Tuesday, December 20, 2011

Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc



Đoàn Xuân Lộc  - Năm 2012, bốn trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc – là Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc – sẽ có các cuộc ‘bầu cử’ quan trọng. Nhưng có thể nói cuộc ‘bầu cử’ chọn lãnh đạo mới ở Trung Quốc được giới quan sát và truyền thông quan tâm nhiều nhất.

Việc ai là lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc
sẽ có tác động lớn đến thế giới
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc – dự tính sẽ diễn ra vào mùa Thu năm tới – sẽ chính thức quyết định ai là người thay thế ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo trong vai trò Tổng bí thư/Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc trong 5 hay 10 năm tới đây.
Ngoài ra, với việc từ nhiệm của ông Hồ, ông Ôn và năm người khác vào dịp đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, bảy trong chín ủy viên thường vụ của Bộ chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất của đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc – cũng được bầu chọn trong đại hội này.

Với vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, lập trường và đường lối của giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ quyết định hướng đi của quốc gia 1.3 tỷ người này mà còn tác động đến kinh tế và an ninh chung của thế giới.
Tập Cận Bình
Người được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là ông Tập Cận Bình vì dù ‘bầu cử’ chưa chính thức diễn ra giới quan sát đều chắc chắn rằng ông sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước sau kỳ đại hội.
Sinh năm 1953, ông là con trai của Tập Trọng Huân – người đã từng tham gia Vạn lý Trường Chinh cùng Mao Trạch Đông, sau đó được giữ chức Phó Thủ tướng và được coi là một trong những công thần của chế độ. Dù bị thanh trừng trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa, ông được Đặng Tiểu Bình khôi phục, trọng dụng và đóng một vai trò quan trọng trong việc cải cách kinh tế Trung Quốc vào những năm 1980, giúp nước này đạt những thành quả kinh tế vượt bực.
Cũng vì mang ‘dòng máu cách mạng’, ông Tập Cận Bình thường được nhắc đến như là một ‘thái tử đảng’ và sự nghiệp chính trị của ông cũng tương đối dễ dàng. Ông đã từng được giao những chức vụ quan trọng khác nhau ở cấp địa phương, trong đó có Bí thư thành phố Thượng Hải.
Nhưng tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến nhiều kể từ khi ông được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2007. Tháng Ba năm 2008, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Và một năm sau, tạp chí Time đã chọn ông là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới và tin rằng ông sẽ giữ chức chủ tịch nước vào năm 2012. 
Mọi đồn đoán về vai trò lãnh đạo của ông dường như đã trở thành hiện thực khi ông Tập được trao chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương tháng 10 năm 2010 vì theo truyền thống bầu chọn lãnh đạo của Trung Quốc, nếu ai được giao giữ chiếc ghế đầy quyền lực đó, chắc chắn người ấy sẽ trở thành lãnh đạo tương lai của nước này.
Tuy vậy, mặc dù được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, ít ai biết rõ lập trường chính trị của ông. Như một bài viết của Geoff Dyer trên The Financial Times ngày 04/03/2011 nhận định, vì tránh đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi, ông Tập ít khi bày tỏ chính kiến. Đó cũng là lý do người ta khó nắm bắt được quan điểm của ông.


Nhưng dựa trên thân thế và sự nghiệp của ông Tập, bài viết này đưa ra hai giả thiết về đường lối lãnh đạo trong tương lai của ông. Thứ nhất, nếu thừa kế được lập trường của cha mình, ông Tập sẽ có đường lối cởi mở vì cha ông là một người có tư tưởng cải cách và là người đã từng công khai phản đối cuộc đàn áp ở Thiên An Môn năm 1989.
Giả thiết thứ hai cho rằng ông sẽ là một người bảo thủ vì ngay từ bước đầu trong sự nghiệp chính trị của mình, ông đã quyết định theo sát đường lối, lập trường chính thống của đảng và chính con đường này đã giúp ông thăng tiến trên bậc thang quyền lực. Hơn nữa, khi thời điểm lên ngôi của mình đang đến, ông tìm cách gia tăng sự ủng hộ từ những thành phần thuộc các gia đình cách mạng và quân đội – hai lực lượng luôn muốn duy trì hiện trạng, không chấp nhận thay đổi.
Cũng theo Geoff Dyer, vì có quan hệ thân thiết với quân đội, ông Tập có thể dễ dàng tác động lên lực lượng này và cũng vì có mối liên hệ gần gũi như vậy, có thể ông có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa.
Trong bài viết của mình được đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ hôm 28/09/2011, Bruce Gilley cũng cho rằng ông Tập có lập trường cứng rắn cả về đối nội và đối ngoại, và có những dấu hiệu cho thấy ông theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong chính sách ngoại giao. Một ví dụ được Bruce Gilley đưa ra để chứng minh thái độ cứng rắn của ông là việc ông công khai chỉ trích lại những ai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến thăm Mexico của ông năm 2009.
Lý Khắc Cường
Nhân vật thứ hai được nhắc đến nhiều là Lý Khắc Cường, sinh năm 1955, hiện là phó Thủ tướng và là người dường như chắc chắn sẽ thay thế ông Ôn Gia Bảo giữ chức Thủ tướng. Cũng giống như ông Tập, ông Lý được bầu vào thượng vụ Bộ chính trị năm 2007.
Ông Lý Khắc Cường hiện là phó thủ tướng
Nhưng trái ngược với ông Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường không phải là diện ‘con cha cháu ông’. Giống như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, ông đi lên từ phong trào thanh niên cộng sản. Đó cũng là lý do tại sao giới quan sát cho rằng ông được hai người này bảo vệ, nâng đỡ. 
Là một sinh viên luật tại Đại học Bắc Kinh – ông thi vào đại học năm 1977, sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa – và có bằng tiến sỹ kinh tế, ông được coi là một trí thức, có đầu óc cải cách. Một bài viết của Chris Buckley, Reuters từ Bắc Kinh hôm 28/10/2011 cho hay trong số những bạn bè học đại học với ông nhiều người cổ võ cho dân chủ và sau này trở thành những nhà bất đồng chính kiến chống lại chính phủ.
Những bạn bè ông được trích dẫn nói rằng khi nói chuyện ông cũng không có đề cập đến những khẩu hiệu của Mao Trạch Động. Trái lại, ông rất mê học tiếng Anh. Và theo bài viết này, so với lớp lãnh đạo trước như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, thông thạo tiếng Anh cũng là một lợi thế của thế hệ lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc.
Trước đại hội 17 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007, ông thường được coi là ứng viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất. Nhưng theo một bài viết của Malcolm Moore trên The Guardian hôm 11/01/2011, vì cho rằng ông có lập trường tự do, cởi mở nhiều thành phần bảo thủ trong đảng đã quay sang ủng hộ đối thủ của ông là Tập Cận Bình.
Nhân vật khác
Hai nhân vật khác cũng được nhắc nhiều là Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh và Uông Dương, Bí thư Quảng Đông. Họ được coi là hai ứng viên nặng ký trong khoảng 14 ứng viên khác cho bảy chiếc ghế còn trống tại Thường vụ Bộ chính trị.
Thân thế của ông Bạc Hy Lai, sinh năm 1949, cũng giống như Tập Cận Bình. Ông là con trai của Bạc Nhất Ba – một công thần chế độ, bị trù dập trong thời Cách mạng Văn hóa, nhưng sau đó được Đặng Tiểu Bình phục hồi và đóng vai trò quan trọng việc cải cách, mở cửa của Trung Quốc. Vì vậy, ông Bạc Hy Lai cũng gần gũi với Tập Cận Bình, một thái tử đảng khác.
Còn con đường sự nghiệp của ông Uông Dương, sinh năm 1955, lại giống con đường của ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Lý Khắc Cường – lớn lên từ phong trào đoàn.
Theo một bài viết trên Asia Times hôm 22/07/2011, hai nhân vật này không chỉ có thân thế trái ngược nhau mà quan điểm chính trị cũng rất khác nhau.
Ông Bạc chủ trương quay lưng lại với các chính sách kinh tế thị trường và theo đuổi chủ nghĩa quân bình của thời Mao Trạch Đông, giới hạn khoảng cách giàu nghèo. Ngoài ra ông cũng khuyến khích hát những ca khúc nhạc đỏ yêu nước, học thuộc lòng những tác phẩm của Mác-xít và Mao-ít nhằm khôi phục lại những giá trị, tư tưởng thời Mao Trạch Đông.
"‘Mô hình Quảng Đông’ cổ võ tự do, ủng hộ kinh tế thị trường, giới hạn sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Trong khi đó ‘mô hình Trùng Khánh’ lại thiên về xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và những giá trị xã hội chủ nghĩa truyền thống."
Trái lại, ông Uông Dương chủ trương tiếp tục chính sách kinh tế thị trường và tiến hành thêm cải cách.
Một bài viết trên The Economist, số ra hôm 26/11/2011, và một bài viết của De La Grange đăng trên nhật báo Pháp, Le Figaro, hôm 14/10/2011, cũng đề cập đến hai nhân vật này và bình luận rằng họ đang theo đuổi hai mô hình phát triển khác nhau tại Trung Quốc. Hai bài báo này cũng cho rằng đây là hai khuynh hướng đối lập đang tranh giành ảnh hưởng hiện tại ở Trung Quốc.
‘Mô hình Quảng Đông’ cổ võ tự do, ủng hộ kinh tế thị trường, giới hạn sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Trong khi đó ‘mô hình Trùng Khánh’ lại thiên về xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và những giá trị xã hội chủ nghĩa truyền thống.
Bài viết của Asia Times cho rằng vì sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn tại Trung Quốc, xem ra quan điểm của ông Bạc Hy Lai đang được công chúng ủng hộ hơn. Bài viết này cũng cho rằng ngay trong đảng Cộng sản Trung Quốc, những cuộc đấu đá chính trị đang âm thầm diễn ra và không ai ngoài cuộc có thể đoán được quan điểm nào sẽ thắng thế trước đại hội 18 năm tới.
Chưa thay đổi
Đúng vậy, chưa ai có thể đoán được lập trường, đường lối của thế hệ lãnh đạo mới như thế nào hay khuynh hướng nào sẽ thắng thế vì như một bài viết của The Economist, trong số đặc biệt The World in 2012, nhận định, mãi tới khi ông Tập Cận Bình lên ngôi và yên vị trong chức vụ mới, không nên đoán trước ông sẽ làm gì trong tư cách lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Theo bài viết này, trong năm tới cũng sẽ không có gì mới trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Thậm chí có ít đổi mới về chính trị dù giới trí thức, nhà báo và một số đảng viên đòi hỏi có thêm cải cách trong lĩnh vực này từ. Trái lại, có thể chính quyền Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn hơn với những giới bất đồng để bảo đảm rằng không ai có thể làm rung chuyển hệ thống trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Vì vậy, dù nóng lòng muốn xem lập trường, đường lối cụ thể về đối nội đối ngoại của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc như thế nào, các nhà chiến lược, giới quan sát, phân tích vẫn phải chờ đợi.
Chẳng hạn, dù quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trong thời gian vừa qua có nhiều sóng gió, đặc biệt liên quan đến tranh chấp Biển Đông, dư luận chung đều cho rằng chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam và Thái Lan lần này cũng không mang đến những thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Đoàn Xuân Lộc 
Gửi cho BBC từ Global Policy Institute, London

No comments:

Post a Comment