Sunday, February 5, 2012

Vụ án cống Rộc, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng: Từ “người hùng” thành “tội phạm” cái giá cho sự cả tin



Hoàng Linh - Lê Tự
Kì I: Hành trình khốn khó, chế ngự biển cả của ông Đoàn Văn Vươn

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (2012), tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng xảy ra vụ việc rất nghiêm trọng: UBND huyện cưỡng chế trái pháp luật mấy chục ha đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, dẫn đến việc anh em ông Vươn manh động nổ mìn tự tạo, bắn súng hoa cải, làm 6 chiến sĩ công an và bộ đội bị thương... Anh em ông Vươn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đó. Song, vụ việc để lại bài học cay đắng về cách hành xử của chính quyền địa phương, trực tiếp là anh em ông Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền...
Vợ ông Vươn và vợ ông Quý chỉ cho chúng tôi vị trí đầmbị cưỡng chế thu hồi.
Một ngày cận Tết, chúng tôi “hành quân” đến cống Rộc. Gia đình ông Vươn giờ trắng tay, nhà cửa bán hết để đổ vào khu đầm, hiện vẫn còn nợ ngân hàng cả mấy tỉ đồng mà đầm thì bị thu hồi hết. Nhiều ánh mắt người dân nhìn chúng tôi nghi ngại. Khi biết chúng tôi là nhà báo và luật sư đi tìm hiểu sự thật, thì một người đàn ông mới mạnh dạn bộc bạch: “Chúng tôi sợ lắm! “Họ” sẵn sàng trả thù bất cứ ai dám nói lên sự thật”. Bà cụ Chanh ngoài 80 tuổi uất ức, nghẹn ngào: “Các nhà báo, luật sư giúp dân chúng tôi với! Người có công lớn với chúng tôi như ông Vươn mà còn bị họ đối xử như vậy thì thật là... Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này, thật ác, ai lại đi phá, san bằng cả nhà ở của người ta như thế...”.
Đa số người dân thôn Chùa Trên mà chúng tôi gặp đều ca ngợi ông Đoàn Văn Vươn. Họ nói, từ khi ông Vươn làm đầm nuôi trồng thủy sản, cuộc sống và bộ mặt thôn xóm thay đổi hẳn, không còn cảnh phải lo chạy mỗi khi biển nổi sóng. Theo tài liệu còn lưu giữ tại UBND huyện Tiên Lãng, hơn 100 ha đất bồi thuộc khu vực cống Rộc trước đây là nơi đầu sóng ngọn gió. Nước biển mênh mông, chỉ có thủy triều lên xuống. Mỗi khi đến mùa bão lũ, vùng này trở thành nỗi kinh hoàng đe dọa cuộc sống của người dân. Mặc dù đã có con đê chắn sóng quốc gia, song mỗi khi gió Nam thổi mạnh, đê sạt lở, mùa bão lũ đến còn kinh hoàng hơn. Không ai dám nghĩ rằng, có ngày người dân khu vực này được sống yên ổn, nói gì đến việc bỏ công sức đầu tư nuôi trồng thủy sản! Rồi một ngày, ông Đoàn Văn Vươn tuyên bố nhận làm đầm ở cống Rộc, nhiều người không tin, không ít người cho là “khùng”. Đoàn Văn Vươn không khùng, ấy là ước mơ khuất phục biển cả và ông đã thành công, với những vuông đầm vươn dài ra phía biển. Câu chuyện ông Đoàn Văn Vươn lấn biển mãi mãi in sâu trong tâm trí người dân xã Vinh Quang như một huyền thoại.
Năm 1986, ông Đoàn Văn Vươn xuất ngũ, với quyết tâm chế ngự, biến nỗi kinh hoàng của biển cả thành tiềm năng phục vụ con người. Ông hoàn thành chương trình Đại học Nông nghiệp, nhưng từ chối làm cán bộ địa phương, bán hết gia sản ở thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, đem cả gia đình ra cống Rộc lập nghiệp. Ông lập luận chứng kinh tế - kĩ thuật, huy động mọi nguồn lực để cắt dòng chảy, nắn dòng sông Văn Úc, khoanh vùng đắp đập ngăn nước để khu bãi bồi ven biển xã Vinh Quang được bồi đắp phù sa, bồi cát lợ, rồi trồng mấy chục ha rừng ngập mặn chắn sóng. Từ đó những cơn bão biển bị chặn đứng, giữ bình yên cho cuộc sống của người dân.
Từ năm 1994 đến năm 1998, trên 23.000 m3 đất đá được đổ xuống biển; 750 lao động cùng 13 tàu, xe cơ giới vật lộn ngày đêm với sóng biển ở cống Rộc; hàng nghìn cây bần, sú, vẹt được trồng xuống thành 60 ha rừng; khoảng 140 tấn xi-măng để xây kè, tạo hàng rào chắn sóng. Khó có thể nói hết nỗi nhọc nhằn của gia đình ông Vươn đổ xuống mảnh đất này. Thậm chí vào năm 2001, vợ chồng ông mất cô con gái đầu lòng 8 tuổi do bị nước cuốn trôi ở cống Rộc. Ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho biết: Đất ở đây còn non lắm, đào đất quai đê 10 khối, hôm sau sóng đánh chỉ còn một khối. Có khi đắp đê xong, gặp bão xóa sổ, phải làm lại từ đầu. Bất chấp nắng mưa, không kể ngày đêm, vợ chồng ông Vươn đào đất, gánh bần đổ xuống khu đầm. Vốn thì phải vay ngân hàng, vay cả tư nhân, đến hạn phải trả, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, rất cực khổ mới gây dựng được cơ ngơi như bây giờ.
Một góc khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị thu hồi
Rồi máu, mồ hôi cùng nước mắt có ngày được đền đáp: Dòng chảy phía ngoài cống Rộc chuyển hướng, chân đê từ chỗ sâu 1,65 mét được nâng lên cốt dương, hàng trăm ha đất ven biển được bồi đắp. Biển bị đẩy ra xa tuyến đê hàng cây số, tạo một vùng rộng lớn có điều kiện nuôi trồng thủy sản tốt chưa từng thấy. Thành công của ông Vươn từng được các chuyên gia Nhật Bản đến tìm hiểu, học tập. Theo ông Vươn, hàng chục hộ dân cũng ra sử dụng đất bồi ven biển để làm đầm.
Năm 2003 - 2004, khi dân đang làm ăn được, thì UBND huyện Tiên Lãng rục rịch ra quyết định dừng đầu tư, thu hồi đầm. Năm 2004, huyện thu hồi một số đầm, đến năm 2007 tiếp tục thu hồi thêm một số diện tích nữa giao cho xã quản lí, mà không thanh toán bất cứ khoản tiền nào, mặc dù các hộ dân đầu tư rất tốn kém, nhiều hộ vẫn còn mắc nợ, đặc biệt như hộ ông Lương Văn Tuểnh, xã Đông Hưng hiện còn nợ ngân hàng tới hơn 10 tỉ đồng, hộ ông Vươn cũng nợ hơn 2 tỉ đồng. Buổi chiều hôm cưỡng chế, lực lượng của huyện quay lại phá sập toàn bộ căn nhà 2 tầng xây kiên cố của gia đình ông Vươn mà đâu phải là đất bị cưỡng chế. Họ đập phá hết cả ban thờ, cả sách vở của các cháu. Con trai ông Vươn vừa đi học về cũng bị bắt giữ hơn một tuần sau mới cho về.
Ông Trong bức xúc: “Vậy mà ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP và ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CA TP Hải Phòng lại phát ngôn là do nhân dân chúng tôi bất bình nên phải phá nhà ông Vươn. Các ông ấy đổ lỗi cho dân mà không biết xấu hổ. Chúng tôi còn đang chung tay cưu mang vợ con ông ấy, hằn thù gì mà phải phá nhà, phá cửa của người ta? Còn nếu nói dân phá thì ai phá? Sao không thấy công an khởi tố ai đó về tội hủy hoại tài sản của công dân? Hiện vợ con ông Vươn, vợ con ông Quý (em ông Vươn) không chốn nương thân, phải đến ở nhờ nhà ông Vũ Văn Luân ở xã Tiên Hưng”. Đây là việc làm trái pháp luật của một số cán bộ biến chất, lợi dụng danh nghĩa Nhà nước, đặc biệt phải kể đến ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và em trai ông ta là Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Cảm thông với gia cảnh ông Đoàn Văn Vươn, luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Cty TNHH Luật Hòa Lợi đã làm thủ tục nhận bào chữa miễn phí cho các “bị can”: Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ.
Đến cống Rộc ngày cận Tết, đứng nhìn khu đầm của ông Vươn, ngôi nhà hai tầng giờ chỉ còn bãi đất hoang, chúng tôi không khỏi xót xa. Dù bất cứ nguyên do gì, thì hành vi cưỡng chế đầm và phá nhà của ông Vươn là không thể không xem xét trách nhiệm hình sự của những người liên quan.
 Kì II: Sự bất tuân pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng
Đó là nhận định của luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam, thành viên Đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam trong vụ tiêu cực này. Không chỉ trái pháp luật trong việc cho thuê đất và thu hồi đất, chính quyền huyện Tiên Lãng còn hành xử trái đạo lí khi bội ước cam kết tại TAND TP Hải Phòng, khiến anh em ông Đoàn Văn Vươn bị kích động mạnh khi tư liệu sản xuất của họ bị tước đoạt một cách phi lí...
Nguồn cơn sự vụ bắt đầu từ QĐ số 447/QĐ-UB ngày 4-10-1993 của UBND huyện Tiên Lãng, về việc giao 21 ha bãi bồi ven biển thuộc xã Vinh Quang (cống Rộc) cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng vào mục đích nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, với thời hạn 14 năm. Do tin tưởng rằng sẽ được tiếp tục giao đất khi hết thời hạn, vì tại Luận chứng kinh tế - kĩ thuật, ông Vươn đăng kí nhận đầu tư 21 ha đất bồi là 30 năm, nên gia đình ông yên tâm quai đê, lấn biển để đầu tư nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ông Vươn không ý thức được rằng, ngay quyết định giao đất nói trên của UBND huyện Tiên Lãng cũng trái pháp luật. Thời hạn 14 năm chính là điểm để năm 2007, UBND huyện ra thông báo dừng đầu tư vùng nuôi trồng thủy sản, rồi đến năm 2008 lại ra quyết định thu hồi toàn bộ 21 ha đất, cùng các công trình có trên đất giao cho UBND xã Vinh Quang quản lí.
clip_image003
Ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sảnnước lợ Tiên Lãng: “Các ông ấy bảo dân phá nhà ông Vươn, thì ai phá?”
Theo quy định của pháp luật, thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản không phải 14 năm. Điều 18 Hiến pháp 1992, 2001 quy định: “...Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”. Theo Điều 20 Luật Đất đai năm 1993: “...Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm... Khi hết hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng…”. Khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực pháp luật, những quy định trên vẫn được giữ nguyên, chỉ bổ sung hạn mức giao đất. Tuy nhiên, hạn mức giao đất phải được hiểu là, chỉ áp dụng cho những trường hợp được giao đất sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực pháp luật. Đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, không thể áp dụng hạn mức, do đất được giao trước ngày 15-10-1993 và trong quá trình sử dụng, ông Vươn đã quai đê lấn biển thêm một số diện tích nữa, việc này được Nhà nước khuyến khích.
Trường hợp của gia đình ông Vươn không vi phạm quy định từ Điều 38 đến Điều 40 Luật Đất đai năm 2003, đồng thời không thuộc trường hợp tự nguyện trả lại đất, không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc có những hành vi vi phạm Luật Đất đai. Mặt khác, trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại. Việc UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất của gia đình ông Vươn, mà không sử dụng vào các mục đích quy định tại Luật Đất đai, không bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất là hoàn toàn trái pháp luật.
Ngày 1-12-2007, ông Vươn nhận được Thông báo số 225/TB-UBND của UBND huyện Tiên Lãng về việc dừng đầu tư vùng nuôi trồng thuỷ sản với lí do thời hạn giao đất ghi 14 năm đã hết. Tiếp đó, ngày 23-4-2008, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 460/QĐ-UB về việc thu hồi, yêu cầu phải bàn giao toàn bộ 21 ha đất đang sử dụng cùng các công trình có trên đất cho xã Vinh Quang quản lí, chỉ trong thời hạn có... 15 ngày. Rõ ràng, quyết định của UBND huyện Tiên Lãng, không những trái pháp luật, mà còn trái đạo lí. Đáng lẽ ra, gia đình ông Vươn có công cải tạo vùng bãi bồi ven biển, sử dụng vốn tự có và vay vốn ngân hàng để làm đầm, thì phải được ưu tiên tiếp tục giao cho quản lí, sử dụng. Không những thế, ông Vươn còn phải được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Song trên thực tế, suốt từ năm 1993 đến nay, gia đình ông Vươn không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào, trong khi vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Qua xác minh thực tế, ông Đoàn Văn Vươn đã có nhiều đơn xin được tiếp tục giao đất để sản xuất, nhưng mọi khẩn cầu của ông đều bị lờ đi. Sau khi nhận được quyết định thu hồi đất, gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã khiếu nại, làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Vươn làm đơn chống án gửi TAND TP Hải Phòng. Tại Công văn số 291/2010/CV-TDS ngày 25-6-2010, TAND TP Hải Phòng trả lời ông Vươn: “Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND thành phố Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án và ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, ông nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo quy định của pháp luật, đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại theo quy định của pháp luật. Vì vậy TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện...”.
Thế nhưng, sau khi ông Đoàn Văn Vươn rút đơn kháng cáo, thì ngày 24-11-2011, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã bội ước, kí QĐ số 3307/QĐ-UBND cưỡng chế, thu hồi khu đầm của gia đình ông Vươn. Ông Đoàn Văn Vươn đã thực hiện việc khởi kiện quyết định cưỡng chế nói trên ra TAND huyện Tiên Lãng. Song, đơn khởi kiện của ông Vươn không được TAND huyện thụ lí. Về việc này, TAND huyện Tiên Lãng vi phạm nghiêm trọng Điều 107 Luật Tố tụng hành chính quy định: “2/ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. 3/ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo để thực hiện một trong các thủ tục sau đây: a) Tiến hành thủ tục thụ lí vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết;... c) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện...”. Do không xem xét giải quyết đơn kiện của ông Vươn, TAND huyện Tiên Lãng cũng không thực hiện việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định từ Điều 60 đến Điều 62 Luật Tố tụng hành chính, gây ra hậu quả nghiêm trọng là vụ cưỡng chế tàn khốc đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Việc ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bội ước, đồng thời TAND huyện Tiên Lãng không xem xét đơn ông Vươn khởi kiện quyết định cưỡng chế nói trên, đẩy gia đình ông Vươn vào bước đường cùng. Ông Vươn đã phải trả giá cho sự cả tin bằng việc rơi vào vòng lao lí. Anh em ông Vươn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng còn những cán bộ làm trái pháp luật ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng liệu có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật? Đó là câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra cho các cơ quan chức năng ở Trung ương và TP Hải Phòng.
Còn tiếp Kì III: UBND huyện Tiên Lãng có tự đặt ra luật lệ?
H.L. – L.T.

No comments:

Post a Comment