Tuesday, February 14, 2012

Chân dung Người trí thức



Bùi Tín - Đầu năm Nhâm Thìn vấn đề trí thức trở nên sôi nổi. Đây là một cơ duyên đẹp, một đề tài có giá và sẽ đông khách. Nhà văn Phạm Thị Hoài, sau khi tạm đóng Talawas, nghỉ ngơi và nghĩ ngợi, liền tái xuất giang hồ bằng mạng  Pro&Contra, với một đề tài nóng, thú vị. Trên cái nóng, cái thú vị còn là cái bổ ích cho nhân quần xã hội. Một vấn đề xứng đáng đặt ở trung tâm công luận lúc này.

Người chủ mạng rất tinh đời vậy. Đúng vào đầu năm 2012, vào năm con Rồng, đề tài Người trí thức xuất hiện, trình làng, lý giải, khêu gợi, kích thích, thách đố, khiêu khích mọi người tự cho là có học, chất vấn trí tuệ và lương tâm hàng triệu con người. Trí thức, người là ai?. Người đang làm gì, nghĩ suy gì? Chân dung tiêu biểu của người trí thức ra sao? Ai là trí thức đây? Anh, chị, bạn, tôi nữa, có được coi là trí thức?
Trước hết tôi muốn đề nghị khoanh vấn đề trong khuôn khổ không gian và thời gian, thảo luận tập trung về người trí thức Việt Nam ở thời hiện tại, chính ngay lúc này đây.
Đã có nhiều ngộ nhận. Người có học là trí thức. Cứ cắp sách đi học là “sỹ”. Có bằng tú tài, cử nhân, thạc sỹ là trí thức. Giáo sư, giáo viên các cấp càng là trí thức. Ra đời cứ ai lao động trí óc để sinh sống là trí thức. Các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức là theo nghĩa ấy. Đó có thể coi như định nghĩa thông thường, thô sơ, trực giác, bình dân. Về mặt hàn lâm, chữ nghĩa chặt chẽ thì không phải như thế, đó là sự hời hợt, dẫn đến ngộ nhận, sai lầm.
Người trí thức thật sự, chân chính trước hết cần tiếp thu, tiêu hóa kiến thức thu nhận được thành hiểu biết của chính mình, qua bộ lọc của bộ não, của trí tuệ mình. Học vẹt, thuộc lòng thiên kinh vạn quyển chưa thành trí thức.
Đó chính là nghĩa của chữ ”thức”, học, hiểu biết, nhớ, tiếp thu và từ đó có tư duy độc lập, có chính kiến của mình về mọi vấn đề. Ù ù cạc cạc, ú ớ, nói theo, dựa dẫm số đông không phải là trí thức.
Hiểu biết để làm gì? Đây mới là câu hỏi gốc để có hay không thật là trí thức. Để vinh thân phì gia thì bất thành trí thức. Cuộc đời này đã cho ta biết bao điều quý giá: cơm áo, nhà cửa, đường xá, cầu cống, vật dụng, kiến thức, phát minh… Ta phải trả lại nợ đời. Nghĩa là có ý thức đóng góp với khả năng cao nhất cho sự phát triển của xã hội. Xưa là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nay là giữ hòa bình, bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, là phát triển xã hội về mọi mặt, tham gia xây dựng xã hội dân chủ, bình đẳng, công bằng, văn minh. Nghĩa là phải dấn thân.
Thái độ của người trí thức chân chính đối với chính quyền nên và phải như thế nào? Nếu đó là chính quyền tiến bộ chính nghĩa, hợp lòng dân thì phải ủng hộ hết mình. Nhưng khi chính quyền ấy tỏ ra yếu kém, thậm chí biến chất, trở nên tệ hại rõ ràng, thì thái độ nên như thế nào?
Đến thời điểm hiện nay, vào mùa Xuân Nhâm Thìn, nhà văn Phạm Thị Hoài nêu lên vấn đề ”nhà đối kháng trung thành” trong quan hệ với nhà đương quyền toàn trị là vừa đúng lúc, đúng dịp.
Bởi vì vào lúc này, mỗi kẻ sỹ chân chính rất nên chất vấn lương tâm, trí tuệ của mình, thái độ xây dựng quá cung kính của mình, kiểu ”kính tâu Thánh thượng, thần cúi xin Thánh thượng hồi tâm”, có còn thích hợp nữa không?
Xin nhớ lại, ngày 7/10/2010, theo lời yêu cầu của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 20 trí thức gạo cội nằm sâu trong hệ thống, cùng nhau tụ hội tại trụ sở Hội khoa học kinh tế Việt Nam góp ý vào các văn kiện dự thảo cho Đại hội XI, đã bác bỏ thẳng thừng toàn bộ quan điểm cơ bản của dự thảo, yêu cầu viết hẳn lại. Các vị chứng minh rõ ràng rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm gốc, chủ nghĩa xã hội kiểu mác-xít là không tưởng, coi sở hữu quốc doanh là chủ đạo của nền kinh tế là tệ hại, chế độ độc quyền đảng trị là lạc hậu, nguy hiểm. Toàn bộ cơ sở lý luận của các văn kiện bị bác bỏ triệt để. Không ai dùng danh từ thô lỗ khó nghe, vẫn phản biện ra phản biện, tư duy lập luận khoa học, lương tri trí tuệ thì tuyệt vời. Sau đó các vị còn rà kỹ lại biên bản để mong mọi chứng minh khoa học chặt chẽ được đến tay, đến tận mắt và tai của mỗi ủy viên Bộ Chính trị, mỗi ủy viên Trung ương, mỗi đại biểu dự đại hội. Nhưng nhầm địa chỉ, như gửi đến trụ sở của Hội những người mắc bệnh nghễnh ngãng.
Kết quả là một con số không to tướng. Hai mươi tư duy và tâm huyết chất lượng cao đều đổ ra sông ra biển, nếu không muốn nói là bị quẳng vào sọt rác. “Thánh thượng tập thể” không cần đáp đến nửa lời, rằng đã tiếp nhận tập biên bản ấy, sẽ xem xét và trả lời. Họ coi dân làm chủ, làm gốc nữa, như vậy đó.
Các vị trí thức đảng viên đầu triều có dũng khí phản biện với tất cả trí tuệ và tâm huyết ắt không tránh khỏi đau lòng và tủi hổ khi bị coi thường, coi khinh đến thế. Chắc hẳn có người phẫn uất, nhưng có thể tự an ủi rằng dù sao còn may là không bị lên án, bị trừng phạt, còn vẫn được hưởng bổng và lộc, hưởng ơn mưa móc của triều đình.
Được biết trong các vị có gan phản biện triệt để kể trên, có người lập luận rằng chúng tôi thế là xong trách nhiệm, tròn phận sự. Nay là phần của lãnh đạo, của Bộ Chính trị, của Trung ương, của đại hội, không dám bao biện, lấn sân, vô kỷ luật. Thế là biết điều, khôn, khoẻ khoắn, lương tâm có thể bình an.
Trong khi đó đảng viên trí thức Đỗ Xuân Thọ nói rõ rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là tà thuyết sát nhân, cần loại bỏ, nếu Đại hội XI còn giữ nó, anh sẽ tuyên bố ra đảng Cộng Sản và công khai đốt thẻ đảng viên. Anh đã làm như vậy.
Ngày xưa, khi gặp được đấng minh quân thì trăm họ bách tính được nhờ. Xã hội phồn vinh, đất nước thanh bình. Chẳng may gặp phải hôn quân bạo chúa thì đành cam chịu. Hoặc là có chút dũng khí thì dâng biểu can ngăn, không được thì van nài các đấng minh quân đã khuất phù hộ độ trì thức tỉnh soi sáng cho nhà vua mê muội.
Nhưng cũng có thời nhà vua ăn chơi trác táng, hoang dâm vô độ, triều đình sa đọa, triều chính suy vi, xã hội băng hoại, trộm cắp như rươi, xã tắc rối loạn, kẻ thù ngoại bang thừa cơ lấn chiếm. Trung thần tận lực can ngăn, hiền tài dâng sớ dâng biểu cứu dân cứu nước, nhà vua đem chém sau khi vu là phản loạn.
Trong hoàn cảnh cực kỳ khẩn trương như vậy, tính chính danh của triều đình được đặt ra cho toàn dân xem xét.
Và bao giờ cũng xuất hiện một nhóm sỹ phu đầu đàn, tiên phong tụ nghĩa, phất cờ cứu dân cứu nước, tìm đường cùng lương dân chuyển sang một triều đại mới hưng thịnh, an bình và phồn vinh vững bền.
Tất cả vấn đề là hiện nay nước ta đã ở trong tình thế nào?
Đổi mới, cải cách đã đủ chưa? Thành tích vẫn là chính, khuyết điểm chỉ là thứ yếu?
Theo tôi sự đánh giá này có ý nghĩa quyết định.
Phải chăng Bộ Chính trị hiện nay là hoàn toàn không ngang tầm trách nhiệm lịch sử?
Thất bại hiển nhiên trong thực hiện lời hứa danh dự chặn đứng, đẩy lùi quốc nạn nội xâm lãng phí tham nhũng là điều rõ như ban ngày. Dẫn chứng kể bao nhiêu cũng không hết. Nhà dột từ trên nóc. Không những không đẩy lùi, còn bao che, nuôi dưỡng lãng phí và tham nhũng quy mô rộng khắp.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, đảng CS đã lặng lẽ tước đoạt từ ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền của để chi tiêu riêng cho đảng, với 2 hệ thống quyền lực song hành - chính phủ và đảng - chồng chéo nhau, dẫm đạp lên nhau, nặng nề, phức tạp. Quỹ tiền lương của nhà nước dùng từng mảng lớn chi trả cho lương cán bộ nhân viên làm công tác đảng là ám muội, phi pháp, Quốc hội không được biết. Tất cả các viên chức cao cấp nhất trực tiếp tham gia việc xà xẻo quy mô lớn này - từ ngân sách nhà nước sang ngân sách đảng - đều được thưởng công lớn (dẫn chứng gần đây là các quan lớn tài chánh Nguyễn Sinh Hùng, Vũ Văn Ninh, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Giàu, và thủ tướng cũng từng là thống đốc ngân hàng…)
Một giáo sư kinh tế Pháp từng sang Việt Nam nghiên cứu cho rằng nền kinh tế Việt Nam là một nền ”kinh tế tư bản Nhà nước không có chủ nghĩa tư bản” ( le capitalisme d ' État sans capitalistes) với ý nghĩa là nền tư bản Nhà nước khống chế bóp chết tư bản tư nhân. Có nhà kinh tế Việt Nam nào nhìn thấy rõ nguy cơ ấy? Chính nó là nguồn gốc của chủ nghĩa tư bán đỏ quan liêu, chủ nghĩa tư bản rừng rú, không pháp luật, tư bản lũng đoạn, một loạt tập đoàn kinh tế nhà nước lỗ to, sập tiệm.
Lẽ ra các bộ trưởng chỉ có quyền hành chính, quản lý việc áp dụng và thi hành các chính sách, không trực tiếp là nhà kinh doanh, như Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng cảnh báo và thôỉ còi báo động, thì nay cái tệ và hại ấy đã được nhân lên gấp 10 là ít. Các bộ trưởng, thứ trưởng đều lo ưu tiên cho cái sân sau của bộ mình, nắm chặt các tổng công ty và công ty vệ tinh hái ra lợi nhuận, coi chỉ thị của thủ tướng, nghị quyết trung ương là con số không. Họ thành nhà kinh doanh tuốt, đại gia cộng sản cầm quyền kiêm đại doanh nhân, - một đặc sản Việt Nam thời đổi mới kiểu rất riêng.
Đảng và nhà nước đã thất bại hoàn toàn trong chức năng cơ bản là chỉ đạo việc phân phối và tái phân phối tài sản, thành quả phát triển của đất nước cho công bằng, đều khắp. Mà đây là trách nhiệm cơ bản nhất. Thất bại nặng nề biểu hiện rõ ở khắp nơi, bọn tham nhũng, tham quan ô lại phạm pháp tha hồ sống xa hoa hưởng lạc trên sự đói nghèo tủi nhục của người lao động và viên chức cấp thấp. Bất công xã hội chưa bao giờ lớn, nặng nề, gây uất hận chính đáng cho lương tâm xã hội như hiện nay. Xây dựng xã hội công bằng bình đẳng đã thất bại hiển nhiên. Vụ Cống Rộc - Tiên Lãng chỉ là một trong muôn ngàn hiện tượng chung bản chất.
Chuyện "xóa đói giảm nghèo” được phô trương mấy năm trước chỉ còn là màn kịch vụng về, mỉa mai, che dấu thực tế là có cả một lớp đảng viên cấp tỉnh thành, trung ương giàu sụ lên theo tốc độ tên lửa, còn thu nhập của dân thường thì tụt đi một cách tương đối, - nếu nhích lên thì chỉ là con số cộng èo uột -, theo học thuyết kinh tế đó là sự bần cùng hóa tương đối của tuyệt đại đa số dân. Giới chức trọng quyền cao đã thản nhiên chén hết phần bơ thơm ngon nhất của công cuộc phát triển, để lại phần xương xẩu, bèo bọt cho đồng bào tội nghiệp của mình chia nhau.
Đến đây, điều mỉa mai khổng lồ lộ diện. Cả một lớp quan chức đua nhau trở thành đại gia giàu xụ, thành đại điền chủ, đại tư bản đỏ tài phiệt, nghĩa là trúng phóc nhũng phần tử phản cách mạng, đối tượng xấu xa ô nhục nhất cần tiêu diệt không chút thương tiếc chỉ vài chục năm trước. Từ đó có ai dại mà đi khai tài sản riêng như chính phủ yêu cầu.
Vậy thì cái chính quyền này thuộc về ai, vì ai, bởi ai, cái đảng này bảo vệ ai, phục vụ ai, làm lợi cho ai, khi các nghị quyết rất kêu chỉ nằm chết trên giấy tờ, khi thực tế xã hội băng hoại, một màu xám xịt. Xin các bậc thức giả trả lời.
Xin được hỏi thêm, khi được tin bà con ngư dân Thanh Hóa, Nghệ An bị tàu Trung Quốc xua đuổi, phá thuyền lưới, khi cô Phạm Thanh Nghiên từ Hải Phòng vào tận nơi hỏi thăm rồi cô bị tù, sau đó luật sư Cù Huy Hà Vũ, rồi cô Bùi Minh Hằng bị tù, bị tống vào trại cải tạo, là người có học, bạn có phản ứng ra sao? Hay bạn quay mặt đi?
Theo tôi đó phải là sự khảo sát thực tế của cuộc sống về sự mẫn cảm của trái tim trí thức, và về sự minh triết của tư duy trí thức. Nếu như vô cảm và vô minh thì bạn không phải, chưa phải là trí thức chân chính. Cục than vô cảm, con chim vô minh. Con người ở trên, và người trí thức phải có tư chất ”người” hơn người thường.
Yêu quý Chân, Thiện, Mỹ cũng là nội hàm của danh xưng trí thức. Chân phải là cái chân thật, không giả, không ngụy biện. Cái thiện phải là thiện, lành từ gốc lên ngọn, không dính gì đến cái ác, cái độc. Mỹ phải là đẹp từ trong ra ngoài, tất cả để con người sống tử tế với nhau hơn, thương yêu nhau hơn, cuộc đời đáng sống hơn. Để cùng tụ nghĩa chung sức phá cái xấu tệ hại cần phá, kề vai nhau xây cái đúng, cái đẹp cần xây.
Cho nên gần đây nhiều ý kiến vang lên yêu cầu thay hẳn hệ thống, sửa lỗi hệ thống, không thể sửa đổi kiểu chắp vá xoa bóp, bộ phận. Vì cuộc sống đã cho thấy cả hệ thống đồng bộ chính trị - kinh tế - tài chính - ngoại giao - văn hóa đã cũ nát, xộc xệch, hỏng hóc không vận hành được nữa. Như Gorbachev cuối cùng phải sáng suốt gan góc thay hẳn hệ thống.
Giới trí thức, thanh niên nước ta nên mạnh dạn - như bức xúc của anh thanh niên Trần Quốc Toản năm xưa bóp nát quả cam trong tay - đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về chuyển đổi toàn hệ thống cai trị ra sao, hệ thống nào là hiện đại và thích hợp nhất? gắn với cuộc sửa đổi hiến pháp đang được chuẩn bị. Đó mới chính là lấy dân làm gốc. Bức bách lắm rồi. Cũng rất hợp với đề nghị thay đổi công thức”đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”sang công thức”nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo”, đi đôi với đạo đức công dân là”trung với nước, hiếu với dân”, thay cho”trung với đảng, hiếu với dân”.
Cuối cùng khi Tổ Quốc lâm nguy, ngoại xâm đe dọa, xã hội băng hoại, lòng dân xao xuyến, gian ngay lẫn lộn, một tầng lớp sỹ phu yêu nước trong xã hội công dân đã xuất hiện để cứu nước. Thế và lực trí thức dân tộc đang phát triển theo yêu cầu của tình thế. Cuộc thảo luận về trí thức do cô Phạm Thị Hoài đề xướng nảy ra đúng lúc.
Hơn lúc nào hết, trí thức dấn thân cần phát huy dũng khí, bất khuất trước bạo quyền. Đoàn kết, trât tự và ôn hòa không bạo động là sức mạnh. Cuộc đấu tranh rất cần đến lòng dũng cảm, đức hy sinh, như luật sư Hà Vũ tuyên bố”tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống của tôi cho nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống tự do của nhân dân”.
Khí phách của người trí thức khi dấn thân là thế, không dừng lại, càng không thoái lui, tiến bước xông lên vì lẽ phải, không nhân nhượng với chính mình, cho đến khi giành được mục tiêu.
Như Galilée, nhà bác học thiên văn Ý thế kỷ XVI khi bị dọa đưa lên giàn hỏa thiêu vì báng bổ kinh Thánh coi quả đất luôn đứng yên, vẫn dõng dạc tuyên bố chắc nịch: “Quả đất vẫn quay!”, gương sáng tự tin khoa học và dấn thân đến cùng.
Bùi Tín, tháng 2/2012
 (Viết riêng cho VOA)

No comments:

Post a Comment