Wednesday, November 2, 2011

Bàn về “Tính Chính Thống” của một chế độ chính trị


LS. Trần Thanh Hiệp - Nhân vụ một số nhà trí thức ở hải ngoại gửi Thư Ngỏ cho nhà cầm quyền trong nước
Bàn về “Tính Chính Thống” của một chế độ chính trị
Lời ghi chú cập nhật hóa của người viết :Trong những ngày gần đây, nhân việc một bản văn có nội dung chính trị mang tên “Thư Ngỏ của 36 nhà trí thức Việt Nam ở hải ngoại” liên quan tới tư cách và danh nghĩa cầm quyền của chế độ Hà Nội, một cuộc tranh luận ồn ào đã diễn ra trên nhiều diễn đàn của người Việt ở ngoài nước. Bài viết ngắn dưới đây là một đoạn “ghi chú” phụ đính một bài viết, của cùng tác giả, đăng trên Tập San Viễn Tượng Việt Nam, ấn hành tại Paris năm 2006, trong đó người viết đã nêu lên một số ý kiến sơ lược về vấn đề “Tính Chính Thống” của một chế độ chính trị. Ghi chú này đặc biệt quan tâm duyệt xét những khác biệt giữa những chữ “chính đáng”, “chính thống”, “hợp pháp” v.v…Nhận thấy những lời ghi chú kể trên hiện giờ vẫn còn tính thời sự cũng như những ích lợi thực tế để phân biệt sai đúng, phải trái, chính tà, người viết đã sửa chữa một vài điểm, đặt tựa đề mới và cho đăng lại như một góp phần nhỏ làm trong sáng thuật ngữ chính trị và luật học Việt Nam trong thời đại mới. Dịp này người viết xin được có lời kêu gọi sự thận trọng trong việc sử dụng trước công luận quyền tự do tư tưởng để lấy thái độ chính trị. Sự thận trọng này cũng còn cần phải được tôn trọng một cách nghiêm ngặt trong việc tranh luận về lập trường và thái độ chính trị. Không được vậy, sợ rằng vùng đất mới của người Việt ở hải ngoại sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn không thị phi, không kỷ cương làm ô nhiễm không gian xã hội văn minh tiến bộ Việt Namđược hình thành sau biến cố 1975, khi miền Nam Việt Nam rơi vào qũy đạo của độc tài toàn trị.
Trần Thanh Hiệp
Cụm từ « tính chính thống » đã được dùng để dịch những chữ tiếng Pháp légitimité, tiếng Đức legitimität, tiếng Anh legitimacy, tiếng Tây Ban Nha legitimidat, tiếng Ý legitimita(trước đây người ta dịch là sự chính thống, bây giờ người ta còn dịch là tính chính đángnữa, dưới đây sẽ nói rõ tại sao lại chỉ dùng tính chính thống).  Tất nhiên, muốn tìm hiểu nội dung cụm từ này cần qui chiếu vào những ngoại ngữ kể trên. Trong khuôn khổ ghi chú này chỉ xin nêu lên một ít điều với hy vọng giúp trả lời một cách đại cương câu hỏi « tính chính thống » là gì? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trên hai bình diện từ ngữ và khái niệm.  Về mặt từ ngữ, xin giới hạn vào hai chữ tiếng Pháp légitimité và tiếng Anh legitimacy. Về mặt khái niệm thì xin đối chiếu quan điểm của phương Đông với quan điểm của phương Tây về tính chính thống.
Tự điển Tàu dịch chữ tiếng Anh Legitimacy là chính thống tính, sang tiếng hán việt thànhtính chính thống và dịch chữ tiếng Pháp légitimité là tính hợp pháptính chính thống. Từ điển Việt Nam dịch chữ légitimité là tính chính đáng và dành chính thống cho chữ orthodoxe. Cũng vẫn theo tự điển Việt Nam thì chữ tiếng Anh legitimacy có nghĩa là tính hợp pháp, tính chính đáng.  Không rõ vì lý do nào mà tự điển của ta khi dịch những chữlégitimité, legitimacy lại đặc biệt khác tự điển của Tàu như vậy (cần chú ý rằng chữ đángcũng là chữ Hán).  Nhưng điểm đáng nói là một mặt, chữ chính đáng không đủ rộng để phản ánh được nội dung của hai chữ légitimité và legitimacy và mặt khác, khái niệm phương Tây về legitimacy và légitimité phân biệt tính hợp pháp (legality, légalité) với tính chính thống (legitimacy, légitimité) trong khi tự điển của ta không phân biệt như thế.  Do đó tưởng nên dùng tính chính thống thay vì tính chính đáng.
Một chính quyền phải có những điều kiện nào để được coi là có tinh chính thống?  Có hai loại điều kiện : pháp lý và chính trị. Điều kiện pháp lý là phải hợp pháp tức là phù hợp với pháp luật. Nhưng không phải là bất cứ loại pháp luật nào mà phải là loại pháp luật xuất phát từ ý chí chung của tòan dân (volonté générale).  Nếu không như thế thì chính quyền nào cũng đều có tính chính thống, kể cả chính quyền độc tài. Vì vậy lại còn phải thỏa mãn những điều kiện chính trị theo đó chính quyền ấy được toàn dân tự nguyện tuân lệnh, không phải dùng bạo lực khủng bố để ép buộc dân phải theo.  Một chính quyền không hội đủ hai loại điều kiện đó thì không được kể như có tính chính thống.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kinh nghiệm về tính chính thống, một ở dưới thời quân chủ và một ở dưới thời độc tài toàn trị.  Thời xưa tuy ở dưới chế độ quân chủ nhưng muốn cầm quyền thì đối với dân vua phải được coi là chính thống.  Và tính chính thống được quy định vừa bởi huyết thống vừa bởi khả năng chăm lo cho dân. « Chính giả chính dã » câu nói này của Khổng Tử để khẳng định rằng làm chính trị thì phải lo cho có được chính thống.  Vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con, đó là ý nghĩa câu « Quân quân Thần thần, Phụ phụ, Tử tử », những điều kiện để kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh trị.  Vua trái đạo vua, không lo cho dân, không được dân tín nhiệm nữa thì mất chính thống và mất ngôi vua.  Kẻ cướp ngôi dù cầm được quyền mà không lo được cho dân thì vẫn không được nhìn nhận là chính thống.
Dưới thời cộng sản, thời cách mạng vô sản, vấn đề chính thống đã bị đảo lộn, chính tà lẫn lộn, đúng hơn chỉ là tà trong sự chờ đợi tà trở thành chính.  Những người cộng sản cướp quyền, tự đặt mình lên thế lãnh đạo tối cao rồi dùng bạo lực, gian dối để áp đặt chế độ toàn trị. Thời thế thay đổi, dân chúng đang có cơ đặt lại vấn đề chính thống.  Nhiều hành động bất phục tùng đã xảy ra hàng ngày và ở khắp nơi trong nước.
Người dân Việt Nam hiện nay đang sắp sửa thực hành một thí nghiệm mới về chính thống, đó là thí nghiệm chính thống dân chủ (légitimité démocratique, democratic legitimacy). Trong viễn tượng mới này, chính quyền sẽ phải thực sự hợp pháp nghĩa là phải nhận được ủy nhiệm của toàn dân để cầm quyền, phải tôn trọng pháp luật do toàn dân làm ra và phải trả lại quyền hành khi mãn nhiệm kỳ để toàn dân chọn những người cầm quyền mới.  Nói cách khác, chủ quyền quốc gia, bị Đảng cộng sản sang đoạt từ hơn nửa thế kỷ, phải được trả lại cho toàn dân. Và toàn dân, muốn được coi là chủ tập thể của đất nước, phải được thực sự hành sử chủ quyền ấy. Theo tiêu chuẩn chính thống của chính trị học và luật học phương Tây, chủ quyền quốc gia thể hiện qua cơ chế dân chủ đa nguyên, đa đảng, nghiêm chỉnh tôn trọng dân quyền, nhân quyền.
Dưới chế độ cộng sản, thời cách mạng vô sản với một bộ máy cầm quyền chuyên sử dụng gian dối và bạo lực để áp đặt chế độ thì không thể nói rằng chế độ này có tính chính thống. Vì những người cộng sản cướp quyền, rồi tiếm quyền, tự đặt mình lên thế lãnh đạo tối cao và dùng bạo lực, gian dối để bắt dân phải tuân phục tập đoàn cầm quyền.  Tức là không hề có tự nguyện phục tùng mà chỉ có bất phục tùng. Thái độ bất phục tùng của dân là chỉ dấu của một chế độ phi-chính-thống. Những ai coi chế độ ấy có « chính danh, chính nghĩa » để cầm quyền tất phải gây ra những căng thẳng trong xã hội thôi.
Trước hiểm họa  trước mắt Trung Quốc, thiết tưởng đã đến lúc phải xét xem nhà cầm quyền Hà Nội còn có tư cách và danh nghĩa chính đáng để cai trị đất nước nữa không?
Tôi cho rằng câu trả lời dứt khoát phải là tập đoàn cầm quyền cộng sản Hà Nội, đối ngoại thi hành đường lối ngoại giao làm tay sai cho ngoại bang, đối nội, thực thi nền nội chính độc đoán áp đặt bằng gian dối và bạo lực, coi rẻ sinh mạng, nhân quyền, tài sản của dân. Nói tóm lại, tập đoàn này, một khi đã đã để lộ bộ măt thật phản nước hại dân thì về mặt chính trị, không còn tư cách cũng như không có danh nghĩa chính đáng để cầm quyền nữa.
Còn về mặt pháp lý thì sao? Về điểm này tôi thấy cần phải bác bỏ mạnh mẽ quan điểm theo đó vì là “thành viên của Liên Hiệp Quốc, có nhiều quan hệ ngoại giao trên bình diện cả thế giới lẫn vùng, bộ máy cầm quyền Hà Nội phải được coi  là có “chính danh“ để cai trị. Sự khẳng định hấp tấp này không thể biện minh được vì đã dựa vào những diễn dịch sai lầm vê luật quốc tế áp dụng sóng đôi với luật quốc gia. Danh nghĩa thành viên LHQ là nguồn quy phạm để các quốc gia thành viên quan hệ ngoại giao với nhau chứ không phải là mộtlegality tuyệt đối chi phối sinh  hoạt chính trị trong nội bộ của một quốc gia thành viên. Xin đừng quên rằng chính Hiến Chương LHQ đã minh thị ngăn cấm việc can thiệp vào nội bộ của quốc gia thành viên vì các quốc gia này, nhờ có quyền dân tộc tự quyết nên tự mình hoàn toàn làm chủ nội chính của mình. LHQ đã căn cứ vào nền nội chính đó để có cơ sở thâu nhận thành viên. Xin mở một dấu ngoặc, không thể giải thích một cách chủ quan chữ legality, thí dụ, “hợp pháp nên coi như có danh nghĩa chính thức“ để dịch legality(légalité) là “chính danh“, mà phải dịch là “tính hợp pháp“.
Do đó, cơ sở pháp lý để xét về “tính chính thống” (legitimacy, légitimité) của một chế độ không phải là sự kiện chế độ này đã được LHQ nhìn nhận là thành viên mà là toàn bộ sinh hoạt chính-trị-pháp-lý-xã-hội của chế độ ấy.
Tôi xin viện dẫn một thí dụ cụ thể về giá trị chỉ có giới hạn của thứ legality dựa vào tư cách thành viên LHQ, Đó là trường hợp Libya. Khi phong trào dân chúng nổi dậy ở phía Đông Bắc Libya thì chính quyền Gaddafi là thành viên của LHQ. Nhưng một cơ cấu cầm quyền lâm thời, Hội Đồng Quốc Gia Chuyển Tiếp – CNT – đã ra đời để thay thế chính quyền Gaddafi đối nội, đối ngoại. Rồi chính LHQ lại đã đứng về phía lực lượng nổi dậy, không phải để can thiệp vào nội bộ của Libya mà để ngăn chặn không cho cho chính quyền Libya dùng vũ lực đàn áp dân. Kết cục quân nổi dậy đã đánh chiếm được cả lãnh thổ Libya và Hội Đồng Quốc Gia Chuyển Tiếp đã thay thế chính quyền Gaddafi trong ghế thành viên LHQ.
Lấy trường hợp Libya làm bảng tìm dò nước Việt Nam hiện nay thì người ta có thể nói ở Việt Nam có ba con đường hợp pháp, đó là “nhờ luật quốc tế” (thành viên LHQ), “nhờ vị thế những người cầm quyền tại chức” (Nhà nước) và “ẩn dấu trong dân chúng đang ở trong tiềm thế cách mạng”. Tuy ba nhưng chỉ có hai thôi. Nếu cứ nhất định coi chỉ những người cầm quyền tại chức, vì là thành viên của LHQ, mới là nguồn pháp luật độc nhất của quốc gia, hì không khác gì cách nhìn của những người ấy, chỉ Mouammar Gaddafi mới có “chính danh” để cầm quyền!
Sự thật ra sao, mọi người đều đã biết.
Tôi xin nhắc lại, để chấm dứt, mấy điều không thể tùy tiện hiểu khác đi :
Thứ nhất, “tính hợp pháp” (legality, légalité) không phải là “tính chính thống” (legitimacy), muốn được kể là có “tính chính thống” thì phải được dân chúng tự nguyện tuân phục.
Thứ hai, nếu dân chúng nổi dậy vì bất phục tùng thì cuộc nổi dậy của họ khởi đầu phi pháp sẽ trở thành hợp pháp khi thành công.
Thứ ba, những người đang cầm quyền hay sẽ cầm quyền, muốn tránh cho khỏi có nổi dậy, phải thực sự thi hành dân chủ thì sẽ có “chính thống dân chủ” (democratic legitimacy, légitimité démocratique), như ở các nước đích thực dân chủ trên thế giới (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha v.v…).
Thứ tư, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một chế độ phi-chính-thống, dù vẫn còn là một nước thành viên của LHQ.
Tinh chinh thống là vấn đề cơ bản của đời sống chính trị của một quốc  gia, một dân tộc – như lịch sử đã cho thấy – tự trong nó có một lô-gich để tự giải quyết, sớm hay muộn, bằng cách này hay cách khác, hay nói rõ hơn, ôn hòa hay bạo động.
© LS. Trần Thanh Hiệp© www.Vietthuc.org

No comments:

Post a Comment