Saturday, November 12, 2011

LẠI CHUYỆN THỦY ÐIỆN XẢ LŨ “SỐNG CHẾT MẶC BAY”


Người Dân - Theo báo chí, tại Thừa Thiên – Huế, hai nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền trong những ngày qua đã không thể tích nước cắt lũ mà liên tục mở cửa xả, khiến nhiều vùng nhập trong biển nước.
Ông Nguyễn Minh Phụng, một cư dân Huế, cho biết chưa bao giờ phải chứng kiến một trận lụt nào bất ngờ như thế. Trời không mưa nhưng nước cứ ùn ùn kéo về. Trong căn nhà ngập hơn một mét, ông bức xúc nói với báo điện tử “VnExpress”: “Chấp nhận là vùng thượng nguồn có mưa nhưng thủy điện đóng vai trò cắt lũ thì lại xả làm nhiều vùng dân cư bị ngập nặng”. 
Trong khi đó, các cấp lãnh đạo có liên quan thì tỏ ra bình thản trong các phát biểu. Ông Đinh Hữu Tấn, Phó tổng giám đốc Nhà máy thủy điện Bình Điền, cho biết hồ thủy điện đã cắt lũ trong đợt thứ nhất và thứ hai, nhưng trong lần này “lượng nước về hồ đã vượt tràn 3,3 m nên chúng tôi phải xả nhằm đảm bảo an toàn cho đập”. Ông cũng khẳng định việc xả lũ phía thủy điện đã tuân thủ theo sự điều hành của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh. 
Đứng tại điểm tràn xả lũ hồ chứa nước Liệt Sơn, nhiều người dân không khỏi lo lắng lũ nhấn chìm nhà cửa, tài sản
Một quan chức khác, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, thì nhìn nhận do thủy điện là công trình đảm bảo đa mục tiêu nên luôn có những thuận lợi và khó khăn. Rồi ông nhấn mạnh: “Hai đợt lũ trước các thủy điện đã tích nước cắt lũ. Lần này do mưa quá lớn nên họ thông báo xả lũ, chúng tôi cũng đã thông báo lên tivi cho người dân chủ động đối phó”.
Từ những phát ngôn trên, có thể thấy đối với giới lãnh đạo thì việc “xả lũ theo đúng quy trình” (tức có thông báo trước vài ba giờ) là xong nhiệm vụ, còn chuyện người dân trong vài tiếng đồng hồ ấy có thể làm được gì, thì không mấy được quan tâm. Nhưng thử hỏi, dù có “nâng cao cảnh giác” đến mấy đi nữa, thì cư dân những vùng hay xảy ra bão lũ làm sao có thể trở tay trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó để cứu vãn tài sản, thậm chí tính mạng của họ?

Thủy điện sông Tranh 2 xả lũ với lưu lượng từ 3.500 đến 5.000 m3/s trong hai ngày qua đã gây thiệt hại nặng cho vùng hạ lưu Quảng Nam
Trong chuyện xả lũ, vấn đề thực ra không phải là tranh luận xem thời gian tối thiểu mà các nhà máy thủy điện phải thông báo cho dân được biết là 2 hay 6 tiếng, như điều thường thấy khi các bên “đá bóng cho nhau” mỗi lúc người dân chịu họa. Lẽ ra, tính mạng, của cải, tài sản và những điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân phải được đặt lên hàng đầu, coi đó là mục tiêu tối thượng, chứ không phải một đập chắn thủy điện, càng không phải một quy trình nào đó! 
Nếu việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện luôn đi kèm với một số hệ lụy, hiểm họa mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục nổi – như phải xả nước để bảo vệ đập, bất chấp những mặt hại và bất cập của nó đến đời sống và tính mạng người dân trong vùng – thì phải chăng, cần cân nhắc, xem xét lại chính sách của Việt Nam, quá thiên về thủy điện và đâu đâu cũng chủ trương xây nhà máy thủy điện, mà chưa suy tính thấu đáo tới lợi ích cư dân?

No comments:

Post a Comment