Thursday, December 1, 2011

Việt Nam vẫn chuộng luật rừng


VietTuSaiGon's blog - Sôi động nhất tháng 11/2011 là tình trạng cát cứ nổi lên trong bộ máy cầm quyền tại Việt Nam. Đơn cử như chuyện chính quyền TP.HCM ứng xử không giống ai trong việc thu hồi sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên, trong khi các địa phương khác vẫn được bán, dân Sài Gòn muốn mua sách của nhà văn này thì phải chịu khó chạy qua Bình Dương chẳng hạn; họ cũng không cấp phép tiếp nhận cho live show của Chế Linh… vì lý do là “chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay”.
Cộng đồng mạng được một phen tá hỏa vì không biết TP.HCM đang ở trong “tình hình” gì mà cứ sợ, cứ cấm tùm lum như vậy. Người hiểu việc thì nói “bảo hoàng hơn vua”, bởi TP.HCM là nồi cơm lớn và chính yếu của cả nước, cấp lãnh đạo ở đây không muốn mất cơ hội trục lợi, nên cứ khư khư bằng việc cấm đoán. 
Mà ngay tại Hà Nội cũng không tránh khỏi chuyện cát cứ, hay nói như ngôn ngữ “nhà nghề”, họ đang chạy đua quyền lực. Chỉ hai ngày sau khi Sở VH,TT&DL Hà Nội không cấp phép cho live show Chế Linh thì Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) cho phép được công diễn vào đúng thời gian và địa điểm đã bán vé. Mà nói như ông Nguyễn Thành Nhân (Phó Trưởng phòng quản lý, Cục Nghệ thuật Biểu diễn) thì:“Việc Sở VH,TT&DL không đồng ý tiếp nhận chương trình biểu diễn Live show ca sĩ Chế Linh khi khán giả đã mua vé là gây ảnh hưởng tới quyền lợi của khán giả. Thậm chí, đẩy vấn đề đi xa hơn, nhiều luồng dư luận cho rằng: chính quyền Hà Nội không cấp phép cho ca sĩ Chế Linh. Tất nhiên, đó là một sự hiểu lầm. Bởi thực tế, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và cơ quan chức năng đã cho phép ca sĩ Chế Linh tham gia biểu diễn nghệ thuật trong các chương trình do công ty Bích Ngọc tổ chức từ 15/10-31/12/2011”.  
Ông này nói thêm:“Tôi khẳng định quan điểm, sai đến đâu, phạt đến đó. Sau đêm diễn 12/11, chắc chắn cục và sở sẽ ngồi lại với nhau để bàn cách xử công ty Bích Ngọc. Chuyện này không thể bỏ qua. Nhưng có điều, Sở VH,TT&DL Hà Nội hơi... vội vàng. Nghị định 75 quy định rõ, nếu sai phạm về quảng cáo như lỗi Sở VH,TT&DL Hà Nội bắt công ty Bích Ngọc thì chỉ xử phạt hành chính, không được hủy giấy phép. Chúng tôi nắm quá rõ các quy định này. Nhưng nếu xử họ, chúng tôi sẽ bắt những lỗi khác cơ. Còn lúc này, vì lợi ích chung, phải để chương trình diễn ra...”. 
Kết quả của những lùm xùm và căng thẳng này đẩy Chế Linh đến mức đột quỵ nhẹ, phải nhập viện cấp cứu vào sáng 19/11/2011 - show diễn đánh dấu 30 năm rời xa quê hương và trở lại, tí xíu nữa là lấy mạng của chính ca sĩ. 
Sau khi Chế Linh đột quỵ, thì theo tin hành lang từ một nhân viên văn phòng của UBND TP.HCM, vào khoảng 14h cùng ngày, giấy phép cho live show này đã được thông qua về mặt nguyên tắc, khi mà vé đã được trả lại hơn 70% tại Nhà hát Hòa Bình và ca sĩ thì không còn sức để hát nữa. Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, mới chiều 18/11 thì UBND và sở ra thông báo không cấp phép tiếp nhận, gần một ngày sau lại có giấy phép? Vậy chuyện gì đang xảy ra vậy? 
Rồi cũng trong tháng 11/2011, các phiên họp và đối chấp ở quốc hội Việt Nam cũng cho thấy chuyện cát cứ này. Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra mạnh tay trong việc xử đồng nghiệp sai phạm là tốt, nhưng việc cấm chơi golf (một bề nổi của vô số sai phạm, lũng đoạn) đã bị các bên cho là tùy tiện, lạm quyền. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho rằng: “đây là một quyết định không phải vô lý mà là vi phạm pháp luật. Lãnh đạo là phải thượng tôn pháp luật, không được hành xử tùy tiện”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thì nói với báo Tuổi trẻ tại hành làng quốc hội: “Tôi nghĩ cán bộ, công chức trước hết thực hiện theo đúng Luật Cán bộ, công chức. Nếu người ta không vi phạm Luật Cán bộ, công chức và pháp luật về lao động, không chơi golf trong giờ hành chính thì không nên cấm”. 
“Ở đây chúng ta ghi nhận sự năng nổ, nhiệt tình của lãnh đạo mới, nhưng nhiệt tình cũng cần có sự hiểu biết quyền của mình và quyền của cán bộ công chức, viên chức thuộc (dưới) quyền của mình. Nếu không sẽ là sự sai phạm, là tác động tiêu cực gây ra hậu quả xấu. Gần đây, có một số hiện tượng lệch chuẩn của một số cán bộ lãnh đạo mới được bổ nhiệm”, tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định. 
“Theo tôi, khi đã dùng từ ‘cấm’ thì phải theo quy định của pháp luật. Ví dụ đảng viên, công chức có quy định riêng, vì cấm liên quan đến quyền con người thì Hiến pháp cũng đã quy định. Những quyền cơ bản của con người thì phải được tôn trọng và phải trên cơ sở pháp luật, tức luật Quốc hội chứ văn bản cấp thấp như bộ trưởng là không được”, TS Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của quốc hội) tái khẳng định. 
Ở đây tôi không bàn vị nào nói đúng, vị nào sai, bởi ở Việt Nam đúng sai đã là chuyện vô chừng. Bởi nếu nhà cầm quyền Việt Nam mà còn tôn trọng chuyện đúng sai thì đã không có những hành xử như thời gian qua. Đơn cử, phần lớn tù nhân lương tâm bị nhốt là vì chính phủ không tôn trọng hiến pháp - cái được cho là đúng cao nhất hiện nay. 
Đó là chưa nói, rất nhiều quyết định sai rõ ràng tại Việt Nam nhưng đang được áp dụng như đúng, có điều những văn bản “nổi trội” như “cấm chơi golf” hay “vây lưới bắt… người vi phạm giao thông” để người dân lên tiếng thì còn hơi ít. 
Nguyên tắc của nhiều văn bản dưới luật tại Việt Nam được ban hành theo kiểu, cứ đưa ra, mâu thuẫn hay chống lại hiến pháp cũng không sao, nếu bị dư luận phản đối nhiều quá thì lại thụt vào. Ví dụ như hồi 13/01/2003, khi Bộ Công an ra thông tư 02 về việc quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy, rõ ràng trái với hiến pháp và pháp luật. Thông tư này bị dân tình phản đối nhiều quá thì đến 22/11/2005, Bộ Công an lại có thông tư 17/2005/TT hướng dẫn về việc bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô, 1 xe gắn máy. 
Nhiều khi một thông tư, nghị định, nghị quyết… khi ra đời đã bị sai, nhưng nếu người dân không phản đối thì nó vẫn được áp dụng lâu dài. Và hiệu quả nhất với trường hợp công dân bị đưa ra tòa, thì có thể bị ép tội từ vô số những văn bản dưới luật như thế này. 
Vấn đề chính là khi những văn bản này “âm thầm” đi vào đời hay được chống đỡ bởi bộ máy quyền lực phía sau, thì rất khó bị xóa bỏ. Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn kiên quyết với “quy định nội bộ” của mình vì dường như ông đang cảm nhận được trọn vẹn quyền lực bảo kê sau lưng (?!). 
Chính vì vậy, việc cát cứ ngày một nhiều từ các cơ quan quyền lực ở Việt Nam hiện nay có thể được giải thích từ sự ưu thích dùng luật rừng. Bởi luật rừng thường dễ được “soạn” và dễ đáp ứng với nhu cầu của một nhóm người hay “đại ca” nào đó. 
Một nhà nước thượng tôn pháp luật hay nhà nước pháp quyền thực sự, có lẽ còn là giấc mơ xa vời của Việt Nam.

No comments:

Post a Comment