Friday, November 4, 2011

Khu vực euro chuẩn bị cho khả năng chia tay Hy Lạp


Thanh Phương (RFI) - Cho tới nay là đề tài tuyệt đối cấm kỵ, việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro là một khả năng mà các nước sử dụng đồng tiền chung nay phải dự trù tới, cho dù nó sẽ gây những hậu quả trầm trọng cho toàn bộ khu vực euro.
Trong cuộc trưng cầu dân ý trên nguyên tắc diễn ra ngày 4/12 tới, người dân Hy Lạp sẽ cho biết ý kiến về kế hoạch cứu vãn nước này và coi như là qua đó, quyết định Hy Lạp có tiếp tục nằm trong khu vực đồng euro hay không.

Vì quá chán ngán với những biện pháp thắt lưng buộc bụng, cử tri Hy Lạp rất có thể sẽ bỏ phiếu chống và như vậy là nước này sẽ bị vỡ nợ vì không còn nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào từ khu vực euro cũng như từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Cụ thể hơn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng gọi là « phá sản vô trật tự », tức là phá sản mà không có thương lượng trước với các ngân hàng chủ nợ, giống như trường hợp của Achentina trước đây, đã tự giảm 75% nợ của mình. Trong kịch bản đó, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi Liên hiệp tiền tệ, cho dù các hiệp ước không dự trù đến khả năng này.


Một khi ra khỏi khu vực euro, Hy Lạp sẽ sử dụng trở lại đồng tiền quốc gia, đồng drachme. Nhưng theo ông Partick Artus, kinh tế gia thuộc ngân hàng Natixis, để cân đối lại cán cân thương mại, Hy Lạp cần phải phá giá 55% đơn vị tiền tệ nước này. Hậu quả sẽ là lạm phát phi mã, thất nghiệp tăng cao, đẩy nền kinh tế Hy Lạp vào suy thoái. Thành ra, như lời ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, đối với dân Hy Lạp, bỏ euro sẽ còn « đau đớn hơn » toàn bộ các kế hoạch khắc khổ được thi hành từ trước đến nay ở nước này.


Mặt khác, ra khỏi khu vực đồng euro cũng chẳng giải quyết được gì cho vấn đề nợ công của Hy Lạp, bởi về món nợ này sẽ tăng gấp bội do việc phá giá đồng drachme. Trong trường hợp này không thể loại trừ khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ hoàn toàn và thiệt hại đối với các ngân hàng chủ nợ được dự đoán sẽ là khoảng 300 tỷ euro.


Bộ trưởng Pháp đặc trách các vấn đề châu Âu, ông Jean Leonetti nhắc lại rằng, trước đây, sau khi bị vỡ nợ, Achentina đã phải mất 10 năm mới gượng dậy được. Nhưng Achentina có nhiều khả năng xuất khẩu, trong khi Hy Lạp thì không có gì, cho nên không biết bao giờ mới nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.


Không chỉ có Hy Lạp, mà việc nước này từ bỏ đồng tiền chung sẽ gây tác hại đến toàn khu vực euro, vì nếu những nước khác cũng làm theo Hy Lạp, khối euro sẽ dần dần tan rã, chỉ hơn 10 năm sau khi ra đời. Trước mắt, việc này sẽ làm tăng thêm nguy cơ khủng hoảng nợ công lan sang các nước suy yếu khác như Tây Ban Nha, Ý, Bỉ. Thậm chí cả Pháp cũng khó tránh khỏi bị kéo vào vòng xoáy.


Cho nên, theo nhận định của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, khối euro cần phải nhanh chóng có những tiến bộ về việc tăng cường sức can thiệp của Quỹ cứu trợ các nước gặp khó khăn FESF. Việc tăng vốn cho quỹ này đã được thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua của khối euro cách đây chưa tới một tuần, để ngăn không cho khủng hoảng lan sang Ý và Tây Ban Nha, hai nước đang trong tầm ngắm của các thị trường.

Hôm nay, áp lực của các thị trường đang gia tăng lên nước Ý. Mặc dù chính phủ Berlusconi đã thông qua các biện pháp khắc khổ, nhưng các nhà đầu tư vẫn không tin vào khả năng của ông đối phó với khủng hoảng. Ngay trước khi khai mạc hội nghị G20, lãi suất thời hạn 10 năm dành cho nước Ý có lúc đã đạt mức kỷ lục lịch sử là 6,402%. Với món nợ lên tới 1.900 tỷ euro, về dài hạn, nước Ý sẽ khó mà chịu đựng được mức lãi suất cao như thế.


No comments:

Post a Comment