Nguyễn Xuân Nghĩa - Một năm lao đao vì nội tình bát nháo...
Tổng kết cuối năm, mỗi người có thể lại nhìn năm 2011 từ một giác độ riêng, tùy mức độ quan tâm hay... thiệt hại.
Năm qua thì quả là một năm có nhiều biến cố gây thiệt hại cho thiên hạ mà không chỉ do thiên tai, như trận động đất và sóng thần 3-11 tại Nhật Bản hay bão lụt tại Thái Lan hoặc Phi Luật Tân. Tình hình kinh tế nói chung vẫn chưa sáng sủa và dù người ta đặt nhiều hy vọng hồi phục của kinh tế Hoa Kỳ, hiệu ứng trầm trọng từ Âu Châu vẫn còn là một đe dọa cho năm tới.
Tuy nhiên, trong một chuỗi dài nhưng đổ vỡ, người ta có thể thấy ra rất nhiều hậu quả của nhân hoạ còn hơn thiên tai. Xin hãy nói về mấy chuyện đó, và tập trung vào vài ba khu vực được chúng ta quan tâm nhất.
Trước hết là tại Hoa Kỳ.
***
Năm 2011 mở ra với kết quả bầu cử hồi Tháng 11 năm 2010: đảng Cộng Hoà chiếm lại Hạ viện, đẩy lui thế mạnh của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện và hạ quyết tâm đánh bại Tổng thống Barack Obama trong cuộc tổng tuyển cử 2012. Thế rồi, suốt năm 2011, hệ thống chính trị Mỹ lại có ba đầu và sáu tay đánh nhau loạn xạ.
Ba đầu là Hạ viện Cộng Hoà, Thượng viện Dân Chủ và Hành pháp Obama, với ưu tiên là tái đắc cử nên bán cái cho Quốc hội giải quyết những hồ sơ phức tạp nhất.
Hậu quả là trận đánh suốt năm về bội chi ngân sách, định mức đi vay và một chuỗi ách tắc kéo dài đến cuối năm chưa dứt, trong khi kinh tế chưa khởi sắc, thất nghiệp còn cao. Trái phiếu Mỹ bị sụt mức tín nhiệm và Quốc hội có tỷ lệ tin tưởng thấp ngang tầm cỏ, chưa tới 12%.
Vậy mà các chính trị gia lại mở tờ lịch sớm hơn quần chúng.
Khai diễn năm tới là việc Tiểu bang Iowa bỏ phiếu vòng sơ bộ bên đảng Cộng Hòa vào Thứ Ba này, biến cố báo hiệu cuộc tranh cử Tổng thống, sẽ chỉ ngã ngũ sau này sáu Tháng 11 năm 2012.
Là người đương nhiệm, Tổng thống Obama không lo tranh cử vòng sơ bộ mà nhắm vào ngày bỏ phiếu là Thứ Ba sau ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng 11. Trong thế đối lập, một tá ứng cử viên Cộng Hoà phải giành nhau từ vòng sơ bộ, trước tới Đại hội đảng vào mùa Thu.
Đấy là lúc họ chứng tỏ vì sao cả thế giới nói đến sự lụn bại của nước Mỹ!
Trong một bài tổng kết, người viết chỉ có thể ghi vội sự chuyển dịch tâm lý của quần chúng Cộng Hoà: đó là thành phần cử tri nổi loạn với chính trường ở thủ đô và chính quyền hiện hành nên... ráo riết hành hạ nhau. Đào Cốc Lục Tiên nữa!
Mùa Hè năm nay, nữ Dân biểu Michelle Bachmann là ngôi sao sáng. Rồi thành sao xẹt khi Thống đốc Rick Perry của Texas xuất hiện. Ông Perry bị phe Cộng Hoà trung kiên với vị tiền nhiệm là George W. Bush tấn công tơi tả, nhưng gây vạ cho ông thì chính là cái lưỡi cứng đơ như gỗ! Thống đốc có thành tích mà tranh luận như người ngậm hột thị và cứ nói là sai bét!
Nhưng đảng Cộng Hoà không thiếu người tài!
Doanh gia Herman Cain bèn nổi trội với khẩu hiệu tranh cử "không tham gia chính trị", có thần chú "9-9-9" để giải quyết chuyện quốc kế dân sinh. Ông trở thành thần tượng của quần chúng bảo thủ và nổi loạn trong đảng. Nhưng chỉ nổi được một mùa và đỡ không nổi hàng loạt những tai tiếng về mảnh quần hồng. Quần hào khi ấy lại tìm ra cựu Dân biểu Newt Gingrich như vị cứu tinh.
Từ đáy vực, nhân vật đại trí thức, chiến lược gia và công trình sư của nhiều biến cố chính trị 16 năm về trước đã tái sinh! New Newt!
Mới đầu năm thôi, ban tham mưu tranh cử của ông đã tự tan rã và sự nghiệp chính trị của ông coi như ra ma. Vậy mà Newt vẫn hùng dũng trở về với tài biện luận xuất chúng! Nhưng cũng chỉ một mùa, mà một mùa bầu cử kiểu đó thì chỉ có vài tuần. Vì ngần ấy đối thủ Cộng Hoà đã tiền pháo hậu xung và dồn Newt xuống đáy khiến quần chúng bảo thủ tìm ra người lạ mà quen, Dân biểu Ron Paul của Texas.
Ứng cử viên Tổng thống thuộc loại kỳ cựu, mùa nào cũng ra và không qua khỏi ngưỡng 5%, Ron Paul bỗng thành sáng giá vì lập trường tự do tuyệt đối kiểu Libertarian. Lập trường ấy có nghĩa là thu hẹp sự can thiệp của chính quyền đến tối thiểu, nên dân bảo thủ mới khoái. Nhưng họ không đếm xỉa gì đến những chủ trương khác của Ron Paul, phản chiến đến độ ngây ngô khi bênh vực Iran và đề cao tinh thần tự cô lập của nước Mỹ.
Ron Paul không thể có hy vọng và kinh nghiệm còn cho thấy rằng cử tri Iowa thường... chọn lầm người... Nhưng sáu lần đổi ngựa trước khi vào cuộc đua khiến người ta hoài nghi khả năng cứu quốc của đảng Cộng Hoà.
Trận đánh nội bộ cho thấy những thành phần tích cực nhất trong đảng đều không nhìn xa hơn những vấn đề họ quan tâm. Mà cũng chẳng xác định được ưu tiên là gì. Là bảo vệ ý thức hệ bảo thủ, là đánh bại Obama hay cứu lấy nước Mỹ?
Cho đến giữa năm, ai cũng có thể nghĩ rằng ông Obama sẽ là Tổng thống một nhiệm kỳ và bất cứ ứng cử viên Cộng Hoà nào cũng sẽ đánh bại ông ta. Nhờ khả năng tự sát cao độ, đảng Cộng Hoà có khi sẽ cứu được Obama nếu họ tiếp tục trò sơ bộ kỳ cục đó.
Kinh hãi nhất, người ta thấy ông Obama không là lãnh đạo giỏi trong một khúc quanh sinh tử của nước Mỹ.
Trong nội bộ Dân Chủ, có hai chiến lược gia đề nghị ông rút lui để Ngoại trưởng Hillary Clinton ra tranh cử, vừa cứu nước vừa cứu đảng mới là vẹn toàn! Một nhân vật khác, cựu Tổng trưởng Lao động thời Bill Clinton là Robert Reich, thì đề nghị giải pháp khá hơn: Hillary Clinton đổi ghế với Phó Tổng thống Joe Biden để đứng chung liên danh làm Phó!
Ngẫm lại thì kẻ thù của nước Mỹ chưa chắc đã là các chế độ hung đồ hay độc tài mà là một số chính khách không biết soi gương. Còn lại, chuyện kinh tế thì đành phó thác cho thị trường.
***
Trong năm 2011, ai ai cũng nói đến sự suy bại của Hoa Kỳ trước sức lớn mạnh của Trung Quốc, năm nay đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới sau nước Mỹ. Trung Quốc lại là một xứ độc tài độc đảng nên không có hiện tượng dân chủ bát nháo như Hoa Kỳ. Với sức mạnh kinh tế và chủ trương bành trướng ảnh hưởng ra mọi nơi, mô hình Bắc Kinh được một số trí thức Mỹ, thiên tả dĩ nhiên, coi là gương mẫu!
Sự thật lại không hẳn như vậy.
Ba mươi năm sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế, chiến lược phát triển của xứ này đã đi hết giới hạn của nó. Năm tới, những khó khăn kinh tế của thế giới - và trong ba khối dẫn đầu là Âu, Mỹ, Nhật - sẽ không giúp ích gì cho lãnh đạo Bắc Kinh. Nôm na là sẽ không ngốn hàng hóa Trung Quốc như trước đây. Nhưng đấy mới chỉ là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn là lãnh đạo Bắc Kinh bị áp suất rất nặng ở bên trong.
Làm sao kéo mấy trăm triệu dân ra khỏi tình trạng cùng khốn khi đa số người dân lại bất mãn về mức sống suy sụp vì lạm phát, nạn tham nhũng gia tăng và bất công mở rộng trong xã hội? Từ Tháng 10 năm ngoái, đảng Cộng sản Trung Quốc đã biết và ra nghị quyết chuyển hướng để giảm dần sự lệ thuộc vào xuất cảng khi chiến lược hướng ngoại đã hết công hiệu và thu vét tài nguyên cho dân nghèo có thể dễ thở hơn một chút.
Nhưng từ nghị quyết Tháng 10 năm ngoái đến kế hoạch Tháng Ba năm nay của Quốc hội và trong suốt năm, họ không thể chuyển hướng được vì bị bó trong một vành ba góc: lạm phát, bong bóng đầu tư và nạn suy trầm sản xuất. Ở trên là cái vung của môi trường đang đậy xuống cả nước: nạn ô nhiễm môi sinh và lão hóa dân số khiến lãnh đạo càng khó xoay trở.
Muốn khai thông vấn đề cho dài hạn thì lại bị thực tế trước mắt khép cửa vào mặt. Mà làm sao chuyển hướng kinh tế trong cái trớn của việc chuyển quyền thừa kế chính trị? Năm tới, đảng sẽ có Đại hội 18 và những nhân vật sáng giá nhất đều nhắm vào vị trí sắp tới của mình trong Thường vụ Bộ Chính trị. Y như hiện tượng Hoa Kỳ, lãnh đạo Trung Quốc bị kẹt trong chính trị nên khó tìm ra giải pháp kinh tế và xã hội. Nhưng khác với Hoa Kỳ, xứ này không có dân chủ nên dân chúng xoay trở kiểu khác. Họ nổi loạn!
Biểu tình, rồi khiếu kiện tập thể không xong thì có người bạo động, hoặc tự thiêu để phản đối. Ôn Châu vào giữa năm và Ô Khảm vào cuối năm là hai điển hình của bạo động tự phát. Ở giữa là những vụ xung đột với "thành quản", cảnh sát và công an vũ trang....
Thế giới bên ngoài thường nói đến mối nguy của Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh nương theo đó mà xoa dịu nỗi bất mãn của người dân. Trong thâm tâm, họ đã tìm thấy kẻ thù. Không phải là Mỹ, Nhật, Ấn, Phi, Úc, v.v... hay Nam Hàn với chuyện đổi ngôi của Bắc Hàn bên bờ vực. Kẻ thù ấy chính là nội loạn ở bên trong.
Vì vậy, trong năm tới, chúng ta nghiệm xem xứ nào sẽ sớm bừng tỉnh. Chuyện ấy cũng là giải đáp cho câu hỏi then chốt rất gần gũi với Việt Nam: nền dân chủ và ách độc tài, cái gì có hy vọng giải quyết được khủng hoảng?
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-44_4-185349_5-15_6-1_17-360_14-2_15-2_10-2505_12-1/
No comments:
Post a Comment