Bùi Văn Bồng - Trang Bauxite Việt Nam mới đăng bài “Giai cấp chính trị mới của Trung Quốc: người dân” của tác giả Elizabeth C. Economy (nhà nghiên cứu thâm niên thuộc Chương trình C.V. Starr và là giám đốc Ban Nghiên cứu châu Á tại trung tâm nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations tại Hoa Kỳ), bản dịch của Trần Ngọc Cư.
Bài viết mở đầu bằng câu: “Quyền lực đã bắt đầu đến tay người dân Trung Quốc (TQ). Khi các quan chức chóp bu của TQ đang hội họp tại Bắc Đới Hà để đúc kết việc lựa chọn ban lãnh đạo mới cho đất nước, đầu óc họ còn bị ám ảnh bởi một giai cấp chính trị khác ngày càng có sức mạnh – đó là người dân TQ”.
Với một thể chế chính trị mang danh đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, ngụy trang bằng xã hội theo dân chủ, mà nay xảy ra hiện trạng như vậy thật là trớ trêu. Vậy là, cho đến nay, cho dù tự khoa trương, tự huyễn hoặc đến cỡ nào, thì xã hội của TQ đã mất dân chủ từ lâu rồi, không còn mang cái bản chất mà họ cứ hô toáng lên là chế độ Cộng sản. Đảng Cộng sản là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà nay lại coi “người dân là giai cấp chính trị mới” (?!), chúng tỏ giới cầm quyền của Đảng Cộng sản TQ hiện nay thuộc giai cấp khác, biểu hiện ngày càng rõ là giai cấp tư sản đặc quyền đặc lợi, các nhà “tư sản đỏ”. Họ chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân và phe cánh, không quan tâm gì đến người dân, mặc cho tình trạng nguy hại xảy đến với hàng vạn người dân như trường hợp mới xảy ra gần đây trong “vụ ngập nước đã gây thiệt hại 1,88 tỉ đôla, khiến 65.000 cư dân phải sơ tán và 77 người thiệt mạng”. Trong khi đó “nhân viên cảnh sát bận viết giấy phạt cho các xe cộ bị bỏ lại trên đường hơn là giúp đỡ người dân đang cần cứu hộ; và công nhân tại các trạm thu lộ phí vẫn tiếp tục thu tiền khi dân chúng hốt hoảng cố thoát con nước đang dâng cao”.
Từ Bắc Kinh đến Giang Tô đến Quảng Đông, công dân TQ đang vận động để tiếng nói của họ được lắng nghe trên Internet và hành động của họ được cảm nhận từ thực tế hoàn cảnh của dân chúng. Đó là vụ ngập nước khủng khiếp tại Bắc Kinh vào cuối tuần qua. Cả tờ Hoàn cầu Thời báo, được coi là bái "lề phải" của Nhà nước cũng nói rằng uy tín của chính phủ bị suy giảm rất nhiều vì đã thiếu quan tâm đến nỗi thống khổ trong thiên tai của người dân. Người dân Bắc Kinh trong cơn nguy biến cứ phải ngóng cổ chờ mong các quan chức hành động cứu khổ cứu nạn.
Bài báo cũng không quên biểu dương một số tấm gương, có cả quan chức địa phương mở trang web và tung lên mạng những thông báo nhằm tiếp cận và sẵn sàng giúp đỡ người dân. Bài báo cũng nêu lên những thực trạng buộc người dân phải thể hiện rõ đấu tranh dân chủ. trước khi diễn ra Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản TQ. Ví dụ: “[…] tại huyện Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, nông dân TQ một lần nữa đã xuống đường trong một nỗ lực kiếm tìm công lý, chống lại tệ tham nhũng của quan chức địa phương và nạn cưỡng chiếm đất đai bất hợp pháp. Ở đây cũng thế, Internet tỏ ra là một yếu tố quyết định: người dân địa phương phát hiện trước tiên các vụ bán đất bất hợp pháp nhờ đọc các website chính phủ.
Quan chức TQ đang tìm phương cách hữu hiệu nhất để lèo lái một hiện tượng ngày càng phổ biến là quyền lực của người dân đang được thể hiện qua Internet.”
Ôi, đọc bài thấy thực trạng xã hội TQ sao giống ta quá, nhất là sau khi Đảng ta có nghị quyết Trung ương 4 đánh giá thực trạng, và ai cũng thấy rõ thực trạng xã hội ở nước ta cũng “y chang” như vậy. “Tại một cuộc họp các bí thư thành uỷ mới đây, ông Lý Nguyên Triều, người trông coi việc bổ nhiệm các quan chức, trong địa vị là người đứng đầu Ban Tổ chức Đảng và có khả năng vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã nói rất mạnh về nhu cầu là các Bí thư đảng bộ địa phương phải “hiểu và tuân theo ý dân”. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh các quan chức phải hiểu rằng trên cơ bản họ chỉ là “đầy tớ của dân” và rằng sự thoả mãn của người dân là cái thước cơ bản nhất để đo công tác của các quan chức.” Sao mà ông Lý Nguyên Triều phát biểu giống như ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng quá vậy?
Các quan chức ở TQ đang ra sức vận dụng công nghệ thông tin này để gửi thông điệp của chính mình đến người dân. Bà Vương Huệ, người phát ngôn của thành phố Bắc Kinh, đã đưa ý kiến lên trang mạng của cá nhân của mình để trả lời những lo lắng của người dân một cách tương đối cởi mở và trực tiếp. Bà gọi những bất bình của người dân là “rất bình thường” và nhìn nhận rằng chính phủ còn nhiều thiếu sót. Cán bộ ta đã có ai làm được như thế chưa? Trong khi đó, biết bao nhiêu chuyện xảy ra ngay giữa “Thủ đô văn hiến” vi phạm quyền dân chủ tạo ra những bất bình trong nhân dân và công luận thì chính quyền Hà Nội không những “bình chân như vại” mà còn phát ngôn bừa bãi cho người dân là nghe theo xúi giục của các “thế lực thù địch”. Cán bộ địa phương ở Trung Quốc còn giỏi vi tính, quan tâm đến mạng, tiếp cận với mạng và coi Internet là kênh trực tuyến tiếp xúc với dân. Còn ở ta lại đi tìm cách chặn mạng, thanh tra mạng, dọa nạt mạng, coi cư dân mạng như kẻ thù, hơi một chút là áp đặt có sự xúi giục, bọn cơ hội, liên quan đến sự chống phá, mắc mưu các “thế lực thù địch”. Lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện chính sách xã hội thế nào mà để sinh ra lắm kẻ thù đến thế?
Cái khác ta, hơn ta còn ở chỗ có nhiều quan chức và văn phòng chính phủ có tài khoản (account) trên Weibo mà họ có thể sử dụng để liên lạc trực tiếp với cử tri của mình: trong một huyện của tỉnh Chiết Giang, một bài kiểm tra về khả năng viết (writing test) trên mạng xã hội Weibo hiện nay được đưa vào kỳ thi thăng thưởng cho các viên chức địa phương. Và, mặc dù các cơ quan kiểm duyệt của Đảng đã phản ứng mạnh tay đối với các chỉ trích liên quan nhằm “giữ vững uy tín Đảng Cộng sản TQ”, nhưng có không ít trang mạng của người dân (nhà báo tự do) đã nói thẳng ra rằng: “Có uy tín đâu mà giữ? Lo đi giữ cái không có à!”. Còn ngược lại ở ta thì các cán bộ, đảng viên dù có chính kiến, dù quan điểm đúng, muốn lo vì dân, thương dân, muốn đối thoại thoải mái, chân tình với người dân, nhưng khi nem nép nhìn, xin ý kiến, dò ý cấp trên rồi thì im như thóc, thậm chí còn vào hùa nịnh nọt, nói và làm trái lòng mình, thậm chí còn lợi dụng “đục nước béo cò” để tâng công, mong có cơ hội vơ lợi về cho cá nhân. Thật là hổ thẹn! Và nữa, đất nước đang gặp nhiều bát ổn, nguy cơ không còn hòa bình, nguy cơ mất chủ quyền, mất độc lập dân tộc, kẻ thù trực tiếp trước mắt, kẻ thù còn lẻn vào cư ngụ ngay trong “nhà” mình mà cứ hô hoán “thế lực thù địch” tận đâu đâu, thì đó mới chính là “diễn biến hòa bình”?!
Một bài viết về Đảng Cộng sản Trung Quốc lột tả vấn đề xã hội, phơi bày một thể chế chính trị-xã hội như vậy, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc theo Chủ nghĩa Mác-Lê-nin chỉ là thứ giả hiệu ngay từ thời Mao Trạch Đông, lừa mị dân, lừa mị thiên hạ. Trong khi đó, bản chất về quan điểm tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhà cầm quyền Bắc Kinh là đậm đà chất tư bản, thậm chí độc quyền, quân chủ chuyên chế chẳng khác nào thời đế chế độc tài Tần Thủy Hoàng.
Khi có quan hệ với Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam cần khẳng định được tính đúng đắn và ưu việt của một Đảng Cộng sản chân chính như luận thuyết và bản chất vốn có của nó, không nên nghe sự xúc xiểm, xúi giục và ngon ngọt dụ dỗ, lừa đảo đẻ bị phụ thuộc. Độc lập và tự chủ dân tộc phải được thể hiện qua sự độc lập về đường lối, chủ trương, chính sách và cả cơ cấu nhân sự, phải căn cứ vào sự thực thi nó để thể hiện là chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nếu không chỉ thì “y chang”, một thứ “bản sao’ của Tàu, là thứ vỏ bọc bề ngoài lừa mị thiên hạ như kiểu Đảng Cộng sản TQ. Cho nên, trong bối cảnh này, cái gì giống Tàu mà có hại, mất uy tín cho Đảng, bị nhân dân tỏ ra muốn đối trận thành “giai cấp khác” như “Cộng sản kiểu Tàu” thì nên hết sức tránh. Cái gì giống Tàu (hoặc giống Tây) mà có lợi cho dân, đem lại văn minh, công bằng, lành mạnh cho xã hội thì phải hết sức làm. Trông người mà thấy ngao ngán, và cũng nhiều trăn trở ngẫm đến ta.
B. V. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment