Nguyễn Hùng - Những ngày cuối tháng Năm một người bạn làm truyền thông đặt câu hỏi 'thế nào là truyền hình lá cải' nhân vụ tranh cãi của một số báo Việt Nam xung quanh đề tài này.
Sang đầu tháng Sáu, một số công dân mạng có vẻ tìm thấy câu trả lời trong phóng sự của Truyền hình Hà Nội và nhất là của Truyền hình Trung ương về bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng có tiếng.
Bà Hiền Đức, người nói tên của bà do cố lãnh đạo Việt Nam Hồ Chí Minh đặt cho, muốn tham gia một cuộc gặp giữa Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, chủ một blog khiến chính quyền khó chịu.
Tuy nhiên bà không được cho vào tham dự và nói bảo vệ sở đã khiêng bà và 'quăng' xuống đất cũng như 'bẻ chân tay' bà hôm 1/6.
Cụ bà 82 tuổi nói bà sẽ không rời sở cho tới khi người ta khám sức khỏe cho bà sau vụ bà nói là bị 'hành hung'.
Mặc dù vậy bà nói với BBC bà đã yêu cầu được đưa chữa trị khi bị thương ở chân vào buổi tối nhưng phải mất vài tiếng sau người ta mới đưa bà đi.
Các blogger nói họ và con cháu của bà Hiền Đức muốn vào thăm bà trong đêm 1/6 và sáng sớm ngày 2/6 nhưng không được phép trong khi cảnh sát 113 tới nơi nhưng không can thiệp.
Truyền hình trung ương và truyền hình Hà Nội trong khi đó nói bà Hiền Đức có 'hành vi gây rối', làm vỡ cửa kính và có lời lẽ 'vô văn hóa'.
Một nhân viên bảo vệ được Truyền hình Việt Nam phỏng vấn cũng bác bỏ chuyện 'khiêng' hay 'hành hung' bà Hiền Đức.
'Trò mèo truyền thông'
Bình luận về chuyện vào cuộc của truyền hình Việt Nam, người có nick HUSDDUS bình luận trên một diễn đàn:
"Đây là loại tin đưa lên bản tin thời sự sao hả? ...bạn giải thích giùm mình cả bài phóng sự này có chỗ nào đáng dể đưa lên Thời sự đài truyền hình Việt Nam phát trên cả nước lúc 19h hàng ngày.
"Giờ thời sự không phải là giờ cho thể loại tin này, và nếu xem từ nhiều nguồn trên mạng thì ngẫm lại đoạn phóng sự có nhiều thứ phải xem xét lại."
Một công dân mạng
"...[N]ếu bà ấy sai đi nữa thì cũng không cần thiết phải đưa lên bản tin Đài truyền hình chính thống của Việt Nam những loại tin như vầy, giờ thời sự không phải là giờ cho thể loại tin này, và nếu xem từ nhiều nguồn trên mạng thì ngẫm lại đoạn phóng sự có nhiều thứ phải xem xét lại.
"VTV làm trò này thật mất mặt."
Trong khi đó người mang nick tranggunbound2 nhận xét:
"Hôm qua có xem vụ bà này trên thời sự Hà Nội. Cách đưa tin của nhà đài cực kỳ ỡm ờ, không hề nêu đầu đuôi câu chuyện, chỉ mô tả bà này như một bà lão khùng điên chuyên gây rối.
"Đúng là trò mèo của giới truyền thông."
Cũng có người có vẻ cho rằng việc chống tiêu cực của bà Hiền Đức đã khiến bà trở thành 'đối tượng' bị nhắm tới của truyền hình và nói "ủng hộ tiêu cực thì sống chống tiêu cực thì chết."
Trên một blog, có người bình luận còn trích hai câu thơ của Bùi Minh Quốc:
"Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa.
"Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi."
'Chí Phèo ăn vạ'
Nhưng những hình ảnh truyền hình cũng khiến một số công dân mạng bất bình với bà Lê Hiền Đức.
Truyền hình nhà nước cáo buộc bà Lê Hiền Đức đập vỡ cửa kính và tự gây thương tích
Người có nick matran241091 nhận xét:
"Nói chung là làm gì cũng phải bình tĩnh. Các hành vi phá phách này một phần là do cụ quá tự tin vào ảnh hưởng của mình, ăn vạ chính quyền.
"Thế là không được."
Còn RegNick1NgayDaBiBan viết: "Bà này không biết đúng sai thế nào nhưng hơi bị Chí Phèo. Nghe đâu đến tối đạp cửa kính chảy máu chân xong ngồi đấy ăn vạ."
Trên thực tế không gian mạng cũng chính là nơi bà Lê Hiền Đức bị 'nói xấu' đầu tiên.
Ngay từ hôm 22/5, blogger Beo, tức nhà báo Thu Hồng, đã có loạt bài 'vạch mặt' bà Đức và dùng từ ngữ lăng mạ về bà và nhạo báng cả chuyện bà từng được cố lãnh tụ khen ngợi.
Tấm vé số
Hai phóng sự trên truyền hình nhà nước và blog của một nhà báo cũng của nhà nước phản ánh sự khủng hoảng về đạo đức nghề nghiệp cũng như chuẩn mực xã hội nói chung ở Việt Nam.
Người làm báo chuyên nghiệp thường giữ cách viết nhất quán cả trên báo viết và trên blog, coi đó như 'thương hiệu' của mình.
"Bà Lê Hiền Đức và ông Nguyễn Xuân Diện lại đang làm những gì mà truyền thông chính thống nhiều lúc không làm – đó là đưa lên không gian công cộng những tiếng nói của những người thấp cổ bé họng."
Trong trường hợp đưa tin về bà Lê Hiền Đức, nhà báo có đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ tự hỏi nếu người đó là mẹ hay bà của mình thì liệu mình có dùng từ 'dồ' như blogger Beo để chỉ một bà lão 82 tuổi từng được quốc tế vinh danh hay dùng từ 'ku Nghệ' để chỉ cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam cộng sản.
Mặt khác, cách đưa tin này đã không tôn trọng quyền được phản hồi của những người xuất hiện trên đài, báo, nhất là người dân bình thường.
Cả truyền hình trung ương và truyền hình Hà Nội đã chọn những chi tiết bất lợi nhất cho bà Đức để đưa vào bản tin nhưng những gì bà nói như bà bị hành hung, đòi được khám sức khỏe, bà chỉ được đưa tới bệnh viện sau khi bị thương nhiều giờ hay con cháu bà không được cho vào thăm đã không được nhắc tới để cân bằng lại.
Mặc dù không quay được cảnh bà Lê Hiền Đức "đập vỡ cửa kính" nhưng các phóng viên truyền hình vẫn khẳng định như thể họ nhìn thấy bà lão hành động như "phim chưởng" theo lời của một công dân mạng.
Trên thực tế, bà Lê Hiền Đức và ông Nguyễn Xuân Diện lại đang làm những gì mà truyền thông chính thống nhiều lúc không làm - đó là đưa lên không gian công cộng những tiếng nói của những người thấp cổ bé họng.
Chỉ có điều ở một chừng mực nào đó chính họ cũng lại là những người thấp cổ bé họng trong một xã hội nơi chuyện được đối xử công bằng nhiều khi chỉ là một tấm vé số.
Bà Lê Hiền Đức bị tấn công trên cả thế giới blog và truyền hình nhà nước
N. H.
Nguồn: bbc.co.uk
No comments:
Post a Comment