Đào Tuấn - Không phải là một bộ, hay một đại biểu QH nào mà chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần thiết phải có Luật Biểu tình.
Nhưng nguyên tắc tối thiểu của biểu tình là lực lượng an ninh chỉ có quyền được bảo vệ an toàn cho người biểu tình, chỉ được cấm khi người biểu tình che mặt, hoặc mang theo vũ khí, thậm chí còn không được quay phim, chụp ảnh người biểu tình. Thế nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý mới nói rằng: “Nếu ban hành luật này thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm xem xét, thông qua, điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng kích động quần chúng biểu tình gây rối an ninh trật tự”.
Nói thế có nghĩa là trong chương trình làm luật năm 2012, Luật Biểu tình có lẽ sẽ phải gác lại- dù được Thủ tướng đề xuất.
Đơn giản, có Luật, có nghĩa là sẽ có biểu tình.
Không có bộ ngành nào đã đành, nhưng ngay cả các vị đại biểu QH cũng không ai có ý định đệ trình dự án luật này. Cũng rất đơn giản, bởi đại biểu QH ở Việt Nam không ai có nhu cầu biểu tình. Cũng không đại diện cho người biểu tình.
Nói câu chuyện dự án Luật biểu tình, một trong số những dự án luật được xem là bảo vệ quyền hiến định của công dân đã bị đẩy đi đẩy lại bao năm, là bởi có một vị đại biểu QH đệ trình dự án luật đã phát biểu không thương tiếc: Nếu phải chọn giữa dự án Luật Biểu tình và dự án Luật Nhà văn, ông sẽ chọn Luật nhà văn.
Tuần rồi, người dân quên bẵng những cơn lũ ở Thái Lan, những vụ vỡ hụi khắp nơi, để mắt tròn mắt dẹt sang dự án Luật Nhà văn. Sự bất thường trong mỗi quan tâm của dân chúng đối với công việc làm luật, vẫn được đánh giá là khô như ngói của QH- cho thấy sự ngớ ngẩn của dự án, mà bản thân rất nhiều nhà văn gọi là “tào lao” này.
Nhiều người cho đây là những sáng kiến cảm tính. Nhiều người khác nhắc lại câu chuyện IQ nghị sĩ. Nhưng Website chính thức của Bộ Tư Pháp cho thấy tính nghiêm túc của các Dự án này khi hai vị đại biểu QH đã gửi dự án kèm các tài liệu với sự cần thiết, cơ sở pháp lý, quan điểm xây dựng, những nội dung chính, dự kiến nguồn lực, kinh phí… y chang một Tờ trình dự án luật của Chính phủ.
Dư luận phản ứng, chính là bởi sự nghiêm túc của dự án luật tào lao này.
Ở khía cạnh tích cực, đây là lần đầu tiên xuất hiện tại QH sáng kiến dự án luật của do cá nhân các đại biểu QH đệ trình. Nhưng hóa ra, nhà văn- nghị sĩ sau đó nói không phải sáng kiến của ông, ông chỉ làm cầu nối.
Nữ nghị sĩ- doanh nhân, vừa bị báo chí đập cho tơi tả xung quanh vấn đề tư cách đại biểu thì đề xuất xây dựng Luật bảo vệ quyền riêng tư. Vị nhà văn đề xuất xây dựng Luật nhà văn chỉ vì ông là…nhà văn.
Chết nỗi, có thể nhìn thấy ngay vấn đề lợi ích nhóm- thậm chí người ta chả buồn che dấu- trong các sáng kiến luật, hài như bịa, của các nghị sĩ.
Luật biểu tình, Luật báo chí (sửa đổi) bị hoãn đi hoãn lại. Luật Biển đề xuất từ năm 1994 giờ vẫn bị treo. Luật tiếp cận thông tin, Luật đầu tư mua sắm công…treo vô thời hạn trong sự bức xúc của dư luận. Những thực tiễn của đời sống mà không có luật nhà nước đều chỉnh, đương nhiên người ta phải áp dụng… luật xã hội. “Tuần làm luật” của QH còn một chi tiết đáng chú ý. Đại biểu Nguyễn Đức Chung- Hà Nội, một sĩ quan công an có bằng ĐH Luật, phàn nàn rằng trong tuần vừa qua, ông đã nhận tới 20 kg tài liệu. Với thời gian như thế, tài liệu như thế, các nghị sĩ không làm luật kiểu… thông cảm, không làm luật kiểu “sửa chính tả” mới là lạ. Luật lá thì tào lao. Làm luật thì chặc lưỡi. Và giờ thì cử tri khỏi thắc mắc vì sao trong chỉ có trên dưới 30 ngày mỗi kỳ họp mà Quốc hội thông qua được cả chục thứ luật lá các loại.
Nếu như luật Nhà văn, Nhà thơ, rồi Luật thư viện được Quốc hội gật gù đưa vào chương trình xây dựng luật lần này, Việt Nam sẽ có một rừng luật. Nhưng rừng luật không có nghĩa là sẽ tránh được luật rừng khi khuynh hướng làm luật luôn né tránh đời sống.
Theo blog Đào Tuấn
No comments:
Post a Comment