Tuesday, October 25, 2011

Hai bài viết, hai nhân cách


Nguyễn Hữu Vinh - Đọc bài viết của bác Huỳnh Ngọc Chênh, bài viết có năm đoạn, đoạn đầu nói về nhu cầu thông tin của con người, đoạn hai nói về nỗi niềm của những người viết báo Việt Nam hiện nay khi thông tin và lòng dân không trùng ý đảng mà vẫn phải viết cho báo đảng, theo ý đảng.
Đó là nỗi day dứt không có lối thoát  của người cầm bút có lương tâm. Đoạn ba nói về blog như một cứu cánh để được giải tỏa thông tin, rồi những hệ lụy có thể mang lại khi những thông tin đó được nhiều người đọc lại không trùng ý đảng, lại phải đẽo gọt cho vừa chiếc giày ý đảng để rồi trở về “cái máng lợn ăn sứt mẻ” và buộc lòng đóng blog. Đoạn thứ tư là những ước mơ, đoạn thứ năm là những hi vọng rằng ước mơ đó không chỉ là mơ ước khi các chế độ độc tài đang thi nhau sụp đổ nhanh chóng. Một cây viết khát khao được nói lên sự thật, lòng dân, cuối cùng là những “Lời cuối chân thành”.
Đọc được ở đó những ước mơ của bác, cụ thể, giản đơn “Tôi mơ thấy quyền được thông tin của người dân không bị cấm đoán, báo chí được tự do và ai cũng có thể nói lên chính kiến của mình mà không bị phiền hà.” Nghe nó uất nghẹn, nghe đau đớn với tâm tình của những người Việt Nam chúng ta được vinh hạnh sống dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp. Ở đó chúng ta có “dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản” (Phạm Văn Đồng).
- Đọc bài viết của Đại tá, Ts Nguyễn Văn Quang, tự xưng là Phó trưởng Ban Nghiên cứu – Tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự nhan đề “Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp“.
Bài viết cũng có năm đoạn, đoạn đầu là chụp mũ, kết tội “các thế lực thù địch mượn danh nhân dân chống lại chủ trương chính sách của đảng và nhà nước cũng như ý chí nguyện vọng của toàn dân” trong việc bổ sung Hiến pháp năm 2011. Đoạn thứ hai là định nghĩa lòng thòng về nhân dân. Đoạn thứ ba cũng giải thích về nhân dân và phân biệt không bao gồm những kẻ thống trị bóc lột nhân dân. Đoạn thứ tư là ca ngợi Hiến pháp, công nhận những người đấu tranh cho dân chủ, tự do không chống lại quyền lợi của nhân dân Việt Nam kể cả ngoại kiều cũng là được công nhận và coi là nhân dân. Đoạn thứ năm là nói về việc nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết không được ai can thiệp, kể cả nhân dân Việt Nam cũng không can thiệp vào Anh, Mỹ. Đặc biệt là ông cảnh cáo các “luật sư” “trí thức” không được cả gan nhận mình là nhân dân”.
Nội dung là vậy, nhưng cách hành văn chằng chéo, lủng củng như đám rau má mọc hoang nên mò mãi không ra. Chưa nói đến nội dung, riêng cách hành văn, ông đáng được điểm 2/10, không thể hơn. Chỉ đọc bài viết này, có lẽ người ta sẽ hiểu được sự xuống cấp thê thảm của văn học Việt Nam đang ở mức độ nào, nhất là lại khi nghe ông này tự xưng là Phó trưởng Ban Nghiên cứu – Tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự nữa thì nguy cơ đó không phải đâu xa. Con gái tôi học lớp 9, sau khi đọc bài báo đó nó trách ngược lại tôi: “Đấy, thế mà bố cứ bảo con kém văn, nếu chỉ viết với mấy ý như thế thì con còn viết được rõ ràng và hay hơn cái ông đại tá tiến sĩ này nhiều”.
Hai bài báo, một của người viết báo có tâm huyết với nghề, nói lên nỗi lòng mình, cuối cùng dù có buộc phải câm lặng còn hơn là nói những điều trái ngược.
Một của Đại tá, Ts với chức danh rừng rực được phơi lên mặt báo để lý luận, để rao giảng kiến thức… chẳng giống ai. Nhưng cái đuôi cuối cùng thì vẫn là để thanh minh rằng không phải là “ Đảng ta đã “biển thủ”, “đánh cắp” hay “bắt cóc”, “cầm tù” bản Hiến pháp đó” và không chấp nhận “ tư tưởng đa nguyên, tạo dựng ý thức chính trị xây dựng một bản hiến pháp theo tinh thần đa nguyên”.
Đọc lại bài viết của Huỳnh Ngọc Chênh chợt nhớ câu thơ Phùng Quán:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
(Phùng Quán – Lời mẹ dặn)
Thế nhưng, sự đời đâu có dễ dàng để đến khi phải nói “Lời cuối chân thành” mà chấp nhận:
A… xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà.
Thôi thì ta quay lại
chuyện trò cùng cái bóng máu me ta
Sáng nay, nhận được cú điện thoại của người bạn vốn hay theo dõi thông tin, chỉ theo dõi chứ không viết lách gì, hỏi về hai bài báo đó. Tôi chẳng biết trả lời sao. Bởi tôi không thể hiểu được ông Đại tá Ts Nguyễn Văn Quang này không biết, không hiểu hay cố tình không hiểu để nặn ra những bài viết ấm ớ kiểu trên? Hay bởi cái gọi là “ý thức chính trị” đã bào mòn, làm ruỗng mục hết những ý nghĩ thông thường, lẽ phải và chân lý trong ông?
Tôi hỏi anh bạn: “Theo ông, có phải thật sự cái ông Quang này nghĩ như vậy, do không biết hay ông có biết mà vẫn viết những lời lẽ ngu ngơ, lú lẫn như vậy”? Anh bạn tôi trả lời: “Chỉ có ông ấm ớ thôi, chúng nó biết cả đấy ông ạ, biết hết nhưng chỉ là cái trò “giả chết bắt quạ, giả đui dòm l…” thôi ông ơi. Không giả chết thì làm sao ăn được thịt quạ, thịt kền kền, không giả đui thì sao đủ can đảm nhìn vào chỗ bẩn thỉu nhất của thiên hạ. Thời buổi này cái loại đó nhiều lắm”.
Đến đây tôi lại chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Duy:
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vâng, đúng là còn lắm thứ điếm, điếm của cái thời:
Có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta là ta mà ta cứ mê ta[1]
Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
Vâng – một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng
thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên thum thủm cả tim gan
Có lẽ chính vì như vậy, mà những người như Phùng Quán phải chấp nhận cuộc sống gian nan, để những gian thần nịnh hót múa may trên mọi diễn đàn chính thống mưu lợi cá nhân cho mình.
Có lẽ chính vì vậy mà Huỳnh Ngọc Chênh buộc phải nói “Lời cuối chân thành” để diễn đàn cho những kẻ như Nguyễn Văn Quang nhảy múa. Và có lẽ chính những điệu múa đó đã đưa ông ta lên đến chức quyền, nhãn mác Đại tá, Ts, Phó trưởng Ban Nghiên cứu – Tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự.
Nhưng, đâu có thể mãi mãi là như vậy, dù muộn mằn thì thời đó phải chấm dứt cho sự thật lên tiếng, cho chân lý tồn tại để xã hội phát triển. Những ngày tháng qua, những biến động xã hội, những tiếng nói của người dân đã cất lên dù le lói yếu ớt nhưng chứa đựng ánh sáng sự thật đã làm bùng lên bao tia sáng hi vọng.
Và như thế thì vẫn phải tự an ủi:
Dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây.
(Nguyễn Duy – Nhìn từ xa Tổ Quốc).
Hà Nội, 25/10/2011

No comments:

Post a Comment