Friday, November 4, 2011

Vụ án trung tá công an đánh chết người giữa chốn công quyền: Phép thử công lý và đạo lý của CHXHCN Việt Nam?


Lê Diễn Đức (RFA) -Tôi rất xúc động khi nghe Trịnh KimTiến, cô con gái còn rất trẻ, xinh đẹp của người cha bất hạnh đã bị chết oan ức, thông báo rằng, vụ án về cái chết của cha mình được đưa ra xét xử vào ngày 17/11/2011, sau 8 tháng điều tra, với nhiều lần khiếu nại của gia đình và đòi hỏi của dư luận xã hội.
Tôi cho rằng, đây là một vụ án nghiêm trọng, mang tính điển hình, vì người gây ra án mạng có cấp bậc trung tá công an, và cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng, cha cô Kim Tiến, bộc lộ sự tha hoá tận cùng về đạo đức, trách nhiệm và trình độ tác nghiệp của cán bộ ngành công an Việt Nam.
Từ bài học về cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng, nếu công an Việt Nam không kịp thời thay đổi, nếu toà án Việt Nam tiếp tục thiếu nghiêm minh, nguy cơ bất mãn của quần chúng sẽ trở thành thái độ chống đối quyết liệt với lực lượng an ninh, trật tự của nhà nước Việt Nam là điều không tránh khỏi.
Bạo lực phổ biến, dồn dập
Việc cảnh sát sử dụng bạo lực ở quốc gia nào cũng có thể xảy ra, nhưng bản chất và bối cảnh dẫn đến hành động tội phạm ở Việt Nam rất đặc biệt.
Ở Việt Nam, hiện tượng công an bạo hành không còn đơn lẻ mà trở thành phổ biến, xảy ra liên tục trong những bối cảnh không cần thiết phải sử dụng bạo lực. Công an bộc lộ rất rõ thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp, lộng quyền, coi thường mạng sống của người dân. Nạn nhân đa phần là những người vô tội hoặc chỉ vi phạm quy định về trật tự xã hội ở mức xử phạt hành chính.
Ngày 6/1/2011, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã cảnh báo:
Hơn một năm nay, Human Rights Watch đã ghi nhận những trường hợp đáng lo ngại về cảnh sát Việt Nam dùng bạo lực. Chúng tôi thấy rằng việc này biểu hiện thêm rằng cảnh sát không bị kiểm soát. Việc này liên quan một phần đến việc chính phủ Việt Nam không bắt họ chịu trách nhiệm cho những hành động này, và vì họ đang nằm ngoài pháp luật” (…) “Hậu quả là hình như cảnh sát có thể làm gì họ muốn làm…”.
“Đây là một xu hướng thật đáng lo ngại bởi vì chúng tôi đã ghi nhận được rằng nhiều trường hợp cảnh sát bắt người rồi hành hạ trong lúc điều tra. Theo một bản báo cáo chúng tôi đã đưa ra hồi tháng 9, có khoảng 15 thường dân bị chết trong lúc bị cảnh sát tạm giữ điều tra trong 1 năm qua…”. [1]
Ngoài ra cần nhấn mạnh thêm rằng, những người khoác áo công an phạm tội thường được nhà nước bao che, trừng phạt không đúng với chuẩn mực, có ý đồ đánh tráo mức độ phạm tội qua khám nghiệm tử thi, lấy lời khai nhân chứng, kéo dài thời gian điều tra, cũng như trả lời bất nhất trước khiếu kiện của thân nhân và dư luận. [2]
Để chứng minh các nhận định trên, tôi sẽ không nói tới những vụ đàn áp thô bạo, gây thương tích nặng hoặc tử vong trong các vụ phản kháng của giáo dân ở Đồng Chiêm, Cồn Dầu, hay của các tu sĩ ở Chùa Bát Nhã, bị cho là “chống đối nhà nước”, mà chỉ đưa ra một số trong rất nhiều trường hợp cá nhân:
- Ngày 24/4/2010, anh Huỳnh Tấn Nam, sinh năm 1989, ngụ tại Nha Trang, chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, đã bị cảnh sát giao thông truy đuổi dẫn đến thương tích rất nặng. [3]
- Ngày 6/5/201, một nhóm cảnh sát giao thông huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh truy đuổi xe gắn máy do Nguyễn Tiến Toàn (sinh năm 1987) điều khiển chở hai người khác không đội mũ bảo hiểm. Bị công an áp sát, Toàn đã lúng túng và đâm vào xe ô tô đi cùng chiều dẫn đến tử vong. Hàng trăm người dân hai xã Kỳ Phương, Kỳ Long đã kéo đến hiện trường bao vây, lật và đốt cháy xe ô tô của công an. [4]
- Ngày 22/5/2010, trong một vụ xô xát với nông dân khiếu kiện chính quyền địa phương chiếm đoạt đất đai tại xã Tĩnh Hải, Nghi Sơn, Thanh Hóa, em Lê Xuân Dũng, 12 tuổi, cùng một nạn nhân khác là anh Lê Hữu Nam,) bị công an bắn chết. [5]
Em Lê Xuân Dũng, 12 tuổi, bị công an bắn chết - Ảnh: OnTheNet
 - Ngày 27/6/2010 anh Vũ Văn Hiền (40 tuổi), ngụ ở xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, rời khỏi trụ sở Công an huyện Đại Từ trong tình trạng hôn mê vì bị đánh trọng thương và chết tại bệnh viện ngày 30/6. [6]
- Ngày 23/7/2010, em Nguyễn Văn Khương 21 tuổi, vì đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đã bị công an bắt giữ và đánh chết tại đồn công an huyện Tân Yên, Bắc Giang. Phẫn nộ trước hành động bất nhân này, hàng ngàn người đã kéo lên Uỷ ban Nhân dân tỉnh biểu tình phản đối và đã xảy ra đụng độ với lực lượng công an. Thiếu uý công an Nguyễn Thế Nghiệp, kẻ gây án mạng bị toà kết án 7 năm tù, nhưng cũng kéo theo nhiều án tù khác cho 10 người với tội danh “gây rối” (bốn người từ 2 đến 4 năm tù, sáu người khác án treo).
Dư luận quần chúng đã tỏ ra bất bình trước các bản án: quá nhẹ cho kẻ giết người, quá nặng cho người dân. Những người bị cho là có hành động “gây rối” chỉ vì họ phẫn nộ khi thấy công lý bị chà đạp bởi chính người đại diện cho pháp luật, nhưng chưa đến mức bị xử tù giam. [7]
Dân chúng Bắc Giang biểu tình trong ngày 27/5/2010 - Ảnh: OnTheNet
 - Ngày 10/08/2010, cô Hoàng Thị Trà, sinh viên ở thành phố Thái nguyên, đi xe máy với bạn trai, không đội mũ bảo hiểm, bỏ chạy khi bị kiểm tra giấy tờ, nên bị cảnh sát giao thông truy đuổi và bắn thủng đùi. [8]
- Ngày 31/10/2010, Phạm Thị Hương (sinh năm 1990), trú tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá, đi xe máy (có thể vì không mang theo giấy tờ) nên bỏ chạy khi bị kiểm tra, hai công an truy đuổi, cô đã lao xe vào cột điện và chết tại chỗ. [9]
Đến cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng
Đến cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng gây nên bởi Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an Việt Nam, mức độ phạm tội đã vượt quá giới hạn của nhân tính. Chính xác hơn, đây là hành động của của một tên côn đồ mặt người có dòng máu của loài ác thú.
Ông Trịnh Xuân Tùng (sinh năm 1958), ngụ tại số 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong ngày 28/2/2011 chỉ vì lên tiếng bênh vực một người lái xe ôm được cho là bị phạt oan, đã bị Trung tá Nguyễn Văn Ninh áp giải về đồn và đánh đập hết sức dã man.
Theo báo chí trong nước, chẩn đoán của bác sỹ cho hay “khi nhập viện ông Tùng đã bị tổn thương hai đốt sống cổ gây liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp gây tắc nghẽn đường phổi”. Do bị chấn thương quá nặng, ông Tùng đã qua đời vào ngày 8/3/2011 tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
Cho tới ngày 17/3/2011 công an vẫn chưa có kết luận pháp y và không cho gia đình vào thăm xác nạn nhân. Mãi tới ngày 23/3/2011 công an mới thông báo sẽ trả xác cho gia đình để làm lễ mai táng!
Trong ngày 2/11/2011, Trịnh Kim Tiến viết trên trang Facebook của mình: “Tôi mong muốn phiên tòa sẽ giúp gia đình tôi lấy lại niềm tin vào pháp luật, còn “làm chết người trong khi thi hành công vụ” hay không hãy để lương tâm mỗi người trả lời. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh bố tôi bị còng tay đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai sau hơn 6 tiếng bị giam giữ trái phép tại đồn Thịnh Liệt, không được ăn, không được uống, tình trạng hết sức nguy kịch, mặc cho những lời van xin của gia đình tôi và ngay cả khi đưa bố tôi đi cấp cứu, tên Nguyễn Văn Ninh vẫn còn nói: “Cấp cứu à, cấp cứu à, tao lại cho thêm vài cái vả nữa”.
Những hình ảnh của ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh đập đến chết - Ảnh: OnTheNet
 Hãy đứng về phía công lý
Vào những ngày hè sôi động của năm 2011 với 11 cuộc xuống đường yêu nước, chống Trung Quốc gây hấn và xâm chiếm lãnh hải của Tổ quốc, đại uý công an Hà Nội Phạm Hải Minh đứng trên bậc xe bus đã đạp vào mặt anh Nguyễn Trí Đức, một người tham gia biểu tình tại Hà Nội trong ngày 17/7/2011, trong khi anh Đức bị bốn công an khác giữ chân tay, như khiêng một con thú lên bàn mổ.
Cú đạp của đại uý công an Phạm Hải Minh được dư luận mô tả như là “cái đạp thẳng vào mặt nhân dân”, “cú đạp vào lịch sử”…
Có người còn nhận xét “hành động ấy đối với kẻ thù cũng đã là một hành động man rợ, huống hồ đối với nhân dân, đồng bào đã nuôi nấng mình”.
Vũ Thị Phương Anh trên Blog của mình viết.
 “… Uất nghẹn, lặng câm
Mà miệng tôi mặn đắng
Mà lòng tôi quặn thắt
Quê hương ơi sao đến nỗi này đây
Dân tộc ơi máu rỏ trái tim này
Tổ quốc tôi lâm nguy
Mà tôi không nhúc nhích?
Khi Công an Việt mặc thường phục đạp vào mặt người thanh niên yêu nước…”
Thế nhưng, thật đáng tiếc, những hình ảnh vô nhân đạo, dã man gấp bội lần so với “cú đạp thẳng vào mặt nhân dân” kia trong các trường hợp nêu trên, chưa thấy có ngôn ngữ văn học độc đáo nào mô tả tương tự.
Tôi sẽ gọi đây là những phát đạn, những cú đòn chí tử của công an nhân dân Việt Nam, bắn thẳng vào nhân dân, giáng thẳng vào nhân dân, kết liễu mạng sống của nhân dân Việt Nam!
Tôi hy vọng rằng, tất cả chúng ta, đặc biệt là giới nhân sĩ, trí thức sẽ lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn đứng về phía gia đình nạn nhân, về phía cô gái Trịnh Kim Tiến, người đồng đội đã liên tục xuống đường tham gia biểu tình yêu nước, đòi toà án phải xét xử nghiêm minh, đòi hỏi công lý và sự bình đẳng trước pháp luật phải được thực thi.
Người bình thường nếu phạm tội giết người sẽ bị pháp luật trừng trị đích đáng, thì người khoác áo đại diện cho pháp luật giết người vô tội ngay giữa chốn công quyền, phải bị trừng trị nặng hơn nhiều, để làm gương cho xã hội.
Nếu không, bất kỳ sự bao che nào của nhà nước Việt Nam trong trường hợp này cũng sẽ đồng nghĩa với việc nòng súng khi có cơ hội sẽ đổi hướng chĩa thẳng vào kẻ đã giết người và những tên đồng lõa.
 © 2011 Lê Diễn Đức – RFA Blog

No comments:

Post a Comment