Sunday, December 4, 2011

Cấm Chiếu Hoàng Sa?


Trần Khải - Hoàng Sa... Hoàng Sa... Nghe như còn xưa hơn chuyện cổ tích Tấm Cám, vì tuổi trẻ ở VN không được học tử tế, học công khai, học đầy đủ về quần đảo Hoàng Sa, nơi có 120 đảo nhỏ và bãi cạn đã bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn từ cuộc hải chiến với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1974.
Câu hỏi để suy nghĩ: trong khi chính phủ Hà Nội muốn sửa đoạn kết chuyện Tấm Cám cho có vẻ nhân đaọ hơn, phần vì không muốn cho thấy hình ảnh Tấm Cám tương tàn (nghe như một thời nội chiến Nam và Bắc VN trước 1975), thì có ai cản được chính phủ Hà Nội sửa lại đoạn kết Hoàng Sa, một chuyện có vẻ còn xưa hơn  cổ tích đối với trẻ em VN?
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 11-2011, bất ngờ Trung Quốc công bố chương trình mở tuyến du lịch Hoàng Sa, nghĩa là mời du khách toàn cầu tới để vui chơi trên nơi một thời là đảo của dân tộc Việt Nam.
Có phải đó là đoạn kết có hậu với Bắc Kinh, nếu Hà Nội im lặng cho đoạn kết chuyện cổ tích này? Nhìn toàn cảnh, trước giờ chính phủ Hà Nội vẫn tìm cách ém các thông tin nhạy cảm về Hoàng Sa nói riêng, và Biển Đông nói chung. Chuyện có vẻ như kiểu Bắc Kinh tiên đoán rằng đàn em vẫn tuân thủ chỉ thị từ Công Hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký để công nhận chủ quyền các vùng biển do TQ áp đặt thời đó.
Nhưng may mắn, Việt Nam từ cuối năm 2007 đã có một cuộc biểu tình đầu tiên phát khởi tại Sài Gòn, do Điếu Cày và nhóm Nhà Báo Tự Do, lúc đó mặc áo đen, giăng biểu ngữ ra đứng ở tam cấp Nhà Hát Lớn Sài Gòn  để phản đối Trung Quốc thiết lập huyện đảo Tam Sa, trong đó bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.
Điếu Cày hiện còn ở tù, chưa được ra, dù đã mãn án, nhưng tiếng vang cuộc biểu tình này đã đánh thức giới trí thức, và là cảm hứng cho nhiều cuộc biểu tình khác trong năm 2011.
Bộ Ngoại Giao VN đã phản đối TQ vụ du lịch Hoàng Sa, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ngày 25-11-2011 đã nói trước Quốc Hội rằng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, và lúc đó, theo lời ông Dũng, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (cô Tấm nói về cô Cám? Hay cô Cám nói về cô Tấm?) đã kiện lên tận Liên Hiệp Quốc. 
Đó là lần đầu tiên Tấm Cám biết ơn nhau? 
Tại sao ông Dũng không nói rằng vào tháng 12-2007, nhân dân Việt Nam (nói trống không, nếu ông Dũng không muốn nhắc tới tên của anh Điếu Cày và các bạn nhà báo tự do) đã đứng biểu tình giữa Sài Gòn? 
Và tại sao ông Dũng không nói rằng liên tục 12 tuần lễ trong năm 2011, nhân dân VN (cứ nói trống không, nếu ông Dũng không muốn nhắc tới Lê Hiếu Đằng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Xuân Diện, Trịnh Kim Tiến, Phương Bích và vân vân) đã biểu tình để đòi chủ quyền Hoàng Sa?
Nhưng thôi, kể công VNCH như thế cũng là bước đi tiến bộ của ông Dũng, dù chúng ta chưa rõ có cạm bẫy nào trong lời nói này không.
Đài BBC khi tường thuật đã ghi lời Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, trích:
“Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay, một lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam công khai tuyên bố rành rẽ về vấn đề Hoàng Sa...
"Khác với Trường Sa, vốn được cho là khu vực tranh chấp, Hoàng Sa luôn được Trung Quốc coi là lãnh thổ của nước này một cách hiển nhiên và không bao giờ đặt Hoàng Sa vào trong nội dung các cuộc đàm phán."...”(hết trích)?
Dù vậy, trong khi công an vẫn còn cấm biểu tình (dù là về Hoàng Sa), các cơ quan truyền thông chính thống đã nương lời ông Nguyễn Tấn Dũng để nói tới Hoàng Sa, dù là còn dè dặt.
Thí dụ, lời kêu gọi hiếm hoi này đưa ra từ báo Tuổi Trẻ, qua bài viết hôm Thứ Ba 29-11-2011, có nhan đề  “Toàn dân góp sức đòi lại Hoàng Sa” của tác giả Giáp Văn Dương, trích:
“Đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình là một việc lớn và lâu dài. Có rất nhiều việc phải làm và điều chắc chắn là phải huy động lực lượng và cần có thời gian. Đây chắc chắn phải là sự nghiệp toàn dân.
Bước đầu tiên trong việc đòi lại Hoàng Sa là để cho toàn dân thấy được sự thật và tạo điều kiện cho người dân tham gia sự nghiệp này.
Muốn vậy, trước hết cần công khai hiện trạng Hoàng Sa đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm cho toàn dân biết. Và ngày 25-11-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc này tại Quốc hội.
Báo chí - truyền thông không chỉ tường thuật một lần mà phải nhắc đi nhắc lại thường xuyên liên tục, để vấn đề đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình đến được với mọi người dân, tạo cơ sở cho toàn dân góp sức.
Trên thực tế, ngay từ khi Hoàng Sa vẫn còn bị cho là “vấn đề nhạy cảm”, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng cần thực hiện chiến lược 3C: Công khai - Công luận - Công pháp đối với tranh chấp biển Đông.
Có thể diễn giải chiến lược 3C này sơ lược như sau: trước hết, cần công khai hiện trạng tranh chấp biển Đông nói chung và Hoàng Sa bị cưỡng chiếm nói riêng, đồng thời công khai lập trường của các bên, công khai các sự kiện nghiêm trọng xảy ra cho toàn dân biết.
Từ đó, sử dụng công luận, mà cụ thể là báo chí - truyền thông, nói cho toàn dân và nhân dân thế giới biết sự thật về tranh chấp biển Đông, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông...”(hết trích)
Như thế, công khai về Hoàng Sa, nghĩa là trước giờ chính phủ CSVN ém tin khá kỹ, may nhờ Internet mới lộ hàng ra hết. Đặc biệt trên trang báo Tuổi Trẻ đó còn có một thông tin cho thấy chính phủ không cách nào bịt miệng nổi, trích: “Theo ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa dày hơn 200 trang, gồm các phần: Hoàng Sa là của Việt Nam, Công tác quản lý nhà nước đối với huyện Hoàng Sa, Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử, Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Ngoài ra Kỷ yếu Hoàng Sa còn giới thiệu cho người đọc về vị trí địa lý, tầm quan trọng cùng những nội dung cơ bản của quá trình xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ trong lịch sử.
Điểm nổi trội của cuốn sách này là sự hiện diện của 24 nhân chứng sống từng có một thời làm việc tại Hoàng Sa trước năm 1974...”(hết trích)
Hóa ra, còn 24 nhân chứng sống về Hoàng Sa 1974. Nghĩa là những người của thời cổ tích VNCH.
Điều khó hiểu rằng, tại sao chính phủ cho in, cho xuất bản sách Kỷ Yếu Hoàng Sa này, với thông tin từ và về 24 nhân chứng thời 1974 ở Hoàng Sa? Có phaỉ là đã cởi mở, biết tôn trọng thôngt in cần để giữ nước, giữ biển? Trong khi đó, CSVN lại cấm chiếu phim về Hoàng Sa mới đây? 
Bản tin đài RFA ngày 2-12-2011 kể:
“Bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát” nói về cuộc sống của ngư dân huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu do ông André Menras-Hồ Cương Quyết hợp tác với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện năm 2011 đã bị cấm chiếu ra mắt vào đêm 29 tháng 11 tại quận Bình Thạnh vừa qua.
Theo lời ông André Menras Hồ Cương Quyết tác giả bộ phim kể lại thì vào lúc 17 giờ 30 tối hôm 29 tháng 11 ông cùng bạn bè cũng như anh em trong đoàn làm phim của hãng phim TFS dự định chiếu ra mắt cuốn phim Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát trong vòng thân hữu tại quán cà phê Ami thuộc khu du lịch Văn Thánh, Quận Bình Thạnh TPHCM.
Cấm chiếu bằng cách cắt điện
Tuy nhiên cuốn phim đã gặp phải sự cấm đoán của cơ quan an ninh và theo lời thuật lại của nhiều nhân chứng thì hàng rào chào đón cuốn phim do an ninh thiết lập từ bên ngoài đã rất dày dặc...”(hết trích)
Có thể thấy rằng, sách Kỷ Yếu Hoàng Sa cho in, vì đó là sách thực hiện bởi “Nhà xuất bản Thông Tin & Truyền Thông (Bộ Thông tin - truyền thông) đã họp với Hội đồng thẩm định trung ương do giáo sư Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.”
Còn phim “Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát” bị cấm chiếu, bởi vì không có bàn tay nhà nước nhào nắn, không chịu kể công Đảng CSVN -- ngắn gọn, “thiếu tính đảng.”
Ngắn gọn, nhân dân, đất nước không là cái gì hết. Sẽ bị bịt miệng cả nước. 
Chỉ có đảng trên hết, phải không, hỡi những người cấm chiếu bộ phim Hoàng Sa?

No comments:

Post a Comment