Monday, October 24, 2011

Nguy hiểm gia tăng với Trường Sa Việt Nam


Lê Ngọc Thống - Trong tình hình hiện nay nếu Trung Quốc tấn công xâm chiếm Trương Sa của Việt Nam thì cuộc tấn công đó không thể thắng, nếu có chiếm được với giá rất đắt thì cũng không thể giữ vì trong khu vực quần đảo này về lựcthì Việt Nam không kém Trung Quốc, nhưng về thế thì Việt Nam hơn hẵn. Tuy nhiên thế trận sẽ khác đi nếu như…
Đài Loan, đặc biệt là mấy ngày gần đây có những động thái gây chú ý dư luận. Phải chăng họ hùa cùng Trung Hoa đại lục trong việc tranh chấp Trường Sa hay lợi dụng Việt Nam, Philippin… để tăng cường khả năng phòng thủ chống Trung Hoa đại lục trên đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm được)? Đằng sau động thái này là gì?
Đài Loan tồn tại độc lập đến ngày nay thế giới ai cũng biết đó là nhờ ô bảo vệ của Mỹ. Sáu mươi năm nay Trung Quốc quyết tâm thu hồi Đài Loan cao nhất mới chỉ mức đe dọa dùng vũ lực, bởi nếu dùng vũ lực thì họ bắt buộc phải đối đầu với Mỹ – điều mà họ không muốn. Hơn nữa, dưới con mắt của những nhà chiến lược Trung Quốc, Đài Loan không phải là tất cả. Không thu hồi được vì không đủ sức đối đầu với Mỹ thì Trung Quốc sẵn sàng chơi lại “con bài” Đài Loan với Mỹ, Nhật. Tình hình hiện nay, Mỹ cứ tưởng dùng Đài Loan để kiềm chế được Trung Quốc là sai lầm. Trung Quốc bây giờ đã lớn mạnh, việc Đài Loan trở về với Đại lục hay không bây giờ không còn có giá trị gì về chính trị, quân sự nữa. Với Trung Quốc, Đài Loan bây giờ chỉ là một quân cờ chiến lược mà thôi, là thứ để chơi chứ không phải để ăn. Nếu bây giờ chính quyền Đài Loan tuyên bố từ bỏ Mỹ, điều gì sẽ xảy ra khi Đài Loan thần phục Trung Quốc? Chắc chắn ý nghĩa quân sự của eo biển Đài Loan sẽ mất, mà Trung Quốc thì coi cái eo biển đó ra gì đâu, nhưng điều đặc biệt ở đây là Trung Quốc chưa muốn có Đài Loan lúc này. Vì thứ nhất: Khi đó bàn cờ chiến lược khu vực sẽ thay đổi, một nhân vật chính thứ hai (nhân vật chính thứ nhất đương nhiên là Mỹ) bắt buộc phải xuất hiện mà Trung Quốc càng không muốn phải đối đầu – Nhật Bản. Nhật Bản không còn “vùng đệm”, không còn vị trí canh giữ tiền tiêu nữa nên bắt buộc khởi động nền công nghiệp quốc phòng của mình để đối phó với Trung Quốc đang lên, mà với cơ sở và trình độ công nghệ hiện tại, Nhật Bản sẽ là cường quốc quân sự số 1 ở Châu á TBD này chứ không phải Trung Quốc. Thứ hai là: Trung Quốc cũng muốn tồn tại “vùng đệm” này để Mỹ, Nhật Bản hý hửng là kiềm chế được Trung Quốc mà tranh thủ thời gian không ai gây khó trong việc hiện đại hóa quân sự. Chờ đến lúc tiềm lực quân sự ngang Mỹ thì công nhận thu nạp Đài Loan cũng chưa muộn.
Với Trung Quốc, sở hữu Đài Loan không quan trọng bằng sở hữu đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa mà Đài Loan đang chiếm giữ.
Mới đây, giới quân sự, ngoại giao Đài Loan hô hào tăng cường tên lửa và tiềm lực quân sự cho đảo Ba Bình với lý do là để cân bằng với Việt Nam, Philippin. Hành động này cứ tưởng Đài Loan nể mặt Trung Quốc nên lấy Việt Nam, Philipin làm bình phong. Nhưng sự kiện Tổng thống Đài Loan mới đây “đang cân nhắc ký với Trung Quốc một hòa ước” (VOA), điều nghe có vẻ như “xin được quàng làm họ”. Không còn nghi ngờ điều gì nữa, rõ ràng họ hùa với Trung Quốc để chống Việt Nam và Philippin. Và món quà ra mắt có tăng cường thêm “đồ trang sức” để có một “hòa ước” không gì giá trị bằng đảo Ba Bình. Trung Quốc đại lục đã từng cắt đất cho kẻ mạnh như Anh, Nhật Bản để mong được yên thân thì tại sao Đài Loan lại không?
Nếu như Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì đảo Ba Bình cũng vậy, Trung Quốc sẽ tuyên bố dùng vũ lực để giành lấy (sau khi đã thỏa thuận). Một lực lượng Hải quân hùng hậu của Hạm đội Nam Hải từ căn cứ sẽ xuất phát đến vị trí tấn công. Dù chỉ cần hạ cờ Đài Loan xuống, treo cờ Trung Quốc lên là Ba Bình thuộc họ nhưng Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng lớn như thế nhằm 2 mục đích: Một là khuếch trương thanh thế, hù dọa các nước trong khu vực đồng thời tạo điều kiện cho chính quyền Đài Loan dễ ăn nói khi ký hòa ước. Hai là Việt Nam nếu tin vào 6 nguyên tắc mà 2 ông Tổng vừa ký kết mà không cảnh giác, không chuẩn bị xuất kích thì từ vị trí tấn công đã chiếm lĩnh, Trung Quốc sẽ tấn công Trường Sa của Việt Nam. Khi Trường Sa kêu cứu đã là quá muộn.
Nếu Trung Quốc có được đảo Ba Bình – hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là một nguy hiểm cực lớn cho Trường Sa của Việt Nam. Nó là điểm đứng chân, xuất phát hết sức thuận lợi cho các cuộc tấn công vào bất cứ đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong tình thế hiện nay Trung Quốc tấn công xâm chiếm Trường Sa thì không thể thắng, nếu có chiếm được bởi giá rất đắt thì không thể giữ. Nhưng khi có đảo Ba Bình thì họ lựa chọn phương án tấn công dễ dàng hơn rất nhiều. Lợi thế không hoàn toàn thuộc về Việt Nam như trước nữa.
Trường Sa của Việt Nam, nguy hiểm đang và sẽ gia tăng trước âm mưu của chủ nghĩa dân tộc bành trướng.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-10-11

No comments:

Post a Comment