan, một người lạc quan bất tận, đã nhìn nhận rằng hội nghị thượng đỉnh này là một thất bại “chưa từng thấy” trong lịch sử ASEAN, và vị Ngoại trưởng Indonesia này đã tranh thủ làm trung gian hoà giải các căng thẳnggiữa các thành viên ASEAN để chúng khỏi bùng nổ thêm một lần nữa. Gần như đồng thời với các nỗ lực của ông, một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc (TQ) lại mắc cạn trong một vùng tranh chấp trên Biển Đông, làm gia tăng những hoài nghi trong khu vực rằng Bắc Kinh đang ra sức củng cố tuyên bố chủ quyền của mình trên toàn Biển Đông.
Như đã chứng tỏ trong 3 năm qua, chính quyền Obama đã có một lập trường thận trọng nhưng cứng rắn về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và đường lối phân xử các tranh chấp. Mặc dù nhìn nhận rằng Hoa Kỳ không có bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trên Biển Đông, chính quyền Obama đã lớn tiếng bênh vực các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền, thậm chí còn nói rằng tự do lưu thông hàng hải và một giải pháp cho các tranh chấp chủ quyền được tất cả các nước chấp nhận là một “lợi ích quốc gia” của Mỹ.
Chính quyền Obama cũng gia tăng viện trợ cho lục địa Đông Nam Á, như đã công bố vào đầu tháng này sẽ cấp thêm 50 triệu đôla cho Sáng kiến Hạ lưu Mê Kông (the Lower Mekong Initiative), một dự án dành riêng cho các nước trên sông Mê Kông như Lào. Các nước đối tác của Mỹ trong khu vực như Philippines đang vội vã mua thêm vũ khí, trong khi Trung Quốc và hầu hết các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên một vài vùng trong Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan) đồng thời tăng cường khẩu khí trong các tuyên bố chủ quyền của mình và gửi thêm nhiều tàu hải quân và tàu đánh cá “dân sự”vào vùng biển tranh chấp để thử thách lập trường của các đối thủ.
Nhưng đồng thời, vẫn còn khả năng nhượng bộ nhau giữa tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và cả Hoa Kỳ nữa. Các quan chức Trung Quốc nhận ra rằng lập trường ồn ào của họ trên Biển Đông đã gây bất bình cho nhiều quốc gia Đông Nam Á và đẩy các nước như Việt Nam và Philippines gần thêm với Mỹ. Đồng thời, mặc dù một số quốc gia ASEAN như Campuchia đang xích gần với Trung Quốc hơn và một số quốc gia khác như Philippines lại xích gần Washington hơn, nhưng tất cả các quốc gia ASEAN đều thấy rằng các nước Đông Nam Á nói chung cần phải tạo một mặt trận đoàn kết trên các vấn đề nếu họ muốn được thế giới coi như là một thế lực quan trọng tại Đông Á.
Các tuyên bố chủ quyền đang trở nên cứng rắn
Các căng thẳng về tình hình Biển Đông, một biển có tầm quan trọng chiến lược và được cho là chứa đựng trữ lượng dầu lửa phong phú, đã diễn ra qua nhiều thập kỷ, nhưng trong hai năm qua tình hình căng thẳng này đã leo thang nhanh chóng. Trung Quốc, là nước trên lý thuyết có tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, trong những năm gần đây đã công khai cổ vũ tuyên bố của mình mạnh mẽ hơn trước. Hành động này có thể được gán cho nhiều nguyên nhân khác nhau: Có lẽ những vấn đề kinh tế của Hoa Kỳ đã làm nước này xao lãng tình hình châu Á trong nửa sau của thập niên 2000; Bắc Kinh nhận ra sức mạnh đang lên của hải quân TQ; chính phủ Trung Quốc đang tìm cách đáp ứng tinh thần dân tộc đang ngày một lên cao; các công ty khai thác tài nguyên TQ muốn xúc tiến nhanh việc thăm dò dầu khí trong Biển Đông; hay một kết hợp các yếu tố này và nhiều yếu tố khác. Rồi vào mùa Hè năm ngoái, ASEAN tỏ ra muốn một điều giản dị là, cứ để cho Trung Quốc đưa ra bất cứ giải pháp nào, bằng cách công khai chào mừng việc soạn thảo một hiệp định giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng đường lối hòa bình. Nhưng hiệp định này không phải là một bản qui tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý, và nó đã tránh né việc thực sự giải quyết các vấn đề then chốt như các tuyên bố chủ quyền vùng chồng lấn trên Biển Đông và thăm dò các tài nguyên tiềm tàng dưới đáy biển. Có lẽ lập trường yếu ớt của ASEAN đã khuyến khích Bắc Kinh theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn vào năm nay.
Vào Xuân-Hè năm nay, các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền (ngoại trừ Malaysia là nước chọn một vai trò thụ động hơn trước) và cả Trung Quốc đã làm cứng rắn thêm lập trường của mình bằng cách gia tăng sự hiện diện trong khu vực tranh chấp. Các bên đã thực sự biến những tảng đá không có người ở thành những tỉnh hay bang mới cho nước mình. Vào đầu năm nay, Trung Quốc tuyên bố rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị tranh chấp, cũng như một vùng biển khác, đã trở thành một đơn vị hành chánh gọi là thành phố Tam Sa có quan chức địa phương cai trị.
Cuộc tranh chấp lãnh hải này cũng gây tổn thất nghiêm trọng cho những cam kết của ASEAN về khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng trong khu vực và, trong tương lai, thúc đẩy tiến trình hội nhập trong khu vực. Các nước tranh chấp bắt đầu tuyên bố quyền khai thác dầu khí tại một số vùng như một cách khác để chứng minh quyền lực cụ thể của mình: Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gần đây đã công bố mời thầu với các công ty dầu khí nước ngoài đến đấu giá thăm dò các lô có tiềm năng dầu khí nằm gần duyên hải Việt Nam. Và càng ngày họ càng sử dụng nhiều tàu phi quân sự (non-military boats) để chứng minh chủ quyền của mình. Chẳng hạn, tháng trước, Bắc Kinh đã tuyên bố họ sẽ gia tăng các đoàn tàu đánh cá để gửi đến các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Nhiều nhà ngoại giao Đông Nam Á cho rằng các tàu cá này chủ yếu là tàu bán quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam và Philippines cũng gia tăng sử dụng một loại tàu tương tự để xác định chủ quyền của mình. Đồng thời, các quan chức Philippines còn gia tăng thúc đẩy Washington cung cấp các trang bị quân sự chất lượng cao hơn. Việt Nam và Philippines cũng đã và đang mời các công ty dầu khí nước ngoài đến hợp tác trong các dự án thăm dò liên doanh tại các vùng tranh chấp.
Tiếp theo sau hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, sẽcó nhiều chỉ dấu quan trọng cho thấy là liệu tất cả các phe liên hệ có chịu xuống thang cuộc tranh chấp hay không, một cuộc tranh chấp ngày càng có nguy cơ biến thành chiến tranh bằng súng đạn. (Sau khi chịu nhiều áp lực từ các lãnh đạo Indonesia, vào ngày 20 tháng Bảy các nước ASEAN cuối cùng đã đạt được cái mà họ gọi là một đồng thuận về Biển Đông, nhưng đồng thuận này chỉ che đậy các chia rẽ nội bộ và không có gì mới mẻ về thực chất). Các nhà quan sát thời sự đang theo dõi để biết Trung Quốc sẽ công khai thảo luận “lãnh thổ” mới Tam Sa như thế nào. Và nhiều quan chức Đông Nam Á đang quan sát để biết liệu Bắc Kinh có chịu chi thêm những khoản trợ cấp lớn hay những khoản tiền cho vay nhẹ lãi cho Campuchia và Malaysia hay không, vì đây là hai nước đã chọn một đường lối khá thụ động đối với vấn đề Biển Đông (thật ra Campuchia đã ủng hộ lập trường Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh này).
Sau cùng, nhữngtín hiệu của Bắc Kinh cho thấy họ một lần nữa muốn thương thuyết một bộ quy tắc ứng xử để điều hành hoạt động của tàu bè trong các vùng biển tranh chấp, đây sẽ là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang bước lùi khỏi bờ vực chiến tranh. Về phía các nước Đông Nam Á, sự kiện Việt Nam và Philippines muốn rút về một số tàu đánh cá từ vùng lãnh hải tranh chấp, cũng như việc Hà Nội sẵn sàng ngưng thông qua các nghị quyết trong Quốc hội về việc tuyên bố chủ quyền trên một số vùng trên Biển Đông, sẽ là những dấu hiệu quan trọng làm lắng dịu tình hình.
Những chia rẽ của ASEAN
Hơn bao giờ hết, cuộc tranh chấp Biển Đông còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho những cam kết của ASEAN về khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực và trong tương lai sẽ thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực. Ngay cả những người hậu thuẫn tổ chức này nồng nhiệt nhất bây giờ cũng phải tự hỏi là liệu đường lối đồng thuận truyền thống của ASEAN có còn tồn tại hay không. Đây không phải là lần đầu tiên đường lối đồng thuận này đã tỏ ra phản tác dụng: trong quá khứ, ASEAN không có lập trường mạnh mẽ ngay cả đối với một cuộc xung đột bên trong Đông Nam Á, như đã diễn ra tại Đông Timor năm 1999, chỉ vì tổ chức này phải tuân theo nguyên tắc vừa đồng thuận vừa bất can thiệp này, một sự tương phản rõ nét với một số tổ chức khu vực khác như Liên minh châu Phi.
Tham vọng nhắm tới sự đồng thuận này càng bị mối quan hệ mật thiết mới mẻ giữa Trung Quốc và một vài quốc gia trên lục địa Đông Nam Á thách thức. Điều này dấy lên nỗi sợ hãi tại vài nước khác như Philippines, Việt Nam, và Brunei, vì họ cho rằng những nước như Campuchia, Lào, và ngay cả Thái Lan sẽ là những con tốt trên bàn cờ của Trung Quốc.
Chính quyền Phnom Penh, giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay, ngày càng lệ thuộc vào viện trợ và đầu tư Trung Quốc. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Campuchia được ước tính tăng gần gấp đôi từ bây giờ đến năm 2017, lên đến 5 tỉ đôla một năm, trong khi Trung Quốc trở thành nước cung cấp viện trợ lớn nhất tại Campuchia ở mức quá xa so với các ngoại viện khác.
Lào và Thái Lan cũng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Tạo được một bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc, được ký kết bởi các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền và Trung Quốc, có lẽ là một viễn tượng rất xa vời, chí ít vào lúc này.
Ngăn chặn một cuộc chiến tranh.
Ưu tiên hàng đầu của tất cả các bên là phải tránh một cuộc xung đột quân sự [ghi chú của biên tập viên: Xem CFR Contigency Planning Memorandum (Bản ghi nhớ về kế hoạch đối phó tình hình khẩn trương của tổ chức Council on Foreign Relations do chuyên gia Bonnie Glaser biên soạn]. Cả ASEAN lẫn châu Á đều có lý do chính đáng để tránh một cuộc chiến tranh bằng súng đạn trong Biển Đông. Thậm chí trong khi Trung Quốc diễu võ dương oai với Việt Nam, Philippines và nhiều nước, nó cũng đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất và là một trong những nước có vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài lớn nhất tại hầu hết các nước Đông Nam Á kể từ khi một khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực.
Đối với Hoa Kỳ, tránh xung đột trên Biển Đông sẽ ngăn chặn được việc gửi đi quá xa một quân đội vốn không muốn đóng vai trò sen đầm trong Biển Đông, đồng thời cũng giúp Washington có đủ thì giờ để nâng cấp các lực lượng và bảo trợ một khối đoàn kết rộng lớn hơn giữa các thành viên ASEAN về vấn đề Biển Đông. Hoa Kỳ có bổn phận phải giúp người Đông Nam Á và người Trung Quốc phát triển một đường dây nóng giữa các lãnh đạo chính trị và quân sự để có thể ngăn chặn các vụ việc trên biển khỏi leo thang. Hơn thế nữa, các quốc gia Đông Nam Á có thể đưa vấn đề tranh chấp ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển và tìm kiếm ý kiến về các tuyên bố chủ quyền trên các vùng tranh chấp, điều này có thể làm cho lập trường của họ vững mạnh hơn. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cũng có thể làm việc để tiến tới hợp tác khai thác tài nguyên từ Biển Đông.
Sau hết, như nhiều viên chức ASEAN đã nhận xét, nếu tổ chức này muốn cạnh tranh với Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác và nghiêm túc thương thuyết một bộ qui tắc ửng xử Biển Đông, nó cần phải tăng cường Thư ký của mình, cho nó thêm nhiều quyền hành, một vị Tổng Thư ký đầy uy tín, và nhiều nguồn lực to lớn hơn nữa.
Joshua Kurlantzick
Joshua Kurlantzick là một nhà nghiên cứu tình hình Đông Nam Á ở viện nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations tại Hoa Kỳ.
Nguồn: Bauxite Vietnam

No comments:

Post a Comment