Monday, November 21, 2011

Nghĩ về một thứ ngôn ngữ “hạ cấp” từ Trung Quốc


Blog Lê Mai - Nói đến TQ, ta thường nghĩ ngay đến đất nước của những Tây Du ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, Chiến Quốc sách…Trong các tác phẩm văn học, lịch sử làm say mê hàng triệu độc giả trên khắp thế giới ấy, việc sử dụng ngôn ngữ thật tuyệt vời, tạo nên sức hấp dẫn cực lớn.
Nhưng, bên cạnh thứ ngôn ngữ tuyệt vời đó, đặc sắc đó, “đẳng cấp” đó, lại có một thứ ngôn ngữ “hạ cấp” khác làm chúng ta và thế giới kinh ngạc. Đó là thứ ngôn ngữ gì vậy?
Trước hết, về tính pháp lý của “đường đứt khúc chín đoạn” trên biển Đông của TQ, ngay một sinh viên luật tầm thường nhất cũng cảm thấy nực cười. Vậy ngôn ngữ pháp lý của “đường lưỡi bò” hay “đường đứt khúc chín đoạn” trên biển Đông của TQ có phải là thứ ngôn ngữ “hạ cấp” hay không? Ngôn ngữ coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của TQ có phải thứ ngôn ngữ “hạ cấp” hay không? Và ngôn ngữ của không ít những tuyên bố về chủ quyền trên biển Đông của người phát ngôn Bộ ngoại giao TQ là thứ ngôn ngữ gì vậy?
Khi Đặng Tiểu Bình lớn tiếng tuyên bố trước thế giới, đòi “dạy cho VN một bài học”, thứ ngôn ngữ ấy đã tiến rất xa rồi. Càng xa hơn với thứ ngôn ngữ “hạ cấp” gần đây của một số tờ báo TQ đòi “phải giết bọn giặc Việt Nam để làm lễ vật tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa”.
Đất nước TQ – một trong những cái nôi của văn minh nhân loại lại sản sinh ra thứ ngôn ngữ “hạ cấp” đến thế sao?  Thứ ngôn ngữ đó ra đời trong hoàn cảnh nào và cơ sở xã hội của nó là gì? Người ta sử dụng nó để giải quyết những vấn đề gì?
Chúng ta hãy quay trở lại với thời gian, vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cuộc “cách mạng văn hóa” (văn cách) long trời lở đất do Mao Trạch Đông phát động và lãnh đạo bỗng nhiên nổi lên làm cả đất nước TQ chao đảo. Cơ sở lý luận của nó là “tiếp tục làm cách mạng trong điều kiện chuyên chính của giai cấp vô sản”. Cách mạng văn hóa là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới, gây ra biết bao đau thương cho nhân dân TQ, làm chết hàng mấy chục triệu người. Có thể thấy, hiện tượng đó chỉ có thể xuất hiện trong một thể chế độc tài, một xã hội không hề có một chút dân chủ. Thế giới đã nghiên cứu rất sâu sắc về hiện tượng này.
Vấn đề là, có một thứ ngôn ngữ cực kỳ “hạ cấp” đã xuất hiện trong cách mạng văn hóa TQ. Phải chăng, nó là tiền đề cho thứ ngôn ngữ “hạ cấp” sau này của TQ đối với VN?
Cách mạng văn hóa TQ đã dựng đứng nên những hiện tượng hoang đường để hù dọa, áp đảo tinh thần mọi người. Nó cũng là cái kiểu dọa nạt hiện nay mà chúng ta sẽ đề cập sau. Ngôn ngữ văn cách có đặc điểm chính là thuận theo ta thì sống, chống ta thì chết, dựng nên tội trạng đen để đè bẹp đối phương. Lời nói và hành động của đối phương đều được xem là tiếng la hét điên cuồng hoặc sự cấu kết đầy tội ác. Bất cứ một sự phản bác nào của đối phương cũng đều cho là sự chống trả táo tợn. Hành động của mình thì cho là “sấm sét ầm ầm, sóng biển cuồn cuộn”, còn của người thì cho là “âm u mù mịt, tà khí nặng nề”. Đừng hy vọng tìm thấy một chút văn chương hay đạo đức nào trong thứ ngôn ngữ “hạ cấp” đó.
Cái thứ Hán ngữ “hạ cấp” đó gọi đối phương là đồ chó, đồ rắn rết, ngưu quỷ xà thần, gọi vợ họ là đồ yêu ma quỷ quái, gọi con cái họ là đồ chó ghẻ. Nó đòi “bỏ vào vạc dầu”, “đập nát đầu chó” đối phương bất cứ lúc nào. Có thứ ngôn ngữ kỳ dị, khó tin như “tam trung vu, tứ vô hạn” (ba trung thành, bốn tuyệt đối), “thượng cương, thượng tuyến” (đưa lên cương lĩnh, đưa lên đường lối), “trung tự vũ” (múa chữ trung), “ngày ngày đọc”, “sáng thỉnh thị, tối báo cáo”, “hồng hải dương”, (một biển đỏ), “đài ngữ lục”, “đội mũ cao”, “kiểu phản lực”. Rồi ngôn ngữ kiểu Lâm Bưu, “hiểu cũng phải chấp hành, chưa hiểu tạm thời cũng phải chấp hành”, “đưa lên thật cao”, “bám theo thật sát”, “sử dụng thật sinh động”…
Điểm nổi bật của cách mạng văn hóa là “tạo phản”, là lật ngược lại tất cả, đả đảo tất cả, nội chiến toàn diện. Càng rối loạn càng tốt. Thiên hạ đại loạn. Không rối loạn, sao gọi là cách mạng. Rối loạn chính trị, rối loạn kinh tế, rối loạn tư tưởng, rối loạn lý luận, rối loạn văn hóa, rối loạn đạo đức. Thứ ngôn ngữ đó làm tất cả mọi thứ đều lộn đầu xuống đất, chổng cẳng lên trời!
Thứ ngôn ngữ đó, phải chăng là từ trên trời rơi xuống hay do ai sáng tạo ra, nó có nguồn gốc lâu đời hay nó xuất phát từ một không gian chính trị nhất định? Một điều chúng ta càng phải quan tâm là, việc sử dụng các từ ngữ yêu ma đó, phương thức lý luận của nó, đến nay đã tuyệt tích hay chưa?
Câu trả lời là chưa. Thật vậy! Hãy xem những luận điệu chống VN đầy rẫy trên mạng của TQ hiện nay. Có một mối liên hệ giữa thứ ngôn ngữ “hạ cấp” về đối nội và thứ ngôn ngữ “hạ cấp” về đối ngoại của không ít các tờ báo mạng TQ hay không? Câu trả lời, không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn có một mối liên hệ nào đó.
Đây, ngôn ngữ “hạ cấp” về đối ngoại của không ít các tờ báo mạng TQ đối với VN. Nó dựng đứng theo kiểu ngôn ngữ văn cách rằng, VN vốn xưa là phiên thuộc của TQ. VN luôn sắm vai “thất tín bội nghĩa”, nhưng những thời điểm quan trọng lại “chơi” lại sự khoan dung và lương thiện của TQ. VN là một quốc gia lòng lang dạ sói, sự vô ơn của VN biểu hiện một tay nhận viện trợ vô tư của TQ, một tay lại ngấm ngầm chìa ra cho LX cũ. VN làm đủ trò để quấy nhiễu ở biên giới Trung – Việt, dẫn đến đổ máu cho người dân TQ. Bọn Việt Nam lòng lang dạ sói đến mức nào nữa?
Trong khi TQ liên tục bắn giết ngư dân VN thì thứ ngôn ngữ “hạ cấp” về đối ngoại đó lại nói liều rằng VN giam giữ ngư dân và tàu đánh cá TQ.
Có thể thấy, nói ngược là một đặc điểm của ngôn ngữ “hạ cấp” về đối ngoại của không ít các tờ báo mạng TQ đối với VN.
Sự “hạ cấp” được tiếp tục, rằng VN là đất nước “tiểu nhân bỉ ổi không biết xấu hổ”. Mục đích của VN là quốc tế hóa các đảo chiếm được với tâm địa độc ác. Đây là hành vi điền hình của “cường đạo biến thành quân tử”. Bọn Việt Nam đã thực sự là bọn con cháu phá gia chi tử, điên cuồng khai thác trộm tài nguyên dầu khí trên vùng biển của TQ.
Ta đã thấy, ngôn ngữ “hạ cấp” từ thời “văn cách” nay được phát triển lên một trình độ mới, ghê gớm và nguy hiểm hơn nhiều.
Chưa hết! Thứ ngôn ngữ đó lại cho rằng, xem ra VN đã trở thành một kẻ “tiểu nhân vô liêm sỉ” thực thụ. Một bọn oắt tì như Việt Nam mà vẫn có thể xâm chiếm lãnh hải Trung Quốc, và cứ nhâng nhâng thăm dò và khai thác dầu khí. Để cho một nước lỏi con như VN dám xâm lược hải đảo của TQ, khoan dung thái quá với VN là hủy diệt chính mình.
Thứ ngôn ngữ “hạ cấp” đó đã tiến đến mức hỗn xược, đòi dùng vũ lực tấn công VN. Nó gào thét, tấn công VN cần tàn nhẫn, cần phá hủy triệt để các cơ sở quân sự của VN, bao gồm cả cơ sở hạ tầng dân sự. Đối với một nước vô liêm sỉ như vậy, TQ không cần xem xét những gì là đạo đức hay vô đạo đức. Bọn VN tham lam, kiêu ngạo, vô lễ, tuyệt đối không thể thông qua đàm phán để chiếm lại quần đảo Nam Sa.
Như vậy, xét về bản chất, thứ ngôn ngữ “hạ cấp” về đối nội thời văn cách và thứ ngôn ngữ “hạ cấp” về đối ngoại của không ít các tờ báo mạng TQ thời nay là không có gì khác nhau. Chúng là sản phẩm của một thể chế chính trị độc ác, lỗi thời và chủ nghĩa bá quyền đại hán tộc đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay ở TQ.
Suy nghĩ về một thứ ngôn ngữ “hạ cấp” từ TQ đưa đến cho chúng ta một bài học lớn – bài học đừng bao giờ mơ hồ, ảo tưởng, mụ mị để rồi rơi vào vòng vây không lối thoát của TQ.

No comments:

Post a Comment