Sunday, July 8, 2012

Giặc đã ở ngoài cửa ngõ!



Song Chi/Người Việt - Trên con đường dài nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Ðông bằng cách xâm lấn từng bước, biến không thành có, o ép các quốc gia nhỏ bé trong đó có Việt Nam phải nhân nhượng dần cho đến lúc tất cả vùng biển này thuộc về Trung Quốc, có vẻ như Trung Quốc đã đi được khá xa.

Giặc đã ở ngoài cửa ngõ! Biển Ðông đã trở nên quá chật hẹp với người Việt Nam khi cứ dong thuyền ra đánh cá, ngang dọc chỗ nào cũng là tàu Trung Quốc.
Còn trên dải đất Việt Nam, từ những cánh rừng thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc, vùng đất chiến lược Tây Nguyên, vịnh Nha Trang, Cam Ranh, cho đến các tỉnh làng miền Nam... Ðâu đâu cũng đầy người Trung Quốc tràn qua đi lao động chui, buôn bán, thuê đất thuê rừng, đóng bè nuôi cá, làm ăn lâu dài trong nhiều lĩnh vực...
Ba trong số bốn chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã chặn một tàu cảnh sát biển của Việt Nam tại vùng biển Trường Sa hôm 3 tháng 7. (Hình:Youtube)
Ðó là mức độ cò con, còn ở tầm vĩ mô, Trung Quốc cũng nắm thóp được Việt Nam, thao túng, lũng đoạn nền kinh tế. Bao nhiêu khoáng sản, than đá, gỗ quý, nguyên vật liệu, nông hải sản chất lượng cao cứ từ Việt Nam ùn ùn đổ qua Trung Quốc bằng mọi ngả đường-chính thức lẫn buôn lậu.
Quan hệ thương mại thì bất bình đẳng, mất cân đối một cách nghiêm trọng, cho thấy mức độ phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc.
Nhà cầm quyền thì bất lực, không sao quản lý nổi từ nạn buôn lậu, thất thoát khoáng sản cho đến chuyện người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn. Bất lực trước âm mưu xâm chiếm lãnh thổ lãnh hải Việt Nam, trước những chiến dịch tung hỏa mù gây nhiễu thông tin về chủ quyền, những chính sách, chiến lược phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách vô cùng thâm độc... của Trung Quốc.
Nhà cầm quyền bèn quay lại tăng cường kiểm soát, đàn áp chính người dân của mình một cách mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa mọi mầm mống phản kháng và sự sụp đổ từ bên trong của chế độ.
Cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7 vừa qua của người dân nhằm ủng hộ Luật biển Việt Nam, phản đối những hành động xâm phạm lãnh hải Việt Nam quá trớn của Trung Quốc trong thời gian gần đây, do vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi lại bị nhà cầm quyền tìm mọi cách ngăn cản, đàn áp.
Và cũng như nhiều lần trước, chính quyền và công an ở Hà Nội luôn nhẹ tay hơn với người biểu tình, so với Sài Gòn.
Như người viết đã từng phân tích trong một bài viết trước đây, vì sao ở Sài Gòn, các cuộc biểu tình thường nổ ra trước, nhưng lại bị đàn áp dữ dội đến mức phải tắt luôn trong khi ở Hà Nội có thể kéo dài nhiều lần.
Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, người dân Hà Nội là “con ruột” của chế độ.
Ðụng tới người nào nếu ông bà cha mẹ họ không phải là anh hùng liệt sĩ, công thần của chế độ, đảng viên bao nhiêu năm tuổi đảng, thì họ cũng có người quen là cán bộ trung cao cấp trong bộ máy chính quyền, hoặc bản thân là bộ đội, công chức nhà nước... Nghĩa là “con cháu trong nhà cả”. Do đó, công an cũng không dám đàn áp nặng tay.
Còn dân Sài Gòn, nếu không là con em “ngụy quân ngụy quyền” chế độ cũ thì cũng là dân thường, giới văn nghệ sĩ ngoài luồng... nhà nước cứ thế mà mạnh tay “xử lý”.
Thứ hai, nhà cầm quyền vẫn sợ dân Sài Gòn hơn vì ở đây có nhiều thành phần chẳng gắn bó mặn mà gì với chế độ. Cũng là nơi có kinh nghiệm gầy phong trào, tổ chức biểu tình từ thời chống Mỹ dưới sự xúi giục của cộng sản nằm vùng.
Chính vì vậy, các cuộc biểu tình trong Sài Gòn luôn bị đàn áp nặng hơn. Lần này cũng vậy.
Trong khi cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 7 năm 2012 ở Hà Nội diễn ra êm xuôi thì ở Sài Gòn, trước và sau đó là sự ráo riết ngăn chặn, “đánh lẻ”, bắt nguội... các blogger, văn nghệ sĩ quen mặt, hoặc được biết đến nhiều trên các diễn đàn.
So với những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc nổ ra lần đầu tiên tại Sài Gòn, Hà Nội vào những ngày của tháng 12 năm 2007, cái cách hành xử của nhà cầm quyền với những người dũng cảm xuống đường biểu dương lòng yêu nước vẫn chẳng khá hơn chút nào.
Ðiều an ủi là thay vào những khuôn mặt nổi bật của lớp người đầu tiên xuống đường ở Sài Gòn, Hà Nội năm 2007, đã có thêm nhiều khuôn mặt mới. Và họ sát cánh bên nhau, chia lửa cho nhau, cùng lên tiếng đánh động dư luận trong và ngoài nước khi có một người bị bắt giữ, đánh đập... Thay vì sự cô đơn hơn nhiều của lớp người đầu tiên.
Vì vậy, nhà cầm quyền cũng không thể cứ ngang nhiên chụp lên đầu họ những bản án hình sự ngụy tạo, hoặc cứ dùng truyền thông bôi nhọ, vu khống họ mà người dân vẫn tin. Hoặc cứ giam vô thời hạn mà không xét xử như với các blogger Ðiếu Cày, anh Ba SG, Công Lý và Sự Thật... trước kia.
Nhưng bản chất của nhà cầm quyền thì vẫn chẳng hề thay đổi.
Thời gian đã qua nhưng họ vẫn tiếp tục đeo những cái “đồng hồ chết” như đã từng đeo, mang suốt hơn sáu thập kỷ nay. Quay lưng ngoảnh mặt đắp tai trước những sự biến đổi mau chóng của thời cuộc và những biến động ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh đất nước.
Nhìn sang các nước khác mà tủi cho người Việt Nam khi muốn thể hiện lòng yêu nước, sự căm phẫn đối với quân bành trướng đang nuốt dần đất, biển, đảo của Việt Nam mà cũng không được phép.
Ngay tại Hongkong, cũng trong ngày 1 tháng 7 năm 2012, đúng 15 năm Hong Kong bị trao trả lại cho Trung Quốc, và nhân sự có mặt của ông Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, hơn nửa triệu người đã xuống đường biểu tình.
Với những biểu ngữ quyết liệt như đòi “chấm dứt chế độ độc đảng”, “phản đối Trung Cộng đàn áp Thiên An Môn”, bài trừ đảng Cộng Sản, đòi tự do dân chủ cho Hong Kong và Trung Hoa lục địa. Và với một tinh thần rất mạnh mẽ. Nhưng cũng không nghe nói có ai bị bắt giữ vì bạo động.
Nhìn trở lại nước láng giềng Philippines cũng trong hoàn cảnh bị o ép như Việt Nam nhưng dám can trường đối đầu với Trung Quốc cả mấy tháng trời quanh vụ bãi cạn Scarborough. Tổng thống Philippines mới đây còn lên tiếng “chỉnh” Trung Quốc “nên ăn nói cẩn thận hơn” khi báo chí nước này loan tin không đúng về Philippines. [“Tổng thống Philippines khuyến cáo Trung Quốc nên trung thực”, (RFI), “Tổng thống Aquino “chỉnh” Trung Quốc” (NLD).]
Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam vẫn im thin thít trước mọi sự lộng hành xâm phạm trắng trợn đến chủ quyền Việt Nam trên biển Ðông của Trung Quốc.
Trong khi đó, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của người Việt Nam vẫn bị đè nén trong “vòng kiểm soát chặt chẽ”!
So với 5 năm trước, ý thức của người dân đã khác hơn. Số người quan tâm đến chính trị, vận mệnh đất nước, số người lên tiếng qua những bài viết, những hành động xuống đường, chia sẻ với bạn bè... đã nhiều hơn, mạnh mẽ hơn.
Mặc dù vậy, không phải không có những giọng điệu khích bác, chế diễu, vu cáo... những người xuống đường và những cuộc biểu tình của một số nhân vật có tên thật và tên ảo trên mạng.
Luận điệu quen thuộc vẫn là bôi nhọ những khuôn mặt nổi tiếng trong các cuộc biểu tình hoặc qua những bài viết, bôi nhọ mục đích biểu tình. Từ đó kêu gọi mọi người nên tỉnh táo kẻo “lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những kẻ có âm mưu chính trị”.
Nỗi sợ hãi, ám ảnh của nhà nước Việt Nam trước mọi “hình thức tụ tập, biểu tình tự phát” sẽ dẫn đến nguy cơ vượt qua ngoài tầm kiểm soát của họ bởi chính họ, ngày xưa, đã sử dụng đúng những chiêu trò này. Khi lợi dụng những cuộc biểu tình phản đối Mỹ của học sinh, sinh viên Sài Gòn và miền Nam.
Và với toàn dân Việt Nam, chính đảng cộng sản đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân cho mục đích lật đổ chính quyền VNCH, thực hiện việc độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước.
Một ngày nào đó khi đảng cộng sản đã sụp đổ ở Việt Nam, (hay tệ hơn, khi Việt Nam đã mất chủ quyền trên biển, đảo cho Trung Quốc trước khi chế độ này chịu kết thúc?). Nhìn lại những cuộc biểu tình ngày hôm nay, để nhớ lại ai đã dám vượt qua sự sợ hãi để xuống đường, đánh thức lòng yêu nước và cảnh báo về nguy cơ mất nước trong người khác.
Ai đã thờ ơ trước thời cuộc, chỉ lo cho sự an toàn của bản thân.
Ai đã dùng ngòi bút nịnh thần để bôi nhọ những người dũng cảm, xuyên tạc sự thật, dùng sự ngụy biện dối trá để răn dạy người khác thế nào là yêu nước đúng nghĩa.
Chỉ có điều, lúc đó có còn nguyên vẹn một Việt Nam độc lập cho chúng ta thỏa sức bày tỏ lòng yêu nước mà không bị ngăn cấm nữa hay không?
Hy vọng tương lai không đến nỗi đen tối đến thế!

No comments:

Post a Comment