VIỆT NAM (TH) - Hai mươi bốn người chết, 117,000 nhà bị ngập cao, hư hại 660 ha lúa khắp 4 tỉnh miền Trung. Mưa nhiều ngày chỉ là một nguyên nhân.
Các đập thủy điện đua nhau xả lũ là nguyên nhân thứ hai trầm trọng hơn vì chỉ báo trước cho dân 2 tiếng đồng hồ thay vì 6 tiếng theo quy định.
Theo báo Thanh Niên ngày 9 tháng 11, 2011, số người chết nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam với 18 nạn nhân. Thành phố Ðà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế mỗi nơi 2 nạn nhân. Bình Ðịnh và Quảng Ngãi mỗi nơi một nạn nhân.
Báo VNExpress trích dẫn tuyên bố của nhiều viên chức thẩm quyền các tỉnh miền Trung cho rằng việc xả lũ đồng loạt của các hồ thủy điện khiến người dân “không kịp trở tay.”
Theo báo Thanh Niên, huyện Nông Sơn, Quảng Nam, có 7,000 người phải chạy lũ vào ban đêm 7 tháng 11 bắt đầu tư 9 giờ tối. Riêng tại xã Duy Vinh huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, có đến 90% các ngôi nhà trong xã bị ngập nước cao hơn 1.5 mét. Quốc lộ 1A ngang qua huyện Ðiện Bàn và Duy Xuyên có nơi ngập đến 2 mét nước. Trục giao thông bắc nam ngang qua khu này hoàn toàn gián đoạn với hơn 1,000 chiếc xe kẹt ở hai đầu quãng đường ngập nước.
Tại tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế và hai huyện Phú Vang, Quảng Ðiền bị nước xả lũ từ nhà máy thủy điện Bình Ðiền và Hương Ðiền nhấn chìm mặc dù mưa đã tạnh, trời đã quang. Ông Nguyễn Minh Phụng, cư dân thành phố Huế cho biết chưa bao giờ thành phố Huế bị một trận lụt bất ngờ như vậy. Tại nhiều vùng, nước ngập cao trên 1m.
Quốc lộ 1A bị ngập (Hình: báo Tiền Phong)
Tại tỉnh Quảng Nam, thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ làm ngập trắng các huyện Nông Sơn, Ðại Lộc, Ðiện Bàn, Duy Xuyên và thành phố Hội An. Ông phó chủ tịch chính quyền huyện Nông Sơn Lê Ngọc Trung than thở: “Lũ tràn về nhanh quá khiến dân trở tay không kịp. Lương thực, gia súc, gia cầm trôi nhiều vô kể.”
Còn tại tỉnh Phú Yên, thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh xả lũ làm ngập trắng các con đường giao thông trọng yếu.
Tháng 11, 2009, các đập thủy điện này của Phú Yên xả lũ bất ngờ đã làm 69 người dân thiệt mạng, chưa kể thiệt hại nhà cửa và các tài sản khác. Nhiều người sống sót nhờ bám vào ngọn cây.
Bà Nguyễn Lan Châu, cựu phó giám đốc Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương thú nhận dự báo chậm và không chính xác khiến ban quản trị các hồ thủy điện chỉ có thể báo trước việc xả lũ 2 tiếng đồng hồ thay vì 6 tiếng theo quy chế vận hành.
Báo Tiền Phong cũng cho hay quốc lộ 14B sáng ngày 8 tháng 11 bị ngập cao đến 1m khiến giao thông bị gián đoạn hoàn toàn. Người dân nhiều thôn tại thành phố Ðà Nẵng phải đu người ở cửa sổ vì nước ngập cao đến cổ chỉ trong tích tắc. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, chính quyền ra lệnh đóng cửa 65 trường học để hàng trăm ngàn học sinh ở nhà... lo chạy lũ.
Một số cư dân quận Hòa Vang, Ðà Nẵng đổ trách nhiệm cho các cán bộ điều hành đập thủy điện gây tổn thất nặng cho người dân. Ông Nguyễn Duy cho biết trời nắng ráo mà nước ồ ạt đổ về, dâng cao với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Dân Huế đi lại bằng thuyền giữa phố. (Hình: VNExpress)
Sáng ngày 8 tháng 11, nước lụt tràn sang quốc lộ 1A làm các chuyến xe lửa bị kẹt lại ga Huế.
Nước lũ tràn ra cửa biển Ðà Nẵng dồn dập khoảng 4 giờ sáng ngày 8 tháng 11 còn đánh chìm 2 chiếc tàu đánh cá khiến một thuyền viên tử nạn.
Tại tỉnh Bình Ðịnh, tin của chính quyền địa phương cho biết 10,000 công nhân không thể đến được sở làm, coi như sản xuất tạm thời bị đình trệ.
Hệ quả trước mặt của vụ xả lũ này, ngoài thiệt hại tài sản và nhân mạng rất nghiêm trọng, những người còn sống sẽ phải đối diện với cái đói. (PL)
No comments:
Post a Comment