Wednesday, July 11, 2012

HÃY CHIẾN THẮNG SỢ HÃI



Lê Quốc Tuấn - Nỗi sợ hãi cũng có thể được dùng để xây nên giềng mối cho xã hội. Nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không bền vững và tốt đẹp. (Trần Đông Chấn,2008)

Hình ảnh Vương Duy Lâm, người sinh viên nhỏ bé không run sợ, đứng trước họng súng xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn là hình ảnh bi tráng nhất của cuộc đấu tranh chống lại sợ hãi trong thập niên 1990. Sự kiện những người dân Ả Rập tràn xuống đưòng phố, trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập và hình ảnh người phụ nữ mảnh mai Aung San Suu Kyi vượt qua sợ hãi bạo quyền, đến được Oslo để đọc bài diễn từ Nobel nổi tiếng là những sự kiện lớn nhất của thập kỷ này. Các sự kiện ấy không những minh chứng khả năng chiến thắng sự sợ hãi của tất cả mọi người, mà còn chứng minh rằng bạo quyền chưa bao giờ là một sức mạnh vô địch trên hành tinh chung của chúng ta.
Đúng như Winston Churchill đã từng viết: "Ta nhìn thấy những nhà độc tài này trên bệ đài của họ, bao quanh bởi lưỡi lê từ những người lính và dùi cui từ cảnh sát của mình... nhưng trong lòng họ vẫn có một nỗi sợ không thể nói ra. Họ sợ những suy nghĩ và lời nói, những lời được nói lên ở nước ngoài, những suy nghĩ khuấy động ở trong nước - tất cả trở nên mạnh mẽ vì bị cấm đoán - đang làm họ sợ hãi. Chỉ cần một ý tưởng nhỏ bé như con chuột xuất hiện, ngay cả kẻ thống trị tàn bạo nhất cũng phải chìm vào kinh hoảng" (Winston S. Churchill, Blood, Sweat and Tears)
Ở Việt Nam, vào Ngày 25 tháng 6, trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 TP. HCM, ông Trương Tấn Sang đã nói:
Chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi để cho dân và đảng viên sợ nhưng mặt khác, đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình, không thể thụ động. Tại sao người khác nói mà mình không dám nói? Phải nói để sáng rõ và có một chân lý. Biết mà không nói là có lỗi rất lớn, nếu là dân thì có lỗi với đất nước, đảng viên thì có lỗi với Đảng. Nếu tất cả chúng ta sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!
Như một trong những người cha đẻ ra Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ đồng thời cũng là vị tổng thống thứ Ba và là soạn giả chính của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Thomas Jefferson đã để lại một câu nổi tiếng: "Khi các Chính phủ sợ Dân thì có Tự Do. Khi Dân sợ chính phủ, thì có bạo chúa". Qua phát biểu trên của ông Sang, rõ ràng ông đã thay mặt chính phủ và đảng CS của mình trực tiếp thú nhận rằng Đảng và chính phủ đã làm dân sợ hãi và ông đã kêu gọi mọi người phải chiến thắng nỗi sợ hãi ấy. Lời thú nhận ấy còn gián tiếp tự tố cáo chế độ của ông là một tập đoàn bạo chúa.
Dĩ nhiên là ông Trương Tấn Sang chỉ muốn người dân hãy vượt qua nỗi sợ hãi để mạnh dạn bước ra tố cáo những đảng viên, viên chức chính phủ tham nhũng mà thôi. Khi đảng cuả ông đang tuyệt vọng tìm lối ra trong cơn quốc nạn tham nhũng. Chính nỗi sợ hãi lẫn nhau lại đang là trở ngại lớn nhất. Đảng của ông đang ngập lặn trong bể sợ hãi do chính mình tạo dựng nên. Nỗi sợ hãi mà tương truyền rằng ông Tôn Đức Thắng khi còn ở trên đỉnh cao chót vót của chức vụ, cố chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng than thở với đồ đệ: “DM... tao cũng sợ”.
Cường quyền xây dựng và tồn tại từ sợ hãi
Từ thế kỷ 15, cha đẻ của nghệ thuật cai trị hiện đại, Niccolo Machiavelli đã đưa ra một nhận xét, "Vì tình yêu và nỗi sợ khó có thể cùng tồn tại, do vậy, nếu phải lựa chọn, so với tình yêu thưong, sợ hãi là an toàn hơn -(Niccolo Machiavelli, Prince, 1513).
Nhận xét đơn giản này chính là nền tảng của các sự nghiệp cai trị bằng sức mạnh và nỗi sợ.
Rõ ràng, những người cầm quyền luôn luôn muốn kiểm soát được người dân càng nhiều càng tốt. Và một số nhà cầm quyền đã xây dựng sức mạnh của mình trên nỗi sợ hãi. Phương tiện chính của họ là qua việc phổ biến, thúc đẩy nỗi sợ hãi, sự bí mật, và sự phân cực, thông qua việc đánh lạc hướng người dân ra khỏi các mục đích sâu xa hơn của họ trong cuộc sống. Khi cường quyền thành công trong việc vận dụng những những yếu tố này, quyền tự do của chúng ta ngày càng bị mất dần, thậm chí có khi chúng ta không hề ý thức được là mình từng có quyền hạn, tự do hợp pháp để theo đuổi, mưu cầu lẽ sống chính đáng cho bản thân.
Sợ hãi được sử dụng như một công cụ kiểm soát, trấn áp mạnh mẽ. Các bạo chúa luôn luôn muốn truyền đạt đến quần chúng nạn nhân của mình rằng: chúng tôi nắm trong tay sinh mạng, đời sống của tất cả. Bộ máy an ninh chìm nổi của chúng tôi biết rõ những gì đang xảy ra chung quanh mình...Tất cả những thông điệp ấy nhằm đẩy người dân đến sự sợ hãi.
Bóng đêm của sự bí mật cũng luôn được xử dụng triệt để qua việc che dấu những thủ đoạn mờ ám, bất ngờ, không chính danh thông qua việc nuôi dưỡng sự nghi ngờ, hoang tưởng giữa các công dân nhằm gia tăng nỗi sợ hãi. Nhân danh "bí mật, an ninh nhà nước", cường quyền che dấu chương trình nghị sự- vốn thưc chất là lợi quyền phe nhóm - sau các cánh cửa đóng kín. Người dân được khuyến khích để canh chừng kiểm soát lẫn nhau... Thông tin liên lạc bị ngăn chặn, thậm chí đến mức một số cộng đồng còn mất hẳn liên lạc với thế giới bên ngoài.
Đặc biệt, cường quyền còn tận dụng kỹ thuật phân cực nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ của người dân ra khỏi các vấn đề có thể gây nguy hại đến chế độ. Chia rẽ và kiểm soát từng là chiến thuật được sử dụng thành công bởi các tầng lớp quyền lực của thế giới trong nhiều thế kỷ. Cường quyền luôn giành quyền kiểm soát truyền thông và lấp đầy bằng những thông tin vô bổ, thậm chí băng hoại về đạo đức để xâm chiếm tâm trí quần chúng. Để từ đó lôi kéo chú ý của dân chúng ra khỏi những suy nghĩ mơ ước sâu xa nhằm nâng cao phẩm giá và ý nghĩa của đời sống.
Vượt qua nỗi sợ
Như đứa trẻ một mình trong bóng đêm, sợ hãi những bí ẩn và hoang đường chung quanh mình. Nỗi sợ ấy chỉ giảm đi và tiêu tan khi đứa trẻ hiểu được bản chất của bóng đêm, mặt trái của những hoang đường và nhất là khi ra khỏi nỗi cô đơn, giao tiếp được với người khác chung quanh.
Sau những ngày dài mất tự do, bà Aung San Suu Kyi đã nói với cả thế giới rằng vượt qua sự sợ hãi là chìa khóa khai mở đến các quyền tự do khác. Theo bà, chính sợ hãi làm tê liệt người dân, khiến mọi người trở nên câm lặng, bất lực và thụ động.
Bà truyền tải thông điệp gửi đến các dân tộc đang chìm đắm trong sợ hãi:
Chúng ta may mắn sống trong một thời kỳ mà phúc lợi xã hội và giúp đỡ nhân đạo được công nhận như một việc không chỉ nên làm mà còn phải làm. Tôi may mắn sống trong một thời kỳ mà số phận của những tù nhân lương tâm ở bất cứ đâu đã trở thành mối quan tâm của mọi người ở khắp nơi, dân chủ và nhân quyền được chấp nhận rộng rãi, dù không phải trong mọi nước, như quyền mỗi người đều có từ khi sinh ra. Biết bao lần trong những năm tháng bị quản thúc tôi đã tự động viên qua những đoạn tâm đắc nhất của lời nói đầu Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền:
…Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn sợ hãi và nghèo khó, được tuyên xưng là ước vọng cao nhất của con người.
…Nhân quyền nhất thiết phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải dùng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức …
Nếu ai hỏi tôi tại sao tôi đấu tranh cho nhân quyền ở Miến Điện, những đoạn trên là câu trả lời. Nếu ai hỏi tôi tại sao tôi đấu tranh cho dân chủ ở Miến Điện, lý do là vì tôi tin rằng những thể chế và thực tiễn dân chủ cần thiết để đảm bảo nhân quyền. (Diễn từ Nobel của Aung San Suu Kyi)
Quả vậy, chúng ta không hề cô độc trước bạo quyền, chúng ta không thể bị khuất phục bởi nỗi sợ hãi. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà mọi quốc gia trên thế giới đều tôn trọng chính là bảo đảm quan trọng nhất cho đời sống, phẩm giá của mọi công dân trên hành tinh con người.
Từ năm 2005, Aung San Suu Kyi đã viết:
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng: “Mọi cá nhân và mọi thành phần của xã hội” cần cố gắng hết sức để giành cho được những quyền tự do căn bản mà bất cứ ai cũng cần được hưởng, dù họ thuộc chủng tộc nào, quốc tịch nào, theo đạo nào.
Nhưng chừng nào vẫn còn có những chính quyền lấy trấn áp dân chúng làm quyền lực thay vì được dân chúng tín nhiệm ủy quyền, và chừng nào vẫn còn các nhóm lợi ích đặt quyền lợi trước mắt của mình lên trên hòa bình và thịnh vượng lâu dài của toàn xã hội, thì chừng đó các nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền cũng sẽ chỉ là một cuộc đấu tranh nửa vời mà thôi.
Và như thế, sẽ vẫn còn những hình thức đấu tranh mà trong đó nạn nhân của đàn áp sẽ phải dùng đến với sức mạnh tinh thần để bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm mà một người con trong gia đình nhân loại xứng đáng được hưởng. (Vượt lên sợ hãi - Aung San Suu Kyi .An Văn dịch, đăng lần đầu trên x-cafevn.org năm 2005)
Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 20 tháng 9 năm 1977. Điều đó có nghĩa là chính phủ nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ tộn trọng và thực thi những nguyên tắc sinh hoạt cũng như tinh thần các nghị quyết của tổ chức quốc tế này, trong đó có Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vốn là một văn kiện căn bản.
Sau đó, vào tháng 9 năm 1982, CHXHCNVN cũng ký kết và thông qua hai Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự, Chính trị và các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Tuy nhiên, thay vì quảng bá, hiện thực hóa nhân quyền, tạo điều kiện cho mỗi công dân đuợc sống dưới ánh sáng những nguyên tắc căn bản của quyền làm người, chính quyền Việt Nam đã chỉ reo rắc nỗi sợ hãi, như chính lời thú nhận của chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
"Nếu tất cả chúng ta sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào". Câu trả lời chính là : Chúng ta sẽ có một đất nước tha hóa. Như lời giải đáp từng chứa đựng trong diễn từ Nobel của bà Aung San Suu Kyi:
Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực.
Đó chính là cơn bế tắc cho cả cưòng quyền và người bị áp bức. Và đó chính là ngõ cụt cho tiền đồ dân tộc. Một dân tộc không thể ngửng mặt, không thể có sức mạnh để hình thành tương lai khi tất cả chìm đắm trong sợ hãi.
Hãy tỉnh thức, hãy ra khỏi bóng đêm hoang mang, hãy chiến thắng sợ hãi. Hãy rủ nhau cùng bước trên Con Đưòng Việt Nam
Lê Quốc Tuấn
Tôi ủng hộ Con Đường Việt Nam





http://www.x-cafevn.org/node/3574

No comments:

Post a Comment