Saturday, May 5, 2012

Ngày Tự Do Báo Chí



Nhã Nam - “...Những vụ việc rúng động cả thế giới như vụ Văn Giang, Hưng Yên không hề được báo chí trong nước tường thuật hoặc bình luận là một ví dụ hùng hồn...”

Như để chào mừng Ngày Tự do Báo chí (03/5) của Liên Hiệp Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam đã gia hạn tạm giam thêm 3 tháng với phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, nhiều tờ báo VN đã loan tải tin đó. Như vậy là sau 4 tháng điều tra Hoàng Khương, công an đã không thể kết thúc điều tra để mang ra tòa xét xử. Cũng có thể ông phóng viên này cương quyết không nhận tội mà chứng cứ lại quá ít ỏi, làm không khéo dễ đổ lỗi cho nhau, nên công an cứ giam thêm cho chắc ăn.
Tội của Hoàng Khương là tội dám vuốt râu hùm, vì chuyện công an ăn hối lộ là chuyện thường ngày, ở mọi nơi. Những đường dây ăn chia tiền hối lộ của các cấp được ví như nguồn thu chủ yếu của công an, nếu cứ bám vào lương thì có lẽ chả ai vào ngành công an làm gì, ngoại trừ kẻ có máu côn đồ thích dựa vào quyền và dùi cui để hù dọa người khác. Thế mà anh nhà báo này dám khui ra theo kiểu chỉ tận tay, day tận mặt. Tội làm bể nồi cơm công an là đặc biệt nghiêm trọng.
Báo Tuổi Trẻ, trong bài viết về việc gia hạn tạm giam này có trích dẫn điều 120 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự: " 1. Thời hạn tạm giam bị can bị giam để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".  Và "Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng".  Thế là rõ, những bài viết của Hoàng Khương được coi là "rất nghiêm trọng" hoặc "đặc biệt nghiêm trọng",  vì chưa biết lần gia hạn tạm giam 3 tháng cho Hoàng Khương đã chấm dứt điều tra hay chưa...
Hoàng Khương là nhà báo của Đoàn thanh niên cộng sản mà còn lãnh đủ, huống chi những nhà báo khác. Nhà báo Hương Trà tức blogger Cô gái Đồ Long cũng từng bị bắt khẩn cấp, bị tạm giam nếm thử cơm tù vì dám đụng đến một ông thứ trưởng bộ Công an. Còn các cây bút tự do như các Blogger Điếu Cày, Anhbasg đến nay vẫn bị tạm giam "vượt khung" với 17 tháng, hay Blogger Tạ Phong Tần bị giam 8 tháng mà chẳng cần lệnh gia hạn tạm giam nào. "Tội trạng" của các blogger trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do này được xác định rất rõ trong cáo trạng và họ đang đối diện với mức án có thể lên đến 20 năm. Họ đã cố gắng thể hiện sự tự do bày tỏ chính kiến qua ngòi bút, nhưng điều nghiệt ngã là danh xưng nhà báo tự do không được chấp nhận trong đất nước này.
Blogger Người Buôn Gió có khác một chút, ông cũng viết nhiều bài trên blog như các blogger trên, cũng bị bắt vài lần, mỗi lần chỉ vài ngày. Nhưng cũng để kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí của Liên Hiệp Quốc, đúng ngày 03/5, cơ quan công an đã triệu tập ông như đã triệu tập nhiều lần trước đó và ông tường thuật lại trên blog như sau: "Chiều nay bước ra khỏi công an số 6 đường Quang Trung, trong đầu ám ảnh mức phạt hành chính vài chục và phạt tù từ 1 đến 3 năm. Mức phạt này vẫn để đó chưa ra quyết định, trước tiên là nhắc nhở giáo dục...". Ngọn roi của công an đã điểm ngay giữa trán, ý bảo "liệu hồn, cứ thử ngo ngoe xem". Xem ra, nhà cầm quyền Việt Nam chẳng coi Liên Hợp Quốc với quốc tế ra gì. Ngay cả luật của chính họ đặt ra vốn đã dành rất nhiều quyền cho chính họ và phần thiệt thòi dĩ nhiên về phía người dân, thế mà họ vẫn ngang nhiên cưỡi lên luật như không. Số phận của những người cầm bút chân chính ở Việt Nam quả là cay đắng.
Từ tiếng hú dài vọng qua vách đá, vang trong rừng thẳm đến tiếng lách tách của ký hiệu Morse và giờ đây là những trang mạng... Thông tin, với tầm quan trọng của nó đã khiến nhân loại ngày càng gần gũi và nhân bản hơn. Báo chí và truyền thông, như thành phần cốt lõi của thông tin hiện đại, càng củng cố vị trí không thể thay thế trong cuộc sống loài người. Thế nhưng, báo chí cũng vừa là công cụ, vừa là thứ quyền lực cần khống chế tại các nước độc tài. Những vụ việc rúng động cả thế giới như vụ Văn Giang, Hưng Yên không hề được báo chí trong nước tường thuật hoặc bình luận là một ví dụ hùng hồn.
Năm nay, nhân ngày Tự do Báo chí của Liên Hiệp Quốc 03/5, tổ chức Freedom House đã công bố bản đánh giá về tự do báo chí và Việt Nam đứng hạng 182 tức là "không có tự do báo chí". Điều đó còn có nghĩa dù nhà cầm quyền Việt Nam ra sức tuyên truyền trong nước có hơn 700 tờ báo với đội ngũ phóng viên lên đến hơn 16.000 người vẫn là một vùng tối tăm cần khai mở. Ở Việt Nam vẫn có nhiều người bị giam cầm, bị đàn áp vì đã minh bạch hóa những điều mà nhà cầm quyền muốn che giấu. Với bàn tay sắt, nhà cầm quyền Việt Nam sẵn sàng bẻ gãy mọi cây bút, mọi tiếng nói trái chiều.
Ngày Tự do Báo chí năm nay, có lục tung 700 tờ báo tại Việt Nam cũng không có lấy một dòng chữ để kỷ niệm ngày này. Còn mọi chuyện cướp, giết, hiếp, cười cợt cứ thoải mái. Việt Nam đã biến thành một ốc đảo dị hợm bất chấp nhân loại.
Nhã Nam

No comments:

Post a Comment