Thùy My(RFI) – Theo một
tờ báo xuất bản ở Bắc Kinh được Courrier International trích dịch, thì
chưa có thủ đô nào trên thế giới bị khát nước trầm trọng như thủ đô
Trung Quốc. Các giải pháp được chính quyền Bắc Kinh dự định áp dụng có
thể gây ra nhiều hậu quả khốc liệt về môi trường cũng như xã hội.
Cơ quan phụ trách về vấn đề nước ở Bắc
Kinh cho biết, việc cung cấp nước cho đô thị khổng lồ này thuộc loại
phức tạp nhất thế giới. Kể từ tháng 5/2011, khả năng cung cấp nước tại
Bắc Kinh ở mức dưới 100 m3/ đầu người, trong khi trên thế giới là
1.000m3/ đầu người.
Dân cư thường trú trong đô thị khát nước
nhất Trung Quốc này đã bùng nổ, từ 13,6 triệu dân năm 2000 đã tăng lên
20 triệu dân. Dự án phát triển các cơ sở hạ tầng chủ yếu tại Bắc Kinh
trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 dự trù từ nay đến năm 2014 sẽ thiết lập
được một hệ thống cung cấp nước đa dạng. Nước được lấy từ hai hồ trữ về,
nước ngầm được bơm lên, rồi đến nước tái sử dụng và cuối cùng là hệ
thống đưa nước từ phương Nam ngược lên phương Bắc.
Trong năm năm gần đây, lượng nước tiêu
thụ tại Bắc Kinh đã đạt 3,5 tỉ m3, trong khi các hồ trữ chỉ có thể cung
ứng được 600 triệu m3, nước tái xử lý được từ 400 đến 600 triệu m3. Số
hai triệu rưỡi m3 còn thiếu, tức hai phần ba nhu cầu, chủ yếu lấy từ
nguồn nước ngầm. Trong khi đó nước ngầm đã bị khai thác quá mức từ hơn
một chục năm qua, đặt Bắc Kinh trước tình trạng hết sức khó khăn.
Tuy vậy người dân khó thể nhận ra được
tình trạng khan hiếm nước này. Hai năm gần đây, dòng sông Bạch Hà ở
ngoại ô phía đông, và dòng sông Vĩnh Định ở ngoại ô phía tây lại xanh
trong, hàng chục hồ nội thành vẫn giữ nguyên vẻ đẹp. Nhưng thực tế vốn
ít được nêu ra, là đa số đã cạn nước từ thập niên 70. Nước được đưa từ
bên ngoài vào, hoặc nước tái chế đã giúp làm đầy các sông hồ này.
Trên thế giới, việc lấy nước từ một dòng
sông tự nhiên không thể vượt quá 30% lưu lượng bình thường của nó, nếu
không sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhưng ở đây, Bắc Kinh
đã khai thác hầu như đến giọt cuối cùng các dòng sông lớn đổ về đây.
Việc các sông Bạch Hà, Vĩnh Định bị cạn
nước, dòng Loan Hà bị bơm lấy nước quá nhiều, làm cho hệ sinh thái của
lưu vực Hải Hà hầu như không còn nữa. Ô nhiễm tại đây hết sức trầm
trọng, lượng nước từ sông đổ ra biển hàng năm đã giảm mất trên 10 triệu
m3 so với năm 1949, khiến một phần vịnh Bột Hải trở thành vùng nước lợ,
làm xáo trộn sinh thái của cả khu vực.
Một thực tế khác cũng ít ai biết, là trái
với quy hoạch, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu cho bơm loại nước ngầm
mà từ chuyên môn gọi là thuộc địa hình các-tơ từ năm 2003, lấy cớ tình
trạng khẩn cấp. Đây là loại nước ngầm tích tụ trong các vết nứt, các
hang động đá vôi dưới lòng đất. Bắc Kinh đã khai thác hết phân nửa trữ
lượng loại nước ngầm này.
Nhiều nhà thủy văn học và môi trường học
đã lên tiếng phản đối vì đây không thể là nguồn nước bổ sung, mà phải
phối hợp với nguồn nước trên mặt đất và các loại nước ngầm khác, để duy
trì cân bằng thiên nhiên. Các mạch nước ngầm hiện đang bị khai thác quá
mức, còn lượng nước trên bề mặt ngày càng giảm đi. Trong các điều kiện
đó, khai thác nước ngầm địa hình các-tơ sẽ làm cho đất bị sụt, với việc
hình thành những giếng ngầm khổng lồ. Hơn nữa, những nơi đang bị bơm
nước đa số là những vùng sinh thái dễ bị tổn thương, có nguy cơ bị ô
nhiễm trầm trọng.
Nếu Bắc Kinh còn duy trì được giá nước
thấp, đó là nhờ thủ đô được ưu tiên lấy nước từ nơi khác về. Dân sống
tại vùng thượng lưu Bạch Hà và Vĩnh Định được yêu cầu tiết kiệm nước, và
từ cuối năm 2003, công trình đưa nước từ miền Nam lên miền Bắc đã được
khởi động. Việc xây dựng tuyến kênh đào trung tâm khổng lồ đã khiến trên
300.000 dân phải di dời. Đây là việc di dời dân cư quy mô nhất, chỉ sau
công trình đập Tam Hiệp.
Các nhà khoa học nhận định, chương trình
vĩ đại trên đây làm cho nước của dòng Hán Giang bị hạ đến mức nguy hiểm
tại thành phố Tương Dương, khiến ô nhiễm tăng lên. Đồng thời có nguy cơ
thủy triều mặn tại cửa sông Thanh Hải, làm ảnh hưởng đến nguồn cung nước
uống cho Thượng Hải, và đến lượt đô thị này sẽ bị thiếu nước. Việc lấy
nước từ hai hồ trữ trong thập niên 80 thực chất là buộc Hà Bắc nhường
nguồn nước cho thủ đô mà không hề được đền bù.
Bắc Kinh còn muốn sử dụng các biện pháp
khử mặn nước biển, và lấy khoảng 300 triệu m3 nước từ sông Hoàng Hà mỗi
năm. Nhưng Hoàng Hà không thể chịu đựng nổi việc mất đi một lượng nước
quá lớn như vậy, hơn nữa, nếu không có bàn tay con người can thiệp, thì
dòng sông này cũng đã cạn nước từ lâu.
No comments:
Post a Comment