Sunday, October 30, 2011

Nhanh nhưng đừng hấp tấp


Nguyễn Quang A Có những câu ngạn ngữ trong nhiều thứ tiếng khác nhau có ý giống nhau: “muốn được việc – đừng hấp tấp” hoặc “dục tốc bất đạt”. Nó khuyên người ta cẩn trọng, tính toán khi làm gì đó chứ đừng hấp tấp vì sẽ không mang lại kết quả mong muốn.


Nếu có thể làm nhanh mà vẫn không hấp tấp, vẫn có tính toán cẩn trọng, thì có thể kết quả càng nhiều và không ngược với ý răn trên.
Nhanh đừng hấp tấp!
Đấy là chuyện ngạn ngữ, châm ngôn.
Cảnh ách tắc giao thông như thế này thường thấy ở những thành phố lớn của VN. Ảnh: Internet 
Quay sang chuyện ông Bộ trưởng GTVT nhanh, năng nổ, làm cái gì cũng muốn mau chóng. Báo chí ồn ào, đôi khi thổi phồng quá đáng, biến chuyện thay đổi có lẽ bình thường thành chuyện động trời. Từ chuyện đi thị sát xây dựng ông thay một trưởng ban quản lý dự án ở Đà Nẵng; rồi không lâu sau ông yêu cầu một ban quản lý dự án khác loại 5 nhà thầu phụ do không đảm bảo tiến độ, thì báo chí giật tít “trảm tướng” tại công trường, “trảm tiếp” 5 nhà thầu một lúc…
Đọc nội dung mà các báo nêu ra, thì tôi cho đó là việc bình thường mà ông phải làm, nhưng cách báo chí giật tít biến thành chuyện tưởng như động trời, liệu có nên chăng?
Hấp tấp chắc chắn không có kết quả mong muốn, song hành động nhanh, có tính toán sẽ tạo ấn tượng và kết quả tốt. Mong ông có tính toán cẩn trọng và hành động nào cũng chỉ vì việc chung.
Chuyện chống ách tắc giao thông ông cũng rất năng nổ với lời kêu gọi nhân viên bộ ông đi xe bus. Tôi, một người đi xe bus thường xuyên, hoan nghênh sáng kiến này ở Hà Nội và cũng nhắc về giải pháp “phân tải” rất quen thuộc được nhiều nơi sử dụng bằng điều chỉnh giờ làm việc.
Ngày 17.10.2010 ông chủ trì một hội nghị với các ban ngành Hà Nội bàn về điều chỉnh giờ làm việc.
Ngày 21.10 Bộ hoàn thành dự án điều chỉnh giờ làm việc gửi UBND Hà Nội cho ý kiến. Khá nhanh, khá ấn tượng! Nếu có tính toán kỹ thì rất đáng hoan nghênh và góp ý cho tốt hơn.
Sao không thấy Bộ công bố dự thảo? Không công bố thì ai biết họ tính toán ra sao, có cơ sở hay không để mà phản biện như ông Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu?
Vào trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội không thấy thông tin thống kê. Trang của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho số liệu năm học 2010-2011: tổng số học sinh phổ thông 14.851.820, trong đó 7.041.312 tiểu học (cùng với 780.601 giáo viên trong đó có 344.521 giáo viên tiểu học). Có khoảng 1,5 triệu sinh viên cao đẳng và đại học. Không có số liệu của Hà Nội.
Vào trang của Tổng cục Thống kê thấy số liệu của nhiều năm và cả của các địa phương. Số liệu năm 2010 của Hà Nội: 1.021.634 học sinh phổ thông, trong đó có 469.622 học sinh tiểu học. Như số học sinh, sinh viên ở Hà Nội chắc chắn hơn 1,5 triệu.
Có người than “ai sẽ đưa đón con nếu thay đổi giờ làm việc?”. Có thể ước lượng số người này theo số học sinh tiểu học (học sinh trung học và sinh viên hiển nhiên tự đi được). Thường chỉ có số học sinh trái tuyến mới thực sự phải đưa đón và tham gia vào giao thông đô thị. Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội có khoảng 12-13% học sinh trái tuyến, nói cách khác cỡ 56 ngàn học sinh trái tuyến cần đưa đón. Đáng tiếc số này lại tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố (ở các huyện, các vùng ngoại ô hẳn việc học trái tuyến không đáng kể).
Thay đổi giờ học ở Hà Nội chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1,5 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên, và như làm thế thay đổi đáng kể diễn biến của lưu lượng theo thời gian. Thay đổi giờ làm việc của các cơ quan hành chính cũng thế. Làm khéo thì tải được phân đều hơn và tình trạng ách tắc giao thông giờ cao điểm chắc chắn được cải thiện đáng kể, làm không khéo tình hình có thể chẳng cải thiện được mấy.
Hiện nay đã có những mô hình về chuyển động trong thành phố khá tốt và dùng các mô hình ấy để lên các phương án lựa chọn không khó và cũng chẳng quá tốn kém, thậm chí có thể dựa vào biến động lưu lượng điện thoại di động để ước đoán về lưu lượng hay di chuyển của dòng người và xe cộ. Nhưng để có thể sử dụng các mô hình như vậy cần đến thông tin (chi tiết hơn, chứ không chỉ thông tin tổng hợp “tĩnh” như số học sinh nêu ở trên).
Nếu có đầy đủ số liệu (học sinh của từng loại trường, địa chỉ của các trường, chỗ ở của từng học sinh [như dữ liệu tập trung của chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục (SEQAP) chẳng hạn]; các số liệu tương tự của các cơ quan nhà nước; ước lượng hay đo lường về lưu lượng giao thông theo thời gian của các tuyến đường chính tại Hà Nội), thì không khó và không quá tốn kém để thực hiện những tính toán mô phỏng các phương án phân tải bằng việc thay đổi giờ làm việc khác nhau nhằm chọn ra phương án tốt nhất mà khỏi phải “vừa làm vừa chỉnh” hay viện vào chưa rõ hiệu quả nên dây dưa không làm. Có ai nghĩ đến việc thu thập và tích hợp các thông tin như vậy hay không?
Theo tôi, chắc Bộ GTVT chưa có được những tính toán như thế, và cuộc họp ngày 25.10 của các cơ quan Hà Nội bàn về vấn đề này cũng chưa dựa trên những tính toán có cơ sở, có lẽ do chưa có thông tin như vậy. Thế mà những thông tin ấy chắc chắn có ở đâu đó (hay lơ lửng trên các tuyến đường) nhưng không được thu thập và tích hợp. Thật lãng phí thông tin và tri thức.

No comments:

Post a Comment