Wednesday, February 29, 2012

Đưa Kinh Tế Việt Nam Lên Tầng Cao Hơn



Mai Vân & Nguyễn Xuân Nghĩa RFI  - Vàng son là quá khứ, tương lai là cải tiến năng suất, nếu không thì sẽ mất 30% sản lượng....

“Đưa kinh tế Việt Nam lên tầng cao hơn” (Taking Vietnam's Economy to the Next Level), đó là tựa đề bản nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu Toàn cầu Mckinsey (McKinsey Global Institute) công bố vào tháng 2/2012. Nguyên là một hãng tư vấn về quản trị thuộc hàng đầu thế giới, McKinsey đã khen ngợi thành tích của kinh tế Việt Nam cho đến năm 2010, trước khi cảnh báo rằng Việt Nam cần phải nỗ lực cải tiến năng suất lao động nếu muốn duy trì thành quả tăng trưởng đã qua.
Mở đầu bản báo cáo, McKinsey đã hết sức ca ngợi thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong một phần tư thế kỷ vừa qua: “Việt Nam đã vươn lên thành một trong những tấm gương thành đạt sáng nhất châu Á. Trên một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá, kinh tế đã tăng trưởng bình quân 5,3% một năm kể từ năm 1986, nhanh hơn bất kỳ một nền kinh tế châu Á nào khác, ngoại trừ Trung Quốc”.
Giải thích về các nhân tố đã giúp Việt Nam thành công, McKinsey nêu bật hai loạt điều kiện thuận lợi, bên trong và bên ngoài. Về các yếu tố nội tại, McKinsey cho rằng: “Việt Nam đã thừa hưởng được kết quả của một chương trình tái cấu trúc nội bộ, một quá trình chuyển đổi từ nền tảng nông nghiệp qua công nghiệp và dịch vụ, và một lợi thế dân số bắt nguồn từ một lực lượng lao động trẻ”.
Về nhân tố bên ngoài, McKinsey cho rằng Việt Nam cũng đã giàu lên từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007, bình thường hóa quan hệ mậu dịch với Mỹ, và bảo đảm sao cho nền kinh tế thường xuyên là nơi thu hút giới đầu tư nước ngoài thuộc hạng mạnh mẽ nhất châu Á.
Theo Viện Kinh tế Toàn cầu McKinsey, có ba động lực đã thúc đẩy sức tăng trưởng của Việt Nam được ước lượng khoảng 7% một năm kể từ 2005 đến 2010. Đó là đà gia tăng dân số lao động, sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp qua các khu vực sản xuất khác và thứ ba là sự cải tiến năng suất trong các khu vực kinh tế.
Tuy nhiên, theo bản nghiên cứu, hai động lực đầu tiên ngày càng yếu đi, không còn đủ sức thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Số liệu thống kê chính thức của Việt Nam đã chỉ ra rằng tăng trưởng của lực lượng lao động trong nước sẽ chỉ còn khoảng 0,6% mỗi năm trong một thập niên tới đây, so với mức tăng bình quân 2,8% từ năm 2000 đến 2010.
Tương tự như vậy, căn cứ vào tốc độ chuyển dịch lao động nhanh chóng trong thập kỷ qua từ khu vực nông nghiệp qua các khu vực khác, rất ít có khả năng tốc độ này gia tăng hơn nữa để nâng cao đủ năng suất nhằm bù đắp cho đà tăng trưởng chậm lại của lực lượng lao động.
Trong tình hình không còn hai lợi thế kể trên, theo McKinsey, Việt Nam phải cải tiến năng suất thì mới có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng đã qua, và khỏi bị thất thu gần một phần ba sản lượng vào năm 2020. Tức là khỏi mất 46 tỷ đô la....
Đó chính là ý nghĩa của lời khuyến cáo chính được Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey ghi ngay trên trang bìa phần tóm lược bản báo cáo vừa công bố: “Để tiếp tục chiều hướng tăng trưởng GDP mạnh mẽ, Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng suất lao động của mình”.
Từ Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đã phân tích thêm về những khuyến cáo của McKinsey.
***
RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Chắc rằng anh đã có dịp đọc bản phúc trình này của McKinsey. Anh nghĩ sao về những khuyến cáo cho Việt Nam của công ty tư vấn kinh doanh nổi tiếng này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bản phúc trình dày sáu chục trang của McKinsey & Company đã được tóm lược trong tờ quý san mới nhất của công ty là McKinsey Quarterly. Tôi thiển nghĩ rằng tài liệu này đáng được một giải thưởng về tài ngoại giao khi trình bày một thực đơn đầy vị chua ngọt. Rất ngọt ngào về quá khứ đang tàn phai và khá chua chát về tương lai trước mặt !
RFI: Anh có cái cách mở đầu khá vui về một đề tài nhức đầu là kinh tế! Xin anh giải thích cho thính giả về khía cạnh anh gọi là chua ngọt đó.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa, McKinsey là doanh nghiệp thuộc hạng nhất thế giới về tư vấn kinh doanh với hơn chín ngàn nhân viên hoạt động tại gần 100 văn phòng ở 55 quốc gia. Đa số khách hàng là các xí nghiệp, nhưng nội dung bản báo cáo rõ ràng là trình bày cho nhà cầm quyền Việt Nam bốn yêu cầu cải tiến về chính sách. Nôm na là những khuyến cáo dành cho chính phủ để có được tăng trưởng bền vững, nên tôi nghĩ là họ phải bọc đường mấy viên thuốc đắng cho dễ nuốt.
- Vì vậy, phần đầu ngợi ca những thành tựu kinh tế của quá khứ như khi ta nhìn qua "tấm kính chiếu hậu" - là chữ của bản báo cáo. Qua phần hai, là khi lớp đường ngọt đã tan, thì bản báo cáo vạch ra những thách đố trước mặt như bối cảnh bất trắc của toàn cầu và sức ép của kinh tế vĩ mô bên trong, với nội dung phê phán chính sách mà ta có thể ngầm hiểu ra.
- Nhưng từ một doanh nghiệp kiếm ra tiền nhờ giúp thiên hạ giải quyết vấn đề, bản phúc trình đề nghị bốn lịch trình cải cách về chính sách quản lý kinh tế, và đây là phần trọng yếu và dày nhất của bản nghiên cứu. Sau cùng mới là phần cảnh báo khách hàng của mình là các doanh nghiệp đã hoặc sẽ làm ăn tại Việt Nam, từ xí nghiệp quốc doanh và tư doanh Việt Nam đến các công ty đa quốc của nước ngoài. Một chi tiết kỹ thuật cũng đáng chú ý là họ rất lịch sự sử dụng thống kê của Việt Nam như những dữ kiện đáng tin, dù rằng trong nghề tư vấn về quản trị thì việc kiểm tra lại sự xác thực của kế toán vẫn là bước sơ đẳng.
RFI: Anh tóm lược nội dung như vậy thì ai cũng tò mò muốn hiểu về phần hai là những thách đố trước mặt của Việt Nam. Thưa anh, báo cáo của McKinsey nhận định thế nào ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Yếu tố đầy bất trắc và chưa hồi phục của kinh tế toàn cầu là một thực tế khách quan. Vì suy trầm kinh tế thế giới dẫn đến giảm sút ngoại thương và đầu tư quốc tế từ đầu năm 2009 nên chính quyền Việt Nam đã ban hành chính sách vĩ mô để giữ đà tăng trưởng, rồi lãnh hậu quả bất lợi, như bội chi ngân sách, khiếm hụt mậu dịch, áp lực vật giá và biến động ngoại hối. Ngày nay, hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam đã có dấu hiệu bấp bênh. Được yểm sâu trong bản báo cáo là những phê phán về vai trò tiêu cực của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng họ khéo trình bày thành những cân nhắc khách quan về năng suất đầu tư! Thế rồi, nhìn vào tương lai dài hạn hơn, bản báo cáo nói đến sự "hụt hơi", cũng là chữ của họ, vì các động lực tăng trưởng cố hữu đã và sẽ còn giảm sút.
- Qua những năm tới, nếu Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng là 7% một năm như mấy năm trước, thậm chí 7-8% từ nay cho đến năm 2020 như Đại hội 11 đề ra từ đầu năm ngoái, thì chính quyền phải nâng năng suất lao động thêm 50%. Trong giả thuyết Việt Nam cứ duy trì hiện trạng, thì kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng từ 4,5 đến 5%. So với tốc độ trung bình của các nước Đông Nam Á trong 30 năm qua thì đấy cũng là đáng nể, nhưng vẫn dưới chỉ tiêu. Thật ra, nếu không cải tiến năng suất thì tốc độ ấy có nghĩa là kinh tế bị hụt 30% sản lượng, cụ thể là thất thâu 46 tỷ đô la và sức tiêu thụ của tư nhân bị hụt mất 31 tỷ. Đấy mới là một lời cảnh báo khá nghiêm trọng.
RFI: Sau khi cảnh báo Việt Nam có tương lai không sáng sủa bằng quá khứ, bản phúc trình này khuyến cáo những gì về việc nâng sao năng suất? Mà thưa anh, vì sao nội dung tài liệu lại tập trung vào chuyện năng suất vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ai cũng có thể hiểu rằng sản lượng kinh tế chỉ tăng khi thêm người sản suất, đó là động lực về dân số, hay lực lượng lao động được dành cho sản xuất. Rồi sản lượng có thể tăng nếu mỗi người lao động lại đạt hiệu năng cao hơn, nôm na là cùng một sức lao động lại sản xuất ra nhiều của cải hơn, người ta gọi đó là năng suất. Tức là sau dân số thì còn có dân trí.
- Theo báo cáo của McKinsey thì trong quá khứ, cái gọi là phép lạ kinh tế của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ba yếu tố được họ kiểm tra trong giai đoạn từ 2005 đến 2010. Thứ nhất là đà gia tăng dân số với lớp người trẻ đã tham gia trị trường lao động. Yếu tố đó đóng góp 36%, là hơn một phần ba, vào đà tăng trưởng 7% của năm năm qua. Thứ hai là sự chuyển dịch dân số từ khu vực nông nghiệp qua các khu vực sản xuất khác, như chế biến hay dịch vụ. Yếu tố đó đóng góp 30% vào đà tăng trưởng 7%, khi nhân lực trong canh nông được giải phóng. Thứ ba là năng suất chung của các khu vực có được cải tiến nên góp thêm 34% vào đà tăng trưởng. Yếu tố này là kết quả của cải cách kinh tế và của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế rồi giao lưu với thế giới bên ngoài và tiếp nhận đầu tư của quốc tế.
- Nhưng nếu nhìn trong trường kỳ thì ba động lực ấy không bền vững và không thể tiếp tục đẩy kinh tế đi lên với tốc độ 7%. Thứ nhất là sự chuyển dịch chậm rãi của dân số khiến lực lượng lao động sẽ giảm dần, và thành phần trẻ trung sung mãn cũng sẽ ít đi như tại nhiều xứ khác. Thay vì tăng 2,8% như từ 10 năm qua, vào thập niên tới, dân số Việt Nam chỉ tăng có 0,6% một năm mà thôi.
- Khi số lao động giảm, chi phí lao động tăng và doanh nghiệp bắt đầu khó tuyển được người làm ở Việt Nam. Trong khung cảnh đó, dân số từ nông nghiệp cũng giảm và sự chuyển dịch từ quê lên tỉnh để sản xuất trong các khu vực khác cũng vậy. Cho nên chỉ còn một giải pháp nâng cao sản xuất là cải tiến năng suất lao động, như hầu hết các xứ khác đều phải làm. Cụ thể thì Việt Nam hết còn trông cậy vào lợi thế người đông, lương rẻ mà bắt đầu phải tính kiểu khác !
RFI: Và báo cáo của McKinsey mới khuyến cáo thế nào về các giải pháp nâng cao năng suất?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tích lũy hơn 20 năm kinh nghiệm về cải tiến năng suất trong 30 khu vực kinh tế và tại hơn hai chục quốc gia, McKinsey đề ra cho Việt Nam bốn ưu tiên cải cách về chính sách.
- Thứ nhất là sửa sai để bảo đảm ổn định vĩ mô, với sự nhấn mạnh về việc sửa mà lịch sự bỏ qua nhiều chuyện sai.
- Thứ hai là tăng cường các thành tố của năng suất, là giáo dục và hạ tầng cơ sở, với sự nhấn mạnh về hiệu năng và minh bạch trong giáo dục và đào tạo và về hạ tầng cơ sở cho kỹ nghệ du lịch, là điều mà bản thân tôi cho là khá độc đáo !
- Thứ ba là định lại nghị trình kinh tế theo hai hướng là phải có phối hợp và tập trung vào một số ngành công nghiệp.
- Thứ tư là phải tiếp tục cải cách vai trò và khả năng của chính phủ để có thể áp dụng một chính sách tinh tế hơn. Đây là phần đắng nhất của liều thuốc bọc đường, nhưng lại khéo đưa ra qua thí dụ của các xứ khác để khỏi làm con bệnh phật ý!
RFI: Tổng kết lại thì anh đánh giá thế nào về những khuyến cáo của bản phúc trình này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dù tránh đề cập đến nhiều khía cạnh ngoài kinh tế, khuyến cáo của McKinsey vẫn là một kho kiến thức chuyên môn khá hữu ích cho những người có thiện chí.
- Theo nghệ thuật kinh doanh thì McKinsey phải khéo khuyên giải những ai có thể là khách hàng tiềm thế sau này, kể cả doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Nhưng thông điệp ẩn chứa bên trong thì rõ là họ nói thẳng với nhà cầm quyền rằng thời vàng son đã hết rồi!
- Sau cùng, phúc trình cũng cảnh báo các doanh nghiệp nước ngoài là đừng tưởng bở mà phải lượng định cho sát những rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam khi muốn tránh rủi ro của thị trường Trung Quốc. Cụ thể là phải theo dõi kỹ để linh động ứng phó, cải tiến và thậm chí tác động vào tiến trình cải cách của nhà nước.
RFI: Xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.
 

No comments:

Post a Comment