Đối thoại giữa Ted Galen Carpentier và Robert Kaplan - Trần Ngọc Cư dịch
Ted Galen Carpentier nêu câu hỏi
THÁNG 11 NĂM 2011
Sự phân tích thường là sâu sắc của Robert D. Kaplan về sự cạnh tranh địa chiến lược hiện nay và trong tương lai trên Biển Đông [nguyên văn: Biển Nam Trung Hoa] (như trong bài “Biển Đông là tương lai của sự xung đột”, tháng 9/tháng 10 năm 2011) vấp phải ba khuyết điểm.
Một là, Kaplan bàn quá ít về khả năng các cường quốc châu Á như Nhật Bản và Nam Hàn phản ứng lại một viễn cảnh đang xuất hiện là Trung Quốc ra sức trở thành một bá quyền.
Khuyết điểm thứ hai là sự so sánh của ông về sự bành trướng lực lượng hiện nay của Trung Quốc trên Biển Đông với tham vọng của Hoa Kỳ trong nỗ lực biến Biển Caribbean thành một cái hồ của Mỹ vào đầu Thế kỷ XX. Vào lúc đó, Mỹ không có một đối thủ đáng kể trong khu vực Tây Bán Cầu đủ khả năng chặn đứng tham vọng của Mỹ. Trung Quốc đang đối mặt với một môi trường đầy thách đố hơn nhiều. Nhật Bản và Ấn Độ là những đối thủ có thực lực, và Indonesia có tiềm năng đạt tư thế đó.
Vấn đề thứ ba nằm trong đơn thuốc mà Kaplan kê ra cho Mỹ. Kết luận của ông, rằng tình hình tối ưu là một sự hiện diện không và hải quân của Mỹ ở mức tương đương với hiện nay, sẽ tạo ra một cấu trúc không mấy khuyến khích cho sự phát triển một thế quân bình lực lượng tại Đông Á.
Những nước như Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan đang đầu tư vào nỗ lực quốc phòng ở mức ít ỏi đến thảm hại chỉ vì họ tin tưởng rằng họ có thể mãi mãi dựa vào sự che chở của Mỹ. Trong tình hình Mỹ đang gặp phải những khốn đốn về ngân sách và có những cam kết quá đáng ở những vùng khác, những kỳ vọng của các đồng minh châu Á có thể hoá ra ảo vọng hơn là có đủ thực chất trong những thập niên tới. Nếu Washington muốn tạo rắc rối cho những tính toán chiến lược của Bắc Kinh trong Biển Đông và những nơi khác, nó cần phải thay đổi cơ cấu thúc đẩy (incentive structure) nhằm khuyến khích các đối thủ chính của Trung Quốc phải có những nỗ lực nghiêm chỉnh hơn trước. Việc Kaplan đòi hỏi Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự quá lớn hiện nay tại Tây Thái Bình Dương chỉ khuyến khích kéo dài sự lệ thuộc an ninh thiếu lành mạnh của các đồng minh châu Á mà thôi.
TED GALEN CARPENTER
Hội viên cấp cao
Viện Cato
Washington, D.C.
*
Robert D. Kaplan trả lời
Tôi hân hạnh được đối thoại với Ted Galen Carpenter, một người có những bài phân tích sâu sắc liên quan những đề tài đa dạng như Mexico và Đông Á mà tôi thường đọc.
Carpenter nêu lên một câu hỏi rất nghiêm chỉnh: Nếu những nước giàu có như Nam Hàn và Nhật Bản không tăng cường nỗ lực quốc phòng của chính họ, thì tại sao người đóng thuế tại Mỹ phải đưa vai gánh lấy trách nhiệm của họ? Tôi đồng ý rằng chúng ta có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ Mỹ kim trong ngân sách quốc phòng bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng tôi không đồng ý làm việc này bằng cách cắt giảm sự hiện diện của những toán tàu sân bay chiến đấu của chúng ta trong vùng Tây Thái Bình Dương.
Quả là nói quá đáng khi cho rằng các nước Đông Á không chịu đứng dậy để trả lời sự thách thức mà quân đội Trung Quốc đang đặt ra. Tôi viết những dòng này từ Việt Nam, tại đây tôi có thể nói với bạn rằng – như nhà bình luận Úc Desmond Ball đã viết – Đông Á đang ở vào giữa một cuộc chạy đua vũ trang “có tác động qua lại”, chứ không phải chỉ là một cuộc xây dựng khả năng quốc phòng lành mạnh chung chung. Các nước chung quanh Biển Đông đang phát triển các đội tàu ngầm của họ, thậm chí trong lúc Nam Hàn và Nhật Bản tiếp tục hiện đại hoá hải quân của họ để phản ứng lại các hành động của Trung Quốc.
Carpenter có vẻ muốn đánh cuộc rằng nếu chúng ta làm ít lại, thì các nước Đông Á sẽ làm nhiều hơn. Nhưng thực tế có thể không phải như vậy, vì tất cả các nước này không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận Trung Quốc như một đối tác thương mại lớn nhất. Chính sự kết hợp nhiều yếu tố như sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự đang gia tăng, khối dân số khổng lồ, và vị trí địa lý sát nách của Trung Quốc có thể áp đặt lên các nước Đông Á một dạng thức trung lập dưới ảnh hưởng của Trung Quốc nếu Mỹ cắt giảm sự hiện diện hải quân và không quân ở đây.
Tôi đồng ý khuyến khích các quốc gia cùng lý tưởng với chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để tự bảo vệ lấy mình nhằm giảm bớt gánh nặng của chúng ta; nhưng việc này không thể được thực hiện bằng cách bắt buộc họ phải quyết định thế này, nếu không thì phải chịu hậu quả thế kia (an either-or decision). Chính quyết tâm duy trì sức mạnh hùng hậu của các lực lượng quân sự Mỹ đang khích lệ các nước nhỏ trong khu vực phát triển hay ít ra hiện đại hoá quân đội của họ. Trên một khía cạnh khác, mặc dù có sự khác biệt giữa Biển Đông và Biển Caribbean, nhưng chính những sự giống nhau của chúng đang có sức thu hút và vì vậy đáng ghi nhận.
Nguồn: foreignpolicy.com
T.N.C. dịch
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment