Sunday, September 18, 2011

Sách lược chuyển hóa


Đoàn Viết Hoạt - Như chúng tôi đã trình bầy từ nhiều năm trước, có 3 phương thức giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam: trông đợi sự chấp nhận dân chủ của ban lãnh đạo cộng sản, lật đổ chế độ bằng bạo lực quân sự hay quần chúng, và tạo các áp lực và môi trường, điều kiện để đưa đến chế độ dân chủ hoặc qua thay đổi trong nội bộ ban lãnh đạo cộng sản, hoặc bằng một phong trào quần chúng, hoặc tổng hợp cả hai cách.

Tất nhiên chúng ta không thể chấp nhận phương thức thứ nhất vì đơn giản thụ động ngồi chờ không phải là vận động dân chủ. Phương thức thứ hai không khả thi về mặt bạo lực quân sự, chỉ khả thi về mặt quần chúng, với điều kiện tạo được phong trào quần chúng. Do đó, tôi đã đề nghị chọn phương thức thứ 3, mà tôi gọi là sách lược chuyển hóa. Từ nhiều năm nay tôi đã vận động cho phương thức này và đã cùng làm việc để thực hiện phương thức này với những cá nhân, nhóm và tổ chức nào đồng ý.

Trước hết, sách lược chuyển hóa nhằm bốn mục tiêu cụ thể: (1) tạo được áp lực từ xã hội và quần chúng đòi thay đổi chế độ chính trị; (2) nới lỏng được sự kiểm soát của đảng CSVN trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, tư tưởng; (3) tạo được sự ủng hộ của quốc tế cho tiến trình dân chủ hóa; (4) xây dựng được nhân sự nồng cốt (core) và lực lượng dân chủ trong nước.

Ba mục tiêu đầu không thể thực hiện được nếu thiếu điều kiện thứ tư. Nhưng nhân sự nồng cốt và lực lượng dân chủ không thể xây dựng được từ chân không, thuần lý thuyết, và ở ngoài nước, mà phải từ quần chúng ở ngay trong nước, và bằng các phương pháp mang tính chuyên nghiệp.

Trước hết và trên hết, cần có môi trường nhân xã (kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm lý quần chúng…) thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu thứ 4 này. Hiện nay, các điều kiện kinh tế, xã hội khá thuận lợi. Sức mua của dân chúng được nâng cao, thông lưu trong nước với khu vực và quốc tế tương đối cởi mở (regional and global mobility), thông lưu giữa các miền trong nước dễ dàng (social mobility). Các phương tiện truyền thông, kể cả điện tử hiện đại, ngày càng phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Chỉ còn vấn đề tâm lý quần chúng cần được khai thông hơn nữa.  Đại đa số người dân chưa thật sự thấy cần thay đổi chế độ chính trị hiện nay. Họ bất mãn, chống đối, ít hay không còn tin tưởng vào ban lãnh đạo cộng sản hiện nay. Tuy nhiên đa số vẫn chỉ chống bất công, tham nhũng, lạm dụng quyền thế, đòi hỏi công lý, công bằng xã hội, đòi hỏi “đổi mới” để có được ban lãnh đạo tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng quần chúng. Những đòi hỏi này là cần thiết, cần được hỗ trợ để phát triển mạnh và rộng khắp hơn nữa. Những đòi hỏi này cũng khá thuận lợi cho việc đạt mục tiêu thứ 2: bào mòn uy tín và sức mạnh của đảng và nhà nước cộng sản, nới lỏng và thu hẹp phạm vi và khả năng kiểm soát xã hội của họ. Tuy nhiên để xây dựng được nhân sự nồng cốt và lực lượng dân chủ thì những đòi hỏi này chưa đủ. Dù sao chúng ta thấy hiện nay những yếu tố tâm lý xã hội mới đang nẩy sinh từ bối cảnh xã hội đã có nhiều đổi thay so với những năm trước đây.

Trong những năm gần đây, đã xuất hiện một lớp người mới, tuy còn ít nhưng đang phát triển, đó là thành phần thức giả và thanh niên trí thức thành thị. Tầng lớp này bắt đầu hiểu rằng căn nguyên của mọi căn bệnh Việt Nam hiện nay chính là chế độ cộng sản, và chỉ có thay đổi nó bằng chế độ dân chủ pháp trị mới hy vọng giải quyết tận gốc những căn bệnh đang làm quần chúng bất mãn. Những nhân sự nồng cốt cho lực lượng dân chủ cần được nhận diện từ trong thành phần này, và có kế họach xây dựng đúng hướng, hữu hiệu và chuyên nghiệp. Nhân sự nồng cốt tất nhiên không thể nhiều và cũng không cần nhiều, nhưng cần “tinh”. Tinh về lý tưởng và tầm nhìn, bền vững, xa dài. Tinh về kiến thức và nhận thức về dân chủ và về tiền đồ dân tộc, trong thời đại toàn cầu. Tinh về khả năng tồn tại, hoạt động hữu hiệu, và mở rộng hệ thống nối kết vi tế, sinh động, nhiều tiềm năng, trong điều kiện an ninh còn dầy đặc, chuyên nghiệp và tinh vi của chính quyền cộng sản. Tinh cả về lý tưởng, tầm nhìn, nhận thức, tấm lòng, nhân cách và khả năng. Đó mới có thể là nhân sự nồng cốt cho lực lượng dân chủ.

Nhiệm vụ của những nhân sự nồng cốt là: (1) xây dựng được lực lượng dân chủ và hệ thống nối kết dân chủ; (2) tham mưu và điều phối hệ thống nối kết (network) và các họat động của hệ thống này và của lực lượng dân chủ. Nhiệm vụ của lực lượng dân chủ và của hệ thống nối kết dân chủ là thực hiện được 3 mục tiêu chuyển hóa dân chủ 1, 2, 3 nói trên. Cần phân biệt nhân sự nồng cốt với hệ thống nối kết và lực lực lượng dân chủ.

Hệ thống nối kết rộng hơn lực lượng dân chủ, bao gồm tất cả những cá nhân, nhóm, có tổ chức, có tên gọi hay không, hoạt động vì tự do, nhân quyền, dân chủ, trong mọi lãnh vực — văn hóa, giáo dục, truyền thông, xã hội, chính trị. Nhiệm vụ của nhân sự nồng cốt là nhận diện, tiếp cận, nối kết và phối hợp được các hoạt động đa dạng này, nhưng không cần nối kết thành một tổ chức, vừa để bảo đảm an toàn cho mỗi cá nhân, mỗi nhóm, vừa giữ được tính phong phú đa dạng của các hoạt động này. Những hoạt động này có tác dụng nung nấu một phong trào quần chúng, và hệ thống nối kết vừa giúp đẩy nhanh và lan rộng các nhân tố hình thành phong trào đồng thời chuẩn bị phát động phong trào quần chúng khi cần thiết.

Lực lượng dân chủ được hình thành và tổ chức từ hệ thống nối kết, bao gồm những cá nhân và nhóm hoạt động tích cực nhất, có tổ chức, có khả năng tập hợp và hướng dẫn khi phong trào bùng nổ. Cả ba — nhân sự nồng cốt, hệ thống nối kết và lực lượng dân chủ — đều thuộc phe dân chủ, dân tộc và tiến bộ, có chung nhiệm vụ là thực hiện 3 mục tiêu cụ thể trong sách lược chuyển hóa.

Chúng tôi xây dựng sách lược chuyển hóa dân chủ dựa trên tiền đề này: tiến trình dân chủ là xu thế tất yếu của thời đại. Ban lãnh đạo cộng sản cũng không thể đi ngược lại xu thế này, tuy nhiên họ tìm cách thực hiện tiến trình này theo lộ trình của họ. Lộ trình của họ nhằm vừa làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa (để kịp điều chỉnh có lợi cho họ) vừa giới hạn sự chuyển hóa trong các lãnh vực kinh tế, thương mại, cho đến khi “không thể không” thay đổi trong các lãnh vực văn hóa và chính trị. Tạo được tình trạng “không thể không” cho phe cộng sản phải là mục tiêu chiến lược của phe dân chủ. Dưới áp lực của tình thế, kể từ 1990, họ đã “không thể không” tự do hóa các họat động kinh tế, mở cửa cho người dân tham gia vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đang tạo ra vừa cơ hội vừa áp lực mới cho những đòi hỏi tự do hóa các lãnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin và tư tưởng. Chúng ta cần nhận diện ra và khai dụng những cơ hội và áp lực mới này để nhanh chóng tạo ra tình trạng “không thể không” tự do hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục, thông tin và cơ chế chính trị. Lực lượng dân chủ hình thành và phát triển vừa bằng đấu tranh, đòi hỏi, vừa qua các hoạt động đa dạng, tự động, tự phát, nhằm mở rộng cánh cửa tự do cho mọi người trong các lãnh vực thông tin văn hóa, giáo dục, tư tưởng và chính trị. Phong trào quần chúng sẽ lớn mạnh dần lên qua cuộc vận động văn hóa-xã hội-chính trị này. Và áp lực từ mọi thành phần quần chúng, bình dân và thức giả, sẽ đặt ban lãnh đạo cộng sản trước hai lựa chọn: hoặc chấp nhận tự do hóa văn hóa-chính trị như trong kinh tế, hoặc tan rã trước cuộc cách mạng mầu Việt Nam.

Nhưng đó vẫn sẽ chỉ là triển vọng, dù xu thế tương lai chắc chắn thuộc về phía dân chủ. Để triển vọng này sớm trở thành hiện thực, chúng ta phải bắt tay vào làm việc. Và phải cùng nhau học tập cách làm việc có hiệu quả –nghĩa là phải làm việc một cách khoa học, vì vận động dân chủ hóa đã trở thành một khoa học.
(Hải ngoại, mùa thu 2011)

© Đoàn Viết Hoạt
Nguồn: http://changevietnam.wordpress.com/2011/09/15/doan-vi%E1%BA%BFt-ho%E1%BA%A1t-sach-l%C6%B0%E1%BB%A3c-chuy%E1%BB%83n-hoa/

No comments:

Post a Comment