Quỳnh Chi, phóng viên RFA - Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua đã có những viên gạch đầu tiên trong quan hệ song phương, nhưng vấn đề nhân quyền vẫn chính là nút thắt trong bang giao hai nước
Giá trị cơ bản
Phát biểu về chính sách Á Châu tại diễn đàn APEC tuần rồi, bà Hillary Clinton đã nói rằng để phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược như sự mong đợi của đội bên thì “Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để tôn trọng và bảo vệ quyền công dân của mình”.
Photo courtesy of state.gov-Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 15 năm bang giao Mỹ - Việt diễn ra tại Hà Nội hôm 22/7/2010
Buổi nói chuyện tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu á – Thái Bình Dương không phải là lần đầu tiên để phía Hoa Kỳ lên tiếng về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Thực tế, trong những năm gần đây, người ta thấy có sự thúc giục từ phía Hoa Kỳ đối với chính phủ Việt Nam về vấn đề quyền con người nhằm phát triển quan hệ chiến lược hai nước.
Năm ngoái, chỉ trong 4 tháng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã 2 lần ghé thăm Việt Nam. Và trong 2 lần ấy, bà đều đề cập đến vấn đề nhân quyền. Cụ thể, trong lần đến Việt Nam vào tháng 7, tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, bà Hillary Clinton thể hiện quan ngại của mình đối với việc tự do internet và việc bắt bớ các tù nhân tôn giáo, chính trị; nhấn mạnh rằng “Việt Nam cần tiến hành đổi mới và bảo vệ các quyền cơ bản và tự do”. Sau đó 4 tháng, trở lại Việt Nam nhân chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, những vấn đề ấy cũng được bà Ngoại trưởng lập lại.
Gần đây, người ta chú ý đến bài viết khá dài của bà Ngoại trưởng Mỹ đăng trên Foreign Policy, nhan đề “Thế kỷ Thái Bình Dương”. Bài viết nhấn mạnh những lý do khiến Hoa Kỳ cần chuyển hướng sự quan tâm của mình sang Thái Bình Dương, cũng như những việc Hoa Kỳ cần làm tại vùng này. Một lần nữa, Việt Nam được nhắc đến trong bài viết này, như một cách vừa nhắc nhở, vừa kêu gọi. Cụ thể, bà nêu lên rằng:“Chúng ta (Hoa Kỳ), đã nói rõ với Việt Nam rằng mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược cần Hà Nội tiến hành những bước để bảo vệ nhân quyền và tự do chính trị”.
Tiến sĩ Scott Flipse, Phó giám đốc Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, cũng từng là trợ lý nhân quyền của dân biểu Frank R. Wolf cho biết:
"Khi Hoa Kỳ theo đuổi lợi ích của Việt Nam là thương mại và an ninh tại biển Đông, là lúc Hoa Kỳ yêu cầu phía Việt Nam cải thiện tự do tôn giáo và nhân quyền. Đó chính là lợi ích của Hoa Kỳ. Lợi ích của hai nước phải được gắn kết với nhau”.
Khi Hoa Kỳ theo đuổi lợi ích của Việt Nam là thương mại và an ninh tại biển Đông, là lúc Hoa Kỳ yêu cầu phía Việt Nam cải thiện tự do tôn giáo và nhân quyền. Đó chính là lợi ích của Hoa Kỳ.Ô. Scott Flipse
Từ năm ngoái đến nay, Hoa Kỳ đã nhiều lần đánh tiếng về sự hợp tác sâu rộng giữa Hà Nội và Washington, và cải thiện nhân quyền tại Việt Nam là một yêu cầu. Nhiều người nhìn sự việc này như một cách Hoa Kỳ thực hiện thủ thuật “Cây gậy và củ cà rốt”. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, nhân quyền chính là một giá trị mà người Mỹ luôn theo đuổi và nó luôn được phía Hoa Kỳ sử dụng như một “điều kiện” trong các cuộc đối thoại ngoại giao, và Việt Nam không là một ngoại lệ. Tiến sĩ Scott Flipse, cho biết về giá trị nhân quyền đối với Hoa Kỳ:
“Nhân quyền là giá trị phổ quát. Mọi người luôn muốn được tự do hơn, bất kể đó là tự do kinh tế, tự do cá nhân, tự do công dân. Và đây chính là chính sách ổn định của Hoa Kỳ từ khi độc lập.”
Nền tảng để phát triển
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang tại Honolulu, Hawaii hôm 10/11/2011. Photo courtesy of state.gov
Nhân quyền đối với người Mỹ là một giá trị cơ bản, trước cả những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, hay quân sự. Ngoài việc khẳng định sự bình đẳng của con người trong Bản tuyên ngôn Độc lập – “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, Hiến pháp Hoa Kỳ cũng có những điều khoản bảo đảm một số quyền và quyền tự do công dân, dựa trên tinh thần đã tuyên bố trong Bản tuyên ngôn Độc lập.
Và dĩ nhiên những quyền cơ bản này không chỉ được đề cập trong hiến pháp mà còn được hệ thống hóa bằng pháp luật, các văn bản dưới luật; cũng như được thực hiện và theo dõi trong thực tế để nó thực sự trở thành quyền cơ bản của con người. Dần dần, những quyền ấy được hệ thống hóa trong Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, cũng như được mở rộng qua hệ thống luật pháp; điển hình là việc bãi bỏ chế độ nô lệ trong hiến pháp năm 1865 và quyền bầu cử của phụ nữ năm 1920.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền ra đời năm 1948, cũng dựa trên Tuyên ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ đóng một vai trò nòng cốt trong việc tạo ra bản tuyên ngôn ấy.
Đã có nhiều lập luận từ phía Việt Nam cho rằng, vấn đề nhân quyền là một vấn đề nội bộ của từng nước. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh con người, nó là vấn đề mang tính phổ quát, là một giá trị chung mà con người hướng tới và đáng được thừa hưởng.
Đặc biệt đối với Hoa Kỳ, nó luôn là một giá trị quốc gia mà nước này luôn chia sẻ cũng như xem ấy là một khoảng cách cần được thu hẹp giữa các nước. Trong bài viết “Thế kỷ Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng khi can dự vào vùng Thái Bình Dương, cái quan trọng hơn cả quân đội và nền kinh tế Hoa Kỳ mà chính là nhân quyền.
Nếu một quốc gia không để người dân hoạt động một cách tự do trong chính trị, trong kinh tế…thì không thể nào phát triển được. Lịch sử đã chứng minh điều ấy.Ô. Scott Flipse
Cụ thể, bà nói: “Cái còn quan trọng hơn cả quân đội và nền kinh tế của chúng ta, tài sản vững chắc nhất của quốc gia chúng ta là sức mạnh của những giá trị - cụ thể, là sự ủng hộ kiên định đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền”.
Nhân quyền là cơ sở vững chắc để các nước dân chủ, điển hình là Hoa Kỳ, làm nền tảng phát triển. Cho nên, không có lý do nào nó không trở thành bệ phóng để phát triển đất nước, phát triển con người và phát triển kinh tế cho bất cứ một nước nào. Thực tế, mọi sự phát triển đều bắt nguồn từ mỗi cá nhân trong xã hội, bất kể là chế độ nào. Nếu những quyền lợi của từng cá nhân không được bảo đảm, thì quyền lợi và sự phát triển của một nhóm được cấu thành từ từng cá nhân ấy sẽ không thể được bảo đảm.
Xu thế chung của thế giới
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại Hà Nội ngày 22/7/2010. Photo courtesy of state.gov
Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái cũng nói rằng lý do mà Hoa Kỳ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là vì Hà Nội đang trên con đường tiến đến việc trở thành một quốc gia mạnh, ngụ ý rằng vấn đề nhân quyền sẽ cản trở sự phát triển đất nước. Dễ thấy rằng, không có một công ty nào muốn đầu tư vào một quốc gia không ổn định, thiếu vững chắc về pháp lý và gặp vấn đề với dân chúng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Scott Flipse nói:
“Nhân quyền là một phần của các luật pháp quốc tế mà các nước tham gia ký kết phải tôn trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhân quyền là một điều kiện để bất cứ một nước phát triển. Nếu một quốc gia không để người dân hoạt động một cách tự do trong chính trị, trong kinh tế…thì không thể nào phát triển được. Lịch sử đã chứng minh điều ấy”.
Trước khi đến tham dự diễn đàn APEC, chính phủ Hoa Kỳ cũng tổ chức một buổi đối thoại nhân quyền kéo dài 2 ngày tại Washington do trợ lý Ngoại trưởng, ông Michael Posner chủ trì. Trong cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, ông Michael Posner thẳng thắn treo đổi về những vấn đề còn tồn tại đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, thậm chí còn có những bước thụt lùi khi bắt bớ các nhà đấu tranh cho nhân quyền, các nhà báo, bloggers cũng như can thiệp vào mạng internet.
Cái còn quan trọng hơn cả quân đội và nền kinh tế của chúng ta, tài sản vững chắc nhất của quốc gia chúng ta là sức mạnh của những giá trị - cụ thể, là sự ủng hộ kiên định đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền.Bà Hillary Clinton
Nhân quyền là một xu thế chung của thế giới. Việt Nam ngày càng hội nhập với bàn cờ quốc tế, việc theo luật chơi của thế giới là việc khó tránh khỏi. Hai quốc gia muốn trở thành đối tác, điều cần thiết là khắc phục những khác biệt. Bà Hilary Clinton từng nói trong lúc viếng thăm Việt Nam vào năm ngoái rằng: “Mối quan hệ của hai nước không được giải quyết trên những khác biệt. Chúng ta học cách không nhìn nhau như kẻ thù mà như bạn hữu.”
Đã qua rồi cái thời Việt Nam chỉ là một nước nhỏ phía đông giáp biển, phía bắc giáp Trung Quốc và chỉ mang sự văn minh của Bắc Kinh làm thước đo cho sự mở mang của mình. Trong vài năm trở lại đây, trước sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trước sự vươn lên của Trung Quốc, và đặc biệt là trước sự phức tạp trong tình hình biển Đông, thì sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có lẽ trở nên cần thiết hơn bất cứ lúc nào trong 3 thập niên qua. Đây là một sự hợp tác cùng có lợi mà hai bên đều mong muốn (theo như phát biểu của bà Ngoại trưởng). Và nhân quyền chính là nút thắt có thể mang hai nước đến gần hoặc xa nhau hơn.
quynhchi@rfa.org
No comments:
Post a Comment