Saturday, November 19, 2011

Lắng nghe nhân dân, bằng không sẽ thất bại


Michael Ignatieff - Sau vỡ nợ kinh tế là đến vỡ nợ chính trị. Các chính khách ở Hy Lạp và Ý đã thất bại. Bây giờ đến lượt của những nhà kỹ trị. Sau khi bị các thị trường trái phiếu tấn công dồn dập và bị thất thế bởi chính những mưu đồ của mình,

tầng lớp chính trị Hy Lạp đã quay sang nhờ đến Lucas Papademos trong khi người Ý nhờ đến Mario Monti. Cả hai đều là những nhà kinh tế học tài năng và có tiếng tăm, nhưng một người đa nghi có thể được lượng thứ nếu hỏi: tại sao người dân thường lại phải tin họ?
Cả hai đều thuộc tầng lớp chuyên gia ngân hàng và nhà kinh tế học ngay từ đầu đã đẩy Châu Âu vào tình trạng rối ben này. Cả hai đã nắm những chức vụ điều hành ở những định chế của Liên hiệp Châu Âu từng nhắm mắt làm ngơ trong một thập niên trước những lời nói dối của Hy Lạp và Ý về tài chính công của họ. Vậy cớ làm sao mà Hy Lạp và Ý lại đang nhờ đến những nhà kỹ trị Châu Âu để lôi họ ra khỏi vũng lầy? Bởi vì chẳng còn ai đủ uy tín.
Giới kỹ trị được xem là có uy tín bí ẩn về việc không chịu ảnh hưởng của chính trị. Nhưng làm gì có chuyện “không chịu ảnh hưởng của chính trị”. Cuộc khủng hoảng này xưa nay toàn mang màu sắc chính trị. 
Những vấn đề mà hai nước này đối mặt không mang tính kỹ trị. Những biện pháp cần phải thực hiện đã quá rõ: tái lập kiểm soát tài chính công, tái kích cầu và phục hồi khả năng cạnh tranh cho hai nền kinh tế Nam Âu này. Vấn đề này mang tính chính trị: làm sao thúc đẩy một nền hành chính miễn cưỡng phải tự cải cách, làm sao buộc các nghị sĩ bỏ phiếu chấp nhận tăng thuế, và làm sao thuyết phục người dân đã quá túng quẫn tin rằng những hy sinh được đề xuất là công bằng và có ánh sáng cuối đường hầm.
Như Hy Lạp đã cho thấy, nếu ta không thể thuyết phục người dân tin rằng chính sách thắt lưng buộc bụng là công bằng, một quốc gia có thể trở nên không thể cai trị được. Đây hiện là vấn đề ở Nam Âu.
Thủ tướng Monti và thủ tướng Papademos phải khôi phục tính có thể cai trị, nhưng cả hai đều không có bao nhiêu tính chính đáng chính trị. Cả hai lên nắm quyền mà không bằng lá phiếu bầu phổ thông, và nếu những nhà kỹ trị thất bại, tầng lớp chính trị sẽ giành lại quyền lực và nói rằng “Tôi đã bảo mà”. Nếu những nhà kỹ trị thành công, tầng lớp chính trị sẽ tranh công. Dù thế nào đi nữa, tầng lớp chính trị nghĩ rằng họ sẽ thắng và đưa đất nước của họ quay lại những lối cũ tệ hại.
Thời gian là điều thiết yếu và cả hai vị thủ tướng không có nhiều thời gian. Họ sẽ gặp phải sự chống đối ở mọi nơi của nhân viên khu vực nhà nước, giới chủ lao động và thị trường trái phiếu. Những nhóm lợi ích này sẽ cố gắng kiên nhẫn đợi đến khi họ chịu thua hoặc, nếu không làm được như vậy, sẽ kỳ kèo đòi cho bằng được những gì có lợi nhất cho họ để đổi lấy sự ủng hộ của họ.
Cả hai vị chăm chuốt hình ảnh “không chịu ảnh hưởng của chính trị”, nhưng cả hai đủ khôn ngoan để hiểu họ đang đương đầu với gì. Trong một bài phát biểu ở Washington hồi tháng Tư, ông Papademos nói vấn đề chính ở Hy Lạp không phải là chọn lựa một giải pháp kinh tế, mà là thực hiện giải pháp đó với tất cả mọi tầng lớp.
Hai vị lãnh đạo này đang dựa vào những dữ kiện khủng hoảng không thể lay chuyển được để buộc công chúng ủng hộ chương trình thắt lưng buộc bụng của họ. Nhưng tuy dữ kiện là những điều bất di bất dịch, chúng không phải hiển nhiên. Hy Lạp và Ý sẽ không lâm vào tình trạng như hiện nay nếu các dữ kiện tự thể hiện rõ hết. Sẽ cần có kỹ năng chính trị siêu hạng để thuyết phục Nam Âu tin rằng dữ kiện là dữ kiện.
Khủng hoảng kinh tế một lần nữa bộc lộ sự thâm hụt dân chủ ngay trọng tâm của toàn thể công cuộc hội nhập Châu Âu. Tầng lớp chính trị do dân bầu của khu vực đồng euro trong hơn một thập niên đã không cho cử tri biết một đồng tiền chung sẽ tốn kém bao nhiêu. Không một chính khách nào dám giải thích sự thật với người Hy Lạp hay người Ý, chứ chưa nói gì tới người Đức. Sự thật là Hy Lạp và Ý không đủ khả năng cạnh tranh và vung tay quá trán. Người dân Đức không được nói cho biết rằng một liên hiệp tiền tệ chuyển chi phí chính trị và kinh tế từ những nhà nước tiêu xài hoang phí sang những nhà nước thận trọng như nhà nước của chính họ.
Thủ tướng Monti và thủ tướng Papademos tin rằng họ có thể nói sự thật với nhân dân của mình vì, khác với các chính khách, họ không phải đối mặt với một cuộc bầu cử. Nhưng phục hồi Ý và Hy Lạp sẽ mất thời gian dài và, về dài hạn hơn, tính chính đáng kỹ trị sẽ không đủ. Sau nửa thế kỷ của thí nghiệm Châu Âu, tính chính đáng chính trị vẫn giữ nguyên hình thức của mình trong mọi nền dân chủ: không thể nào khác hơn là ở các cấp quốc gia, địa phương và chính trị. Điều đó phải đạt được qua bầu cử. Nhờ đến các chuyên gia để giải quyết các vấn đề về tính chính đáng và sự ưng thuận là một dấu hiệu không phải của sức mạnh, mà là của sự yếu kém. Sau hai vị Monti và Papademos, Châu Âu sẽ cần các chính khách do dân bầu đạt được tính chính đáng thông qua nỗ lực vất vả, bằng cách nói thật với nhân dân.
Tạm thời, xem như dấu hiệu tốt khi thủ tướng Monti đang được gọi là “giáo sư”. Đó là chỉ báo cho thấy nhân dân muốn ông thành công. Bản thân tôi từng là giáo sư và từng tham gia chính trường (Michael Ignatieff nguyên là chủ tịch Đảng Tự do, thủ lĩnh phe đối lập trong Hạ viện Canada; trước đó ông là giáo sư Đại học Harvard. N.D.), tôi chỉ xin đưa ra một lời khuyên: hãy thuyết phục nhân dân của ta tin rằng ta đang làm điều này không phải cho các ngân hàng, không phải cho Châu Âu, không phải cho thị trường trái phiếu, mà cho họ, những đồng bào của ta. Nên nhớ rằng họ, chứ không phải thị trường trái phiếu hay Liên Hiệp Châu Âu, có quyền lực cuối cùng. Nếu nhân dân tin rằng ta không ở về phía của họ, ta sẽ thất bại và họ có thể khiến đất nước ta trở nên không thể cai trị được.
Tác giả nguyên là một chính khách Canada, và hiện đang dạy tại Đại học Toronto.
Bản tiếng Anh: One professor to another: listen to the people, or fail, Financial Times, 17/11/2011

No comments:

Post a Comment