Nhất Phương - Chuyện bầu cử quốc hội ở nước Nga lạnh giá thật chẳng liên quan gì đến tôi. Việc cả năm trước khi bầu cử người ta đã biết chắc chắn ông cựu sỹ quan KGB Putin sẽ làm tổng thống Nga chẳng làm ai ngạc nhiên. Chỉ tiếc là vào thế kỷ 21 rồi mà thế giới vẫn có những cuộc bầu cử mà chưa bầu đã biết ai trúng. Thật phí công người đi bỏ phiếu.
Nhưng có một điều khiến tôi không không khỏi suy nghĩ. Đó là cách đưa tin của báo chí truyền thông Việt Nam, cách mà ông bà ta gọi là kiểu “cười thuê, khóc mướn”.
Đã từ lâu, tôi hầu như chỉ mở xem VTV khi có tin thời tiết hay có dịch cúm gà, hay thực phẩm độc, … nhưng khi có sự kiện quốc tế nào đó tôi thử xem VTV nói thế nào. Tôi thấy cách đưa tin vẫn là của thời chỉ được nghe bằng một tai, không khá hơn thời “chỉ có tút-tút[1] là đúng” là mấy, vì thực chất VTV vẫn chỉ là công cụ thôi.
Người xem trong nước chẳng lạ gì với cái cách đưa những phát biểu một chiều của một vài người Nga trên VTV về chuyện biểu tình.
TTXVN thì đưa tin như chúc mừng “thắng lợi” của Putin.
Chỉ đến khi chính quyền Nga phải lùi bước trước hàng chục nghìn người dân biểu tình và hứa điều tra gian lận, TV Nga buộc phải đưa tin thì truyền thông Việt Nam mới thôi nhảy lên nhảy xuống.
Đạo đức và danh dự của truyền thông: trung thực và công bằng
Tiêu chí đạo đức đầu tiên để báo chí được người đọc tôn trọng là phải đưa tin trung thực và công bằng, đặc biệt trong thời đại thông tin không còn là độc quyền của ai, thứ hai là việc gì chúng ta cứ phải cười thuê khóc mướn cho người khác trong khi nhà mình còn bao quốc nạn phải lo và dân cần biết?
Chỉ cần lướt qua các báo quốc tế và chính báo Nga, ta thấy “hàng chục nghìn người biểu tình”, … Trong khi báo Thời báo Moscow (the Moscow Times), Mosnews, … cho con số “ít nhất 50.000 người biểu tình tại trung tâm Moscow” thì truyền thông Việt Nam lại nói “chỉ có vài trăm người”? Trong khi chính người Nga, người trong nhà nói một đường, thì người ngoài ngõ lại cố tìm cách nói một nẻo. Thời báo Moscow của Nga cho biết người trong cuộc đã tố cáo với bằng chứng rằng phe thân Putin và đảng Nước Nga Đoàn kết (UR) đã “nhét đầy phiếu vào thùng”, “ít nhất 25% phiếu giả”, …
Mặc dù gian lận như vậy, UR vẫn chỉ thu được 49%. Và vì cách làm gian lận đó, người Nga cho rằng đây sẽ là kỳ bầu cử cuối cùng cho Putin, người bị dân Nga so sánh với các ông Chavez, Gaddafi, Mubarak, … Chuyện kéo bè cánh để thâu tóm quyền lực và tài sản quốc gia đã được các báo và chính người Nga bàn rồi.
Thêm vào đó, ông Gorbachev, người muốn cải tổ Liên Xô nhưng không thành, cũng kêu gọi đòi tổ chức lại bầu cử.
Còn ông Kasyanov, cựu Thủ tướng Nga nói có 60.000, có thể là 100.000 người tập trung tại Quảng trường Bolotnaya đối diện với Kremlin. Trong diễn văn tại Quảng trường, ông nói “Đây là điểm bắt đầu của sự kết thúc đối với những kẻ cầm quyền trộm cắp”.
Sự tham quyền cố vị ở ông Putin đã quá rõ. Tham quyền cố vị ắt sẽ dẫn đến độc tài, độc tài ắt làm tăng tham nhũng. Dưới chính quyền Putin, nước Nga càng ngày càng chìm sâu vào tham nhũng. Năm 2011, Nga xếp thứ 143 (đồng hạng với Uganda, Nigeria, … của châu Phi) trong số 182 quốc gia do Transparency International xếp hạng. Đội sổ là Bắc Triều Tiên đứng 182.
Nói “bị nước ngoài xúi giục” là coi thường người Nga
Thời báo Moscow trong bài Xã luận số ra 10 /12/ 2011 của mình cho rằng: “Đây là điều mới mẻ, … hàng nghìn thanh niên thanh niên, có người chưa bao giờ đi biểu tình nay cũng bày tỏ sự giận dữ đối với cuộc bầu cử gian dối”
Lilia Shevtsova của Thời báo Moscow (12 /12/ 2011) viết: “Hệ lụy của cuộc bầu cử mất uy tín Duma quốc gia báo hiệu sự thay đổi cơ bản đang diễn ra trên đất nước này. Xã hội đã thức tỉnh và đang biểu thị sự thất vọng đối với nhà cầm quyền cố cố bám víu vào quyền lực. “Khế ước Putin” – một hợp đồng mà cử tri phải nhượng bộ một chế độ tham nhũng để đổi lấy sự ổn định – đang tan vỡ. Những thành tố năng động nhất của xã hội – giới thông thạo Internet, thanh niên Nga có học thức, giới trí thức, tầng lớp trung lưu và công dân các đô thj lớn – đã bước lên phía trước. Bằng lá phiếu chống lại đảng Nước Nga Đoàn kết (UR), họ đã sử dụng phương pháp hòa bình dân chủ để chống lại Putin và chính phủ của ông ta.”
Le Monde của Pháp thì cho biết: “Có ít nhất 50 ngàn người đã tụ tập về quảng trường Bolotnaia, bên bờ sông Moskva, đối diện với điện Kremlin. Bất kể là ủng hộ đảng phái nào, người biểu tình cùng hô chung một khẩu hiệu ‘Putin hãy cút đi’, ‘Hãy chấm dứt lừa dối’ hay ‘Putin là kẻ cắp’. Một nghịch lý là số người trẻ xuống đường biểu tình đòi hỏi bầu cử công bằng lại là những đại diện cho tầng lớp trung lưu, nằm trong độ tuổi 18 đến 35, tầng lớp xã hội mà Putin rất tự hào. Họ đã có việc làm, đi du lịch nhiều và biết nhiều ngôn ngữ. Điểm đặc biệt là những người này đều không ưa thích chính trị. Vậy mà lần này họ lại giận dữ xuống đường biểu tình là vì họ cho rằng lá phiếu của họ đã bị ‘đánh cắp’, rằng họ đã chán ngấy với những lời dối trá, với sự kiểm duyệt và thái độ vô liêm sỉ của tầng lớp lãnh đạo.”
Ai đó cho rằng hàng chục nghìn người Nga xuống đường biểu tình phản đối Putin là do “nước ngoài xúi giục” thực chất đã quá coi thường dân Nga vì biểu tình chống Putin nổ ra chỉ một ngày sau bầu cử khi chưa có ai ở nước ngoài “xúi giục”.
Nhưng rồi cuối cùng bạn đọc trong nước còn có chút an ủi khi một vài báo điện tử tổng hợp những tin tưc không thể bỏ qua liên quan đến nguyện vọng của người dân Nga.
Ơn cơm nặng áo dày?
Dụng ý và cách đưa tin về bầu cử và biểu tình ở Nga vừa qua của truyền thông VN thì chẳng có gì khó hiểu. Tuy nhiên, nó còn khiến ta liên tưởng đến cái thói quen “tư duy theo ý thức hệ” nhìn nước Nga qua cặp kính màu hồng vẫn chưa hết ở Việt Nam, khác hẳn với cách thức của các nước CS đông Âu cũ.
Hồi ông Putin thăm VN, có tờ báo của Nga còn bình là “người Việt yêu ông Putin và nước Nga của ông còn hơn cả người Nga”.
Ta có thể thông cảm được ở khía cạnh thiên vị cá nhân ở số người mang ơn cơm nặng áo dày với Nga, nhưng báo chí, phương tiện truyền thông là tiền của nhân dân, của chung, không thể biến nó thành phương tiện phục vụ cá nhân để tỏ lòng mình được, theo kiểu của người (dân) để phúc ta.
Tôi có những đồng nghiệp từng chịu ơn một cách hết sức cụ thể với nước Nga, từ cái bàn chải, cái nồi áp suất, … đến nhà cửa. Có người còn dám xưng xưng nói: “Chúng tôi là những người ăn cơm mặc áo nước Nga” mà quên rằng cha ông họ và bản thân họ được sinh ra và nuôi nấng trước hết bằng cơm Việt và áo Việt.
Còn về phương diện quan hệ giữa các quốc gia, nói một cách ngắn gọn quan hệ này là quan hệ có đi có lại, quan hệ sòng phẳng, chẳng ai cho không ai cái gì cả, đặc biệt trong hoàn cảnh thế giới phân cực như mấy chục năm qua.
Cứ đến ngày kỷ niệm CMT10 Nga, mà sách lịch sử Nga giờ đã gọi bằng cái tên khác (chắc các sử gia đề biết), hệ thống truyền thông Việt Nam lại tìm đủ cách để “kỷ niệm”. Năm thì họ cho lên “Chiếc nón kì diệu”, năm thì họ tổ chức “Thày trò Xô-Việt”, năm thì kỷ niệm …, đến cả cầu truyền hình vô cùng tốn kém tiền dân, … trong khi chính tại quê hương của CMT10, người Nga lại không làm như thế.
Chỉ một hai năm gì đó khi các sinh viên vô tội Vũ Anh Tuấn, … và Tăng Quôc Bình bị sát hại một cách dã man tại Nga – mà mỉa mai thay luật pháp Nga còn định tha bổng kẻ giết người nếu không có sức ép của sinh viên quốc tế khác – là VTV không tổ chức rầm rộ. Các vị nghĩ gì đến oan hồn các em sinh viên vô tội bị sát hại một cách dã man kia không? Có người còn đọc mồm “thông cảm” với kẻ giết người chứ không xót thương đồng bào mình, nói “Họ giết là phải vì mình sang làm họ mất việc”.
Trong quan hệ ngoại giao, khi có “thày trò Xô-Việt”, sao không có “thày trò Đức-Việt”, “thày trò Ru -Việt”, … hay thậm chí “thày trò Mỹ-Việt”, “thày trò Pháp-Việt”, “thày trò Anh-Việt” … Ta đừng quên rằng nhiều thày thuốc giỏi cứu người dân Việt đã học ở những nước này đấy. … Chẳng lẽ những nước này không phải những quốc gia đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam sao? Chỉ có Xô đáng là thày? Ngoại giao đa phương là như thế chăng?
Có lẽ khi chọn “thày Xô”, VTV chắc chỉ tính đến ông thày CMT10? Vì nếu nói đến thày trong các lĩnh vực khác thì phải kể cả các thày như trên.
Có người ví von “báo chí, truyền thông của VN có cha là Nga và mẹ là Trung Quốc”. Chả biết có đúng không?
Nhân chuyện thày trò “thày trò Xô-Việt”, tôi có dịp tâm sự với ông giáo người Anh đang giảng dạy tại một trường ĐH ở Hà Nội và ướm hỏi sao ta không làm “thày trò Anh-Việt” nhỉ? Ông nhún vai: “Anh đã đọc Vanity Fair. Người phương Tây nói chung không thích phù phiếm lắm. Cách biết ơn tốt nhất là hãy làm tốt công việc của mình với những gì mà bạn đã học ở Anh.” Rồi ông thêm: “Vả lại chắc anh không muốn bị triệu tập để uống trà đường?”
Có lẽ ông nói đúng, những người đi học ở các nước phương Tây, hay thậm chí ở các nước Đông Âu khác, không thấy xuýt xoa hay rưng rưng giống như một số người đi học ở Nga về.
Anh bạn đồng nghiệp của tôi, cũng học ở Nga về, lý giải đó là sự giao thoa tần số của tâm lý nông dân Nga-Việt và kể đã chứng kiến người Việt sang bổ túc tiếng Nga chỉ vài tháng thời bao cấp mà trước khi về nước đã ôm cây bạch dương khóc “như cha chết” (nguyên văn lời anh). Anh giải thích thêm: “Dễ hiểu thôi, Ivan là ‘ấn tượng đầu tiên’ khi cô du kích Việt Nam bước ra khỏi lũy tre làng sau thời Pháp thuộc mà. Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng rất mạnh, phải không?”
Hội chứng “nước Nga nhân hậu”
Hễ cứ nói đến người Nga là một số người dứt khoát lại gắn cho cái tính từ “nhân hậu”. Khi được hỏi họ nhân hậu thế nào, một người rưng rưng kể: “Khi tôi hỏi đường ở Yieckut, một bà còn vẽ ra giấy chỉ cho tôi.” Hành vi đó là rất bình thường ở mọi quốc gia khác, chẳng đến nỗi phải xúyt xoa. Ở nước Việt quê nhà có người còn tận tình hơn thế. Ở nơi khác cũng vậy. Có lần tôi hỏi đường ở Úc, người được hỏi còn mời tôi lên xe và đưa đến tận nơi. Tôi cảm ơn là đủ, vì trong hoàn cảnh tương tự tôi cũng làm như thế, đâu đến nỗi phải rưng rưng.
Có người Việt thậm chí chẳng biết gì về Nga nhưng cứ mỗi khi nói đến Nga là lại đeo cho mình cặp kính màu hồng. Được hỏi sao anh, chị biết người Nga “nhân hậu”? Câu trả lời nói chung là “Tôi thấy người ta bảo thế!” Vậy đó.
Âu đó cũng là sản phẩm của ca ngợi một chiều lâu nay.
Không ai có quyền cấm ai yêu ai, nhưng không nên uốn hay bắt người khác yêu cái mình yêu.
Có người bảo tôi rằng một số người mình thích Putin vì ông ta là KGB rất cơ bắp, là công an?
Người bảo họ bênh vực Nga là để họ bênh vực, bảo vệ danh và lợi cá nhân họ.
Người lại bảo “Chim cùng loại lông”?
Người thì bảo đó là thói quen tư duy theo ý thức hệ?
Có thể là tất cả những thứ trên!
Từ trong thâm tâm, tôi thấy thật vô cùng ngại khi nói ra chuyện này vì nó đụng chạm cả đến những người là bạn tôi, từng đi học, buôn bán hay “đi bộ đội” ở Nga. Nhưng tôi tin các bạn tôi đều hiểu được rằng họ vẫn là người máu đỏ da vàng, lớn lên và “ăn cơm mặc áo nước Việt”, biết cười với cái vui của người Việt và khóc với cái đau của người Việt.
Các bạn hãy tin rằng nhiều người nghĩ như tôi, chỉ khác là tôi nói ra còn các bạn khác thì ngại hơn mà thôi.
Nói thế ngại lắm chứ, nhưng có lẽ nói ra một lần để rồi thôi không nói nữa cũng tốt.
Theo tôi, không có người dở mà chỉ có cái dở trong con người.
Tác giả gửi cho Quê choa
[1] Tín hiệu báo giờ
http://quechoa.info/2011/12/21/d%E1%BA%BFn-bao-gi%E1%BB%9D-m%E1%BB%9Bi-thoi-c%C6%B0%E1%BB%9Di-thue/#more-19294
No comments:
Post a Comment