Wednesday, December 21, 2011

Trí thức



Đáy - “...họ chuẩn bị để từ giã cõi đời này, nhưng như thế thì lại càng khó hiểu bởi vì theo chỗ tôi biết thì đây là một trong những điều không cần chuẩn bị, tất cả chúng ta đều sẽ thành công, tôi chưa thấy ai dở đến nỗi không chết được...”

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin hắn đã buông suôi tất cả để tu và thiền. Trước đây hắn không những vô thần mà còn vô thần một cách cuồng tín. Tôn giáo nào hắn cũng chê.
Thiên Chúa Giáo thì hắn bảo là thiếu cơ sở khoa học và lỗi thời. Cái gì mà chỉ vì một phụ nữ lỡ ăn một trái pom mà cả loài người phải chết? Rồi Chúa sinh ra bởi Đức Mẹ đồng trinh. Phức tạp và khó tin quá! Vả lại ngày nay ai cần cầu nguyện "xin cha cho chúng tôi lương thực hàng ngày"? Ngày nay người ta cần champagne, sea food, Lexus, smartphone, v.v.
Phật Giáo thì hắn cho là một sự ngộ nhận. Thiền đối với hắn không có gì cao siêu mà chỉ xuất phát từ một nhu cầu dinh dưỡng. Phật đi xin ăn khi được khi không, hầu như đói kinh niên, nên phải ngồi thật yên để đừng tốn calori, kể cả không suy nghĩ gì cả vì suy nghĩ cũng tiêu thụ năng lượng. Và cũng phải thở thật dài hơi để hấp thụ thất nhiều không khí, ngưồn dinh dưỡng dồi dào và không tốn kém, với sự thận trọng là thở thật nhẹ để tiết kiệm tối đa sức lực. Thiền chỉ giản dị là một vấn đề thực phẩm chứ có gì cao siêu. Có anh lại còn đi xa hơn, suy tư cả về cách Phật nằm, lý do khiến Phật nằm nghiêng. Đối với hắn cũng chẳng có gì huyền bí mà chỉ là một nhu cầu thực tế. Nằm nghiêng để khỏi ngáy. Phật tu với nhiều đệ tử, nếu ngáy thì họ không ngủ được; vả lại Phật mà ngáy thì còn thể thống gì?
Hắn là bạn học thuở nhỏ của tôi và một trí thức lớn. Năm 1975 khi rời Sài Gòn hắn chưa đầy 25 tuổi mà đã có bằng cao học. Bạn bè phục hắn như một thiên tài. Ra nước ngoài hắn không thèm đi làm mà đi học tiếp. Vợ hắn tần tảo hãnh diện nuôi ông chồng khoa bảng. Mãi về sau hắn mới tìm được một chỗ làm tại một trường đại học. Từ đó những bài viết của hắn có một sự đổi mới, thỉnh thoảng hắn ký tên giáo sư, thay vì tiến sĩ. Hắn là một trí thức đấu tranh chống độc tài và cỏ võ cho dân chủ. Hắn có vẻ tự hào là một người đấu tranh đứng đắn vì đứng ngoài và đứng trên mọi tổ chức, nghĩa là khách quan, không phe phái. Có lúc hắn cũng đã là thành viên chủ tịch đoàn của một kết hợp nhân sĩ tôi không nhớ tên là liên minh hay phong trào hay mặt trận gì đó nhưng tuyên bố rút ra sau một thời gian ngắn và tổ chức ít lâu sau chìm vào quên lãng. Từ đó hắn vẫn tích cực viết bài đóng góp vạch ra một hướng đi cho đối lập dân chủ Việt Nam trong khi chờ đợi một tổ chức đã có bề thế mời hắn làm lãnh tụ. Lâu lâu, trước những biến chuyển quan trọng tôi cũng thấy hắn ký tên vào những tuyên ngôn, thư ngỏ. Hắn tỏ ra kiên trì với đất nước, trong những lần gặp tôi hắn không giấu được sự bực bội đối với trí thức Việt Nam mà hắn đánh giá là bạc nhược. Dĩ nhiên tôi không thể có ý kiến vì tự nghĩ mình không phải là trí thức.
Hôm nay tôi có dịp gặp hắn để hỏi lý do tại sao hắn lại thiền. Đây là một câu hỏi ám ảnh tôi từ vài năm nay khi tôi nhận ra là có rất nhiều người ở lứa ngoài 60 buông suôi tất cả để tu và thiền, khi họ không dành trọn thời giờ cho golf và du lịch. Tôi có cảm tưởng họ chuẩn bị để từ giã cõi đời này, nhưng như thế thì lại càng khó hiểu bởi vì theo chỗ tôi biết thì đây là một trong những điều không cần chuẩn bị, tất cả chúng ta đều sẽ thành công, tôi chưa thấy ai dở đến nỗi không chết được. Hắn đáp:
-Tao bỏ cuộc vì thấy chẳng làm được gì và tìm cách sống như thế nào để tránh bệnh tật trong tuối già. Ăn chay để khỏi mệt bộ máy tiêu hóa, thiền để giảm thiểu rủi ro bị Alzheimer.
Nhưng tại sao hắn lại cảm thấy chẳng làm được gì và quyết định bỏ cuộc? Hắn định làm gì mà thấy không làm được? Hắn giải thích:
-Không biết mày có hiểu được không nhưng bọn trí thức chúng tao sinh lầm thế kỷ. Vai trò của trí thức, ông bà mình gọi là kẻ sĩ, đâu có phải là để làm việc mà để làm quan. Khổ nỗi muốn làm quan thì phải có triều đình, nhưng ngày nay mình không có triều đình vì cái chính quyền này nó không dùng mình và mình cũng không ưa nó. Mình phải chống nó thôi, và nhiều người nói là phải có tổ chức. Cũng đúng thôi, như ngày xưa muốn dấy nghĩa trừ bạo thì cũng phải có quân. Đúng rồi, khổ lắm nói mãi. Nhưng đó đâu phải là công việc của trí thức. Công việc của trí thức chỉ là phò một minh chúa như Nguyễn Trãi phò Lê Lợi chứ có phải là làm chủ đâu. Vậy nếu không phục tùng những thằng cầm quyền hiện nay chỉ còn cách đi phò một thủ lãnh khác và tay thủ lãnh này chắc chắn không phải là trí thức bởi vì nếu hắn là trí thức thì hắn đã không là lãnh tụ. Nhưng nếu không phải là trí thức nghĩa là vô học, thì cũng chẳng làm được gì vì mình đang ở trong kỷ nguyên tri thức.
Tôi sắp điên đầu vì lý luận luận của hắn quá phức tạp, hắn dừng lại cho tôi nghỉ xả hơi rồi tiếp:
- Tóm lại, lãnh tụ mà chúng ta cần bắt buộc phải là một trí thức lớn nhưng lại không thể là trí thức. Một trí thức không trí thức. To be and not to be. Sắc không, không sắc lẫn lộn. Mệt quá. Tu là cội phúc tình là giây oan, kể cả tình yêu đất nước.
Đáy

No comments:

Post a Comment