Friday, January 27, 2012

Chiến thắng Đống Đa



Việt Thái - Người Việt chúng ta không thể quên được chiến công oai hùng và hiển hách của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ qua trận Đống Đa. Chiến thắng này đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong dòng lịch sử dân tộc.

Đã hơn 200 năm qua, không những có nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại chiến thắng này, mà còn có rất nhiều tác phẩm văn chương của các văn nhân và thi sĩ đã sáng tác để minh họa lại chiến thắng lừng lẫy của vị anh hùng dân tộc đất Tây Sơn, như một gia sản để lại cho hậu thế về những tấm gương oai hùng và bất khuất của tiền nhân.
 Vua Quang Trung
Nguyễn Huệ sinh năm 1753 là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792) sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi lấy danh hiệu Quang Trung Hoàng đế. Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước. Ông cũng là một thiên tài quân sự với những trận đánh nội chiến và chống ngoại xâm, đến độ chưa thất bại lần nào. Do có nhiều công lao, Nguyễn Huệ cũng được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, được gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa họ Trịnh ở phía Bắc và nhà Nguyễn ở phía Nam.
Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh từ phía Bắc, đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.
Sau 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, Nguyễn Huệ lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 40. Sau cái chết của ông, nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Những người kế thừa của Nguyễn Huệ không thể tiếp tục những kế hoạch ông đã đề ra để cai trị nước Đại Việt, bị phân hóa nội bộ và thất bại trong việc tiếp tục chống lại Nguyễn Ánh. Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Huệ được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn.
Cuộc đời ông được biết đến qua các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, các sử gia cận đại, hiện đại và cả trong văn học dân gian.
Có giả thuyết cho rằng tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, dòng dõi Hồ Quý Ly. Họ theo chân chúa Nguyễn vào lập nghiệp miền Nam khi chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê - Trịnh tới Nghệ An (năm 1655).  Ông cố của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long (vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn) cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó họ đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Cũng có tài liệu cho rằng họ Hồ đã đổi theo họ chúa Nguyễn ngay từ khi mới vào Nam.
Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1753. Ông còn có tên là Quang Bình, Văn Huệ hay Hồ Thơm. Sau này, người dân địa phương thường gọi ông là Đức Ông Bình hoặc Đức Ông Tám.
Về thứ tự của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ trong các anh em, các nguồn tài liệu ghi không thống nhất.
Các sách Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thuỷ mạt khảo đều thống nhất ngôi thứ trong ba anh em Tây Sơn là: "Con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ".
Dân phủ Quy Nhơn xưa truyền lại rằng, Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu nên gọi anh Hai Trầu, Nguyễn Huệ còn có tên là Thơm nên gọi là chú Ba Thơm, Nguyễn Lữ gọi là thầy Tư Lữ.
Theo thư từ của các giáo sĩ phương Tây hoạt động ở Đại Việt khi đó như Labartette, Eyet và Varen thì Nguyễn Huệ là em của Nguyễn Lữ. Nguyễn Lữ được gọi là Đức Ông Bảy còn Nguyễn Huệ là Đức Ông Tám. Trong sách Minh đô sử của Lê Trọng Hàm lại cho rằng Hồ Phi Phúc sinh "Nhạc, Lữ đến hai cô con gái rồi đến Huệ".
Lớn lên, ông và Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ được đưa đến thụ giáo cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến. Trương Văn Hiến là môn khách của Trương Văn Hạnh, còn Trương Văn Hạnh là thầy dạy của Nguyễn Phúc Luân - thân phụ của Nguyễn Ánh. Sau khi Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại, Trương Văn Hiến chạy vào Bình Định. Chính người thầy này đã phát hiện được khả năng của Nguyễn Huệ và khuyên ba anh em khởi nghĩa để xây dựng đại nghiệp. Tương truyền câu sấm "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công" là của Trương Văn Hiến. Tương truyền Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, và cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định.  Họ là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.
Trận chiến năm Kỷ Dậu
Có thể nói, trận chiến năm Kỷ Dậu 1789 là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá là chiến công oanh liệt nhất của vua Quang Trung. Chiến thắng năm Kỷ Dậu đã chận đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời vua Càn Long.
Với những cuộc tiến quân thần tốc, hạ chớp nhoáng liên tiếp gần 10 đồn, tiêu diệt quân địch đông hơn từ phương Bắc. tất cả chỉ diễn ra trong 6 ngày. Yếu tố bất ngờ trong chiến thuật của vua Quang Trung luôn khiến quân Thanh lâm vào thế bị động.
Tôn Sĩ Nghị ban đầu yên tâm với hệ thống đồn phòng thủ nương tựa với nhau, dự tính cho quân nghỉ ngơi đến mồng 6 mới cử đại quân đánh Tây Sơn. Nhưng Tây Sơn tiến quân quá nhanh tới Tam Điệp ngay từ trước Tết Nguyên Đán buộc Tôn Sĩ Nghị phải thay đổi kế hoạch. Từ chủ ý tấn công, Nghị chưa kịp điều quân thực hiện ý định đó thì phải phòng thủ chờ quân Tây Sơn đến.
Trong suốt cuộc hành quân Bắc tiến, đạo quân chủ lực do đích thân vua Quang Trung chỉ huy chính là mũi tấn công chính, giao chiến với địch quân nhiều nhất. Đạo quân này đã liên tiếp hạ các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi, tưởng chừng mũi chủ công đang đà thắng thế sẽ chiếm Ngọc Hồi.
Thấy quân Tây Sơn tiến nhanh và vì mất liền mấy đồn từ Hà Hồi về phía nam nên quân Thanh ở Ngọc Hồi bị động và mất tinh thần nên không dám chủ động tấn công. Đó chính là lúc biến ảo nhất trong chiến thuật quân sự của vua Quang Trung tại lần Bắc tiến này.
Vua Quang Trung bất ngờ hoãn binh không đánh, chỉ phô trương thanh thế cho đạo quân của đô đốc Long, tưởng như sẽ đánh thẳng vào đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh ở Sơn Tây, thì lại rẽ sang đánh vào đồn Khương Thượng (cạnh sườn phía Tây thành Thăng Long). Đây là chỗ Tôn Sĩ Nghị không ngờ đến. Cuộc tập kích của đô đốc Long bất ngờ và mạnh mẽ tới mức khi đồn Ngọc Hồi chưa mất thì Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy. Việc quân đô đốc Long tung hoành trong thành Tây khiến đồn Ngọc Hồi dù kiên cố và đông quân nhưng quân đã bị nhục nhuệ khí khi nghe tin thành Tây đã bị hạ. Hôm sau, vua Quang Trung đã vào Thăng Long thành.
Đại bản doanh tan vỡ, chủ soái Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy khiến quân Vân Quý không đánh phải tự rút lui.
Trong 3 đạo quân Thanh, cánh quân đông đảo nhất, mạnh nhất là của Tôn Sĩ Nghị và cánh quân ít nhất, yếu nhất chính là quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống. Quang Trung đã chọn mục tiêu đánh vào quân Điền Châu vừa yếu nhất lại vừa dùng kỳ binh đánh bất ngờ, vào thời điểm nửa đêm nên đã chiến thắng.
Xét trên tương quan lực lương, quân Tây Sơn (10 vạn) thực tế chỉ đương đầu với khoảng nửa số quân Thanh sang Đại Việt nên lực lượng tương đối cân bằng. Quang Trung đã không dàn lực lượng tác chiến cùng lúc với tất cả các cánh quân Thanh (không đụng quân Vân Quý của Ô Đại Kinh) mà vẫn có chiến thắng lớn trên toàn mặt trận, đuổi được quân Thanh ra khỏi bờ cõi.
Những trận kịch chiến ở Khương Thượng (hay Đống Đa) và Ngọc Hồi là lớn nhất, ác liệt nhất, mang tính quyết định trong toàn bộ chiến dịch Bắc tiến đánh quân Thanh của vua Quang Trung. Vì vậy, mặc dù chiến dịch phá quân Thanh còn nhiều trận đánh khác nhưng đời sau vẫn thường gọi trận chiến này là trận Ngọc Hồi - Đống Đa.
Trận Ngọc Hồi - Đống Đa
Mũi tiến công thứ yếu của quân Tây Sơn do đô đốc Long chỉ huy, diệt quân Thanh ở đồn Đống Đa (Khương Thượng, hướng tây nam, cách Hà Nội 2 cây số) phối hợp với mũi tiến công chính đánh đồn Ngọc Hồi. Đạo quân của đô đốc Long gồm kỵ binh, tượng binh. Dù lực lượng không nhiều nhưng có sức đột phá thần tốc đánh qua Chương Đức (nay thuộc huyện Hà Tây), đến Nhân Mục (nay thuộc Từ Liêm - Hà Nội) và bao vây đồn Đống Đa.
Mờ sáng ngày 30/1, quân Tây Sơn bất ngờ tấn công nên quân Thanh bị vỡ phòng tuyến và bị tiêu diệt gần hết. Tướng quân Thanh là Sầm Nghi Đống phải tự tử. Quân Tây Sơn liên tiếp hạ các đồn Yên Quyết, Nam Đồng, dùng lực lượng đặc biệt công phá vào thành Thăng Long qua cửa Tây Nam (nay là Ô Chợ Dừa), làm rối loạn bộ chỉ huy phòng thủ, uy hiếp đại bản doanh Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.
Tôn Sĩ Nghị khiếp sợ, không kịp mặc áo giáp, ngựa không kịp đóng yên cùng đội kỵ binh cận vệ vượt cầu phao qua Sông Hồng trốn chạy. Binh lính địch hoảng loạn, tranh nhau qua cầu, cầu gẫy làm hàng ngàn quân Thanh bỏ xác dưới sông hoặc bị bắt.
Trưa 30/1, quân Tây Sơn hoàn toàn làm chủ chiến trường, đón đại quân của vua Quang Trung vào thành Thăng Long.
Trận Ngọc Hồi - Đống Đa chấm dứt sự tồn tại của nhà Hậu Lê. Lê Duy Kỳ chạy sang Tàu lưu vong, cuối cùng chết ở Yên Kinh. Vua Quang Trung sau đó không lâu được nhà Thanh chính thức công nhận, trở thành người cai quản Bắc Hà. Chiến thắng này cũng đánh dấu bước phát triển cực thịnh (dù không lâu dài) của nhà Tây Sơn.
 Le hội Đống Đa
Hàng năm cứ vào ngày mồng 5 Tết, người dân trong nước thường tổ chức hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây, đặc biệt có tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.
Ở hải ngoại cũng vậy, ngày mùng 5 Tết, con dân Việt khắp nơi đều tổ chức lễ tưởng nhớ đến chiến công lẩy lừng của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cùng với thế hệ Tây Sơn anh dũng, oai hùng và bất khuất, đã có công chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc để gìn giữ bờ cõi của dân tộc.
Việt Thái
http://www.webdoithoai.net/index.php?option=com_content&view=article&id=4788:chin-thng-ng-a&catid=38:bai-hang-ngay&Itemid=58

No comments:

Post a Comment