Nhất Hướng - Luật “Right-To-Work” cho phép người công nhân, hưởng được quyền lợi giành được do Công Đoàn đấu tranh với giới chủ, Được Quyền Không Bị Bắt Buộc Gia Nhập Công Đoàn Và Không Bị Bắt Buộc Trả Công Đoàn Phí. Luật này đã được ban hành tại 23 tiểu bang ở Hoa Kỳ và đảo Guam, nay đang bị các tổ chức Công Đoàn đâm đơn kiện đòi hủy bỏ.
Thời Trung Cổ ở Châu Âu có những tổ chức Phường, Hội để bảo vệ những người thấp cổ bé miệng trước sự tham tàn của kẻ có quyền có thế. Khi máy hơi nước ra đời việc sản xuất được cơ giới hóa người công nhân trong các hãng xưởng ở Châu Âu tự thành lập những tổ chức giống như Phường, Hội để tự bảo vệ quyền lợi của mình gọi là Công Đoàn. Thế kỷ XX nông nghiệp được cơ giới hóa nên có thêm Công Đoàn Nông Nghiệp, khoa học kỹ thuật phát triển tạo nên những ngành nghề mới nên cũng có những Công Đoàn trong các ngành nghề khác. Ngày nay tổ chức Công Đoàn đã lan ra toàn thế giới và có mặt trong hầu hết mọi hãng xưởng mọi ngành nghề. Vì sự hiện diện của Công Đoàn tùy thuộc vào sự hình thành và luật pháp của từng quốc gia nên cách hoạt động của các Công Đoàn trên toàn thế giới khác nhau rất nhiều. Họ chỉ có đồng một quan điểm là có cùng chung một nhiệm vụ: Bảo vệ quyền lợi Đoàn Viên Công Đoàn.
Hoạt động của các Công Đoàn tại Hoa Kỳ hiện nay dựa trên luật Taft-Hartley Act được quốc hội liên bang phê chuẩn năm 1947. Luật này sửa đổi lại những điều khoản của luật NLRA (National Labor Relation Act) còn gọi là Wagner Act vì do thượng nghị sĩ Robert F. Wagner soạn thảo và ban hành vào năm 1935. Theo Công Đoàn AFL-CIO, Luật Right-To-Work đã làm cho các Công Đoàn yếu đi, lương công nhân thấp lại, điều kiện làm việc thiếu an toàn và sức khoẻ công nhân không được bảo đảm.
Các Công Đoàn ở Hoa Kỳ là những tổ chức ngoại vi đầy kinh nghiệm trong việc thương thảo với giới chủ giành quyền lợi cho đoàn viên. Họ được công nhân mời vào hãng xưởng để tranh đấu cho quyền lợi công nhân khi giới chủ trở nên quá tham lam và lại bị chính công nhân đuổi ra khi làm không được việc hay làm quá được việc. Sự mời vào và đuổi ra là do số lượng công nhân tham gia ký vào giấy yêu cầu (trên 80% tổng số công nhân). Giới chủ không được quyền xen vào. Công Đoàn Phí được tính là 2 giờ lương trong 1 tuần cho mỗi công nhân, là số tiền lớn của lương công nhân. Luật Right-To-Work không cho phép việc thu Công Đoàn Phí và giai nhập Công Đoàn là một việc bắt buộc trong các hãng xưởng dù đa số đã ký vào giấy yêu cầu.
Hôm nay, ngày 5/3/2012 nhân dịp Công Đoàn IUOEL 150 thất bại trong việc ngăn chặn việc ban hành luật Right-To-Work tại tiểu bang Indiana (tiểu bang thứ 23 có luật Right-To-Work vào tháng trước), người viết xin trình bày vài quan điểm của một người đến từ Phương Đông về hoạt động Công Đoàn, một tổ chức hình thành và phát triển mạnh từ Phương Tây, có tiềm năng to lớn giải quyết được những vấn nạn to lớn của con người hiện nay, nhưng lại đang quờ quạng làm những điều vô tích sự không đâu vào đâu, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ giao phó và tự trở thành những trở ngại cho công nhân lẫn giới chủ và nền kinh tế của từng quốc gia, cũng như cách hoạt động không còn phù hợp trước tình hình biến đổi quá nhanh của xã hội.
Năm 1878 là năm được đánh giá Công Đoàn phát triển mạnh nhất ở 2 nước Anh và Pháp. Ngày nay Công Đoàn là những tổ chức mạnh nhất ở Châu Âu mà các chính trị gia phải e dè tránh né vì không muốn làm mất số phiếu ủng hộ. Nhưng oái ăm thay chính những tổ chức Công Đoàn lại là những nhân tố chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chánh dai dẳng của khối Euro hiện nay. Cuộc đấu tranh của các Công Đoàn giành cho công nhân được lương cao, được hưởng nhiều phúc lợi xã hội, được về hưu ở tuổi 55, làm việc 1 tuần 26 giờ, giới chủ không được quyền sa thải công nhân v.v… đã làm cho Hy Lạp nợ đầy đầu có cơ phá sản. Các quốc gia khác như Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v… cũng mon men theo con đường của Hy Lạp.
Tại Hoa Kỳ hoạt động của các Công Đoàn chưa đến mức làm khủng hoảng nền kinh tế quốc gia nhưng cũng đã làm điêu đứng nhiều công ty và đôi lúc phải sụp đổ. Việc khai phá sản của đại công ty sản xuất xe hơi GM và hãng hàng không Air America, trong thời gian vừa qua, là do giới chủ không chịu nổi chi phí trả cho công nhân, là do Công Đoàn đã nhận Công Đoàn Phí của công nhân nên phải luôn luôn vòi vĩnh để làm vừa lòng công nhân đến mức công ty buộc lòng phải khai phá sản để trút những món nợ, nhất [là] món nợ đối với công nhân và Công Đoàn. Trước khi dùng tiền thuế của người dân tài trợ cho GM các chính trị gia cũng sợ mất phiếu nên rất e dè và chỉ nói quanh co kéo dài cho đến lúc GM tự hiểu và tự khai phá sản. Chỉ cần nhìn không cần phân tích khi GM trả lương từ 40 đến 70 đô la một giờ cho công nhân thì xe hơi Mỹ không thể cạnh tranh sống còn với xe hơi các quốc gia khác vì giá thành một chiếc xe quá cao nên giá bán không thể thấp được.
Ngày 17/ 9/ 2011 Phong trào Occupy Wall Street xuất hiện ở New York rồi lan ra toàn thế giới cho ta thấy: Hố ngăn cách giàu nghèo mỗi ngày mỗi rộng ra, giai cấp thống trị trở nên giàu có chiếm 1% dân số trong xã hội nhưng lại sở hữu toàn bộ tài sản của xã hội, giai cấp bị trị chiếm 99% dân số trong xã hội nhưng lại nghèo rách mùng tơi có nơi có đến hàng triệu người đang chết… vì đói. Những người nghèo đói ấy là ai? Là người công nhân nông dân, nói chung là giai cấp bị trị. Tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ là tổ chức gì? Công Đoàn. Tại sao có tình trạng hố ngăn cách giàu nghèo quá cách biệt như hiện nay? Tại vì Công Đoàn không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi đoàn viên công đoàn nói riêng hay giai cấp bị trị nói chung? Tại sao Công Đoàn không làm tròn nhiệm vụ? Tại vì họ đang tranh luận không dứt về làm kinh tế không làm chính trị hoặc làm kinh tế và làm luôn chính trị, hay nói cách khác là họ chưa có được luồng tư tưởng vững chắc hỗ trợ cho những hoạt động của mình nên họ không tìm ra được bằng cách nào phương pháp nào để ngăn chặn được sự toa rập độc quyền của giai cấp thống trị đang cướp bóc phá tán tài sản làm ra của họ.
Đi sâu vào những Công Đoàn lớn ở Hoa Kỳ và những Công Đoàn quốc tế ta thấy họ nói nhiều hơn làm hoặc đã làm đủ bổn phận rồi nên không thể làm thêm nữa nên phải nói nhiều để chứng tỏ như đang làm để có thể thu Công Đoàn Phí của công nhân và tệ hại hơn nữa làm những điều vô tích sự để gây thanh thế. Ngoài những tờ báo mạng và báo giấy đăng những lời phản đối chèn ép trong lao động thật kêu, có Công Đoàn còn tổ chức buôn bán trên mạng, lập quĩ về hưu và những quĩ khác để tạo vốn để đầu tư mà sự chi tiêu của Công Đoàn thường là mập mờ thiếu minh bạch. Có Công Đoàn bị giới công nhân cho là băng đảng Mafia và nhất là những Công Đoàn ở các quốc gia chậm tiến thường là tay sai của giới chủ hay là giới nắm quyền cai trị.
Tổ chức Công Đoàn hình thành và phát triển mạnh ở Phương Tây nhưng vì nền triết học Phương Tây đang đi vào ngõ cụt nên hoạt động Công Đoàn cũng đi vào ngõ cụt. Công Đoàn là tổ chức của Giai Cấp Công Nông hay của Giai Cấp Bị Trị là lực đối kháng, lực hỗ trợ, lực tương hòa với Giai Cấp Thống Trị mà tổ chức của họ là các hãng xưởng, các chính phủ và họ chính là giới chủ, giới cầm quyền cai trị. Tổ chức Công Đoàn đi vào ngõ cụt, không hoạt động hữu hiệu thì lực đối kháng, lực hỗ trợ, tương hòa không có nên Giai Cấp Thống Trị bay bổng lên cao. Giai Cấp Thống Trị ngày càng giàu nắm hết tài sản trong xã hội rồi sinh ra đú đởn bày trò chiến tranh làm nhân loại đang lo lắng bị sa vào hố hủy diệt. Luật Right-To-Work được làm ra không phải do người làm luật thiếu thiện cảm với Công Đoàn mà có lẽ họ đã thấy được Công Đoàn là một trở ngại cho nhiều phía và không giúp ích được xã hội. Còn quá sớm để biết được luật Right-To-Work là đúng hay sai và có làm thay đổi những suy nghĩ của những người hoạt đông Công Đoàn để đưa đến sự thay đổi trong hoạt động. Riêng người viết bài này nhờ đã mang những tư tưởng ở Phương Đông nên đã thấy được Công Đoàn là một tổ chức duy nhất hiện nay đủ tư cách và lý lẽ cũng như khả năng giải quyết được 2 vấn nạn to lớn của chúng ta: Hố ngăn cách giàu nghèo và chiến tranh, mà những người hoạt động Công Đoàn của Phương Tây không thể thấy. Vấn đề to lớn này có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta nhưng tiếc thay tôi lại cô đơn như con lạc đà đi trong sa mạc. Ôi thật đáng thương!
© Nhất Hướng Nguyễn Kim Anh
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment