Tuesday, December 20, 2011

Phải nghĩ gì về sự cô thế của đối lập Việt Nam trước quốc tế ? (*)



Nguyễn Ngọc Tấn (Philippines)“...Các anh không quan tâm tới bối cảnh quốc tế dành cho cộng sản, nhưng điều đó giải thích cuộc đấu tranh cho dân chủ của chúng ta sẽ có thể thắng lợi hay không?...”

        Thành thật cảm ơn ban biên tập đã phúc đáp ý kiến của tôi trong mục "Thư độc giả" ở số báo Thông Luận số 259 ra tháng 06-2011 vừa rồi. Nhưng tôi vẫn chưa thấy thỏa đáng qua phúc đáp của Tập Hợp.
        Tôi thật không hiểu nổi cách nghĩ của các anh, chẳng hề quan tâm đến bối cảnh quốc tế dành cho cộng sản trong khi đó chính là nguyên nhân làm cho không thể sụp đổ được chế độ cộng sản. Sức ép quốc tế là điều tối cần để một chế độ độc tài hoặc phải cáo chung, hoặc phải đi buớc thụt lùi là nhượng bộ. Không có có sức ép này mà ngược lại chỉ có toàn đối xử quốc tế tốt (như thừa nhận pháp lý, trải chiếu hoa về bang giao và giúp đỡ về mọi mặt) thì hẳn nhiên chế độ độc tài càng vững chắc gốc rễ thêm và xác suất về sự sụp đổ chỉ có thể là 0,1%!
Bức tranh này hiện đang là một thực tế trên thế giới ngày nay. Tôi luôn luôn nghĩ mãi điều thực tế này: làm thế nào một chế độ toàn trị có thể sụp đổ được khi trong nước sự đàn áp thô bạo vẫn tiếp tục gia tăng không mức dừng và trên trường quốc tế lại được sự tưởng thưởng và dành cho mọi thuận lợi của cộng đồng thế giới?
Tôi cũng luôn luôn nghĩ điều này: trách nhiệm nặng nề của Mỹ và Liên Hiệp Quốc khi chính chính sách của họ là nguyên nhân làm cho vững chắc chế độ cộng sản cuối mùa này. Điều đã quá hiển nhiên trên thế giới : Liên Hiệp Quốc và Mỹ chỉ làm những gì cho cộng sản chứ không làm những gì để có dân chủ cho Việt Nam nói riêng và cho các nước cộng sản còn sót lại nói chung. Họ chỉ ưu ái đối với cộng sản chứ không ưu ái cho sự phát sinh dân chủ tại các nước này. Đây rõ ràng là một nghịch lý trong chính sách đối ngoại của họ.
Một thực tế này nữa mà không ai khám phá ra: những người lãnh đạo các cơ chế dân chủ hiện nay trên thế giới như các tổng thống, thủ tướng của các nước dân chủ, hoặc các giới chức cao cấp tại Liên Hiệp Quốc, tất cả chỉ là những người sinh hoạt trong các cơ chế dân chủ đã có sẵn chứ không phải là những người có chảy trong hồn về sự tinh túy của lý tưởng tự do. Họ sinh hoạt trong các cơ chế dân chủ ấy một cách không hồn. Thành ra họ thản nhiên làm một việc đáng nguyền rủa: dùng những cơ chế dân chủ do họ lãnh đạo để tạo lợi cho cộng sản. Nếu một người có lý tưởng tự do chảy trong hồn thử hỏi có ai hành động như các giới chức Mỹ và Liên Hiệp Quốc hay không? Đúng là những kẻ hoàn toàn không hồn. Nhưng những kè không hồn ấy lại đang xâm phạm vào lịch sử Việt Nam, và làm cho méo mó lịch sử này bằng những chính sách tạo lợi cho chế độ cộng sản.
Các anh không quan tâm tới bối cảnh quốc tế dành cho cộng sản, nhưng điều đó giải thích cuộc đấu tranh cho dân chủ của chúng ta sẽ có thể thắng lợi hay không? Đó quả là một yếu tố rất lớn và quan trọng, tôi thật không hiểu tại sao các anh lại coi nhẹ nó. Làm sao các anh có thể coi nhẹ hiệu năng của những chính sách của Liên Hiệp Quốc và của Mỹ, hai thế lực quyết định trật tự của thế giới? Nói như thế không có nghĩa là tôi ngưởng vọng và tôn sùng họ, ngược lại tôi rất khinh chê và đánh giá thấp về cái ý thức chính trị của họ, cái ý thức chính trị mà tôi cho là vô cùng dại trước cộng sản và cộng sản biết rõ hơn ai hết về điều này.
Chinh sách của Liên Hiệp Quốc và Mỹ đối với cộng sản không thể được định nghĩa bằng một tĩnh từ nào khác hơn là ngoài chữ "dại". Chồng khít lên chữ dại, người ta thấy phảng phất có bóng dáng của chữ "sợ", hay "kiêng nể". Sợ và kiêng nể đến nỗi không dám đặt vấn đề công lý trước cộng sản. Thử tự đặt câu hỏi : Trung Cộng, Cuba và Việt Nam có coi Liên Hiệp Quốc và Mỹ ra gì không?
Mặc dầu những sự trạng đó, vẫn không thể phủ nhận vai trò quyết định trật tự thế giới của họ. Quyết định trên căn bản nể sợ cộng sản. Cụ thể cái trật tự thế giới mà Mỹ và Liên Hiệp Quốc quyết định kiến tạo ngày nay là một thế giới dân chủ với ngoại lệ dành cho các nước cộng sản còn sót lại, nghĩa là vẫn tiếp tục chấp nhận sự hiện diện chế độ toàn trị tại các nước này trong đại gia đình thân ái của thế giới dân chủ, dưới bóng cờ của Liên Hiệp Quốc.
Bức tranh da beo này chỉ những cái đầu thiên tài về chính trị mới nghĩ ra được. Các anh nghĩ thế nào về cái trật tự thế giới này? Nó là một thực tế đang có và còn tiếp tục hiện diện trong một tương lai dài sắp tới. Chúng ta không thể bẻ cong được cái thực tế này đâu.
Sau hết, tưởng cũng cần minh định để tránh một hiểu lầm nhỏ có thể có của các anh về tôi. Tôi không có tinh thần vọng ngoại và trông chờ ngoại bang can thiệp vào Việt Nam, nhưng đó là với một bối cảnh quốc tế hợp lý. Nay rõ ràng là ngoại bang đã dành mọi hỗ trợ cho cộng sản Việt Nam, chúng ta phải nghĩ gì về sự cô thế của chúng ta trước quốc tế? Cộng sản có cả cái thế giới tự do của chúng ta, trong khi chính chúng ta lại không có. Đó là vấn đề nhức đầu nhất cho những ai có lưu tâm về vấn đề chính trị đất nước. Mong được các anh phúc đáp cho một lần nữa, chứ tôi vẫn thấy quá ngao ngán trước tình hình này. Ước mong những bất đồng quan điểm giữa chúng ta (bất đồng về các vấn đề chiến lược chứ không phải bất đồng về giấc mơ Việt Nam) không làm mất đi sự quý mến giữa chúng ta.
Tôi vẫn vô cùng quýmến các anh, bởi vì chúng ta cùng chung một giấc mơ Việt Nam, cùng chung một hoài bảo chính trị trong sáng cho đất nước.
Nguyễn Ngọc Tấn (Philippines)
Anh Nguyễn Ngọc Tấn quí mến,
Trước hết xin thay mặt ban biên tập cảm ơn anh đã chia sẻ với chúng tôi và độc giả Thông Luận những băn khoăn rất chân tình và có cơ sở của anh. Xin bảo đảm với anh một điều: dù có khác biệt ý kiến đến đâu đi nữa chúng ta vẫn là anh em bởi vì chúng ta là một thiểu số rất ít ỏi còn thao thức với vận mệnh đất nước. Như anh Nguyễn Gia Kiểng vừa nói tại Bruxelles và nhắc lại trong bài báo đăng trong số trước : "Chúng ta là ý chí và tình cảm còn lại của dân tộc. Trong cuộc phấn đấu này chúng ta đều là chí hữu và anh em".
Sau đó xin được thưa với anh là chúng tôi không hề đánh giá thấp tầm quan trọng của bối cảnh quốc tế. Tuy nhiên mọi nghiên cứu và kinh nghiệm lịch sử đều cho thấy là các yếu tố nội tại vẫn quan trọng hơn. Cuộc cách mạng Ả Râp vừa cho chúng ta một chứng nghiệm: cả hai chế độ Ben Ali tại Tunisia và Mubarak tại Ai Cập đều là những chế độ được Mỹ và Châu Âu tận tình yểm trợ và cũng không chịu bất cứ áp lực nào từ Liên Hiệp Quốc hay một nước nào, dù vậy chúng đã sụp đổ nhanh chóng do sự phấn đấu của nhân dân trong nước. Chính tình hình trong nước đã buộc Mỹ và Châu Âu thay đổi thái độ chứ không phải điều ngược lại. Chúng tôi không coi thường ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế, trái lại chúng tôi đánh giá cao nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng cố gắng của chính chúng ta còn quan trọng hơn nhiều.
Hơn nữa áp lực quốc tế là điều mà chúng ta không chủ động được. Các quốc gia hành động vì quyền lợi của họ. Trong trường hợp thuận lợi nhất, họ tôn trọng hoặc không quá coi thường các giá trị dân chủ và nhân quyền là đã may mắn cho chúng ta rồi. Chúng tôi dành cho cố gắng kết hợp anh em dân chủ Việt Nam và động viên đồng bào Việt Nam một ưu tiên lớn hơn là cố gắng vận động áp lực quốc tế mà kinh nghiệm cho thấy là kết quả tùy thuộc khá nhiều ở những yếu tố chúng ta không kiểm soát được.
Sau cùng xin hoàn toàn chia sẻ với anh sự bực bội về thái độ của Hoa Kỳ, các nước dân chủ và Liên Hiệp Quốc đối với các chế độ độc tài nói chung và chế độ cộng sản Việt Nam nói riêng. Thông Luận có lẽ là tờ báo Việt Nam duy nhất không ngừng lên án chủ nghĩa thực tiễn đã ngự trị trong hai thập niên qua trong chính sách đối ngoại của các nước phương Tây, nhất là Hoa Kỳ. Anh Tấn cũng có thể đọc một bài như vậy ngay trong số Thông Luận này. Tin mừng là thế giới ngày càng nhận ra là chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản.
Xin gửi anh Tấn lời chào chí hữu và anh em.
Nguyễn Văn Huy
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.

ethongluan.org

No comments:

Post a Comment