Wednesday, November 23, 2011

Aleksandr Solzhenitsyn: Đừng lấy dối trá làm lẽ sống


Thái Phục Nhĩ (DLB) - Luận này là luận cuối cùng Solzhenitsyn viết trên đất mẹ của ông dưới chế độ cộng sản, được lưu truyền rất nhiều trong giới trí thức đương thời ở Moscow. Luận đề ngày 12 tháng Hai 1974, cùng ngày ông bị công an mật đột nhập vào nhà và bắt đi. Bản dịch sau của chúng tôi dựa vào bản tiếng Anh in trên The Washington Post, số ra Thứ Hai 18/2/1974, có lưu tại WashingtonPost.com
Chúng tôi dịch luận này, mong nó tới được mắt những người người cầm bút, văn sĩ, kí giả, dù ở lập trường hãy lĩnh vực nào. Người cầm bút cần có tinh thần trách nhiệm hơn với những điều mình nói, vì một lời nói ra thế nào nó cũng có tác động, không tốt thì xấu, cho người nghe.
Phụng sự chân lí, quyết tâm tìm sự thật, nghĩ tới đồng loại và tương lai của con cháu, thì dù không cần tô chuốt tài tình, ngòi bút vẫn tỏa sáng và lưu tiếng thơm. Cứ bóp méo sự thật và diễn giải lịch sử theo dục vọng của mình một cách trâng tráo để chỉ được vài nắm cơm và cái địa vị yên ổn, thì mãi mãi chỉ lún sâu vào chỗ ngu si và tội ác, kéo dài thêm những ngày nô lệ trói buộc tinh thần và làm tàn tạ thân xác nhiều người rất thân yêu. Mà cái việc tồi như thế, ai cũng biết là không thể nào làm mãi được, dù có tài tình và tàn nhẫn đến đâu.
Thái Phục Nhĩ
__________________________________________________________________________
Đừng Lấy Dối Trá Làm Lẽ Sống

Aleksandr Solzhenitsyn
Đã có thời thậm chí rỉ tai nhau chúng ta cũng không dám! Bây giờ thì chúng ta viết và đọc sách báo chui, và thỉnh thoảng có tới Khoa Học Viện hút thuốc gặp nhau thì cũng thành thật mà phàn nàn với nhau rằng:
Chúng đang giở trò gì đây? Chúng còn xỏ mũi ta tới đâu nữa? Quê hương vừa nghèo vừa điêu tàn mà chúng cứ huyênh hoang khoe nhau những thành tựu trên vũ trụ. Chúng ôm mấy cái chế độ cai trị lạc hậu và dã man, rồi thổi cho lửa nội chiến bùng lên. Chúng rút ruột để nuôi Mao Trạch Đông một cách vô tội vạ - rồi tống cổ chúng ta ra chiến trường đánh nhau với hắn, mà chúng ta phải đi. Trốn sao cho thoát? Chúng thích đưa ai ra tòa thì đưa, chúng nhốt người tỉnh táo vào nhà thương điên – chúng nó luôn giở những trò đó, còn chúng ta thì bất lực.
Mọi thứ sắp rớt xuống đáy cùng. Tinh thần chúng ta đã chết hết, còn thân xác chúng ta và cả con cái chúng ta nữa, cũng sắp bị ném vào lửa cháy rụi. Thế mà chúng ta vẫn bình chân như vại, cứ nhếch mép cười một cách tiểu nhân, và lưỡi không bị ngọng mà vẫn lúng búng trong miệng. Nhưng chúng ta biết làm gì mà ngăn nó cho được? Hay là chúng ta không đủ sức?
Chúng ta bị tước đoạt nhân tính một cách tàn bạo tới mức chỉ vì miếng cơm manh áo qua ngày thôi mà chúng ta sẵn sàng vứt bỏ mọi nguyên tắc và linh hồn của mình, mọi nỗ lực của tiền nhân và mọi cơ hội của hậu thế - miễn sao đừng đụng tới sự tồn tại mong manh của mình là được. Chúng ta không có khí phách, không có tự trọng, không có nhiệt tình. Vũ khí hạch tâm, thế chiến thứ ba chúng ta không sợ. Chúng ta đã nấp kĩ trong hang rồi. Chúng ta chỉ sợ làm người công dân có dũng khí. Chúng ta sợ lạc đàn, sợ đi một mình không có cơm ăn, không có khí đốt, không có hộ khẩu thành phố. [i]
Chúng ta bị nhồi sọ chính trị, bị người ta tiêm cho cái ý nghĩ phải an thân đã, rồi sau sẽ tốt đẹp hết. Chúng ta không thoát khỏi được hoàn cảnh và điều kiện xã hội của mình. Cuộc sống hàng ngày quyết định ý thức. Chúng ta thì có liên quan gì tới mấy việc đó? Và có thật là chúng ta không thay đổi được gì không?
Được chứ, được tất cả là đàng khác. Nhưng chúng ta dối lòng mình để an thân. Đừng trách bọn chúng, có trách thì trách chúng ta đi. Có người vặn hỏi: thì ông muốn nghĩ gì mà chẳng được. Chúng đã dém miệng chúng ta. Có ai chịu nghe chúng ta, có ai thèm đoái hoài chúng ta. Làm sao mà bắt chúng nghe chúng ta nói được? Không thể nào thay đổi được não trạng của chúng.
Tất nhiên là có thể đầu phiếu để loại bọn chúng, nhưng mà đất nước này làm gì có tuyển cử. Ở phương Tây người ta có bãi công và biểu tình phản đối, còn chúng ta thì bị đàn áp thẳng tay, có những cảnh mới nghĩ tới đã thấy rùng mình: ai dám thình lình bỏ việc mà xuống đường? Song le, những con đường chết chóc mà dân tộc Nga đã mò mẫm trong đau khổ suốt thế kỉ qua không phải dành cho chúng ta, mà quả thật chúng ta không cần đi lại những con đường như vậy.
Bây giờ búa liềm đã làm xong việc, hạt giống gieo xuống đã nảy mầm, chúng ta có thể thấy là những kẻ còn trẻ tuổi mà cuồng vọng, cho là có thể dùng khủng bố, cách mạng đẫm máu và nội chiến để mang lại bình đẳng và hạnh phúc cho đất nước chúng ta, chính họ là những kẻ lạc lối.
Thế đủ rồi, xin cảm ơn các vị giác ngộ cách mạng tiên phong! Bây giờ chúng ta mới biết phương pháp xú uế tất sinh kết quả xú uế. Hãy để cho tay của chúng tôi trong sạch.
Cái vòng trói buộc này đã đóng chặt rồi sao? Không còn lối thoát? Và chúng ta chỉ còn một đường duy nhất thôi, là khoanh tay đợi? Đợi cho tới khi có biến? Chừng nào mỗi ngày chúng ta đều thừa nhận, ca ngợi, và nuôi dưỡng – chứ không tự mình chém phăng đi một điều không ai không thấy, là sự dối trá – thì đừng mong có chuyện gì xảy ra.
Bạo động len lỏi vào cuộc sống an bình, cái mặt nó toát ra vẻ ngạo mạn, y như đang khoác một ngọn cờ và hô to: “Bạo động đây. Tránh ra, nhường đường cho tao, không tao nghiến nát tụi bay.” Nhưng mà bạo động mau già. Rồi nó mất hết tự tín, và để giữ cho cái mặt ra vẻ khả kính nó rước thằng dối tra về làm đồng minh – vì không phải ngày nào nó cũng thò bàn tay thô bạo của nó ra được, mà thò ra được cũng bất tất chụp hết mọi người. Nó chỉ cần chúng ta ngoan ngoãn phục tùng dối trá và hàng ngày thực hành dối trá – đây chính là yếu huyệt của mọi sự trung thành.
Cái chìa khóa đơn giản nhất và dễ làm nhất mở ra cánh cửa tự do, tự do mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên, là: mỗi người cùng tẩy chay dối trá. Mặc dù dối trá che giấu tất cả, mặc dù dối trá phủ lấy tất cả, nhưng tôi tuyệt không nhúng tay.
Làm vậy tức là mở một lối thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hoang tưởng do chúng ta khoanh tay đứng nhìn mà ra. Cách đó vừa dễ làm nhất vừa tiêu diệt dối trá mau nhất. Vì rũ bỏ dối trá, tức là cắt đứt đường sống của nó. Dối trá giống như bệnh dịch, chỉ có thể sống bám vào một sinh vật.
Chúng ta không cần phải ám thị mình. Chúng ta chưa đủ già dặn để tiến vào các quảng trường mà gào lên sự thật hay biểu hiện tư tưởng của mình. Chưa tới lúc phải làm thế. Nguy hiểm nữa. Chỉ cần điều gì mình không nghĩ thì chúng ta từ chối đừng nói là được.
Đó là con đường của chúng ta, con đường dễ nhất ai cũng làm được, con đường đã chiếu cố sự hèn nhát thâm căn cố đế của chúng ta. Nó dễ hơn phương pháp công dân bất phục tùng của Gandhi xiển dương – dễ tới mức viết những lời này còn nguy hiểm hơn.
Con đường của chúng ta là không tự nguyện ủng hộ bất kì sự dối trá nào. Khi chúng ta đã biết bản chất của hư ngụy ở đâu, thì chúng ta mỗi người sẽ biết cách nhìn ra đâu là dối, đâu là thật.
Con đường của chúng ta là tránh xa chỗ thối nát. Nếu chúng ta đừng ghép đống xương tàn và lớp vảy khô của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng ta đừng mất công vá lại mớ giẻ rách, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy là sự dối trá sẽ hóa ra bất lực và tiêu ma nhanh chóng. Lúc đó, cái gì cần lột trần mới thực phơi ra trước cả và thiên hạ.
Vì thế, dù có dè dặt, mỗi chúng ta hãy lựa cho mình: hoặc là, cam tâm làm nô lệ cho hư ngụy – tất nhiên chúng ta nuôi dưỡng con cái mình trong tinh thần dối trá không phải vì đó là bản tính của chúng ta, mà chẳng qua là để kiếm ăn nuôi gia đình – hoặc là rũ sạch mọi sự dối trá làm một người lương thiện xứng đáng được con cái và người đồng thời kính trọng.
Và từ đó trở đi chúng ta sẽ:
• bằng mọi cách không viết, kí, hay in một lời nào chúng ta cho là bóp méo sự thật;
• không nói những lời như thế, dù là nói chuyện riêng hay nói trước đông người, tự ý mình hay theo ý người khác, dù làm công tác cỗ vũ, dạy học, giáo dục hay đóng trò trên sân khấu;
• không mô tả, cổ vũ, hay truyền đi một ý tưởng nào chúng ta thấy rõ ràng là sai hay bóp méo sự thật, dù bằng hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc;
• không trích lời người khác nói hoặc viết mà không đặt lời trích vào ngữ cảnh, để lấy lòng ai đó, hay để lót đường cho mình, hay để thành công trong công việc nếu mình không hoàn toàn đồng ý với ý tưởng trích dẫn, hoặc nếu ý trích dẫn đó không phản ánh chân thực bản chất vấn đề;
• không để cho mình bị ép phải dự những cuộc biểu dương hay hội họp nào trái với sở thích hay ý nguyện mình, không cầm hoặc giương lên những tiêu ngữ hay biểu ngữ nào mình không hoàn toàn chấp nhận;
• không giơ tay biểu đồng tình cho một đề xuất mà ta không thành thật tán đồng, không bầu cho người mình cho không xứng đáng hay đáng ngờ về tài năng, dù bầu công khai hay bí mật;
• không để cho mình bị lôi tới những cuộc họp mà mình đoán người ta sẽ bức mình thảo luận hoặc bóp méo một vấn đề;
• lập tức bước ra khỏi những cuộc họp, hội nghị, thuyết trình, biểu diễn, chiếu phim nếu nghe thấy diễn giả nói láo, rêu rao những rác rưởi ý thức hệ, hoặc những lời tuyên truyền lố bịch;
• không đóng góp hoặc mua những báo chí bóp méo thông tin hoặc giấu giếm những sự thật hiển nhiên.
Tất nhiên là chúng ta chưa liệt kê hết mọi biến thái hư ngụy cần phải liệt kê. Nhưng người nào thanh luyện mình sẽ nhờ lương tâm trong sạch mà phân biệt được chân ngụy.
Những người chọn con đường này ban đầu cuộc sống sẽ rất thay đổi. Có người bị mất việc. Những người trẻ muốn sống chân thật, thì những việc như thế này sẽ làm cho đời thanh xuân của họ ra phức tạp, vì khóa học bắt buộc nào cũng nhét toàn dối trá, không thể không chọn lọc.
Nhưng không có lối đi nào dễ dãi hơn cho người muốn làm người lương thiện. Ngày nào chúng ta cũng có người phải đối diện ít nhất là một trong những tình huống trên, cho dù là trong những ngành khoa học kĩ thuật vô thưởng vô phạt dễ tìm được chỗ nương náu nhất. Hoặc là chân thật, hoặc là hư ngụy: một đường đi tới tự do tinh thần, một đường đi tới nô lệ tinh thần. Còn những kẻ không đủ dũng khí bảo vệ linh hồn mình– các người chớ vin vào mấy quan điểm ‘tiến bộ’ của mình mà kiêu ngạo, chớ huyênh hoang mình là hàn lâm học sĩ, là nghệ sĩ nhân dân, là yếu nhân có nhiều công trạng, hay là đại tướng – các người hãy tự nói với mình: Mình thà ở lại đàn làm một thằng hèn. Sao cũng được, miễn no bụng ấm lưng thì thôi.
Lối phản kháng này tuy nhu nhược nhất trong mọi lối phản kháng cũng không phải là dễ. Tất nhiên là dễ hơn tự thiêu hay tuyệt thực: lửa sẽ không dìm thân anh, mắt anh không bị nung cho nổ ra, và gia đình anh sẽ không lúc nào thiếu cơm ăn nước uống.
Một dân tộc vĩ đại ở châu Âu, dân Tiệp Khắc, họ bị chúng ta phản bội và lừa dối, chẳng là họ đã cho chúng ta thấy nếu trong lồng ngực có một trái tim cao thượng thì tấm ngực mỏng manh kia có thể đứng lên chống lại xe thiết giáp đấy sao? [ii]
Anh bảo làm thế không dễ? Nhưng trong mọi cách thì cách đó là dễ nhất. Cách đó có thể nguy tới tánh mạng, nhưng muốn cứu linh hồn thì không còn cách nào khác. Phải, con đường đó không phải là con đường dễ đi. Nhưng mà có nhiều người, rất nhiều nữa là khác, năm này qua năm nọ đã theo đuổi lí tưởng ấy, chỉ vì họ lấy chân thật làm lẽ sống.
Cho nên anh không phải là người đầu tiên chọn đi đường này, anh chỉ gia nhập dòng người đã dấn thân vào đó. Nếu chúng ta nâng đỡ nhau và sát cánh nhau thì con đường này sẽ dễ đi và ngắn bớt lại. Nếu chúng ta đông tới hàng ngàn người thì bọn chúng sẽ không làm gì được chúng ta. Nếu chúng ta lên tới hàng vạn người thì đất nước này sẽ khoác bộ mặt mới đến mức chúng ta không còn nhận ra nữa. Nếu chúng ta khiếp nhược quá, thì đừng trách người ta đàn áp mình mãi.
Chính chúng ta đang tự mình đàn áp mình đấy. Lúc đó thì hãy khom lưng xuống nữa, hãy rên xiết nữa, và đợi tới ngày những người anh em của chúng ta, các nhà sinh học, tìm ra cách đọc được tư tưởng của chúng ta, một thứ tư tưởng vô giá trị và tuyệt vọng.
Và nếu thậm chí đã chọn con đường yên thân mà chúng ta vẫn rơi vào chỗ cùng khốn, thì chúng ta đúng là đồ bỏ đi, không còn cách gì cứu vớt được. Lúc đó, chúng ta đáng dành cho những lời khinh bỉ này của Pushkin:
"Đồ súc sinh thì làm gì có tự do. Muôn đời di sản của nó chỉ là ách nặng và roi vọt.”

-------------
[i] Nguyên văn là hộ khẩu Moscow
[ii] Mùa xuân năm 1968 dân Tiệp Khắc đứng lên đòi tự do, muốn li khai khỏi Liên Bang Soviet. Nhà cầm quyền Liên Bang Soviet cho thiết giáp vào Prague nghiến nát người biểu tình.
***
Tiểu sử văn hào 
Aleksandr Solzhenitsyn
Thái Phục Nhĩ biên soạn
Văn sĩ Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn (1918 - 2008) được nhiều người coi là văn hào Nga lớn nhất thế kỉ 20. Sống, thành tài và thành danh trong Thời Đại Hắc Ám Mới – chủ nghĩa cộng sản, Solzhenitsyn viết những tác phẩm tả thật chế độ Liên Bang Soviet, và can đảm sống một cuộc đời của một chính nhân quân tử ông còn được nhiều người gọi là lương tâm của một thời đại.
Solzhenitsyn bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình trong khi phục vụ cho Hồng Quân trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ở trong đó, ông đã hoài nghi những giá trị luân lí của chế độ Stalin. Đệ Nhị Thế Chiến sắp chấp dứt, năm 1945, Solzhenitsyn bị bắt vì dám phê bình chính sách chiến tranh của Joseph Stalin. Ông bị khép vào tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Soviet, bị áp giải về Moscow và xử tám năm lao động khổ sai trong trại lao động cưỡng bức. Trong trại, ông ghi chép và lưu lại nhiều tài liệu làm đề tài cho những tác phẩm sau này. Năm 1950, ông bị đưa vào Trại Giam Đặc Biệt dành cho tù nhân chính trị. Tuy việc chính là thợ nề, thợ mỏ, ông cũng dành thì giờ ghi chép. Những ghi chép của ông ở trại đặc biệt này là tài liệu cho cuốn One Day in the Life of Ivan Denisovich sau này.
Năm 1953, mãn án, ông bị đưa đi Kazakhstan giam lỏng. Trong thời kì giam lỏng này, ông bị ung thư suýt chết, và bắt đầu suy tư sâu sắc hơn về giá trị của cuộc đời, của tự do. Từ đây, ông quyết định giã từ chủ nghĩa cộng sản của Marx.
Khrushchev lên thay Stalin cai trị Liên Bang Soviet, nới lỏng bàn tay sắt và cho văn sĩ tự do ngôn luận. Nhờ vậy mà Solzhenitsyn được tha bổng năm 1956. Về lại Nga, ông ban ngày dạy học, ban đêm bí mật viết lách. Khrushchev đang chủ trương bài Stalin, cho phép ông xuất bản bộ One Day in the Life of Ivan Denisovich, năm 62. Bộ đó mô tả nhiều tội ác của chế độ Stalin trong các trại tù lao động cưỡng bức, là tác phẩm văn học thời Soviet viết về chủ đề chính trị mà tác giả lại là người không theo cộng sản. Tất nhiên là phải kiểm duyệt gắt gao và cắt bỏ nhiều. Bộ đó còn được đưa vào trường dạy cho học sinh. Nhưng thời vàng son đó không lâu; Solzhenitsyn chỉ xuất bản được thêm vài ba tác phẩm ngắn nữa thì Khrushchev thoái vị, và ông cũng bị treo bút. Từ đó trở đi, viết lách đối với ông là một sự cả gan, vì sợ mật thám KGB. Trong diễn văn nhận giải Nobel Văn Chương, ông viết rằng từ sau khi được thả lỏng cho tới 1961, ông tin là mình sẽ không bao giờ xuất bản được một dòng nào nữa, viết rồi cũng không dám đưa cho bạn bè và người thân đọc, vì sợ người ta biết. Mặc dù sau này có bạn bè làm trong ngành xuất bản giúp đỡ, tác phẩm của ông cũng không qua khỏi con mắt dò xét của Hội Nhà Văn. One Day in the Life of Ivan Denisovich là một trong những tác phẩm ít ỏi của ông được xuất bản tại Liên Bang Soviet.
Sau khi chính quyền Liên Bang Soviet siết chặt lại chính sách văn nghệ, Solzhenitsyn gần như bị treo bút. Bị mật thám KGB theo dõi, ông vẫn cặm cụi làm việc để viết cho xong tác phẩm lớn nhất của ông The Gulag Archipelago. Mật thám KGB cuối cùng cũng biết ông đang lén lút cưu mang những tác phẩm phê phán chế độ. Bản thảo bị cướp; năm 1969 Solzhenitsyn bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn. Ông hoảng sợ và tuyệt vọng. Trong cơn tuyệt vọng ấy, ông ngộ ra sự tự do tâm thức mà không công an mật hay nhà tù nào có thể cướp đi được của một người muốn xiển dương chân lí. Dần dần ông giải phóng mình khỏi cái bẫy của những vinh dự dối trá dành cho những nhà văn được chính quyền công nhận. Mặc dù toàn bộ tài liệu và ghi chép của ông bị tịch thu, ông vẫn tìm cách bí mật chuyển bản thảo The Gulag Archipelago (viết 1958–67) cho một người bạn cất giữ. Bộ đó đợi tới sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Liên Bang Soviet, ông mới có dịp công bố và xuất bản. Thật là một lịch sử li kì của một áng văn bất hủ.
The Gulag Archipelago tả trại lao động cưỡng bức dưới chế độ cộng sản Soviet, chủ yếu dành cho tù binh chiến tranh và tù nhân chính trị. Solzhenitsyn dùng lời chứng của nhiều tù nhân và công trình khảo cứu của ông về hệ thống trại tù này, truy lại nguồn gốc của nó từ thời cách mạng Bolsheviks. Nhờ nó mà độc giả biết được Lenin mà nhiều người cộng sản tôn sùng chính là tác giả của các quy trình tra vấn, vận chuyển tù binh, cách xử sự trong trại tù, và các phương pháp giam lỏng liên quan tới hệ thống tù khét tiếng này. Tác phẩm này nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển của thế kỉ hai mươi, được dịch ra nhiều thứ tiếng, và đưa gulag vào thành một mục từ trong các từ điển của phương Tây.
Năm 1970, ông được trao giải Nobel Văn Chương, nhưng không sang Stockholm nhận thưởng được, vì ra đi tức là sẽ không còn ngày về lại quê hương. Năm 1974, khi đang lưu vong ở Tây Đức, người ta mới làm lễ trao giải riêng cho ông.
Ngày 12 tháng Hai 1974, Solzhenitsyn bị công an đột nhập vào nhà. KGB tìm thấy một phần bản thảo bộ The Gulag Archipelago. Ông bị tước quyền công dân Soviet và trục xuất sang Frankfurt, Tây Đức. Sau đó ông lưu vong ở nhiều nơi, Thụy Sĩ, Mĩ, cho tới khi chế độ Liên Bang Soviet sụp đổ, ông cùng vợ trở về Nga và phục hồi quyền công dân.

No comments:

Post a Comment