Alan Dupont, The Australian, ngày 14-11-2011 Trần Ngọc Cư dịch
“Như vậy, tôi cho là không có gì đáng hoài nghi về sự kiện Mỹ trở lại châu Á, nếu trước đây người ta có đôi chút nghi ngờ khi chính quyền này mới nhậm chức. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi trở lại để ở lại tại đó” – Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại trưởng Mỹ, 12 tháng Giêng, 2010.
Lời tuyên bố của Hillary Clinton rằng Mỹ “trở lại châu Á” gợi lên thắc mắc là liệu trước đó ta có thể nói là Mỹ đã thật sự bỏ đi hay chưa.
Kể từ khi Nhật Bản bị đánh bại hoàn toàn trong Đại chiến thứ Hai của thế kỷ XX, Mỹ đã duy trì một sự hiện diện to lớn và liên tục tại châu Á, tham chiến trong hai cuộc xung đột lớn khác (Chiến tranh Triều Tihên và Chiến tranh Việt Nam) và hiện vẫn còn âm thầm theo đuổi một “cuộc chiến lâu dài” chống lại các nhóm khủng bố đang hoạt động tại các nước đông đảo người Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á. Đối với nhiều người châu Á, Mỹ lả lực lượng chính bảo vệ sự ổn định khu vực. Dù muốn dù không, Mỹ vẫn là một cường quốc không thể thiếu tại châu Á.
Cả bà Clinton lẫn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đều xác nhận rằng trở lại châu Á có nghĩa là khẳng định lại một cách quả quyết các lợi ích chiến lược Mỹ trong khu vực: cụ thể gồm có, quyền đi lại không bị hạn chế của Hạm đội Bảy trong Biển Đông và nói rộng ra là trong vùng Tây Thái Bình Dương; một đường lối giải quyết đa phương các tranh chấp lãnh hải trong khu vực chứ không phải các giải pháp song phương mà Trung Quốc mong muốn; và tái phối trí các lực lượng quân sự Mỹ nhằm thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Mỹ một cách hữu hiệu hơn trước.
Thậm chí Gates còn quả quyết rằng Mỹ là một cường quốc thường trú (residential power) tại châu Á, với giai thoại nổi tiếng là vào tháng Sáu năm nay ông đã đánh cuộc 100 USD với một người đối thoại tại cuộc Đối thoại Shangri-La rằng trong 5 năm nữa, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực “sẽ mạnh như, nếu không muốn nói mạnh hơn, ngày nay”.
Đối diện với sức mạnh đang lên của Trung Quốc, hầu hết các quốc gia châu Á đang nhiệt liệt đón chào một sự hiện diện hùng hậu hơn của Mỹ trong khu vực này. Và họ coi đây là một chiến lược cổ điển nhằm đề phòng khả năng sự trỗi dậy của Trung Quốc không diễn ra một cách hoà bình và tốt đẹp – một chiến lược cho đến nay đã tạo ra một vài đồng minh khá lạ lùng (strange bedfellows). Một hiện tượng có thể xảy ra là lá cờ Sao và Sọc (the Stars and Stripes) một lần nữa lại phất phới trên dải cờ của các chiến hạm Mỹ thả neo tại các căn cứ hải quân của Mỹ trước đây ở Đông Nam Á.
36 năm sau khi Mỹ hối hả rút khỏi Việt Nam một cách ô nhục, cả hai nước đã chính thức ký kết hiệp định quốc phòng đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 1 tháng Tám vừa qua, sau khi các quan hệ quốc phòng và chính trị trở nên nồng ấm nhanh chóng. Sự nồng ấm này được biểu hiện trong các cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp trên Vịnh Bắc Bộ và trong khả năng căn cứ hải quân của Mỹ trước đây tại Cam Ranh có thể được mở lại cho các tàu chiến của Hạm đội Bảy. Philippines cũng đang thúc đẩy Mỹ tăng cường các quan hệ quốc phòng, trong khi Indonesia và Singapore đã ngấm ngầm bày tỏ họ muốn chào đón một sự hiện diện to lớn hơn nữa của hải quân Mỹ trong khu vực này, một sự hiện diện rất có thể dẫn đến việc trú đóng các tàu tuần duyên chiến đấu mới tại Singapore.
Một môi trường chính trị tương đắc hơn nữa tại Đông Nam Á đã diễn ra ở một thời điểm thuận lợi cho Washington, khi chính quyền này muốn tăng cường các khả năng quân sự tại đây như một nỗ lực nằm trong một cuộc duyệt xét rộng lớn hơn liên quan thế đứng quân sự toàn cầu của Mỹ.
Những cuộc duyệt xét định kỳ này là các chỉ dấu cho thấy những ưu tiên chiến lược của Mỹ đang thay đổi. Chúng cho thấy một diễn tiến liên tục nhằm cắt giảm số căn cứ và các lực lượng đồn trú to lớn và thường trực từng làm nòng cốt cho quyền lực cứng của Mỹ tại châu Á trong thời Chiến tranh lạnh, để tiến tới các trạm thiết bị nhỏ bé hơn, tản mác hơn và ít tốn kém hơn tại các nước bạn nhằm tạo ra tính linh hoạt to lớn hơn, khỏi phải chịu đựng những tổn thất chính trị và tài chính nghiêm trọng – những tổn thất thường gắn liền với các căn cứ thường trực. Do đó, châm ngôn hiện nay của Mỹ là “places, not bases” (cần địa điểm, chứ không cần căn cứ) – những địa điểm mà binh lính, tàu bè và máy bay Mỹ có thể vào, ra khi cần thiết. Các trạm thiết bị tại châu Á là những phương án dự phòng hấp dẫn đối với Lầu Năm Góc. Bộ Quốc phòng Mỹ đang lo lắng các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Nam Hàn và Guam có thể bị hàng không mẫu hạm và tên lửa thuộc thế hệ mới nhất của Trung Quốc tấn công. Sự tiếp cận dễ dàng các trạm thiết bị hải cảng và quốc phòng tại Đông Nam Á cũng sẽ tăng cường khả năng của Hải quân Mỹ trong việc kiểm soát các tuyến đường biển trọng yếu xuyên qua Biển Đông và Eo Biển Malacca để đi vào Ấn Độ Dương.
Cuộc duyệt xét thế đứng quân sự toàn cầu sắp tới sẽ đề xuất một vai trò quan trọng hơn cho Australia. Trong các đồng minh của Mỹ, Australia là quốc gia độc nhất đã gửi quân đến mọi cuộc xung đột tại châu Á mà Mỹ chủ động tham chiến kể từ năm 1941. Mặc dù những giá trị và lợi ích chiến lược chung từ lâu đã ràng buộc Australia và Mỹ trong một sự gắn bó chiến lược thiết thân khác thường, nhưng khoảng cách địa lý của Australia đối với các điểm nóng tại châu Á đã hạn chế giá trị quốc phòng của lục địa này đối với các kế hoạch gia quân sự tại Lầu Năm Góc. Nhưng từ quan điểm của Washington, địa thế của Australia hiện nay có vẻ là một lợi thế chứ không phải là một trở ngại trong một thời đại mới, khi Mỹ cần phải cắt giảm các ngân sách quốc phòng và đang lo lắng về khả năng bành trướng quyền lực của Trung Quốc ngày một gia tăng.
Đại lục đảo này nằm ngoài tầm hầu hết các loại tên lửa của Trung Quốc và sẽ là một khu vực tương đối an toàn cho các phương tiện quân sự tản mác của Mỹ cũng như cung cấp các phương tiện hậu cần hữu ích, các thiết bị huấn luyện và các hải cảng, không kể đến các sân bay. Thật không đáng ngạc nhiên khi Mỹ muốn thấy Australia thủ đắc những phương tiện quốc phòng quy ước đầy tham vọng, như được báo trước trong sách trắng Quốc phòng năm 2009, nhất là các khả năng quân sự hùng hậu hơn hiện nay, tiêu biểu là chương trình thay thế các tàu ngầm loại Collins đã được lên kế hoạch, chương trình khu trục hạm phòng không (air warfare destroyers) và các loại máy bay oanh kích hỗn hợp hiện đại nhất. Dù vẫn còn là một lực lượng khiêm nhượng theo tiêu chuẩn của các đại cường châu Á, nhưng khi được tăng cường tối đa, Lực Lượng Quốc phòng Úc sẽ là một lực gia tăng tiềm năng quý báu cho quân đội Mỹ trong bất cứ một cuộc xung đột nào với Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Vì thế, việc Mỹ trở lại châu Á có vẻ là một kết quả đáng mừng cho cả Mỹ lẫn Australia, gia tăng tầm quan trọng của một liên minh kéo dài gần 70 năm nay, làm nền tảng cho an ninh của Australia.
Điều này dường như chắc chắn là quyết định khôn ngoan của Chính phủ Gillard khi chính phủ này dứt khoát hoan nghênh việc Mỹ tái xác định quan tâm chiến lược tại Đông Nam Á và bày tỏ mọi dấu hiệu là sẽ đáp ứng các yêu cầu của Mỹ trong việc tiếp cận rộng rãi hơn các phương tiện quốc phòng Úc để đổi lấy tài trợ nhằm cải thiện các cơ sở hạ tầng và thậm chí nhắm đến việc hợp tác quốc phòng thân thiết hơn.
Alan Dupont đang giữ chức Khoa trưởng sáng lập của Phân khoa An ninh quốc tế và là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Đại học Sydney. Đây là một đoạn trích được biên tập lại từ một bài tiểu luận của ông được đăng trên số mới nhất của tờ American Review do Trung tâm Hoa Kỳ học xuất bản.
A. D.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment